Giáo
Hội không chỉ là Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục và những
người sống đời thánh hiến, mà bao gồm tất cả các tín hữu được rửa tội là
những người theo Chúa Giêsu, sống tin cậy mến và gần gũi các anh chị em
khổ đau, những người rốt hết, tìm thoa dịu các khổ đau và đem lại cho họ một chút ủi an và hòa bình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 60.000 tín hữu và du khách
hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hằng tuần sáng thứ tư
29-10-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.
Mở đầu bài huấn dụ Đức
Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, trong các bài giáo lý trước đây
chúng ta đã có thể minh nhiên thực tại tinh thần của Giáo Hội: Giáo Hội
là thân mình của Chúa Kitô, được xây dựng trong Chúa Thánh Thần. Tuy
nhiên, khi chúng ta đề cập tới Giáo Hội, lập tức chúng ta nghĩ tới các
cộng đoàn, các giáo xứ, các giáo phận, trong đó chúng ta thường tụ họp
và dĩ nhiên cũng nghĩ tới các thành phần và cơ cấu cai quản nó. Đó là
thực tại hữu hình của Giáo Hội. Nhưng đâu là tương quan giữa thực tại
hữu hình và thực tại thiêng liêng của Giáo Hội?
Trước hết khi
nói tới thực tại hữu hình của Giáo Hội, chúng ta không chỉ được nghĩ tới
Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục và những người sống đời
thánh hiến mà thôi. Đức Thánh Cha giải thích chiều kích hữu hình của
Giáo Hội như sau:
Thực tại hữu hình của Giáo Hội được tạo thành
bởi biết bao nhiêu anh chị em đã được rửa tội trong thế giới, những
người sống tin, cậy, mến. Nhưng có biết bao lần chúng ta nghe nói rằng:
Giáo Hội không làm điều này, Giáo Hội không làm điều nọ. Nhưng xin bạn
nói cho tôi biết Giáo Hội là ai. Giáo Hội là các linh mục, các giám mục,
Đức Giáo Hoàng...Ồ, Giáo Hội là chúng ta tất cả. Tất cả chúng ta là
Giáo Hội, là Giáo Hội của Chúa Giêsu. Giáo Hội được làm thành bởi tất cả
những người theo Chúa Giêsu và nhân danh Người, gần gũi những người rốt
hết, những người khổ đau, bằng cách tìm cống hiến cho họ một chút nhẹ
nhõm, ủi an và hòa bình. Tất cả, tất cả những người làm điều Chúa truyền
dậy, tất cả những người làm điều đó là Giáo Hội.
Khi đó chúng
ta ta hiểu rằng cả thực tại hữu hình của Giáo Hội cũng không thể đo
lường được, không thể biết được trong tất cả sự tràn đầy của nó: làm sao
mà biết được tất cả thiện ích được Giáo Hội làm? Biết bao nhiêu công
việc của tình yêu, biết bao nhiêu trung thành trong các gia đình, biết
bao nhiêu công việc để giáo dục con cái, để làm cho tiến tới, để thông
truyền đức tin, biết bao nhiêu khổ đau nơi các người đau yếu hiến dâng
các khổ đau của họ cho Chúa. Điều này không thể đo lường được và nó lớn
lao biết bao, lớn lao biết bao!
Làm sao mà biết được tất cả các
điều huyền diệu, mà qua chúng ta, Chúa Kitô thực hiện trong con tim và
cuộc sống của từng người? Anh chị em thấy không: cả thực tại hữu hình
của Giáo Hội cũng vượt qúa sự kiểm soát của chúng ta, vượt quá các sức
lực của chúng ta và là một thực tại nhiệm mầu, bởi vì nó đến từ Thiên
Chúa.
Để hiểu tương quan giữa thực tại hữu hình và thực tại tinh
thần của Giáo Hội, không có con đường nào khác ngoài việc nhìn vào Chúa
Kitô, mà Giáo Hội là thân mình và từ đó Giáo Hội được sinh ra trong một
cử chỉ của tình yêu vô tận. Thật thế, cả nơi Chúa Kitô, nhờ sức mạnh
của mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta cũng nhận ra một bản tính nhân loại và
một bản tính thiên linh, hiệp nhất trong cùng một con người một cách
tuyệt diệu và bất khả phân ly. Điều này cũng có giá trị đối với Giáo
Hội. Như nơi Chúa Kitô nhân tính hoàn toàn tạo thuận tiện cho thiên tính
và phục vụ thiên tính, nhằm thành toàn ơn cứu độ, thực tại hữu hình
cũng làm như thế đối với thực tại tinh thần nơi Giáo Hội. Vì thế, Giáo
Hội cũng là một mầu nhiệm, trong đó điều người ta không trông thấy quan
trọng hơn điều trông thấy, và chỉ có thể được nhận ra với con mắt đức
tin (LG 8).
Tuy nhiên, trong trường hợp của Giáo Hội chúng ta
phải tự hỏi: thực tại hữu hình có thể phục vụ thực tại tinh thần như thế
nào? Một lần nữa chúng ta có thể hiểu điều này, khi nhìn vào Chúa Kitô.
Chúa Kitô là mẫu gương, mẫu gương của Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội là thân
mình Người. Người là gương mẫu của tất cả mọi kitô hữu, của chúng ta
tất cả. Nhìn lên Chúa Kitô chúng ta không sai lầm. Khi nhìn Chúa Kitô,
chúng ta không sai lầm.
Trong Phúc Âm thánh sử Luca kể lại biến
cố Chúa Giêsu trở về Nagiarét nơi Người đã lớn lên, vào hội đường và đọc
đoạn sách của ngôn sứ Isaia nói về chính Người rằng: ”Thần Khí Chúa ngự
trên Tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong Tôi, để Tôi loan báo Tin Mừng
cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai Tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ
được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người
bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19). Đó, Chúa
Kitô đã dùng nhân tính của Người để loan báo và thực hiện chương trình
cứu độ và cứu rỗi của Người như thế nào, thì Giáo Hội cũng phải làm như
thế.
Qua thực tại hữu hình, qua các bí tích và chứng tá của
mình, Giáo Hội được mời gọi mỗi ngày gần gũi mọi người, bắt đầu từ những
ai nghèo khó, khổ đau và bị gạt bỏ ngoài lề, để tiếp tục làm cho tất cả
mọi người cảm nhận được cái nhìn cảm thông và xót thương của Chúa
Giêsu.
Anh chị em thân mến, như Giáo Hội chúng ta thường sống
kinh nghiệm sự giòn mỏng và các hạn hẹp của chúng ta. Chúng ta tất cả
đều là thế. Tất cả chúng ta đều có chúng. Tất cả chúng ta đều tội lỗi.
Không ai trong chúng ta có thể nói rằng ”Tôi không phải là người tội
lỗi”. Nếu có ai trong anh chị em cảm thấy mình không là người có tội,
thì hãy giơ tay lên. Xem có bao nhiêu người nào! Không thể được. Chúng
ta tất cả đều như thế. Và sự giòn mỏng này, các hạn hẹp này, các tội lỗi
này của chúng ta thật phải lẽ là chúng gây ra nơi chúng ta sự hối tiếc
sâu xa, nhất là khi chúng ta làm gương xấu và nhận ra rằng mình trở
thành cớ gây gương mù gương xấu. Có biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe
nói trong khu xóm rằng: ”Người đó luôn đi nhà thờ nhưng lại nói xấu mọi
người, vặt lông mọi người”. Nói xấu người khác thật là gương mù gương
xấu biết bao! Đó không phải là kitô, đó là một gương xấu, là một tội. Và
như thế là chúng ta làm gương xấu. Nếu ông này bà nọ là kitô hữu, thì
tôi xin làm người vô thần”. Bởi vì chứng tá của chúng ta là điều giúp
hiểu kitô hữu là thế nào. Chúng ta hãy cầu xin để đừng là lý do gây
gương mù gương xấu. Như vậy chúng ta hãy xin ơn đức tin, để có thể hiểu
rằng tuy chúng ta ít ỏi và nghèo nàn, Chúa đã thật sự khiến cho chúng ta
trở thành dụng cụ ơn thánh và dấu chỉ hữu hình tình yêu của Ngài đối
với toàn nhân loại.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu cũng như từ Nigeria, Ấn Độ, Mehicô, Argentina và Brasil.
Nhắc tới ngày lễ các Thánh Nam Nữ ngày mùng 1 tháng 11 sắp tới, Đức
Thánh Cha xin các tín hữu Ba Lan cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những người
nam nữ đã biết cộng tác với ơn thánh Chúa và có can đảm làm chứng cho
đức tin, đức cậy và đức mến trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta hãy
học hỏi nơi họ để trở nên thánh trong thời đại chúng ta.
Ngài
khuyến khích các bạn trẻ biết noi gương các Thánh, người đau yếu biết
dâng các khổ đau để cầu nguyện cho ơn hoán cải của những ai cần hoán
cải, và các cặp vợ chồng mới cưới lo lắng cho sự trưởng thành của đức
tin trong cuộc sống hôn nhân.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét