Trái với việc công bố, cùng một lúc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bản phúc trình giữa khóa, bản phúc trình sau cùng, tức bản phúc trình của Thượng Hội Đồng (Relatio Synodi) đã chỉ được công bố bằng tiếng Ý và gần hai tuần sau, tức ngày 30 tháng Mười hôm nay, mới có bản tiếng Anh chính thức. Chúng tôi xin dựa vào bản này để chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Dẫn Nhập
1. THĐ giám mục, tụ họp quanh Đức Thánh Cha, đã hướng suy nghĩ của mình vào mọi gia đình trên thế giới, từng gia đình với những niềm vui, các khó khăn và niềm hy vọng của họ. Một cách đặc biệt, cuộc Hội Họp này cảm thấy có bổn phận phải tạ ơn Chúa về lòng quảng đại và trung thành của biết bao gia đình Kitô Giáo trong việc đáp lại ơn gọi và sứ mệnh của họ, những việc họ chu toàn một cách đầy vui tươi và đức tin, cho dù việc sống như một gia đình đòi họ phải đối diện với nhiều trở ngại, hiểu lầm và đau khổ. Toàn bộ Giáo Hội và THĐ này bày tỏ với các gia đình này lòng qúy mến, biết ơn và khích lệ của chúng tôi. Trong buổi canh thức cầu nguyện tổ chức tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô đêm 4 tháng Mười năm 2014 để chuẩn bị cho THĐ về Gia Đình, Đức GH Phanxicô đã đơn sơ và cụ thể nhắc nhớ tính trung tâm [của kinh nghiệm] gia đình trong đời sống mọi người như sau: “Đêm đang phủ xuống cuộc tụ họp của chúng ta. Đây là thời khắc người ta mau mắn trở về nhà để gặp lại tại cùng một bàn ăn, với lòng tràn đầy âu yếm, những điều tốt lành đã được thực hiện và lãnh nhận, những gặp gỡ làm ấm lòng và giúp nó phát triển, ly rượu ngon giục ta mau mắn tham dự tiệc tùng bất tận của đời người. Đây cũng là thời khắc nặng nề nhất để con người thấy mình diện đối diện với chính nỗi cô đơn của mình, trong cái tranh tối tranh sáng đắng đót của những giấc mộng tan tành và nhiều kế hoạch không thành; biết bao con người lê bước qua ngày trong ngõ cụt tăm tối của buông xuôi, bỏ rơi, ngay cả hận thù: trong biết bao căn hộ, rượu hân hoan mỗi ngày một ít đi, và do đó, cả lòng say mê sống nữa, vốn là đức khôn ngoan […]. Ta hãy làm cho lời cầu nguyện của ta được lắng nghe, lời cầu nguyện cho nhau vào buổi tối hôm nay, lời cầu nguyện cho mọi người”.
2. Bên trong bức tường gia đình, có niềm vui và thử thách, có yêu thương và liên hệ sâu sắc, những yêu thương và liên hệ đôi lúc bị tổn thương. Gia đình quả là “trường của nhân loại” (Gaudium et Spes, 52), rất cần thiết cho ngày nay. Bất chấp nhiều dấu hiệu khủng hoảng trong định chế gia đình tại nhiều khu vực khác nhau của “căn làng hoàn cầu”, ước muốn kết hôn và tạo lập gia đình vẫn rất mạnh mẽ, nhất là nơi người trẻ, và là căn bản để Giáo Hội cần phải công bố “Tin Mừng Gia Đình” một cách không mệt mỏi và với một xác tín thâm hậu, một Tin Mừng vốn được ủy thác cho Giáo Hội cùng lúc với việc Thiên Chúa mạc khải tình yêu của Người nơi Chúa Giêsu Kitô, và không ngừng được giảng dạy bởi các Giáo Phụ, các bậc thầy linh đạo và huấn quyền Giáo Hội. Gia đình là điều quan trọng một cách độc đáo đối với Giáo Hội và vào lúc này, khi mọi tín hữu đều được mời gọi nghĩ tới người khác hơn là nghĩ tới mình, gia đình cần được tái khám phá như là tác nhân chủ yếu trong công trình phúc âm hóa.
3. Tại Phiên Họp Toàn Thể Đặc Biệt hồi tháng Mười, năm 2014, Giám Mục Rôma đã kêu gọi THĐ Giám Mục suy nghĩ về thực tại nguy cấp và vô giá là gia đình, một suy nghĩ sau đó sẽ được theo đuổi sâu sắc hơn tại Phiên Họp Toàn Thể Thường Lệ dự tính diễn ra vào tháng Mười, năm 2015, cũng như trong suốt cả năm giữa hai THĐ này. “Việc convenire in unum (tụ họp làm một) quanh Giám Mục Rôma vốn đã là một một biến cố của ơn thánh, trong đó, tình hợp đoàn giám mục được làm cho hiển hiện qua con đường biện phân thiêng liêng và mục vụ”. Đó chính là lời lẽ được Đức GH Phanxicô sử dụng để mô tả kinh nghiệm THĐ và chỉ ra nhiệm vụ hiện nay: đọc được cả các dấu chỉ của Thiên Chúa và lịch sử con người, trong lòng trung thành hai mặt nhưng vẫn độc đáo do việc đọc này mang theo.
4. Với những lời lẽ trên trong tâm trí, chúng tôi đã thu lượm lại với nhau các kết quả suy nghĩ và thảo luận của chúng tôi trong ba phần sau đây: lắng nghe, xem xét tình thế gia đình hiện nay trong mọi nét phức tạp của nó, cả điểm sáng lẫn điểm tối; nhìn xem, bằng cái nhìn dán mắt vào Chúa Kitô để tái lượng giá, một cách tươi mát và phấn khởi như mới, những điều mạc khải, vốn được lưu truyền trong đức tin của Giáo Hội, vốn dạy chúng ta về vẻ đẹp và phẩm giá của gia đình; và đối diện với tình thế,bằng con mắt của chính Chúa Giêsu, để biện phân cách Giáo Hội và xã hội làm thế nào đổi mới được cam kết của mình với gia đình.
Phần I
Lắng nghe: bối cảnh và các thách đố của gia đình
Bối cảnh văn hóa xã hội
5. Trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô, chúng tôi xem xét thực tại gia đình trong mọi tính phức tạp của nó với cả các điểm sáng lẫn các điểm tối của nó. Chúng tôi hướng các suy nghĩ của mình vào cha mẹ, ông bà, anh chị em, các thân nhân xa gần và mối liên kết giữa hai gia đình do hôn nhân tạo ra. Các thay đổi về nhân học và văn hóa thời ta đã ảnh hưởng tới mọi khía cạnh sự sống và đòi hỏi một cách tiếp cận có tính phân tích và đa dạng hóa. Các khía cạnh tích cực được làm nổi bật trước nhất, tức tự do phát biểu nhiều hơn, nhìn nhận quyền lợi phụ nữ và trẻ em nhiều hơn, ít nhất tại một số khu vực trên thế giới. Đàng khác, cũng cần phải quan tâm giống như thế đối với nguy cơ do chủ nghĩa cá nhân gây rối đem lại, một chủ nghĩa làm méo mó các dây nối kết gia đình và kết cục coi mỗi thành phần trong gia đình như một đơn vị cô lập; trong một số trường hợp, còn dẫn tới ý niệm cho rằng con người được đào tạo theo các thèm muốn riêng của mình, những thèm muốn họ cho là tuyệt đối. Thêm vào đó, còn là cuộc khủng hoảng đức tin, được chứng kiến nơi rất nhiều người Công Giáo, một cuộc khủng hoảng thường nằm bên dưới cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình.
6. Một trong các khía cạnh nghèo nàn nhất của nền văn hóa hiện thời là nỗi cô đơn, phát sinh từ việc thiếu vắng Thiên Chúa trong đời sống con người và tính mỏng dòn dễ vỡ của các mối liên hệ. Một cách tổng quát, người ta cũng cảm thấy bất lực trước các thực tại văn hóa xã hội; các thực tại này đôi khi kết cục ở chỗ đè bẹp các gia đình. Đó là trường hợp gia tăng các hoàn cảnh nghèo đói và thất nghiệp, những hoàn cảnh đôi lúc trở thành ác mộng, hay trường hợp khó khăn tràn ngập về tài chánh khiến người trẻ không dám kết hôn. Các gia đình thường cảm thấy bị bỏ rơi do việc các định chế không thấy thích thú hay không lưu ý gì tới họ nữa. Tác động tiêu cực đối với việc tổ chức xã hội rất rõ ràng, như ai cũng thấy trong cuộc khủng hoảng dân số, trong việc khó khăn dưỡng dục con cái, trong việc do dự không dám chào đón sự sống mới và trong việc coi sự hiện diện của người cao niên như một gánh nặng. Tất cả các điều này có thể ảnh hưởng tới sự cân bằng về xúc cảm của người ta, một điều đôi khi dẫn tới bạo động. Nhà Nước có trách nhiệm phải thông qua các đạo luật và tạo công ăn việc làm để đảm bảo tương lai cho người trẻ và giúp họ thể hiện được kế hoạch tạo lập gia đình của họ.
7. Một số bối cảnh văn hóa và tôn giáo đặt ra nhiều thách đố đặc thù. Tại một số nơi, đa hôn vẫn còn được thực hành và tại những nơi có truyền thống lâu đời, vẫn còn có thói quen “kết hôn từng giai đoạn”. Tại những nơi khác, “các cuộc hôn nhân sắp đặt” vẫn là một thực hành lâu đời. Tại các quốc gia mà Đạo Công Giáo là thiểu số, nhiều cuộc kết hôn hỗn hợp và liên tôn đã diễn ra, tất cả đều có những khó khăn nội tại về phương diện pháp chế, Phép Rửa, dưỡng dục con cái và hỗ tương tôn trọng tự do tôn giáo của nhau, ấy là chưa kể tới nguy cơ của chủ nghĩa duy tương đối hay dửng dưng bất cần. Nhưng cùng một lúc, các cuộc hôn nhân này có thể cho thấy những tiềm năng lớn lao khuyến khích tinh thần đại kết và đối thoại liên tôn trong việc sống hài hoà giữa các tôn giáo khác nhau trong cùng một nơi chốn. Cả ở bên ngoài các xã hội Tây Phương, nhiều nơi cũng đang chứng kiến hiện tượng gia tăng tổng quát thói quen sống chung trước hôn nhân hoặc chỉ sống chung với nhau không hề có ý định tạo lập mối liên hệ gắn bó theo luật.
8. Nhiều trẻ em sinh ra ở bên ngoài hôn nhân, rất nhiều tại môt số quốc gia, nhiều em sau đó lớn lên chỉ có một cha hoặc mẹ đơn lẻ hay trong các gia đình hỗn hợp (blended or reconstituted). Con số ly dị gia tăng, nhiều khi xẩy ra chỉ vì các lý do kinh tế. Đôi khi con cái là nguyên nhân gây ra tranh chấp giữa cha mẹ và trở thành nạn nhân thực sự của các vụ tan vỡ gia đình. Các người cha, thường vắng nhà, không nguyên bởi lý do kinh tế, cần lãnh trách nhiệm cách rõ ràng hơn đối với con cái và gia đình. Phẩm giá người phụ nữ vẫn còn cần được bảo vệ và cổ xúy. Trên thực tế, ngày nay, tại nhiều nơi, chỉ cần là đàn bà cũng đã là nguồn để bị kỳ thị rồi và hồng phúc làm mẹ đôi khi bị trừng phạt, hơn là qúy trọng. Người ta cũng không nên quên việc gia tăng bạo lực đối với phụ nữ, trong đó, bất hạnh thay, họ trở thành nạn nhân ngay trong gia đình và do kết quả của thói quen trầm trọng và phổ biến là cắt bỏ bộ phận sinh dục tại một số nền văn hóa. Việc khai thác tình dục trẻ em vẫn còn là một thực tại khác đầy tai tiếng và xấu xa trong xã hội hiện nay. Các xã hội nổi tiếng bạo động do chiến tranh, nạn khủng bố và sự hiện diện của tội ác có tổ chức gây ra đang chứng kiến cảnh sa sút của gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, tại những khu ngoại vi của chúng, hiện tượng gọi là “trẻ đường phố” đang gia tăng. Ngoài ra, di dân cũng là một dấu chỉ khác của thời đại mà ta cần phải giáp mặt và hiểu nó về phương diện hậu quả nặng nề gây ra cho đời sống gia đình.
Sự quan trọng của cảm giới (affectivity) trong cuộc sống
9. Đứng trước tình huống xã hội nói trên,tại nhiều nơi trên thế giới, người ta đang cảm thấy có nhu cầu lớn lao phải chăm sóc chính mình, phải biết mình nhiều hơn, phải sống hoà hợp hơn với các cảm xúc và các tình cảm của mình và tìm cách sống cảm giới của mình cách tốt nhất bao nhiêu có thể. Những khát vọng thích đáng này có thể dẫn họ tới chỗ ước muốn đưa ra nhiều cố gắng lớn lao hơn để xây dựng cho bằng được các mối liên hệ tự hiến và hỗ tương đầy sáng tạo, đem lại sức mạnh và hỗ trợ như các mối liên hệ bên trong gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chủ nghĩa cá nhân và chỉ muốn sống cho chính mình mà thôi quả là một nguy hiểm thực sự. Thách đố của Giáo Hội là trợ giúp các cặp vợ chồng trong diễn trình chín mùi và phát triển cảm giới của họ bằng cách cổ vũ đối thoại, nhân đức và tín thác vào tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Cam kết trọn vẹn mà hôn nhân đòi hỏi có thể là đối cực mạnh mẽ đối với cơn cám dỗ của chủ nghĩa duy cá nhân đầy vị kỷ.
10. Các xu hướng văn hóa trên thế giới ngày nay xem ra không đặt bất cứ giới hạn nào đối với cảm giới của người ta, trong đó, họ thấy cần phải thăm dò mọi khía cạnh, ngay các khía cạnh phức tạp nhất. Thực thế, ngày nay, cảm giới của người ta rất mỏng dòn dễ vỡ; cảm giới tự yêu mình thái quá (narcissistic), đầy bất ổn và dễ thay đổi không luôn luôn giúp họ lớn lên tới chỗ trưởng thành. Đáng âu lo một cách đặc biệt là việc phát tán nạn khiêu dâm và việc thương mãi hóa thân xác con người, còn được cả việc lạm dụng internet và nhiều tình thế đáng chê trách khác cổ vũ nữa trong đó người ta bó buộc phải làm điếm. Trong bối cảnh này, các cặp vợ chồng phân vân, do dự và mò mẫm tìm nhiều cách lớn lên. Nhiều người có khuynh hướng nằm lại ở các giai đoạn ban đầu của đời sống cảm giới và tính dục. Bất cứ khủng hoảng nào trong mối liên hệ cũng làm gia đình bất ổn và qua việc ly thân và ly dị, có thể dẫn tới những hậu quả trầm trọng cho người lớn, trẻ em và toàn thể xã hội, làm các mối liên kết cá nhân và xã hội yếu đi. Việc giảm sút dân số, do não trạng không muốn có con và do các nền chính trị trên thế giới ngày nay cổ vũ sự lành mạnh về sinh sản, tạo nên không những một tình huống trong đó mối liên hệ giữa các thế hệ không còn được bảo đảm mà còn cả mối nguy này nữa: với thời gian, sự giảm sút này sẽ dẫn tới cảnh nghèo kinh tế và mất hết hy vọng vào tương lai.
Các thách đố mục vụ
11. Về phương diện này, Giáo Hội biết mình phải đưa ra những lời hy vọng có ý nghĩa đặc biệt, dựa trên xác tín này: con người nhân bản phát xuất từ Thiên Chúa, và do đó, bất cứ việc xét lại nào đối với vấn đề lớn lao về ý nghĩa của nhân sinh phải đáp ứng được các chờ mong sâu sắc nhất của nhân loại. Các giá trị lớn lao của hôn nhân và gia đình Kytô Giáo đều tương hợp với cuộc tìm kiếm vốn là đặc điểm của nhân sinh, ngay trong thời đại của chủ nghĩa duy cá nhân và duy hưởng lạc này. Người ta cần được chấp nhận trong các hoàn cảnh sống cụ thể của họ. Ta cần biết cách trợ giúp họ trong cuộc tìm kiếm của họ và khuyến khích họ trong niềm khát khao Thiên Chúa của họ và trong hoài mong cảm nhận được họ là thành phần trọn vẹn của Giáo Hội, bao gồm cả những ai đang trải nghiệm thất bại và thấy mình vướng vào các tình huống dị biệt. Sứ điệp Kitô Giáo luôn chứa đựng trong nó thực tại và năng động tính xót thương và sự thật mà ta luôn tìm gặp nơi Chúa Kitô.
Phần II
Nhìn xem Chúa Giêsu: Tin Mừng Gia Đình
Nhìn xem Chúa Giêsu và khoa sư phạm thần linh trong lịch sử cứu rỗi
12. Để “bước đi giữa các thách đố đương thời, điều kiện có tính quyết định là phải duy trì một cái nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu Kitô, phải dừng lại để chiêm niệm và thờ lạy gương mặt của Người… Thực vậy, mỗi lần ta trở về với nguồn cội kinh nghiệm Kitô Giáo, nhiều ngả đường mới và chưa ai dám mơ uớc mở ra nhiều khả thể cho ta” (Đức GH Phanxicô, Diễn Văn, ngày 4 tháng Mười, năm 2014). Chúa Giêsu nhìn những người đàn bà và đàn ông Người gặp bằng một cái nhìn đầy yêu thương và dịu dàng, luôn theo dõi bước đi của họ một cách kiên nhẫn và từ nhân, trong khi vẫn công bố các đòi hỏi của Nước Thiên Chúa.
13. Vì trật tự tạo dựng được xác định bởi xu hướng hướng về Chúa Kitô của nó, nên cần phải phân biệt mà không tách biệt các bình diện khác nhau qua đó Thiên Chúa thông truyền ơn thánh giao ước của Người cho nhân loại. Vì lý do sư phạm thần linh, theo đó, trật tự tạo dựng được khai triển qua nhiều giai đoạn nối tiếp nhau cho tới thời khắc được cứu chuộc, nên ta cần hiểu sự mới mẻ của Bí Tích Hôn Nhân trong sự liên tục của nó đối với cuộc hôn nhân tự nhiên từ lúc khởi thủy, nghĩa là, cung cách Thiên Chúa thi hành việc cứu rỗi cả trong tạo dựng lẫn trong cuộc sống Kitô hữu. Trong tạo dựng, vì mọi sự đề đã được dựng nên nhờ Chúa Kitô và vì Chúa Kitô (xem Cl 1:16), nên các Kitô hữu “hân hoan và cung kính làm hiển hiện các hạt giống lời Chúa vốn ẩn tàng nơi các đồng loại mình; họ phải chăm chú theo dõi các thay đổi sâu xa đang diễn ra nơi các dân tộc” (Ad Gentes, 11). Trong cuộc sống Kitô hữu, việc tiếp nhận Phép Rửa đem tín hữu vào Giáo Hội qua Giáo Hội tiểu gia, nghĩa là, qua gia đình; nhờ thế trở nên “một diễn trình năng động vẫn đang phát triển, một diễn trình từ từ tiến lên bằng cách tích nhập một cách tiệm tiến các ơn phúc của Thiên Chúa” (Familiaris Consortio, 9), trong một cuộc hồi tâm liên tục hướng về tình yêu cứu vớt khỏi tội lỗi và ban cho ta sự sống viên mãn.
14. Chính Chúa Giêsu, khi nói tới kế hoạch nguyên thủy dành cho cặp vợ chồng nhân bản, đã tái khẳng định sự kết hợp bất khả tiêu giữa một người đàn ông và một người đàn bà; và Người nói với người Biệt Phái rằng “chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã cho phép các ông ly dị vợ, nhưng từ nguyên thủy, không phải như thế” (Mt 19:8). Tính bất khả tiêu của hôn nhân (“cho nên, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không thể phân ly” Mt 19:6) không nên hiểu như một “cái ách” áp đặt lên con người mà như một “hồng phúc” dành cho chồng và vợ kết hợp với nhau trong hôn nhân. Bằng cách này, Chúa Giêsu muốn cho thấy hành vi khiêm hạ Thiên Chúa xuống trần gian đã luôn đồng hành ra sao với con người lữ thứ và đã chữa lành và biến đổi như thế nào các tâm hồn chai đá bằng ơn thánh của Người, hướng chúng về ơn ích thực sự của chúng, qua con đường thập giá. Các sách Tin Mừng khiến ta hiểu rõ: gương sáng của Chúa Giêsu là mẫu mực đối với Giáo Hội. Thực vậy, Chúa Giêsu đã sinh ra trong một gia đình; Người bắt đầu làm các dấu lạ tại tiệc cưới Cana; và công bố ý nghĩa của hôn nhân như là sự viên mãn của mạc khải nhằm phục hồi kế hoạch thần linh nguyên thủy (Mt 19:3). Tuy nhiên, cùng một lúc, người đem các điều Người giảng dạy ra áp dụng và biểu tỏ ý nghĩa thực sự của lòng từ bi, được minh họa rõ ràng trong cuộc gặp gỡ của Người với người phụ nữ Samaria (Ga 4:1-30) và với người phụ nữ ngoại tình (Ga 8:1-11). Qua việc nhìn người tội lỗi một cách đầy yêu thương, Chúa Giêsu dẫn họ tới thống hối và hồi tâm (“hãy đi và đừng phạm tội nữa”), những điều vốn làm căn bản để được tha thứ.
Gia đình trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa
15. Các lời lẽ đem lại sự sống đời đời, mà Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ, có bao hàm giáo huấn của Người về hôn nhân và gia đình. Giáo huấn này giúp ta phân biệt ba giai đoạn căn bản trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình. Khởi thủy, có một gia đình nguyên khởi, lúc Thiên Chúa Tạo Hóa thiết lập nên cuộc hôn nhân đầu hết giữa Ađam và Evà làm nền tảng vững chắc cho gia đình. Thiên Chúa không chỉ dựng nên những hữu thể nhân bản có nam có nữ (St 1:28), mà Người còn chúc lành cho họ để họ sinh hoa kết trái và lan tràn mặt đất (St 1:28). Vì lý do này, “người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mình và dính kết với vợ và cả hai trở nên một thân xác” (St 2:24). Sự kết hợp này đã bị hủ bại bởi tội và trở thành hình thức hôn nhân lịch sử nơi Dân Chúa, khiến Môsê phải ban cho họ khả thể cấp chứng thư ly dị (xem Đnl 24:1 tt). Đó là thực hành chính vào thời Chúa Giêsu. Với việc xuất hiện của Chúa Kitô và việc Người hòa giải thế giới sa ngã bằng việc cứu chuộc của Người, thời kỳ do Môsê khởi đầu đã chấm dứt.
16. Chúa Giêsu, Đấng hoà giải mọi sự trong chính Người, đã khôi phục hôn nhân và gia đình trở lại hình thức nguyên thủy của chúng (Mc 10:1-12). Hôn nhân và gia đình đã được Chúa Kitô cứu chuộc (Eph 5:21-32), được phục hồi trở lại hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm mà tứ đó, mọi tình yêu chân thực đã phát khởi. Giao ước phu thê, bắt nguồn trong tạo dựng và được mạc khải trong lịch sử cứu rỗi, tiếp nhận được ý nghĩa trọn vẹn của nó trong Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Qua Giáo Hội, Chúa Kitô ban cho hôn nhân và gia đình ơn thánh cần thiết để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa và sống cuộc sống hiệp thông. Tin Mừng Gia Đình trải dài suốt lịch sử thế giới từ lúc tạo dựng con người giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa (xem St 1:26-27) cho tới lúc tận cùng thời gian, nó đạt được sự viên mãn trong mầu nhiệm Giao Ước của Chúa Kitô với lễ cưới của Chiên Con (xem Kh 19:9; xem Gioan Phaolô II, Giáo Lý về Tình Yêu Nhân Bản).
Gia đình trong các văn kiện của Giáo Hội
17. “Trong nhiều thế kỷ qua, Giáo Hội đã và đang duy trì giáo huấn thường hằng của mình về hôn nhân và gia đình. Một trong các phát biểu cao cả nhất của giáo huấn này do Công Đồng Vatican II đề xuất trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, là hiến chế đã dành trọn cả một chương để cổ xúy phẩm giá của hôn nhân và gia đình (xem Gaudium et Spes, 47-52). Văn kiện này định nghĩa hôn nhân là cộng đồng sự sống và yêu thương (xem Gaudium et Spes, 48), đặt tình yêu vào tâm điểm gia đình và cùng một lúc cho thấy rõ sự thật của tình yêu này qua việc phản phân (counter distinction) các hình thức khác nhau của chủ nghĩa giản lược đang có mặt trong nền văn hóa đương thời. ‘Tình yêu đích thực giữa chồng và vợ’ (Gaudium et Spes, 49) hàm nghĩa việc tự hiến hỗ tương và bao gồm cũng như tích nhập các khía cạnh tính dục và cảm giới, phù hợp với kế hoạch thần linh (xem Gaudium et Spes, 48-49). Hơn nữa, Gaudium et Spes, 48 còn nhấn mạnh tới cơ sở của vợ chồng là Chúa Kitô. Người ‘bước vào cuộc sống của vợ chồng Kitô hữu qua Bí Tích Hôn Nhân’ và ở lại với họ. Lúc Nhập Thể, Người mặc lấy tình yêu con người, thanh tẩy nó và đem nó tới thành toàn. Qua Thần Khí của Người, Người giúp cô dâu chú rể sống tình yêu của họ và làm cho tình yêu ấy thấm nhiễm mọi thành phần trong cuộc sống đức tin, đức cậy và đức mến của họ. Bằng cách này, có thể nói: cô dâu chú rể được thánh hiến và nhờ ơn thánh của Người, họ xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và là Giáo Hội tiểu gia (xem Lumen Gentium, 11), đến nỗi, để hiểu được trọn vẹn mầu nhiệm của mình, Giáo Hội nhìn vào gia đình là thực tại vốn biểu lộ Giáo Hội một cách chân thực” (Instrumentum Laboris, 4).
18. “Liền ngay sau Công Đồng Vatican II, huấn quyền giáo hoàng đã làm tinh tế hơn nữa tín lý của mình về hôn nhân và gia đình. Một cách đặc biệt, Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI, trong thông điệp Humanae Vitae, đã trình bày mối liên kết thâm hậu giữa tình yêu phu thê và việc sinh sản sự sống. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành sự chú ý đặc biệt cho gia đình trong các bài giáo lý của ngài về tình yêu con người, như trong Gratissimam Sane (Thư Gửi Các Gia Đình) và nhất là trong tông huấn Familiaris Consortio. Trong các văn kiện này, Đức GH gọi gia đình là ‘đường đi của Giáo Hội’, đưa ra một cái nhìn khái quát về ơn gọi của người đàn ông và của người đàn bà hướng tới tình yêu và đề xuất các chỉ dẫn nền tảng cho một nền chăm sóc mục vụ gia đình và cho việc hiện diện của gia đình trong xã hội. Khi đặc biệt bàn tới ‘tình yêu phu thê’ (xem Familiaris Consortio, 13), ngài mô tả việc vợ chồng lãnh nhận ơn phúc của Thần Khí Chúa Kitô ra sao qua tình yêu hỗ tương của họ và sống ơn gọi nên thánh của họ như thế nào (Instrumentum Laboris, 5).
19. “Đức GH Bênêđíctô XVI, trong thông điệp Deus Caritas Est của ngài, một lần nữa đã nối tiếp chủ đề sự thật về tình yêu giữa một người đàn ông và một người đàn bà, một sự thật chỉ được hiểu một cách trọn vẹn dưới ánh sáng tình yêu của Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh (xem Deus Caritas Est, 2). Đức GH nhấn mạnh rằng ‘hôn nhân đặt căn bản trên tình yêu độc chiếm và dứt khoát trở thành biểu tượng cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Dân Người và ngược lại. Cách yêu thương của Thiên Chúa trở thành thước đo tình yêu con người’ (Deus Caritas Est, 11). Ngoài ra, trong thông điệp Caritas in Veritate, ngài nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tình yêu, coi nó như nguyên lý của đời sống trong xã hội (xem Caritas in Veritate, 44), một nơi để con người học biết cảm nghiệm thiện ích chung” (Instrumentum Laboris, 6).
20. “Đức GH Phanxicô, trong thông điệp Lumen Fidei, khi nói tới mối liên kết giữa gia đình và đức tin, đã viết rằng: ‘Việc gặp gỡ Chúa Kitô, việc tự để họ (người trẻ) được tình yêu của Người chiếm hữu và hướng dẫn sẽ mở rộng chân trời hiện sinh, đem lại cho nó một niềm hy vọng vững chắc sẽ không bao giờ làm họ phải thất vọng. Đức tin không phải là nơi trú ẩn của những người yếu lòng, mà là một điều gì đó nâng cao đời sống ta. Nó làm ta ý thức được lời mời gọi tuyệt diệu, tức lời mời gọi yêu thương. Nó đảm bảo với ta rằng tình yêu này đáng tin cậy và đáng ôm lấy, vì nó đặt căn bản trên lòng trung tín của Thiên Chúa, vốn mạnh mẽ hơn sự yếu đuối của ta’ (Lumen Fidei, 53)” (Instrumentum Laboris, 7).
Tính bất khả tiêu của hôn nhân và niềm vui chung chia cuộc sống với nhau
21. Việc tự hiến hỗ tương trong Bí Tích Hôn Nhân đặt cơ sở trên ơn thánh Phép Rửa, là bí tích thiết lập, nơi tất cả những ai lãnh nhận nó, một giao ước nền tảng với Chúa Kitô trong Giáo Hội. Khi chấp nhận nhau và với ơn thánh Chúa Kitô, các cặp đính hôn đoan hứa sẽ hiến mình trọn vẹn, sẽ trung thành và cởi mở đối với sự sống. Cặp vợ chồng thì nhìn nhận các yếu tố này như thành tố cấu tạo ra hôn nhân, như ơn phúc Thiên Chúa ban cho họ, những ơn phúc được họ coi trọng trong cam kết hỗ tương của họ, nhân danh Thiên Chúa và trước mặt Giáo Hội. Đức tin làm dễ khả năng coi các ơn ích của hôn nhân như những cam kết mà ta có thể duy trì được nhờ sự trợ giúp của ơn thánh Bí Tích. Thiên Chúa thánh hiến tình yêu vợ chồng và củng cố tính bất khả tiêu trong tình yêu của họ, đem lại cho họ sự trợ giúp để họ sống sự trung thành của họ, sự bổ túc lẫn nhau của họ và sự cởi mở đón chào sự sống mới. Bởi thế, Giáo Hội luôn hướng về các cặp vợ chồng như là trái tim của cả gia đình, và gia đình, ngược lại, luôn hướng về Chúa Giêsu.
22. Từ cùng một cách nhìn như trên, phù hợp với giáo huấn của Thánh Tông Đồ, người từng nói rằng toàn bộ tạo dựng đã được lên kế sách trong Chúa Kitô và vì Chúa Kitô (xem Cl 1:16), Công Đồng Vatican II muốn bày tỏ sự đánh giá cao của mình đối với hôn nhân tự nhiên và các yếu tố có giá trị hiện hữu trong các tôn giáo (xem Nostra Aetate, 2) và các nền văn hóa khác, bất chấp các giới hạn và thiếu sót của chúng (xem Redemptoris Missio, 55). Sự hiện hữu của các hạt giống lời Chúa trong các nền văn hóa này (xem Ad Gentes, 11) cũng có thể áp dụng cách nào đó vào hôn nhân và gia đình tại rất nhiều xã hội và dân tộc không theo Kitô Giáo. Bởi thế, các yếu tố có giá trị quả có hiện hữu dưới một số hình thức ở bên ngoài hôn nhân Kitô Giáo, đặt căn bản trên mối liên hệ bền vững và chân thực giữa một người đàn ông và một người đàn bà, một mối liên hệ, dù sao, vẫn có thể qui hướng về hôn nhân Kitô Giáo. Với việc lưu ý tới sự khôn ngoan bình dân nơi các dân tộc và các nền văn hóa khác, Giáo Hội cũng nhìn nhận loại gia đình này như là đơn vị nền tảng, cần thiết và sinh hoa trái của đời sống nhân loại.
Sự thật và vẻ đẹp của gia đình và lòng từ bi đối với các gia đình tan vỡ và dễ vỡ
23. Với niềm vui và niềm an ủi sâu xa nội tâm, Giáo Hội hướng về các gia đình luôn trung thành với giáo huấn Tin Mừng, khuyến khích họ và cám ơn họ về chứng từ họ hiến dâng. Thực vậy, họ đang làm chứng, một cách đầy khả tín, vẻ đẹp của cuộc hôn nhân bất khả tiêu, nhờ luôn sống trung thành với nhau. Bên trong khung cảnh gia đình, “mà ta có thể gọi là Giáo Hội tiểu gia” (Lumen Gentium, 11), con người bắt đầu cảm nghiệm Giáo Hội như một hiệp thông giữa người với người, một hiệp thông, nhờ ơn thánh, phản ảnh Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. “Trong gia đình, người ta học được sự chịu đựng, niềm vui làm việc, tình yêu anh em, và lòng quảng đại tha thứ cho người khác, được lặp đi lặp lại nhiều lần, và trên hết việc thờ phượng Thiên Chúa qua cầu nguyện và hiến dâng sự sống mình” (Sách Giáo Lý của GHCG, 1657). Thánh Gia Nadarét là mẫu mực tuyệt vời làm trường học để ta “hiểu lý do tại sao ta phải duy trì kỷ luật thiêng liêng, nếu ta muốn tuân theo các giáo huấn Tin Mừng và trở thành môn đệ Chúa Kitô” (Chân Phúc GH Phaolô VI, Diễn Văn tại Nadarét, 5 tháng Giêng, 1964). Tin Mừng Gia Đình cũng nuôi dưỡng các hạt giống vẫn còn đang đợi để mọc lên; và được dùng làm căn bản để chăm sóc cây cối nào đang úa héo, cần được chữa trị.
24. Như bà thầy chắc chắn và như bà mẹ chăm sóc, Giáo Hội thừa nhận rằng chỉ có sợi dây hôn phối của những ai đã chịu phép rửa mới có tính bí tích và bất cứ sự vi phạm nào vào sợi dây này là chống lại thánh ý Thiên Chúa. Cùng một lúc, Giáo Hội hiểu rõ sự yếu đuối của nhiều đứa con mình đang lao đao trong cuộc hành trình đức tin của họ. “Thành thử, không hề đi trệch ra ngoài lý tưởng Tin Mừng, họ cần được đồng hành với lòng từ bi và kiên nhẫn trong các giai đoạn có thể có của cuộc hành trình lớn lên của bản thân khi chúng tiệm tiến diễn ra. […] Một bước nhỏ giữa muôn vàn giới hạn lớn lao của con người cũng có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn cả một cuộc đời bề ngoài xem ra thứ tự và ngày qua ngày không phải đương đầu gì với những khó khăn lớn lao. Mọi người đều cần được đánh động bởi ơn an ủi và sức lôi cuốn của tình yêu Thiên Chúa cứu rỗi, một tình yêu luôn hành động một cách mầu nhiệm trong mỗi con người, bên trên và vượt hơn hẳn các lỗi lầm và thất bại của họ” (Gaudium Evangelii, 44).
25. Khi xem xét để tìm ra một phương thức mục vụ cho những người đã ký kết hôn nhân dân sự, những người ly dị và tái hôn hay đơn giản chỉ sống với nhau, Giáo Hội có trách nhiệm phải giúp họ hiểu khoa sư phạm ơn thánh của Thiên Chúa trong đời họ và đề nghị với họ sự giúp đỡ để họ vươn tới sự viên mãn trong kế hoạch Thiên Chúa dành cho họ. Nhìn lên Chúa Kitô, Đấng có ánh sáng chiếu soi mọi người (xem Ga 1: 9; Gaudium et Spes, 22), Giáo Hội yêu thương quay nhìn những người đang tham dự vào đời sống của mình một cách không trọn vẹn, thừa nhận rằng ơn thánh Chúa cũng hành động trong đời họ bằng cách ban cho họ sự can đảm để làm điều thiện, để yêu thương chăm sóc lẫn nhau và phục vụ cộng đồng nơi họ sinh sống và làm việc.
26. Giáo Hội quan tâm xem xét việc nhiều người trẻ không tin tưởng dấn thân vào hôn nhân; Giáo Hội cũng đau đớn trước sự vội vàng của nhiều tín hữu muốn kết thúc bổn phận họ từng đảm nhận để bắt đầu một bổn phận khác. Những tín hữu giáo dân này, vốn là chi thể của Giáo Hội, cần một sự chú ý về phương diện mục vụ biết tỏ lòng từ bi và khích lệ, để họ định đoạt được tình huống của họ cách thỏa đáng. Những người trẻ đã nhận phép rửa nên được khích lệ để hiểu rằng bí tích Hôn Nhân có thể phong phú hóa các viễn tượng yêu thương của họ và họ có thể được nâng đỡ bằng ơn thánh Chúa Kitô trong bí tích này và bằng khả năng tham dự đầy đủ vào đời sống Giáo Hội.
27. Ngày nay, về phương diện này, một khía cạnh mới trong thừa tác vụ gia đình cần được chú ý, đó là thực tại hôn nhân dân sự giữa một người đàn ông và một người đàn bà, những cuộc hôn nhân theo truyền thống và cả việc sống chung nữa, tuy có nhiều dị biệt. Khi một cuộc kết hợp đạt tới một mức độ bền vững đặc thù nào đó, được luật pháp thừa nhận, có đặc điểm của một tình âu yếm mặn nồng và có trách nhiệm với con cái cũng như biểu tỏ khả năng vượt qua thử thách, thì những cuộc kết hợp này có thể đem tới cơ hội để hướng dẫn họ với viễn tượng cuối cùng dẫn tới việc cử hành bí tích hôn nhân. Đôi khi, một cặp chỉ sống với nhau không có bất cứ khả thể hôn nhân nào trong tương lai và không có bất cứ ý hướng nào muốn có mối liên hệ trói buộc theo luật.
28. Để phù hợp với lòng từ bi hay thương xót của Chúa Kitô, Giáo Hội phải chăm chú và quan tâm đồng hành với những người yếu đuối nhất trong số con cái mình, khi họ cho thấy những dấu chỉ của một tình yêu bị thương tổn hay mất mát, bằng cách phục hồi nơi họ niềm hy vọng và tự tin, giống như đèn hải đăng tại bến cảng hay như ngọn đuốc mang theo giữa mọi người để soi sáng cho những ai lạc đường hay đang gặp sóng gió. Ý thức rằng điều từ bi nhất là nói sự thật về tình yêu, nên ta phải đi quá bên kia lòng thương xót. Tình yêu thương xót, vì luôn có tính lôi cuốn và kết hợp, phải biến cải và nâng cao. Đây là lời mời gọi hồi tâm. Ta hiểu cùng cách này về thái độ của Chúa; Người không kết án người đàn bà ngoại tình, nhưng yêu cầu nàng đừng phạm tội nữa (Ga 8:1-11).
Phần III
Đối diện với tình thế: các viễn ảnh mục vụ
Công bố Tin Mừng Gia Đình trong các bối cảnh khác nhau ngày nay
29. Cuộc thảo luận tại THĐ đã cho phép đạt được thoả thuận về một số trong các nhu cầu mục vụ cấp thiết hơn cần được đề cập tới tại các Giáo Hội đặc thù, trong hiệp thông cum Petro et sub Petro (cùng với Phêrô và dưới quyền Phêrô). Việc công bố Tin Mừng Gia Đình là điều khẩn trương cần thiết trong công trình phúc âm hóa. Giáo Hội phải thi hành việc này bằng một tình dịu dàng của người mẹ và bằng một sự minh bạch của người thầy (xem Eph 4: 15), luôn trung thành với lòng từ bi được tỏ bày trong việc kenosis (tự hủy) của Chúa Kitô. Sư thật đã trở thành xác phàm trong cảnh yếu đuối nhân bản, không phải để kết án nó mà để cứu vớt nó (xem Ga 3: 16, 17).
30. Việc phúc âm hóa là trách nhiệm chung của mọi dân Chúa, mỗi người theo thừa tác và đặc sủng của mình. Không có chứng từ hân hoan của những người kết hôn và của các gia đình, thì việc công bố này, cho dù được thực hiện đúng đắn ra sao, vẫn có nguy cơ bị hiểu lầm hoặc mất hút trong cái loạn ngầu ngôn từ vốn là đặc điểm của xã hội ngày nay (xem Novo Millennio Ineunte, 50). Trong nhiều dịp khác nhau, các nghị phụ THĐ đã nhấn mạnh rằng các gia đình Công Giáo, do chính ơn thánh của Bí Tích Hôn Nhân, được mời gọi trở thành các tác nhân tích cực trong mọi hoạt động mục vụ nhân danh gia đình.
31. Tính tối thượng của ơn thánh cần được nhấn mạnh và sau đó, các khả thể do Chúa Thánh Thần ban phát trong bí tích này. Đây là vấn đề giúp người ta cảm nghiệm được rằng Tin Mừng Gia Đình là một niềm vui “tràn ngập cõi lòng và đời sống” vì trong Chúa Kitô, chúng ta “được giải phóng khỏi tội lỗi, buồn đau, trống rỗng nội tâm, và cô đơn” (Evangelii Gaudium, 1). Nhớ tới Dụ Ngôn Người Gieo Gống (xem Mt 13; 3), nhiệm vụ của ta là hợp tác vào việc gieo; phần còn lại là của Chúa; ta cũng không nên quên rằng khi giảng dạy về gia đình, Giáo Hội là dấu chỉ mâu thuẫn.
32. Bởi thế, công việc này kêu gọi mọi người trong Giáo Hội phải hồi tâm truyền giáo, nghĩa là, không dừng lại ở việc công bố một sứ điệp được coi chỉ có tính lý thuyết, mà không có bất cứ liên hệ nào với những vấn đề thực của người ta. Ta phải liên tục nhớ rằng cuộc khủng hoảng đức tin đã dẫn tới cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình và, do đó, việc lưu truyền đức tin từ cha mẹ xuống con cái thường bị gián đoạn. Nếu ta chịu đương đầu với tình thế bằng một đức tin mạnh mẽ, thì việc áp đặt một số viễn ảnh văn hóa làm suy yếu gia đình sẽ chẳng quan trọng gì nữa.
33. Hồi tâm cũng cần phải có trong ngôn ngữ ta sử dụng, làm thế nào để nó tự chứng tỏ được ý nghĩa hữu hiệu của nó. Việc công bố cần phải tạo ra một trải nghiệm trong đó Tin Mừng Gia Đình đáp ứng được các hoài mong sâu xa nhất của người ta: đáp ứng phẩm giá mỗi người và hoàn toàn thoả mãn việc hỗ tương, việc hiệp thông và sinh hoa kết trái. Việc này không chỉ hệ ở việc đưa ra một số luật lệ mà phải kết hợp các giá trị nào đáp ứng được các nhu cầu của những người thấy mình sống trong các quốc gia bị thế tục hóa nhiều nhất.
34. Lời Chúa là nguồn sống và nguồn linh đạo cho gia đình. Mọi công trình mục vụ nhân danh gia đình phải giúp người ta được lên khuôn trong nội tâm và được đào tạo trở thành chi thể của Giáo Hội tiểu gia qua thói quen đọc Sách Thánh bằng thái độ cầu nguyện của Giáo Hội. Lời Chúa không những là tin vui trong đời sống tư riêng của người ta, mà còn là tiêu chuẩn để phán đoán và là ánh sáng để biện phân các thách đố đa dạng mà các vợ chồng và các gia đình gặp phải.
35. Đồng thời, nhiều nghị phụ THĐ nhấn mạnh tới cách tiếp cận mục vụ tích cực hơn đối với sự phong phú của nhiều kinh nghiệm tôn giáo đa dạng, mà không coi thường các khó khăn nội tại. Trong các thực tại tôn giáo khác nhau và trong tính đa dạng lớn lao của văn hóa vốn là đặc điểm của các quốc gia, các khả thể tích cực nên được đánh giá đầu tiên, rồi trên căn bản này, ta mới đánh giá các giới hạn và các thiếu sót của chúng.
36. Hôn nhân Kitô Giáo là một ơn gọi cần được đảm nhận sau khi chuẩn bị thích đáng cho cuộc hành trình đức tin bằng một diễn trình biện phân thỏa đáng và không nên coi đây chỉ là một truyền thống văn hóa hay một đòi hỏi có tính xã hội hay luật lệ. Bởi thế, việc đào tạo cần phải đồng hành với cá nhân và cặp [đính hôn] sao cho kinh nghiệm đời thực của cộng đồng Giáo Hội phải song hành với việc giảng dạy nội dung đức tin.
37. Các nghị phụ THĐ nhiều lần kêu gọi phải có cuộc canh tân thấu đáo trong thực hành mục vụ của Giáo Hội dưới ánh sáng Tin Mừng Gia Đình thay vì chỉ nhấn mạnh tới các cá nhân như hiện nay. Vì lý do này, các nghị phụ THĐ nhiều lần nhấn mạnh tới việc canh tân cách huấn luyện các linh mục và các nhân viên mục vụ khác bằng cách cho các gia đình tham dự nhiều hơn vào diễn trình này.
38. Các ngài cũng nhấn mạnh không kém sự kiện này: phúc âm hóa cần phải lên án cách rõ rệt các nhân tố văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế, như dành nhiều quan trọng quá đáng cho luận lý thị trường là thứ ngăn cản cuộc sống gia đình chân chính và dẫn tới kỳ thị, nghèo đói, loại trừ và bạo lực. Thành thử, cần phải khai triển việc đối thoại và hợp tác với các thực thể xã hội cũng như cần phải khuyến khích các Kitô hữu giáo dân đang can dự vào các lãnh vực văn hóa và chính trị xã hội.
Hướng dẫn các cặp đính hôn chuẩn bị cuộc hôn nhân của họ
39. Thực tại xã hội phức tạp và các thay đổi đang ảnh hưởng tới gia đình ngày nay đòi cộng đồng Kitô hữu phải cố gắng nhiều hơn để chuẩn bị cho những ai sắp sửa kết hôn. Tầm quan trọng của các nhân đức phải được kể đến, trong đó, đức trong sạch (chastity) thực là vô giá đối với việc lớn mạnh chân chính của tình yêu giữa hai người. Về phương diện này, các nghị phụ THĐ cùng nhau nhấn mạnh tới việc toàn bộ cộng đồng phải can dự một cách sâu rộng hơn bằng cách đề cao chính chứng tá của các gia đình và bao gồm việc chuẩn bị hôn nhân trong các khóa Khai Tâm Kitô Giáo cũng như nhấn mạnh tới mối nối kết giữa bí ích hôn nhân và các bí tích khác. Các ngài cũng cảm thấy cần có các chương trình chuyên biệt trong việc chuẩn bị hôn nhân, những chương trình có thể giúp người học học được kinh nghiệm tham dự thực sự vào đời sống Giáo Hội cũng như thấu đáo bàn tới các khía cạnh khác nhau của cuộc sống gia đình.
Đồng hành với các cặp kết hôn trong các năm đầu hôn nhân của họ
40. Các năm đầu kết hôn là thời kỳ quan yếu và nhậy cảm trong đó, các cặp vợ chồng ý thức rõ hơn các thách đố và ý nghĩa của cuộc sống lứa đôi. Do đó, việc đồng hành mục vụ cần đi quá bên kia việc cử hành Bí Tích (Familiaris Consortio, Phần III). Về phương diện này, các vợ chồng nhiều kinh nghiệm có tầm quan trọng lớn lao trong bất cứ sinh hoạt mục vụ nào. Giáo xứ là nơi lý tưởng để những vợ chồng nhiều kinh nghiệm này có thể phục vụ các vợ chồng non trẻ hơn. Vợ chồng nào cũng cần được khích lệ trong việc cởi mở chào đón hồng phúc con cái. Cũng cần nhấn mạnh tới tầm quan trọng của linh đạo gia đình và việc cầu nguyện nhằm khuyến khích các vợ chồng gặp gỡ thường xuyên để cổ vũ sự lớn mạnh trong đời sống thiêng liêng và trong tình liên đới qua các đòi hỏi cụ thể của cuộc sống. Các việc phụng vụ có ý nghĩa, các thực hành đạo đức và Thánh Thể cử hành cho toàn bộ các gia đình đã được các nghị phụ nhắc tới như là các nhân tố quan yếu đối với việc phát huy công trình phúc âm hóa nhờ gia đình.
Chăm sóc mục vụ cho các cặp kết hôn dân sự hay sống chung với nhau
41. Dù liên tục công bố và cổ vũ hôn nhân Kitô Giáo, THĐ vẫn khuyến khích việc biện phân mục vụ đối với các tình huống của rất nhiều người không còn sống thực tại này nữa. Đi vào đối thoại mục vụ với những người này là điều cần có để phân biệt được các yếu tố nào trong đời sống họ có thể dẫn họ tới chỗ cởi mở hơn đối với Tin Mừng Gia Đình trong sự viên mãn của nó. Các mục tử phải nhận diện được các yếu tố nào có thể cổ xúy việc phúc âm hóa và sự lớn mạnh về nhân bản và tâm linh. Một yếu tố mới trong sinh hoạt mục vụ ngày nay là mẫn cảm đối với các yếu tố tích cực của các cuộc hôn nhân theo dân luật và các cuộc sống chung, tuy có nhiều dị biệt hiển nhiên. Dù trình bày sứ điệp Kitô Giáo một cách rõ ràng, Giáo Hội vẫn cần chỉ rõ các yếu tố xây dựng trong các tình huống này, các tình huống chưa hay không còn tương hợp với sứ điệp vừa nói nữa.
42. Các nghị phụ THĐ cũng nhận định rằng tại nhiều quốc gia “đang có sự gia tăng con số những người sống chung với nhau ad experimentum (để thử nghiệm), trong những cuộc kết hợp không được cả giáo luật lẫn dân luật nhìn nhận” (Instrumentum Laboris, 81). Tại một số quốc gia, điều này đặc biệt xẩy ra trong các cuộc hôn nhân truyền thống, do sự sắp xếp giữa hai gia đình và thường được cử hành qua nhiều giai đoạn khác nhau. Nhiều quốc gia khác đang chứng kiến sự gia tăng liên tục con số những người, sau khi sống chung với nhau một thời gian dài, yêu cầu được cử hành cuộc hôn nhân của họ trong Giáo Hội. Chỉ đơn giản sống chung với nhau thường là một lựa chọn dựa trên thái độ tổng quát muốn chống đối bất cứ điều gì có tính định chế hay dứt khoát; nhưng nó cũng đã được chọn trong khi chờ đợi có nhiều an toàn hơn cho cuộc sống (công ăn việc làm và thu nhập ổn định). Sau cùng, tại một số quốc gia, các cuộc hôn nhân trên thực tế (de facto) hiện rất nhiều, không phải vì họ bác bỏ các giá trị Kitô Giáo liên quan tới gia đình và hôn nhân mà chủ yếu chỉ vì việc cử hành hôn nhân là điếu quá mắc mỏ. Thành thử, cảnh nghèo về vật chất thường dẫn người ta tới các cuộc kết hợp trên thực tế.
43. Tất cả các tình huống trên đòi một giải đáp xây dựng, tìm cách biến chúng thành những cơ hội có thể dẫn tới một cuộc hôn nhân thực sự và một gia đình phù hợp với Tin Mừng. Các cặp này cần được chăm sóc và hướng dẫn một cách kiên nhẫn và kín đáo. Biết điều này, nhưng chứng tá của các gia đình Kitô hữu chân chính vẫn là điều đặc biệt lôi cuốn và quan trọng như là các tác nhân trong công trình phúc âm hóa của gia đình.
Chăm sóc các gia đình tan vỡ (những người ly thân, ly dị, ly dị và tái hôn và các gia đình có cha mẹ đơn lẻ)
44. Các cặp vợ chồng có vấn đề trong mối liên hệ của họ nên có khả năng trông cậy vào sự giúp đỡ và hướng dẫn của Giáo Hội. Công trình mục vụ có tính bác ái và thương xót nên tìm cách giúp đỡ họ tìm lại được và phục hồi được các mối liên hệ của họ. Kinh nghiệm cho thấy với sự trợ giúp thích đáng cũng như các hành vi hòa giải nhờ ơn thánh, một phần trăm rất lớn các cuộc hôn nhân có vấn đề đã tìm được giải pháp thỏa đáng. Biết cách tha thứ và cảm nhận được sự tha thứ là kinh nghiệm căn bản của đời sống gia đình. Sự tha thứ giữa vợ chồng với nhau cho phép họ trải nghiệm được một tình yêu mãi mãi không bao giờ qua đi (xem 1 Cor 13:8). Đôi khi, điều này khá khó khăn, nhưng những ai từng tiếp nhận sự tha thứ của Thiên Chúa đều được ban cho sức mạnh để có thể cung hiến sự tha thứ chân chính vốn tái tạo con người.
45. Sự cần thiết của các chọn lựa can đảm về mục vụ đã trở nên rất hiển nhiên tại THĐ. Bằng cách mạnh mẽ tái xác nhận lòng trung thành của các vị đối với Tin Mừng Gia Đình và bằng cách nhìn nhận rằng ly thân và ly dị luôn là những vết thương gây đau đớn sâu xa cho vợ chồng và con cái họ, các nghị phụ THĐ thấy nhu cầu khẩn thiết phải khởi diễn một diễn trình mục vụ mới đặt căn bản trên thực tại yếu đuối hiện thời trong gia đình, vì thường biết rằng các cặp vợ chồng “lâm” vào các tình huống đau đớn này hơn là tự ý chọn lựa chúng. Do đó, phải xem xét các giải pháp bằng nhiều cách khác nhau, như Thánh GH Gioan Phaolô II vốn gợi ý (xem Familiaris Consortio, 84).
46. Trên hết, mọi gia đình phải được đối xử với lòng kính trọng và thương yêu và được đồng hành trên đường lữ hành của họ như Chúa Kitô đã đồng hành cùng các môn đệ trên đường Emmau. Một cách đặc biệt, lời lẽ của Đức Phanxicô có thể áp dụng vào các tình huống này: “Giáo Hội sẽ phải dẫn khởi mọi người, linh mục, tu sĩ và giáo dân, vào ‘nghệ thuật đồng hành’ này, một nghệ thuật dạy ta biết bỏ dép ra trước khi bước vào lãnh địa thánh thiêng của người khác (xem Ex 3: 5). Nhịp độ đồng hành này phải vững chãi đều đặn và có tính trấn an, phản ảnh sự gần gũi và cảm thương, là thứ, cùng một lúc, vừa chữa lành vừa giải phóng và khích lệ sự lớn mạnh trong cuộc sống Kitô hữu” (Evangelii Gaudium, 169).
47. Đối với việc hướng dẫn những người ly thân, ly dị hay bị bỏ rơi, điều không thể thiếu là phải đặc biệt biện phân. Chủ yếu phải tỏ lòng kính trọng đối với sự đau khổ của những người phải ly thân, ly dị hay bị bỏ rơi một cách bất công, hay những người phải chịu sự đối xử tàn tệ của chồng hay của vợ, đến làm cuộc sống của họ hoàn toàn bị gián đoạn. Tha thứ một bất công như thế không phải là điều dễ dàng, nhưng ơn thánh vẫn giúp cho hành trình này thành có thể. Như thế, hoạt động mục vụ cần qui hướng vào việc hòa giải hay trung gian giải quyết các dị biệt, một việc có thể diễn ra tại “các trung tâm lắng nghe nhau” được chuyên biệt thiết lập tại các giáo phận. Cùng một lúc, các nghị phụ THĐ cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải bàn, một cách trung thành và xây dựng, tới các hậu quả của ly thân hay ly dị đối với con cái, dù trong trường hợp nào cũng vẫn là các nạn nhân vô tội của tình huống. Không được biến con cái thành “đối tượng” để tranh chấp. Thay vào đó, phải tìm đủ mọi cách thích đáng để bảo đảm việc chúng có thể vượt qua được cơn chấn thương tan vỡ gia đình này và lớn lên một cách thanh thản bao nhiêu có thể. Trong bất cứ trường hợp nào, Giáo Hội cũng luôn có nhiệm vụ phải chỉ rõ sự bất công rất thường liên hệ với việc ly dị. Cần phải đặc biệt lưu ý tới việc hướng dẫn các gia đình có cha mẹ đơn lẻ. Phụ nữ trong tình huống này cần được trợ giúp đặc biệt để họ chu toàn trách nhiệm cung cấp mái ấm và dưỡng dục con cái.
48. Một số lớn các nghị phụ THĐ nhấn mạnh tới sự cần thiết phải làm sao cho thủ tục trong các vụ án tuyên bố vô hiệu dễ nằm trong tầm tay và đỡ mất thì giờ hơn. Trong số nhiều điều, các ngài đề nghị miễn chuẩn đòi hỏi phải có án đệ nhị cấp (second instance) mới tuyên án; khả thể thiết lập thủ tục hành chánh dưới quyền tài phán của giám mục giáo phận; và một diễn trình đơn giản hơn dùng cho những trường hợp trong đó tính vô hiệu đã hiển nhiên rõ ràng. Tuy nhiên, một số nghị phụ THĐ chống lại đề nghị này, vì các ngài thấy rằng nó không bảo đảm đưa ra được một phán quyết đáng tin. Dù trong trường hợp nào, các nghị phụ THĐ cũng nhấn mạnh tới đặc điểm hàng đầu của việc phải bảo đảm sự thật về tính thành sự của dây hôn phối. Trong số các đề nghị khác, vai trò mà đức tin đóng nơi những người kết hôn có thể được xem xét khi phải quả quyết tính thành sự của Bí Tích Hôn Nhân, trong khi vẫn chủ trương rằng cuộc hôn nhân giữa hai Kitô hữu đã rửa tội luôn luôn là một bí tích.
49. Trong việc đơn giản hóa thủ tục phán quyết các vụ án về hôn nhân, nhiều nghị phụ THĐ yêu cầu phải chuẩn bị đủ con số nhân viên, cả giáo sĩ lẫn giáo dân, hoàn toàn chăm chú vào công việc, điều này đòi vị giám mục giáo phận nhiều trách nhiệm hơn; ngài có thể chỉ định trong giáo phận mình các cố vấn được huấn luyện cách đặc biệt nhằm đưa ra các ý kiến miễn phí cho các bên liên hệ về tính thành sự hôn nhân. Việc làm này có thể diễn ra tại một văn phòng hay bởi những người có chuyên môn (xem Dignitas Connubii, 113, 1).
50. Những người ly dị mà không tái hôn, những người thường làm chứng cho lời thề hứa trung thành với cuộc hôn nhân của mình, phải được khuyến khích để tìm được của nuôi trong Thánh Thể mà họ cần đến để nâng đỡ họ trong trạng thái sống hiện thời. Cộng đồng và các mục tử địa phương phải đồng hành với những người này một cách ân cần, nhất là khi họ có con cái hay khi gặp khó khăn tài chánh trầm trọng.
51. Cũng thế, những ai ly dị và tái hôn cũng đòi được biện phân cẩn thận và được đồng hành với lòng kính trọng lớn lao. Ngôn từ và tác phong có thể khiến họ cảm thấy trở thành đối tượng của kỳ thị cần được xa tránh, trong khi phải khuyến khích họ tham dự vào đời sống cộng đồng. Sự chăm sóc của cộng đồng Kitô hữu đối với những người này không nên bị coi như làm suy yếu đức tin và chứng từ của mình đối với tính bất khả tiêu của hôn nhân, nhưng, chính nhờ cách này, cộng đồng được coi là đang nói lên lòng bác ái của mình.
52. Các nghị phụ THĐ cũng xem xét khả thể cho người ly dị và tái hôn được phép lãnh nhận các Bí Tích Thống Hối và Thánh Thể. Một số nghị phụ THĐ nhấn mạnh tới việc phải duy trì các qui định hiện nay, vì mối liên hệ tạo lập giữa việc tham dự Thánh Thể và việc hiệp thông với Giáo Hội cũng như giáo huấn về đặc điểm bất khả tiêu của hôn nhân. Các nghị phụ khác biểu lộ một phương thức có tính cá thể hóa nhiều hơn, cho phép lãnh các bí tích trên trong một số tình huống và dưới những điều kiện được xác định rõ, chủ yếu là trong các tình huống không thể đảo ngược được và các tình huống liên quan tới bổn phận luân lý đối với con cái là những người có thể phải chịu các đau khổ bất công. Việc lãnh nhận các bí tích này có thể diễn ra nếu trước đó đã thực hành việc thống hối, thể thức do giám mục giáo phận định đoạt. Đề tài này cần được khảo sát thấu đáo, luôn lưu ý tới việc phân biệt giữa tình huống tội lỗi khách quan và những hoàn cảnh giảm khinh, vì xét rằng “việc có thể bị quy trách và chịu trách nhiệm đối với một hành động có thể giảm đi hay thậm chí bị tiêu hủy do thiếu hiểu biết, sơ suất, do áp lực, sợ hãi, do thói quen, do tâm lý bất ổn, do các nhân tố tâm lý hay xã hội” (Sách GL của GHCG, 1735).
53. Một số nghị phụ THĐ chủ trương rằng các người ly dị và tái hôn hay những người sống chung với nhau có thể hữu hiệu chạy tới với việc rước lễ thiêng liêng. Các vị khác đặt câu hỏi: như thế, tại sao họ lại không thể rước lễ “cách bí tích”. Kết cục, các nghị phụ THĐ yêu cầu rằng một cuộc nghiên cứu thêm về thần học đối với vấn đề này có thể chỉ rõ được các điểm chuyên biệt của cả hai hình thức và sự liên kết của chúng với nền thần học về gia đình.
54. Các vấn đề liên quan tới các cuộc hôn nhân hỗn hợp thường được nêu ra trong tham luận của các nghị phụ THĐ. Các dị biệt trong các qui định về hôn nhân trong các Giáo Hội Đông Phương tạo ra nhiều vấn nạn nghiêm trọng trong một số trường hợp, đòi phải xem xét tới nơi tới chốn trong công trình đại kết. Cũng tương tự như thế, sự đóng góp của cuộc đối thoại với các tôn giáo khác cũng là điều quan trọng đối với các cuộc hôn nhân liên tôn.
Chú tâm mục vụ đối với những người có xu hướng đồng tính luyến ái
55. Một số gia đình có các thành viên có xu hướng đồng tính. Về phương diện này, các nghị phụ THĐ tự hỏi sự chú tâm mục vụ nào có thể thích đáng đối với họ mà vẫn phù hợp với giáo huấn Giáo Hội: “Tuyệt đối không hề có một cơ sở nào để coi các cuộc kết hợp đồng tính là tương tự hay thậm chí có thể xa xa so sánh cách nào đó với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình”. Tuy thế, những người nam nữ có xu hướng đồng tính cần được tiếp nhận với lòng kính trọng và mẫn cảm. “Mọi dấu hiệu kỳ thị bất công đối với họ cần được xa tránh” (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Các Xem Xét Liên Quan Tới Các Đề Nghị Nhìn Nhận Hợp Lệ Các Cuộc Kết Hợp Giữa Những Người Đồng Tính, 4)
56. Gây áp lực về phương diện này đối với các Mục Tử của Giáo Hội là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được: điều này cũng như thế đối với các tổ chức quốc tế chuyên liên kết việc viện trợ tài chánh của họ cho các quốc gia nghèo với việc thông qua các đạo luật nhằm thiết lập ra các “cuộc hôn nhân” giữa những người cùng một giới tính.
Việc truyền sinh và các thách đố trong việc suy giảm sinh xuất
57. Ngày nay, việc truyền bá não trạng muốn giảm thiểu việc sinh sản con người cho phù hợp với kế hoạch của cá nhân hay của các cặp vợ chồng là điều dễ quan sát thấy. Đôi khi, các nhân tố kinh tế quả là nặng nề, góp phần vào việc giảm thiểu sinh xuất đáng kể, môt việc suy giảm làm suy yếu cơ cấu xã hội, do đó, phá hoại liên hệ giữa các thế hệ và làm cho viễn tượng tương lai trở nên không chắc chắn.
Việc cởi mở chào đón sự sống là một đòi hỏi vốn nội tại ngay trong tình yêu vợ chồng. Về phương diện này, Giáo Hội hỗ trợ mọi gia đình biết chấp nhận, dưỡng dục và âu yếm đùm bọc các đứa con khuyết tật nhiều cách của mình.
58. Việc mục vụ trong lãnh vực này cần khởi đầu bằng cách lắng nghe người ta và nhìn nhận vẻ đẹp và sự thật của việc cởi mở vô điều kiện đối với sự sống, một điều cần thiết nếu muốn sống trọn vẹn cuộc sống nhân bản. Điều này được dùng làm căn bản cho một giáo huấn thích đáng liên quan tới các phương pháp tự nhiên để sinh sản có trách nhiệm, là các phương pháp giúp vợ chồng sống mối liên hệ yêu đương của họ cách hoà điệu và có ý thức trong mọi khía cạnh của nó, cùng với trách nhiệm sinh ra sự sống mới. Về phương diện này, ta nên trở lại với sứ điệp của Chân Phúc GH Phaolô VI trong thông điệp Humanae Vitae, một sứ điệp vốn nhấn mạnh tới việc phải kính trọng phẩm giá con người khi lượng định các phương pháp điều hòa sinh đẻ về phương diện luân lý. Việc nhận con nuôi, nhận trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi và coi chúng như con của mình là một hình thức đặc biệt của việc tông đồ gia đình (xem Apostolicam Actuositatem, III, 11), và vẫn thường được Huấn Quyền kêu gọi và khuyến khích (xem Familiaris Consortio, III, II; Evangelium Vitae, IV, 93). Quyết định nhận con nuôi hay nhận nuôi nấng trẻ em nói lên tính hoa trái đặc thù của đời sống vợ chồng, chứ không hẳn chỉ trong trường hợp hiếm muộn. Quyết định như thế chứng tỏ một dấu hiệu mạnh mẽ của tình yêu gia đình, một cơ hội để làm chứng cho đức tin của mình và phục hồi phẩm giá làm con cho những người bị tước mất phẩm giá này.
59. Cảm giới tính cần được trợ giúp, cả trong hôn nhân, như cách thế để trưởng thành trong cố gắng không ngừng thâm hậu hóa việc chấp nhận người khác và không ngừng hiến mình mỗi lúc một trọn vẹn hơn. Việc này cần đến các chương trình huấn luyện nhằm nuôi dưỡng cuộc sống lứa đôi và tầm quan trọng của giáo dân nhằm cung cấp việc đồng hành, một việc đòi một cuộc sống làm chứng tá. Gương sáng của một tình yêu trung thành và sâu sắc chắc chắn là một trợ giúp lớn lao; một tình yêu được biểu lộ qua dịu dàng và kính trọng; một tình yêu có khả năng lớn lên với thời gian; và là một tình yêu tạo ra được một cảm nghiệm huyền nhiệm siêu việt, ngay trong tác động cởi mở đón chào việc sinh sản sự sống mới.
Dưỡng dục và vai trò gia đình trong việc phúc âm hóa
60. Một trong các thách đố nền tảng mà các gia đình ngày nay đang phải đối diện chắc chắn là thách đố dưỡng dục con cái; thách đố này càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn bởi thực tại văn hóa và ảnh hưởng lớn lao của truyền thông ngày nay. Do đó, phải ân cần đối với nhu cầu và hoài mong của các gia đình có khả năng làm chứng bằng đời sống hàng ngày của họ rằng gia đình là nơi để nẩy nở trong việc cụ thể và thiết yếu lưu truyền các nhân đức giúp đem lại khuôn hình cho cuộc sống ta. Như thế, cha mẹ phải được tự do chọn lối giáo dục cho con cái mình, theo các xác tín riêng của họ.
61. Về phương diện này, Giáo Hội có thể đóng một vai trò giá trị trong việc hỗ trợ các gia đình, bắt đầu với việc Khai Tâm Kitô Giáo, bằng cách trở thành các cộng đoàn chào đón. Hơn bao giờ hết, ngày nay, các cộng đoàn này phải trợ giúp các cha mẹ trong việc dưỡng dục con cái cả trong các tình huống phức tạp lẫn cuộc sống hàng ngày, đồng hành với chúng, đồng hành với các thiếu niên và người trẻ trong diễn trình phát triển của chúng qua các chương trình mục vụ được bản vị hóa, có khả năng dẫn khởi để chúng hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của sự sống và khuyến khích chúng biết quyết định và lãnh trách nhiệm, biết sống trong ánh sáng Tin Mừng. Trong sự dịu dàng, trong lòng từ bi và mẫn cãm mẫu thân của ngài, Đức Maria có khả năng nuôi dưỡng nhân loại đói khát và chính sự sống. Bởi đó, các gia đình và các Kitô hữu nên cậy nhờ sự cầu bầu của ngài. Việc mục vụ và việc sùng kính Đức Mẹ là một khởi điểm thích đáng để ta công bố Tin Mừng Gia Đình.
Kết luận
62. Các suy nghĩ đề ra trên đây, vốn là hoa trái của công trình THĐ diễn ra trong tự do hoàn toàn và trong tinh thần lắng nghe nhau, có mục đích nêu ra các vấn đề và cho thấy các quan điểm cần được khai triển và minh xác sau này qua việc suy nghĩ tại các Giáo Hội địa phương trong năm trước khi khai mạc Phiên Họp Toàn Thể Thường Lệ Thứ XIV của THĐ Giám Mục dự tính vào Tháng Mười, năm 2015, để bàn về Ơn Gọi và Sứ Mệnh của Gia Đình trong Giáo Hội và trong Thế Giới Hiện Thời. Chúng không phải là các quyết định đã đưa ra và cũng không phải là những đề tài dễ dàng. Tuy nhiên, trong cuộc hành trình hợp đoàn của các giám mục và với sự can dự của toàn thể Dân Chúa, Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn ta tìm ra đường tiến tới sự thật và thương xót đối với mọi người. Đó là ước nguyện của Đức GH Phanxicô ngay từ đầu công việc của chúng tôi, khi ngài mời gọi chúng tôi phải can đảm trong đức tin và phải khiêm nhường ôm lấy sự thật trong đức ái.
Số phiếu cho từng số của Bản Tường Trình Của THD
Tổng số hiện diện: 183
(không có số chỉ phiếu trắng)
Đồng ý Không đồng ý
1. 175 1
2. 179 0
3. 178 1
4. 180 2
5. 177 3
6. 175 5
7. 170 9
8. 179 1
9. 171 8
10. 174 8
11. 173 6
12. 176 3
13. 174 7
14. 164 18
15. 167 13
16. 171 8
17. 174 6
18. 175 5
19. 176 5
20. 178 3
21. 181 1
22. 160 22
23. 169 10
24. 170 11
25. 140 39
26. 166 14
27. 147 34
28. 152 27
29. 176 7
30. 178 2
31. 175 4
32. 176 5
33. 175 7
34. 180 1
35. 164 17
36. 177 1
37. 175 2
38. 178 1
39. 176 4
40. 179 1
41. 125 54
42. 143 37
43. 162 14
44. 171 7
45. 165 15
46. 171 8
47. 164 12
48. 143 35
49. 154 23
50. 169 8
51. 155 19
52. 104 74
53. 112 64
54. 145 29
55. 118 62
56. 159 21
57. 169 5
58. 167 9
59. 172 5
60. 174 4
61. 178 1
62. 169 8
Vũ Văn An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét