HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ MẦU NHIỆM BA NGÔI



Công đồng Vatican II đã nhìn Bí tích Thánh Thể như trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo (PV 10, GH 11). Là Bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái (T. Augustinô, In Johannis Evangelium tractatus XXVI, ch. VI, s. 13 : PL 35, 1613), bí tích Thánh Thể đưa người tín hữu hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô nhận lãnh tràn đầy sức sống của Người trong Chúa Thánh Thần để tôn vinh Thiên Chúa Cha. Nơi bàn tiệc Tạ ơn, các tín hữu biểu lộ một cách cụ thể mối dây hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, họ trở nên Thân thể-Giáo Hội của Chúa Kitô và xây dựng Giáo Hội thành Đền thờ Chúa Thánh Thần.
Cử hành Thánh Thể là cử hành trong “Ân sủng Chúa Kitô, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (2 Cr 13,13 ; x. Nghi thức Thánh lễ).
Như thế, chúng ta thấy Mầu nhiệm Ba Ngôi và Thánh Thể liên hệ chặt chẽ với nhau bởi vì cử hành Thánh Thể là hành vi tạ ơn và tôn vinh của Giáo Hội hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Trong mầu nhiệm hiệp lễ, người tín hữu nhận được sự sống của Chúa Kitô đầy Thánh Thần để tôn vinh Chúa Cha và khi được Chúa Kitô nuôi dưỡng, người tín hữu hiệp nhất với nhau trong một Chúa Thánh Thần để đi về Nhà Cha.
Chúng ta sẽ suy tư về mầu nhiệm Thánh Thể trong tương quan với mầu nhiệm Ba Ngôi. Trong mối tương quan này, chúng ta sẽ thấy Thánh Thể là “nơi” ưu tiên để Giáo Hội sống Mầu nhiệm Ba Ngôi và trong Mầu nhiệm thẳm sâu của Ba Ngôi, người tín hữu sẽ cảm nghiệm được Thánh Thể là bàn tiệc mà mỗi ngày Thiên Chúa dọn ra cho chúng ta.
I. BÍ TÍCH THÁNH THỂ: MỘT VẬN HÀNH HAI CHIỀU 
Về phía Giáo Hội, Thánh Thể là lời chúc tụng tạ ơn của Giáo Hội hướng lên Ba Ngôi. Về phía Thiên Chúa, Thánh Thể là Hồng ân và lời chúc phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa cho Giáo Hội.
Giáo phụ I-rê-nê-ô đã mô tả vận hành từ dưới lên trên của mầu nhiệm Thánh Thể như hành trình của con người hướng lên Thiên Chúa và gặp gỡ Thiên Chúa, hành trình này băét đầu trong Chúa Thánh Thần, “bước đi của những người được cứu rỗi và bước đi lên của họ. Nhờ Chúa Thánh Thần, họ đi lên với Chúa Con và nhờ Chúa Con, họ đến với Chúa Cha và rồi Chúa Con giao lại công trình của Người cho Chúa Cha” (Contre les hérésies V, 36, 2).
Giáo phụ Ba-si-li-ô lại diễn tả mầu nhiệm này trong vận hành từ trên xuống dưới như hành trình Thiên Chúa đến với con người. Chúa Cha là Khởi điểm của hành trình này. Thiên Chúa trao ban và con người đón nhận “sự tốt lành, thánh thiện và vinh dự thuộc hàng vương đế chảy xuống từ Chúa Cha, qua Con duy nhất đến Chúa Thánh Thần” (Traité du Sanit-Esprit, 18, 47). Và ta có thể thêm : nhờ Chúa Thánh Thần xuống trên tất cả tạo vật.
Như thế, vận hành hai chiều này được thực hiện nơi cử hành Thánh Thể : Thiên Chúa gặp gỡ con người để chúc lành và thánh hóa ; con người gặp gỡ Thiên Chúa để tôn vinh và đón nhận sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến với con người để cho con người được ơn cứu độ và con người đi lên với Thiên Chúa như người con đến với Cha. Nơi bàn tiệc Tạ ơn, Thiên Chúa ban cho con người sự sống của Chúa Con trong sức mạnh thánh hóa của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha sai đến.
Từ đó, chúng ta sẽ hiểu rằng cử  hành Thánh Thể là cử hành một mầu nhiệm, Giáo Hội cử hành trong Ba Ngôi và hướng về Ba Ngôi. Hệ lụy thần học đầu tiên mời gọi chúng ta vượt ra khỏi cái nhìn duy-nghi thức khi cử hành Thánh Thể. Chúng ta xác tín rằng các giai đoạn làm nên Thánh Thể vượt ra ngoài phạm vi thuần nghi thức. Đây là công việc “khôn tả” của Ba Ngôi.
II. THÁNH THỂ, PHƯỢNG TỰ TRONG BA NGÔI VÀ HƯỚNG VỀ BA NGÔI
Cử hành Tạ ơn là hành vi phụng vụ của Giáo Hội được thực hiện trong Ba Ngôi và hướng về Ba Ngôi. Là bí tích của ơn cứu độ và của Giao ước mới, Thánh Thể biểu lộ rõ rệt nhất căn tính thiêng liêng của Giáo Hội, một Giáo Hội sinh ra từ mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu, được xây dựng theo khuôn mẫu của mầu nhiệm hiệp thông nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Nơi Hiến Lễ Tạ ơn, Giáo Hội chúc tụng, tôn vinh và tạ ơn Chúa Cha (x. kinh tiền tụng). Nơi bàn tiệc Thánh Thể, Giáo Hội tưởng nhớ công trình cứu rỗi của Chúa Con mà cao điểm là mầu nhiệm Vượt qua của Người được thực hiện trong sự vâng phục Chúa Cha đồng thời dâng lên Chúa Cha lễ tế của chính Con Một của Người trong quyền năng Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện. Thánh Thể là “nơi” ưu tiên mà Giáo Hội cầu xin với Chúa Cha nhờ hiến tế của Chúa Kitô trong mối hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Như thế, mầu nhiệm Thánh Thể đưa Giáo Hội vàøo trong tương quan hiệp thông với Ba Ngôi vĩnh cửu.
Phượng tự của Giáo Hội, tự bản chất, luôn hướng về Ba ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi là đối tượng của lời ngợi khen. Thiên Chúa Ba Ngôi là Đích điểm của hành trình gặp gỡ này và là “Quê hương” của Giáo Hội. Chiêm ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi là chiêm ngắm sự hiệp thông tình yêu giữa Ba Ngôi vị, vận hành vô biên và vĩnh cửu của Tình yêu và của sự chia sẻ giữa Ba Ngôi vị. Nơi mầu nhiệm Thánh Thể, người tín hữu được sống trong tình hiệp thông thâm sâu của Ba Ngôi và được mời gọi để khám phá rằng các mối tương quan giữa Thiên Chúa Ba Ngôi có liên quan đến ơn cứu độ của thế giới và con người. Nơi bàn tiệc Tạ ơn, Giáo Hội được dìm sâu trong Tình yêu của Chúa Cha nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.
Sống mối dây hiệp thông Ba Ngôi của Thánh Thể là khám phá và loan báo rằng hiện hữu của con người là hiện hữu trong Ba Ngôi “vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Hiện hữu trong Tình yêu Ba Ngôi được tiếp nối và được biểu lộ trong đời sống Giáo Hội qua sự hiệp nhất (Cv 1,14), nhờ Chúa Thánh Thần.
Lời cầu xin trong kinh tạï ơn sẽ cho ta khám phá ra rằng Ba Ngôi không chỉ cùng hiện diện trong chính cử hành tạ ơn của Giáo Hội mà còn trong chính lời cầu xin của Giáo Hội hướng về tương lai : “chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô” (Kinh tạï ơn II) ; “Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh tạï ơn III) ; “xin thương cho tất cả những ai cùng chia sẻ một tấùm bánh và một chén rượu này, được Chúa Thánh Thần liên kết thành một thân thể” (kinh tạï ơn IV). Lời cầu xin cho Giáo Hội và cho thế giới hướng về Chúa Cha là nguồn mạch của mọi hồng ân, Chúa Con là Hồng ân của Chúa Cha được trao ban trong Thánh Thể và Chúa Thánh Thần là mối dây hiệp thông liên kết những người đón nhận Hồng ân của Chúa Cha và làm cho họ trở nên một thân thể-Giáo Hội của Chúa Kitô.
Nói tóm lại, Lễ Tạ ơn được cử hành trong mầu nhiệm Ba Ngôi. Giáo Hội hướng về Chúa Cha để tạ ơn Người trong khi tưởng nhớ Chúa Con và xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến làm cho Chúa Kitô được hiện diện, một sự hiện diện cần thiết cho Giáo Hội.
Cử hành Thánh Thể là tạ ơn (eucharistia) Chúa Cha, Chủ tể càn khôn “Lạy Cha, Cha thật là Đấng Thánh, và muôn vật Cha đã tạo thành đều phải ca ngợi Cha” (Kinh tạï ơn III), Nguồn mạch mọi hồng ân “Cha rộng ban mọi ơn lành cho thế gian” (kinh tạï ơn III), Nguồn mạch sự sống (Kinh tạï ơn IV), Nguyên lý của ơn cứu độ. Đấng ban sự sống và thánh hóa (Kinh tạï ơn III, IV). Tiếp nối lời kinh chúc tụng Do-thái-giáo, Giáo Hội kể ra những kỳ công của Thiên Chúa qua ý định tạo dựng và cứu chuộc của Người (x. kinh tiền tụng Kinh tạï ơn II, IV). Trong “hy tế ngợi khen” (sacrificium laudis) này, Giáo Hội nói với Chúa Cha nhân danh toàn thể vũ trụ được tạo thành, bánh và rượu, hoa quả của ruộng đất và công lao vất vả của con người được dâng lên Chúa Cha trong đức tin như một lời tạ ơn và một hy lễ. Hy lễ mà Giáo Hội dâng lên Chúa Cha vừa là hy lễ của chính Chúa Con vừa là hy lễ của Giáo Hội “Nguyện xin Cha đoái nhìn hiến lễ của Hội Thánh và nhận đây chính là hy lễ Con Cha đã dâng tiến” (kinh tạï ơn III). Giáo Hội hướng về Chúa Cha và xin Người sai Chúa Thánh Thần đến để làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Kitô.
Chúng ta sẽ tiếp tục thấy mối tương quan gắn bó này trong cấu trúc của kinh tạï ơn, kinh làm nên Thánh Thể.
III. CẤU TRÚC BA NGÔI CỦA KINH TẠ ƠN
Một trong những nét cơ bản của các kinh phụng vụ cổ xưa nhất là lời kinh luôn hướng về Chúa Cha và nói với Chúa Cha (x. La Tradition apostolique de saint Hippolyte ; L’Eucologie de Sérapion). Cấu trúc của kinh tạï ơn từ những thế kỷ đầu đã đáp trả lại quy luật này của kinh phụng vụ. Giáo Hội tạ ơn Chúa Cha nhờ Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần. Kinh tạï ơn luôn mang một cấu trúc ba ngôi.
A. Chúa Cha, đối tượng của kinh tạ ơn (eucharistie).
Kinh tạï ơn hướng về Chúa Cha. Chúa Cha là đối tượng của kinh tạï ơn. Trong kinh tạï ơn, Giáo Hội nói với Chúa Cha. Tiếp nối lời cầu nguyện “tế hiến” của Đức Giêsu (x. Ga 17), Giáo Hội hướng về Chúa Cha để tôn vinh và tạ ơn Người. Chính nơi Chúa Cha mà Giáo Hội cầu xin. Và từ Chúa Cha mà Giáo Hội đón nhận ân sủng của đời sống mới, “Lạy Cha chí thánh, chúng con tạ ơn Cha mọi lúc, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con yêu quý của Cha, thật là chính đáng, phải đạo, và sinh ơn cứu độ cho chúng con” (x. lời mở đầu của các kinh tiền tụng).
Lời cầu khẩn Thánh Thần (Epìclèse) cũng được thưa với Chúa Cha, “chúng con tha thiết nài xin Cha cũng nhờ Chúa Thánh Thần mà thánh hóa của lễ chúng con dâng tiến Cha đây, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con” (kinh tạï ơn III). Trong phụng vụ Byzantin, cả hai lời cầu khẩn Thánh Thần đều được thưa với Chúa Cha : lời cầu khẩn thánh hiến (Epiclèse de consécration) trong kinh tạï ơn và lời cầu khẩn hiệp thông trước kinh lạy Cha (Epiclèse de communion).
Chúa Cha là đối tượng của kinh tạï ơn vì Người là Cội Nguồn của tất cả. Người là nguồn mạch của sự thánh thiện (Kinh tạï ơn II, III), là Cha rất nhân từ (Kinh tạï ơn I), là Chủ tể càn khôn, là Đấng Sáng tạo và Thánh Hóa, Đấng ban sự sống và quy tụ Dân Thiên Chúa (kinh tạï ơn III), Đấng duy nhất tốt lành, Đấng ban mọi âân phúc, là Ánh Sáng, là Nguồn mạch ơn cứu độ và hòa giải (Kinh tạïï ơn IV).
Lời tạ ơn và ca ngợi hướng về Chúa Cha nhưng đồng thời Chúa Cha cũng là đối tượng mà Giáo Hội dâng lên lễ vật, lễ vật của Đức Giêsu Kitô và lễ vật của Giáo Hội : “chúng con dâng lên Cha bánh trường sinh và chén cứu độ” (kinh tạï ơn II), “chúng con dâng lên Cha hy lễ hằng sống và thánh thiện này” (kinh tạ ơn III) ; “chúng con dâng lên trước tôn nhan Mình và Máu Thánh Người làm hy lễ đẹp lòng Cha và sinh ơn cứu độ cho toàn thế giới” (kinh tạ ơn IV) ; “chúng con dâng lên Cha lễ tế ca tụng này” (sacrificium laudis) (kinh tạ ơn I).
Giáo Hội dâng lên Chúa Cha lễ tế là chính Con Một của Người trong quyền năng Chúa Thánh Thần và vì thế Chúa Cha cũng là Đấng mà Giáo Hội hướng về trong lời cầu xin (intercession) ; “Xin Cha nhớ đến …”.
B. Tưởng nhớ Chúa Con (Anamnèse)
Trong kinh tạï ơn, Giáo Hội tạ ơn Chúa Cha và trong khi tạ ơn Chúa Cha thì Giáo Hội tưởng nhớ Chúa Con. Nói khác đi, lý do tạ ơn là vì Đức Giêsu Kitô.
Đối tượng của tưởng nhớ là công trình cứu rỗi do Chúa Con thực hiện, nhưng trong sự sung mãn của Chúa Thánh Thần và trong sự vâng phục Chúa Cha.
Thánh Thể là bí tích Vượt qua, bí tích của Hy tế Đức Giêsu. Thánh Thể hiện tại hóa biến cố chết và sống lại của Người, được thực hiện một lần vì nhân loại. Trong Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tưởng nhớ lại tất cả công trình cứu chuộc của Đấng Cứu Thế và nhìn lịch sử cứu độ dưới ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Kitô. Trong cái nhìn này, lịch sử và nhân loại có một hướng đi. Lịch sử nhân loại hướng tới Chúa Kitô là “Alpha và Omega, là Đầu và Cuối, là Khởi nguyên và Tận cùng” (Kh, 22,13), được tái tạo và được thu tóm trong Người. Mầu nhiệm Phục sinh, đối tượng của việc tưởng nhớ (anamnèse) là trung tâm điểm của lịch sử thế giới và là tương lai cho định mệnh đích thực nhất của con người.
Giáo Hội tạ ơn Chúa Cha vì Đức Giêsu khi nhớ đến Người, một cách đặc biệt “trong đêm Người bị nộp” để vâng phục Chúa Cha. Trong quyền năng Chúa Thánh Thần, việc tưởng nhớ này của Giáo Hội vượt thời gian và không gian, quá khứ  của “tưởng nhớ” trở thành hiện tại của ơn cứu độ cho Giáo Hội.
Việc tưởng nhớ Đức Kitô còn lan rộng tới việc tưởng nhớ các thánh, những người đã qua đời, những người đau khổ, những người sống và tất cả mọi chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô. Và sau cùng việc tưởng nhớ Đức Kitô đạt tới cao điểm trong hiệp lễ (communion). Hiệp lễ đưa chúng ta kết hiệp với Đấng Phục sinh, Ngài hiện diện sâu thẳm hơn chính cõi thẳm sâu của chúng ta và hướng tới tình huynh đệ, hướng tới một đời sống chung và chia sẻ với mọi chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội.
Trong việc tưởng nhớ, Giáo Hội nhớ đến Chúa Kitô đang hiện diện, đã đến và đang đến. Vinh tụng ca (doxologie) bắt đầu trong thì hiện tại. Thiên Chúa luôn luôn có mặt trong hiện tại, Chúa Kitô đang hiện diện và qua hiện tại này chúng ta có thể nói tới quá khứ và tương lai, Mầu nhiệm Thánh Thể nhắc chúng ta rằng “bây giờ chúng ta không còn biết Chúa Kitô theo xác thịt nữa” (2 Cr 5,16). Nơi bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, Chúa Kitô đang hành động, Chúa Kitô đang nói, Chúa Kitô đang cầu nguyện. Và chính nơi lời cầu nguyện trong hiện tại mà đôi mắt và tâm lòng chúng ta khai mở ra trước Mầu nhiệm Khôn dò của Ba Ngôi, mầu nhiệm cứu độ do kế hoạch yêu thương của Chúa Cha được thực hiện trong Chúa Con trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần (x. Eph 1, 3-14).
Hy tế thập giá của Chúa Kitô, của lễ dâng cho Chúa Cha vì sự sống của nhân loại trở thành lời cầu bầu liên tục cho Giáo Hội, cho con người và cho thế giới.
Chúng ta không thể giới hạn ý nghĩa của Thánh Thể vào tương quan một chiều giữa Thánh Thể–Thập giá hay Thánh Thể–Phục sinh. Tương quan này là một toàn thể thống nhất toàn bộ công trình của Chúa Kitô, của tất cả nhiệm cục cứu độ đang được hiện tại hóa trong việc tưởng nhớ của mầu nhiệm Thánh Thể.
Chúng ta cũng nhớ rằng, cộng đoàn Thánh Thể không chỉ nhớ lại quá khứ hay hiện tại, mà còn hướng về tương lai, nhớ rằng Chúa Kitô đang đến ở phía trước. Nhờ Thánh Thể, Giáo Hội hướng về Chúa Kitô, Người luôn là “tương lai” cho Giáo Hội và của Giáo Hội.
Bên cạnh những lời cầu khẩn hướng tới Chúa Thánh Thần (Epiclèses neumatologiques), Giáo Hội tiên khởi đã biết đến ngay từ thời các tông đồ, từ lễ Ngũ Tuần, những lời cầu khẩn hướng về Chúa Kitô (Epiclèses christologiques).
Đọc lại các bản văn Tân Ước và các phụng vụ tiên khởi, ta thấy rằng sự chờ đợi Đức Giêsu đến rất là sâu xa và mãnh liệt, đặc biệt trong một số lời nói, một số lời tung hô mà ta gặp thấy nơi Kinh Thánh cũng như nơi những phụng vụ cổ xưa, chẳng hạn từ Maranatha. Từ này vừa có nghĩa là một lời kêu cầu “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, vừa có nghĩa là một lời tung hô : “Vâng, Chúa đang đến”, một sự mong đợi và một lời loan báo : “Chúa sẽ đến”.
Như thế, Maranatha diễn tả lời cầu khẩn, sự tùy thuộc, lòng vâng phục của Giáo Hội đối với Chúa Kitô và cũng là niềm xác tín, lời loan báo của Giáo Hội cho thế giới rằng Chúa Kitô đang có mặt, Người đang đến như Chúa Phục sinh (Kyrios) để cứu độ loài người, ban cho loài người sự sống mới, kéo con người ra khỏi sự dữ, cái chết, nỗi đau khổ, cảnh nô lệ và những vong thân.
C. Lời cầu khẩn Thánh Thần (Epiclèse).
Lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần (Epiclèse) được nói với Chúa Cha nhưng là để biến đổi của lễ dâng tiến (bánh và rượu) thành Mình và Máu Chúa Kitô. Như thế, hoa quả của Chúa Thánh Thần là sự hiện diện của Chúa Kitô và sự thân mật với Chúa Cha.
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
Mục đích của lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần trong Thánh Thể đi đôi với hiệp lễ. Giáo Hội khẩn nài Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến trên lễ vật để biến thành Mình và Máu Chúa Kitô cho những ai hiệp lễ thì được ơn cứu độ.
Lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần không chỉ diễn tả một sự chờ đợi nhưng còn là một lời khẩn nài tha thiết và mãnh liệt  bởi vì Giáo Hội xác tín rằng lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần (Epiclèse) và lời cầu xin (intercession) của Giáo Hội trong cử hành Thánh Thể liên kết mật thiết với lời cầu nguyện của Đức Giêsu Thượng Tế, đang ngự bên hữu Chúa Cha.
Thần học Đông phương cho rằng lời cầu khẩn Thánh Thần làm nên Thánh Thể. Giáo Hội kêu cầu Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống trên bánh và rượu để biến thành Mình và Máu Chúa Kitô. Trong thực tế, vai trò của Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Thánh Thể vượt lên trên phạm vi của một công thức. Thánh Thể được cử hành vừa như một lời cầu khẩn Thánh Thần vừa như một tưởng nhớ Chúa Kitô. Hành động của Chúa Thánh Thần không thể bị giản lược vào một thời điểâm của Lễ Ngũ Tuần, nhưng bao hàm cả lịch sử. Trong cử hành Thánh Thể, Chúa Thánh Thần không là đối tượng của việc tưởng nhớ, nhưng nhờ sức mạnh của Người, Chúa Kitô trở nên hiện diện trong Giáo Hội và cho con người. Như thế, lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần không chỉ nằm một công thức nhưng còn trải rộng ra toàn bộ cử hành Thánh Thể.
Trong phụng vụ Rôma, lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần đi trước tường thuật việc thành lập Thánh Thể. Dẫu sao trong thần học, thời điểm thánh hiến vẫn còn là một thực tế  khác biệt giữa Đông và Tây.
Nicolas Cabasilas đã chú ý tới ý nghĩa của Thánh Thể như một lễ Ngũ tuần liên tục. Cử hành Thánh Thể mang tính chất của một lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần. Nhờ hơi thở của Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội, trong mầu nhiệm Thánh Thể, có thể tưởng nhớ, kêu cầu, khẩn nài, loan báo Chúa Kitô. Dưới quyền năng sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa của mình. Tuy nhiên, lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần diễn tả một sự lệ thuộc và vâng phục hoàn toàn vào Chúa Kitô và Chúa Cha.
Đối với lời cầu khẩn xin Chúa Thánh Thần ngự đến, ta gặp thấy trong Tân Ước, đặc biệt trong diễn từ ly biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ trước cuộc khổ hình (Ga 14,16). Nội dung của lời nguyện này rõ ràng là một lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần đến (Epiclèse) : “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ gửi đến cho anh em một Đấng Phù trợ khác” (Ga 14,16). Do đó, lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần chỉ thực hiện được trong Giáo Hội nhờ Chúa Kitô.
Trong những cuộc tranh luận về thời điểm làm nên Thánh Thể giữa Đông và Tây : tranh luận giữa Lời và lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần (parole et épiclèse), ta thấy dường như chúng không cần thiết. Thánh Thể được làm nên do những lời đọc trong tường thuật lập Thánh Thể hay do lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần ? Ta chọn Chúa Kitô hay là Chúa Thánh Thần ? Chọn sự hiện diện của Chúa Kitô hay là tác động của Chúa Thánh Thần ? Chúng ta phải thấy rằng sự hiện diện của Chúa Kitô thì khác sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Thánh Thể. Chúa Kitô hiện diện trong các yếu tố Thánh Thể, nhờ đó Người làm cho ta nên một với Người. Chúa Thánh Thần hiện diện một cách thế khác, Người là sức mạnh thánh hóa làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Người là Ánh sáng trong đó chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô.
Thánh hiến bánh rượu và thánh hóa các tín hữu làm nên hai góc cạnh của thực tại Thánh Thể và cả hai đều có liên hệ mật thiết với Chúa Thánh Thần.
Cử hành Thánh Thể là cử hành trong Ba Ngôi. Vì thế, ta có thể nói, cử hành Thánh Thể là lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần hướng về Chúa Cha để làm cho Chúa Kitô hiện diện. Linh mục và cộng đoàn không phải là những “ông chủ” của hành động Thánh Thể, nhưng chính Chúa Thánh Thần là Tác Nhân đích thực của Thánh Thể cũng như của các bí tích. Khi chúng ta nói rằng tất cả Thánh Thể là lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần thì chúng ta sẽ thấy một sự lệ thuộc của Giáo Hội vào Chúa Kitô và Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Giáo Hội chỉ là người tôi tớ, Giáo Hội chỉ có thể làm chứng và loan báo Đấng vượt lên trên Giáo Hội.
Trong hai nghi thức Phụng vụ Thánh Thể Đông phương được gán cho Gio-an Kim Khẩu và Basiliô, kinh tạï ơn bắt đầu sau lời nguyện chúc mang cấu trúc ba ngôi của  2 Cr 13,13 : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” và kết thúc bằng lời vinh tụng ca hướng tới việc chúc tụng Ba Ngôi.
Như thế, Kinh tạï ơn nói với Chúa Cha trong sự duy nhất với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
KẾT LUẬN
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đi xuyên suốt việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể mà cao điểm là kinh tạ ơn, kinh Lạy Cha và sự hiệp lễ. Trong mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Thánh Thần đưa ta vào trong sự thân mật của đời sống Ba Ngôi, nhờ Chúa Kitô, đến với Chúa Cha.
Nơi mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Thánh Thần như vị Tiền hô vĩ đại của Đức Giêsu khi chuẩn bị cho Người đến trong tâm hồn chúng ta. Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta (Gl 4, 6 ; Rm 8, 26) và chúng ta cầu nguyện trong Người (Rm 8,15), Người tạo nên nơi chiều sâu của hữõu thể chúng ta một không gian lớn dần cho Nước của Chúa Giêsu, nơi mà “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Tương quan giữa Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần trong Thánh Thể là ân huệ hỗ tương liên tục cho Giáo Hội, ân huệ này luôn gìn giữ Giáo Hội trong hiện hữu, sứ mạng và trong đời sống của Giáo Hội (Cv 17,28). Chúa Thánh Thần đào sâu nơi chúng ta một không gian vô biên của sự đón nhận, thiết lập trong chúng ta một đền thờ thiêng liêng, chính Người kêu lên trong chúng ta “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Maranatha) ; Cha ơi (Abba) ; để đến lượt Chúa Kitô Phục sinh lại thông ban cho chúng ta Thánh Thần của Người như lúc tạo dựng và phục sinh : “Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20, 22).
Lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu thốt lên trong Chúa Thánh Thần và lời kinh của Chúa Thánh Thần trong Chúa Giêsu đó là lời thưa Abba, Cha ơi, hướng về Chúa Cha như Cội nguồn.
Thánh Thể là nơi mà Cội nguồn Ba Ngôi được diễn tả luôn luôn mới mẻ. Thiên Chúa Ba Ngôi thúc bách và nuôi dưỡng Giáo Hội như mầu nhiệm hiệp thông trong sự khác biệt và hướng về sự hiệp nhất cuối cùng của Nước Trời. Ta có thể nói rằng cử hành Thánh Thể là nơi gặp gỡ cụ thể giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và Giáo Hội. Nơi đây Cội nguồn và Quê hương của Giáo Hội gặp nhau để khai sinh Giáo Hội một cách mới mẻ trong hiện tại. Mối liên hệ mật thiết giữa mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và Thánh Thể được tìm thấy ngay trong cấu trúc kinh tạï ơn. Lời tạ ơn Chúa Cha, Nguồn mạch của mọi sự thánh thiện liên kết chặt chẽ với lời kêu cầu Chúa Thánh Thần, nhờ đó mà việc tưởng nhớ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Con được hiện tại hóa.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons