HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

PHILIPPINES: BÀI HỌC VỀ SỰ SINH TỒN


(iHay) “Tôi vốn là một người tử tế. Nhưng nếu chưa được ăn trong ba ngày, người ta sẽ làm những điều đáng xấu hổ để sinh tồn…”.

Thi thể một nạn nhân xấu số nằm trên bậc thang, phía trên, những người sống sót đang tìm thực phẩm chống đói ở Tacloban (Philippines) - Ảnh: EPA
Thi thể một nạn nhân xấu số nằm trên bậc thang, phía trên, những người sống sót đang tìm thực phẩm chống đói ở Tacloban (Philippines) – Ảnh: EPA
Hà Nội sáng nay hửng nắng. Chút mưa phùn lất phất của ngày hôm qua đã bị ánh nắng nhẹ cuối thu xua tan hết. Người dân Hải Phòng, Quảng Ninh đang tất bật dọn dẹp những ngổn ngang sau bão, đường phố lại tấp nập và khu chợ ồn ã như thường sau một đêm mưa gào gió rít.

Miền Trung đang thở phào nhẹ nhõm. Cả nước Việt thở phào nhẹ nhõm khi siêu bão Hải Yến đã bất ngờ từ bỏ ý định đâm thẳng miền Trung vào phút chót và chỉ quét nhẹ qua miền bắc rồi cuốn đi.

Có lẽ tất cả những lo lắng nghẹt thở của chúng ta xuất phát từ hình ảnh tang thương của Philippines khi siêu bão tràn qua thành phố Tacloban của đất nước này tạo nên một thảm họa kinh hoàng.

Người chết đầy đường, khung cảnh đổ nát, hoang tàn, những người còn sống bơ vơ và đói khát, đi lại vật vờ như những bóng ma. Người dân thành phố Tacloban vừa phải đối mặt với một trong 4 siêu bão mạnh nhất của lịch sử nhân loại, và giờ họ đang phải đối mặt với bài toán sinh tồn – điều còn khủng khiếp hơn cả siêu bão.

Mỗi người khi sinh ra đều có một bản năng sinh tồn mạnh mẽ. Chẳng ai biết bản năng ấy sẽ khiến chúng ta có thể làm những gì cho đến lúc bị đẩy vào đường cùng.

Khi được no đủ và khỏe mạnh, có thể ai cũng là người tốt. Nhưng khi phải giành giật mọi điều kiện để sống trong tuyệt vọng, dường như mọi giá trị đều dễ dàng bị đạp đổ để trả lời câu hỏi duy nhất: làm sao để sống?

Trở lại Philippines những ngày sau cơn thảm họa kinh hoàng, những người sống sót đã trở nên hoảng loạn trong cơn khát lương thực.

Họ đói, và họ sẵn sàng đạp đổ những cửa hàng, tìm kiếm đồ ăn từ những xác chết. Và… họ cướp bóc, nếu có thể. Những con người tội nghiệp ấy không chỉ có một mình, họ còn có bố mẹ, những đứa con đang khắc khoải chờ cái gì đó ăn được để qua cơn đói.

“Tôi vốn là một người tử tế. Nhưng nếu chưa được ăn trong ba ngày, người ta sẽ làm những điều đáng xấu hổ để sinh tồn. Chúng tôi không có đồ ăn, chúng tôi cần nước và mọi thứ để tồn tại”, một người đàn ông tên Edward Gualberto nói khi đào bới xung quanh các mảnh đổ vỡ và đám ruồi bu quanh thi thể những nạn nhân xấu số.

Làm ơn đừng nói đến những lý thuyết đẹp đẽ, cao cả với những con người đang trong cơn khốn cùng này. Bởi lẽ nếu chúng ta đặt mình vào vị trí của họ, điều duy nhất chúng ta nghĩ tới khi đó có lẽ cũng chỉ là bánh mì và nước uống.

Đám đông trèo qua hàng rào, xông vào một trung tâm mua sắm để cướp bóc - Ảnh: EPA
Đám đông trèo qua hàng rào, xông vào một trung tâm mua sắm để cướp bóc – Ảnh: EPA
Lướt qua những hình ảnh tang thương của Philippines phủ đầy các trang báo mạng, trong lòng tôi tràn ngập một sự đau xót và nỗi day dứt khó nói thành lời khi những người dân vừa gánh chịu thảm họa nay phải giành giật, cướp bóc lẫn nhau để có thể sống sót.

Không ai mong chờ sự náo loạn diễn ra, nhưng con người ta khó có thể tỏ ra cao cả hoặc điềm tĩnh trong túng quẫn. Đấu tranh để sinh tồn, đó là điểm mạnh, và cũng là mặt trái trong bản năng của mỗi người.

Chúng ta sẽ làm gì khi ở trong hoàn cảnh ấy? Không tranh giành cho bản thân mình, nhưng còn cha mẹ, con cái? Xin thay vì cướp bóc? Liệu có thể xin được khi lương thực là thứ khan hiếm với bất kỳ ai? Thật khó để trả lời câu hỏi này trong chốc lát nếu chúng ta chưa được đào tạo về thái độ vượt qua khủng hoảng, chưa đủ bình tĩnh khi đối mặt với thiên tai và chưa đủ nhân văn để tồn tại hậu thiên tai.

Trong những câu chuyện về sự giành giật sinh tồn, có nhiều điều kinh hoàng đến nỗi chúng ta khó có thể tưởng tượng nó là sự thực.

Đọc cuốn sách Đức Phật và nàng của một nữ nhà văn Trung Quốc, một cuốn sách dày đặc kiến thức lịch sử và cũng khá trung thành với những gì lịch sử Trung Quốc ghi chép, tôi không khỏi bị ám ảnh khi đọc những dòng mô tả về một nạn đói, người ta phải ăn thịt đồng loại để sống sót.

Dẫu rằng đó chỉ là trong tiểu thuyết, nhưng ai dám chắc điều khủng khiếp ấy chưa từng xảy ra trong hiện thực. Cái đói, cái chết đôi khi đánh cắp phẩm giá con người. Bài học về sự sinh tồn nhiều khi là bài học thật nghiệt ngã.

Chúng ta đã được học gì để sinh tồn? Có lẽ trên tất cả mọi kỹ năng, điều cần nhất là sự bình tĩnh của mỗi cá nhân và tinh thần đoàn kết trong cả cộng đồng, một cộng đồng nâng đỡ lẫn nhau chứ không phải cướp đi cơ hội của những kẻ yếu hơn. Một cá nhân bình tĩnh, cả cộng đồng đoàn kết, cơ hội sống sót sẽ cao hơn một đám đông rời rã, loạn lạc.

Nhưng để học được tinh thần ấy không phải chỉ trong ngày một, ngày hai mà cần được rèn giũa từ bé tới lớn. Hãy nhìn lại thái độ của người Nhật khi đối mặt với cơn đại nạn động đất và sóng thần vừa qua. Không tranh giành, không loạn lạc, từ những người Nhật lớn tuổi đến những em bé nhỏ đều kiên cường vượt qua thảm họa bằng một thái độ bình tĩnh, trật tự đáng khâm phục.

Chúng ta học được gì từ họ? Mạnh mẽ để sinh tồn, nhưng song song với điều đó là sự nhân văn để sinh tồn. Sự nhân văn, đó là sức mạnh để mỗi cá nhân tồn tại và giúp cả cộng đồng rộng lớn cùng tồn tại.

Giật một mẩu bánh mì để cứu sống bản thân mình, đó là bản năng mà sinh ra ai cũng có. Song, nếu nhường lại mẩu bánh ấy cho một người đói hơn thì có khi lại là kết quả của một quá trình giáo dưỡng và trưởng thành đậm tính nhân văn.

Siêu bão Hải Yến đã qua. Cảm tạ những người bạn Philippines vẫn dành cho Việt Nam lời cầu chúc an lành khi bản thân họ đang trong cơn thảm họa, và cầu mong họ sẽ kiên cường vượt qua sự mất mát này một cách bình yên nhất.

Blog của May

lamhong.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons