Đức Kitô hỏi, " Có lợi ích gì nếu được cả thế gian mà mất sự sống ? " (Mt
16:26a)
Câu hỏi trên đã trở thành lời tâm niệm của
một giáo sư triết trẻ tuổi, với một tương lai đầy hứa hẹn trong giới kinh viện
mà sự thành công, uy tín và vinh dự đang chờ đón.
Vào lúc đó, Phanxicô Xaviê mới 24 tuổi,
đang sinh sống và giảng dạy ở kinh thành Paris. Ngài không thay đổi ngay lập tức khi
nghe những lời ấy, nhưng tất
cả là nhờ ở người bạn tốt, Cha Ignatius ở Loyola, đã liên lỉ thuyết phục và
sau cùng đã chiếm được
người thanh niên ấy cho
Ðức Kitô. Sau đó, Phanxicô tập luyện đời sống tâm linh dưới sự hướng dẫn
của Cha Ignatius, và năm 1534 ngài gia nhập cộng đoàn nhỏ bé của Cha Ignatius
(là Dòng Tên thời tiên khởi). Tại Montmartre, các ngài khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và hoạt
động tông đồ dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng.
Từ Venice, là nơi ngài thụ phong linh mục năm 1537,
Cha Phanxicô Xaviê đến Lisbon
và từ đó ngài dong buồm đến Ấn
Ðộ, cập bến làng Goa
ở bờ biển phía tây nước Ấn. Trong vòng 10 năm tiếp đó, ngài đã tích cực hoạt
động để đem đức tin đến cho rất nhiều dân tộc, trong đó có người Ấn Ðộ, Mã Lai và Nhật Bản.
Bất cứ chỗ nào ngài đến, ngài đều sống với người nghèo, chia sẻ
thức ăn và các phương tiện thô sơ với họ. Ngài dành rất nhiều thời giờ
để chăm sóc người đau yếu, nghèo khổ, nhất là người cùi. Rất
nhiều khi ngài không có
thời giờ để ngủ hoặc ngay cả để đọc kinh nhật tụng, nhưng,
qua các thư từ ngài để lại chúng ta được biết, ngài luôn luôn tràn ngập niềm
vui.
Cha Phanxicô đến các quần đảo ở Mã Lai, và
Nhật Bản. Ngài học tiếng
Nhật và rao giảng
cho các người dân chất phác, dạy giáo lý và rửa tội cho họ, cũng như thành lập các trụ sở truyền giáo
cho những người muốn giúp đỡ công cuộc của ngài. Từ Nhật Bản, ngài mơ ước đến Trung Hoa,
nhưng dự tính này không bao giờ thực hiện được. Ngài đã từ trần trước khi đặt
chân đến phần đất này.
Năm 1622, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô X
phong thánh và đặt làm quan thầy các công cuộc truyền giáo nước ngoài.
Lời Bàn
Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi
để "ra đi và rao giảng cho muôn dân"
( Mt 28:19). Chúng ta không nhất thiết phải đi đến những nơi xa xôi để rao
giảng, mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng, và những người
cùng làm việc với chúng ta. Và sự rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn
qua đời sống hàng ngày. Chính nhờ sự hy sinh, từ bỏ tất cả những gì của riêng
mình, mà Thánh Phanxicô mới có tự do để đem Tin Mừng đến cho người khác. Hy
sinh là quên đi cái tôi của mình vì lợi ích cao cả hơn, lợi ích của sự cầu
nguyện, lợi ích khi giúp đỡ người có nhu cầu, lợi ích khi lắng nghe người khác.
Món quà lớn nhất của chúng ta là thời giờ, và Thánh Phanxicô đã hy sinh thời
giờ của ngài cho người khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét