Mặc dù Thánh Cecilia là vị tử đạo thời
danh trong Giáo Hội Rôma, những câu chuyện quen thuộc về thánh nữ thì không
thấy ghi chép trong văn bản chính thức. Vào thời tiên khởi cũng không thấy dấu
vết của sự tôn kính ngài. Chỉ có một mảnh đá thời thế kỷ thứ tư có ghi khắc tên
của một nhà thờ mang tên thánh nữ, và ngày lễ kính được cử hành vào khoảng năm
545.
Theo truyền thuyết, Cecilia là một thiếu
nữ Kitô Giáo của giai cấp quyền quý kết hôn với một người La Mã tên là
Valerian. Cecilia mặc áo nhặm, ăn chay, và thường cầu khẩn các thánh, các thiên
thần, các trinh nữ xin họ gìn giữ sự trinh tiết của ngài. Và thánh nữ nói với
đức lang quân, "Em sẽ tiết lộ cho anh một sự thật, nhưng anh phải hứa đừng
nói với ai." Và khi ông hứa, ngài nói: "Có một thiên thần luôn trông
chừng em, và gìn giữ em khỏi bị ai đụng chạm đến." Ông nói, "Em yêu
dấu, nếu đó là sự thật, hãy cho anh thấy vị thiên thần ấy," và ngài trả
lời, "Anh chỉ có thể thấy nếu anh tin vào Thiên Chúa, và được rửa
tội."
Ngài gửi đức lang quân đến gặp Thánh
Giáo Hoàng Urbanô để được rửa tội; và khi ông trở về nhà, ông thấy Cecilia đang
cầu nguyện trong phòng, và cạnh đó là một thiên thần với đôi cánh rực lửa, tay
cầm hai triều thiên bằng hoa hồng và hoa huệ đặt trên đầu của hai người, và
biến đi. Sau đó, Tibertius, người em của Valerian, bước vào phòng và ông ngạc
nhiên khi ngửi thấy mùi hoa nồng nàn cũng như vẻ mỹ miều của các bông hoa.
Khi ông này được kể cho biết các chi
tiết của câu chuyện, ông cũng muốn được rửa tội. Sau đó, cả hai anh em ông tận
tụy hy sinh chôn cất các vị tử đạo mà thời ấy xảy ra hàng ngày, dưới quyền tổng
trấn Turcius Almachius. [Không có tổng trấn nào mang tên này cả]. Họ bị bắt và
bị đưa ra trước quan tổng trấn, và khi họ từ chối thờ cúng các tà thần họ đã bị
chém đầu.
Trong khi đó, Thánh Cecilia, qua lời rao
giảng ngài đã đưa bốn trăm người trở lại đạo và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô rửa
tội. Sau đó thánh nữ bị bắt, và bị xử tử bằng cách trấn nước cho đến chết. Ngài
bị dìm trong bồn nước một ngày một đêm, sau đó quan cho nổi lửa đun sôi bồn
nước, nhưng thánh nữ không hề hấn gì. Khi tổng trấn Almachius nghe biết điều
này, ông sai người đến chặt đầu thánh nữ ngay trong bồn nước. Lý hình chém đến
ba lần mà đầu thánh nữ vẫn chưa đứt. Hắn để mặc cho máu tuôn đổ. Ðám đông đổ xô
đến để thấm máu trong khi ngài vẫn rao giảng cho họ. Ba ngày sau, ngài trút hơi
thở cuối cùng, và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô và các phó tế chôn cất.
Vào thời Phục Hưng, người ta thường vẽ
ngài với đàn vĩ cầm và phong cầm nhỏ.
Lời Bàn
Như bất cứ Kitô Hữu tốt lành nào khác,
Thánh Cecilia dùng miệng lưỡi để ca ngợi Thiên Chúa với tất cả tấm lòng. Ngài
tiêu biểu cho sự tin tưởng của Giáo Hội rằng thánh nhạc là một phần căn bản
trong phụng vụ, có giá trị lớn lao hơn bất cứ nghệ thuật nào khác. Trong thời
đại hỗn độn của âm nhạc ngày nay, có lẽ chúng ta cần đọc lại những lời của Công
Ðồng Vatican II dưới đây.
Lời Trích
"Hành động phụng vụ thêm cao quý
khi các nghi thức thánh được âm nhạc trang trọng hóa, với sự phụ giúp của các
thừa tác viên chức thánh và sự tham dự của giáo đoàn... Phải luôn luôn khuyến
khích các ca đoàn, nhưng các giám mục và cha sở phải để ý rằng, bất cứ lúc nào
phụng vụ được cử hành với thánh nhạc, toàn thể giáo đoàn phải có thể góp phần
tham dự cách tích cực vì đó là quyền lợi của họ... Bình ca phải có vị trí xứng
đáng trong các nghi lễ, so với các loại nhạc khác. Nhưng điều đó không có nghĩa
gạt bỏ các loại thánh nhạc khác, nhất là loại đa âm điệu... Thánh ca dành cho
giáo dân phải khéo léo chọn lựa, để trong việc phụng tự và nghi lễ, họ có thể
cùng góp tiếng hát" (Sắc Lệnh Về Phụng Vụ, 112-118).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét