HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

KINH THÁNH TIẾNG BẢN ĐỊA GIÚP PHỤC HỒI BẢN SẮC VĂN HÓA ĐÀI LOAN


Cha Anton Weber (mặc áo Alba trắng) thăm người Công giáo Tsou

Người bản địa Tsou ở miền trung Đài Loan chỉ có khoảng 7.000 người. Nhưng phần đông theo Công giáo đang chờ đợi món quà đặc biệt vào Giáng sinh năm nay: linh mục Anton Weber sẽ trao cho họ phiên bản Tân ước bằng phương ngữ Tsou.

Vị linh mục dòng Ngôi Lời người Đức phục vụ bộ tộc này ở Alishan, một ngôi làng thuộc giáo phận Chiayi 30 năm nay. Ngài đã dành hai thập niên biên dịch Tân ước. Chẳng bao lâu sau khi ngài hoàn thành bản nháp đầu tiên thì ngài được giao nhiệm vụ mới ở Đức. Vì thế, dự án được chuyển lại cho một nhóm gồm sáu thành viên do linh mục Nobert Pu và nữ tu Lisa Wang, cả hai đều là người Tsou.

Cha Pu tin rằng bản dịch mới sẽ giúp "phục hồi bản sắc văn hóa của chúng tôi, vì dùng tiếng mẹ đẻ để tuyên xưng đức tin và cầu nguyện cùng Chúa sẽ làm tăng cảm giác gần gũi nơi người dân chúng tôi".

Ngoài phục hồi và giữ gìn tiếng Tsou, cha Pu nói bản dịch này cũng sẽ "làm phong phú sự sinh động của văn hóa và xã hội của người bản địa, làm cho chúng tôi tự tin hơn để đối diện thời đại đang thay đổi này".

Đài Loan có 14 nhóm sắc tộc bản địa. Giáo hội Công giáo và Tin lành làm việc với các sắc tộc này nhiều thập niên nay và đã thu hút khá nhiều người theo đạo.

Theo Trung tâm Nghiên cứu thần học bản địa tại Đại học Công giáo Fu Jen, trong số 240.000 người Công giáo ở Đài Loan có khoảng 100.000 –120.000 người bản địa.

Người Công giáo Amis, Atayal, Bunun, Paiwan, Rukai, Truku và Tsou đã có Kinh thánh, sách lễ và thánh ca bằng phương ngữ của họ, và Hội Kinh thánh ở Đài Loan biên dịch Kinh thánh từ năm 1968.

Nhưng những nỗ lực lớn nhất là vào những năm 1980, khi mà người bản địa nhận thức muốn phục hồi việc sử dụng phương ngữ và tên bản xứ của họ, khi luật pháp lúc đó yêu cầu họ phải đặt tên và đăng ký bằng tiếng Hán.

Từ đó, việc sử dụng ngôn ngữ sắc tộc mở rộng ra ngoài Giáo hội và được dùng trong lĩnh vực chính trị, trở thành biểu tượng tự hào và bản sắc văn hóa của người bản địa.

Giờ đây khi có bản Tân ước mới này, người bản xứ đã vươn tới một tầm cao mới.

Chính cha Weber được cha Pu và nhóm của ngài mời trao phiên bản Tân ước mới cho giáo dân vào lễ Giáng sinh.

"Ngoài việc giữ gìn tiếng Tsou, tôi hy vọng bản Kinh thánh này sẽ khuyến khích thế hệ trẻ học tập và chuyển tải Kinh thánh bằng tiếng mẹ đẻ" - cha Weber nói.

"Tôi hy vọng nó cũng có thể thúc đẩy phong trào đọc Kinh thánh để người trẻ khỏi bị "thế tục hóa" khi đi học và làm việc ở thành phố.

Từ khi trở lại Đài Loan, cha Weber nói ngài hài lòng khi thấy người trẻ Tsou theo học các lớp học tiếng mẹ đẻ và sử dụng tiếng mẹ đẻ trong Thánh lễ.

Cha Weber thông thạo tiếng Hy Lạp, La Tinh, Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc. Ngài học tiếng Tsou bằng cách nhờ những người lớn tuổi ghi chép lại các câu chuyện dân gian cho ngài, chép lại từ vựng ngài gặp trong khi nói chuyện và tham dự các cuộc hội họp của họ.

Quá trình thực dân hóa của Hà Lan và Nhật Bản ở Đài Loan, cũng như làn sóng di dân từ Phúc Kiến ở đại lục đã làm ảnh hưởng đến tiếng Tsou – ngài nhận xét – Tôi đã tìm thấy các thuật ngữ tiếng Nhật, Phúc Kiến và cả tiếng Anh pha trộn trong rổ từ vựng của ngôn ngữ này”.

Cùng cộng tác với linh mục người Hungary Jozsef Szakos, ngài còn biên soạn từ điển tiếng Tsou với 100.000 từ được phiên âm La Tinh. Qua công trình tiên phong này, ngài đã được chính quyền Đài Loan tặng thưởng vì có công phát triển văn hóa bản địa.
ucanewsvietnam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons