Một người Mỹ tên là Habốc thành lập
một hãng bưu điện kỳ quặc với cái tên giật gân “Liên minh thiên đàng”. Công việc
của hãng này là chuyển thư từ của những ai muốn gởi đến những người thân quen
đã qua đời. Thủ tục rất đơn giản: người gởi chỉ cần viết thư trên một tờ giấy mẫu
in sẵn và nộp một khoản cước phí là xong.
Còn làm thế nào để chuyển lá thư ấy
đến tay người chết là phận vụ của bưu điện. “Liên minh thiên đàng”. Theo lời
ông Habốc quả quyết thư gởi nhất định sẽ tới tay người nhận do nhân viên đưa
thưa của hãng là những người sắp chết tình nguyện chuyển giùm. Những nhân viên
tình nguyện này sẽ học thuộc lòng nội dung bức thư và cam kết sẽ nhắn lại đầy đủ
với người nhận. Hơn nữa “Liên minh thiên đàng” tuyển chọn nhân viên của mình rất
cẩn thận. Họ phải là người trong sạch, không có gì mờ ám trước khi Chúa gọi lìa
khỏi đời này, nên nhất định họ sẽ lên thiên đàng chứ không thể xuống hỏa ngục
được. Do uy tín của hãng bưu điện này ngày càng tăng mạnh mẽ nên ông Habốc đã mở
rộng phạm vi hoạt động không những khắp nước Mỹ mà còn lan sang các lục địa
khác nữa.
Mới nghe qua, nhất là đối với những
người vô tôn giáo hay không tin có đời sau thì câu chuyện trên chẳng những kỳ
quặc mà còn phi lý không thể chấp nhận được. Nhưng còn đối với chúng ta không
có gì đáng ngạc nhiên cả, chẳng qua chỉ có khác về cách thức liên hệ mà thôi. Bởi
vì, giáo lý công giáo đã trình rõ ràng từng chi tiết mối dây liên hệ giữa người
còn sống và kẻ đã chết bằng một tín điều quan trọng buộc mọi người phải tin và
phải thực hành: đó là tín điều Các Thánh cùng thông công.
Tuy nhiên, một điều khác biệt giữa
tín điều của người công giáo và hãng bưu điện “Liên minh thiên đàng” của Habốc
là cách thức liên lạc với chết. Cách thức của ông Habốc vừa thiên về vật chất vừa
dựa vào khả năng giới hạn của con người nên rất khó mà đạt được mong muốn. Còn
các thức liên lạc với người quá cố của đạo công giáo phần lớn nhờ vào quyền
năng, lời bảo đảm của Chúa, cũng như được minh chứng cụ thể do những cuộc hiện
về của các linh hồn mà Chúa cho phép. Như thế, việc liên hệ với người thân quen
đã qua đời đối với chúng ta là một chuyện thường tình, dễ dàng và có từ ngàn
xưa. Chỉ còn lại một công đoạn cuối cùng là chúng ta có muốn liên lạc hay không
mà thôi.
Thật vậy, con người sống được với
nhau là nhờ ân nghĩa. Tình nghĩa càng thắm thiết càng thương nhớ đến nhau và muốn
sống mãi bên nhau, nhất là đối với những người thân quen đã qua đời. Hơn nữa,
khi biết sống tình nghĩa với nhau cách đằm thắm hay nhạt nhẽo thì mới rõ ai tốt
hay xấu, ai thật lòng ai gian dối. Do đó, tình nghĩa không những là một nhu cầu
cần thiết cho đời sống mà còn là một bổn phận, trách nhiệm phải đền đáp, chu
toàn hết khả năng sẵn có.
Nếu thế thì chúng ta, những người
còn sống tại dương thế, đang có tự do hành động theo ý muốn của mình lại càng sống
thật tình nghĩa với những người đã khuất vì giờ đây họ chẳng khác gì những tù
nhân chỉ còn trông mong sự cứu giúp của chúng ta mà thôi. Nhưng sống tình nghĩa
với những người đã chết không có nghĩa là nhớ lại những kỷ niệm, những hình ảnh,
dáng điệu, lời nói của họ để mà thương tiếc, nhớ nhung, trái lại điều quan trọng
là hãy biến những tình cảm đó thành những hành động thương yêu thật cụ thể và
có giá trị đời đời.
Đó là lý do chính yếu của ngày lễ
hôm nay và trong tháng 11 này mà Giáo hội đề xướng ra để kêu gọi toàn thể mọi
người hãy hướng lòng về những người thân quen cũng như xa lạ đã qua đời, nhất
là ra sức tìm kiếm những tặng phẩm thiêng liêng để gởi làm quà cho họ. Và một
khi đã biết rõ cách thức gởi, gởi những gì và gởi nhờ ai thì sẽ đến tay các
linh hồn. Chỉ còn lại khâu cuối cùng là chúng ta có hăng say kiếm quà mà gởi
hay không mà thôi.
Và nếu những người thân quen ở
bên kia thế giới đang quằn quại đau khổ trăm chiều, từng giây từng phút đợi chờ
sự cứu giúp của chúng ta, được chóng giải thoát cực hình hay phải giam phạt
thêm là hoàn toàn do chúng ta có thương xót hay thờ ơ mà thôi, chẳng lẽ chúng
ta cứ thờ ơ, lãng quên họ mãi hay sao? Vậy hãy mau cố gắng hết sức, tìm đủ mọi
cách để giải thoát cho họ như siêng năng xưng tội rước lễ, làm việc lành phúc đức,
ăn chay hãm mình, xin lễ cầu nguyện… Và nếu chúng ta cứu được các Đẳng, chắc chắn
các Ngài sẽ không bao giờ quên ơn chúng ta.
Đó là chưa nói đến tình máu mủ mà
chắc chắn không ai trong chúng ta nở lòng nào quên tình nghĩa với ông bà, cha mẹ,
vợ chồng, con cái, cháu chắt, họ hàng thân thuộc đã qua đời chờ sự cứu giúp của
chúng ta. Còn xét về mặt trách nhiệm, nếu những ai đã làm ơn cho chúng ta hoặc
vì lỗi lầm gương xấu của chúng ta mà đang bị gian cầm, chúng ta cần phải đền ơn
và chuộc lỗi lầm cho họ.
Vậy ai còn sống mà không biết tưởng
nhớ đến người chết thì kẻ đó không phải là con người. Và ai chỉ biết tưởng nhớ
suông mà không biết làm những việc lành phúc đức cụ thể thì cũng không thể xứng
đáng lám con cái của Chúa.
Tác giả bài viết: vanlang007
Nguồn tin: http://tgpsaigon.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét