CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY B
A. DẪN NHẬP.
Bài Tin Mừng Thánh lễ hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu
biến hình trên núi Tabor trước mặt ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Việc
biến hình này có ý nghĩa gì ? Chắc chắn nhờ việc chứng kiến vẻ vinh quang tương
lai của Chúa, Ngài muốn chuẩn bị cho các ông đối diện với biến cố khổ nạn
của Ngài sẽ xẩy ra sau này.
Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải theo gương các môn
đệ mà trèo lên núi, bất chấp khó khăn, can đảm dấn thân bước theo Đức Giêsu
trong cuộc tử nạn của Ngài. Cuộc đời của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn,
nhiều gian nan thử thách và có hàng ngàn lý do khiến chúng ta bỡ ngỡ, bối rối
trước những hoàn cảnh éo le. Chúng ta sẽ không hiểu tại sao lại có những
thử thách ấy ! Chúa không thương yêu chúng ta sao ? Không thắc mắc, chúng ta
hãy bắt chước ông Abraham hoàn toàn tin tưởng phó thác đời mình trong tay Chúa
quan phòng, vâng theo thánh ý Chuá, Ngài sẽ lo liệu, và ta hãy tâm niệm
rằng:”Khi Chúa đóng cửa chính thì Ngài sẽ mở những cửa sổ”. Ngài sẽ có cách
giải quyết.
B. TÌM HIỂU LỜI
CHÚA.
+ Bài đọc 1 : St
22,1-2.9a,10-15.
Theo nghiên cứu, người ta thấy dường như việc dùng trẻ con
để tế lễ rất thịnh hành vào các thế kỷ thứ 8 và thứ 7 trước công nguyên. Cho
nên khi nhắc nhở rằng mọi con đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa, lề luật liền nhấn
mạnh đến việc buộc phải chuộc con đầu lòng bởi một của lễ thay thế.
Câu chuyện tế lễ Isaac minh hoạ cho lề luật trên, đồng thời nhấn mạnh đến
hành động đặc biệt của Abraham.
Thiên Chúa đã hứa với Abraham là ông sẽ trở thành tổ phụ
của một dân lớn lao. Ông chỉ có một người con duy nhất là Isaac do bà Sara sinh
ra. Thế mà Thiên Chúa đã truyền cho ông phải hiến tế người con yêu dấu của
mình. Như thế làm sao có thể dung hòa được giữa việc hiến tế Isaac và lời hứa
của Thiên Chúa cho ông có một dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển
?
Abraham tiến thoái lưỡng nan, không biết theo con đường
nào. Tuy thế, ông đã phải trấn áp nỗi đau khổ của người cha, ông lấy nghị lực
đức tin mà thưa“Xin vâng” với thánh ý Chúa. Ông đã làm một việc vượt trên
cả mức độ anh hùng. Dù Abraham chưa giết con, nhưng Chúa kể ông đã dâng
con cho Chúa.. Đức tin và lòng tuân phục của ông sẽ được phần thưởng liền sau
đó.
+ Bài đọc 2 : Rm 8,31-34.
Có nhiều người còn nghi ngờ vào tình yêu của Thiên Chúa
đến nỗi còn sợ sệt và tuyệt vọng. Thánh Phaolô với giọng điệu cảm kích sâu xa
đã tuyên bố rằng không có gì phải thất vọng, bằng chứng là : Thiên Chúa đã
không dung tha cho Con Một mình. Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô là bằng chứng hùng
hồn của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người.
Việc Đức Giêsu bị chết trên thập giá đã khiến chúng ta
không còn lý do nào phải hoài nghi và sợ sệt. Lỗi lầm lớn nhất chúng ta có thể
vấp phải sẽ là hoài nghi, thiếu tin tưởng:”Nếu Thiên Chúa yểm trợ chúng
ta, còn ai chống lại nổi chúng ta “Rm 8,31) ?
+ Bài Tin mừng : Mc 9,2-10.
Khi đi theo Đức Giêsu, các Tông đồ có cùng hoài bão của
người Do thái là Đấng Cứu thế của họ sẽ là Đấng Cứu thế vinh thắng oai hùng tái
lập vương quốc của Đavít và Salomon. Nhưng khác với cái nhìn trần tục của các
ông, trong kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng Thiên sai sẽ là một “tôi tớ đau khổ và
khiêm tốn đã được các tiên tri phác hoạ”.
Để củng cố niềm tin cho các môn đệ trước cuộc thương
khó đầy xỉ nhục của Ngài, Đức Giêsu đã đưa ba môn đệ lên núi Tabor, biến hình
trước mặt các ông để các ông thấy khuôn mặt sáng ngời của Ngài hầu củng cố niềm
tin cho các ông truớc những ngày đen tối sắp tới.
Theo gương các tông đồ, chúng ta cũng phải có một niềm tin
như vậy trước gian nan thử thách trong cuộc sống của một Kitô hữu. Hẳn nhiên,
cũng như các tông đồ, Chúa cũng dành cho chúng ta những giờ phút sáng
tươi hoan hỉ nội tâm để giúp chúng ta đi tới tận cùng điểm dốc Calvê.
C. THỰC HÀNH LỜI
CHÚA.
Từ
Tabor đến Golgotha.
I. ĐỨC GIÊSU BIẾN
HÌNH.
1. Diễn tiến việc biến hình.
Thánh Marcô cho biết : sáu ngày sau khi thánh Phêrô truyên
xưng Đức Giêsu tại Cêsarêa của vua Philippe, Đức Giêsu đã đưa ba môn đệ yêu qúi
là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cao. Thánh sử không cho biết là núi nào :
núi Tabor hay Hermon. Các nhà chú giải Thánh Kinh ngày nay nghiêng về núi
Hermon, song cổ truyền cho biết chính Tabor đã được hồng ân ấy.
Vì đi đường mệt nhọc các ông lăn ra ngủ và khi thức giấc,
các ông nhìn thấy cảnh lạ lùng : Chúa biến hình, “áo Ngài trắng như tuyết,
không thể nào giặt được như vậy”. Có ông Maisen và Elia đàm đạo với Ngài để
khuyến khích Ngài đi vào cuộc tử nạn và có tiếng phát ra trong đám mây:”Đây là
Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Ngài”. Sau đó, Đức Giêsu trở
lại tình trạng bình thường. Việc biến hình này có ảnh hưởng sâu đậm đến ba ông.
2. Ý nghĩa việc Chúa biến hình.
Đức Giêsu đã quyết định lên Giêrusalem, và quyết định ấy
có nghĩa là chấp nhận thập giá. Ngài cần biết cách tuyệt đối rằng mình đã quyết
định đúng trước khi tiếp tục dấn bước. Trên đỉnh núi Ngài đã chấp nhận
đôi về quyết định của Ngài.
a) Sự hiện diện của Elia và Maisen.
Maisen là đại diện cho pháp luật và Elia là tiên tri đầu
tiên và vĩ đại nhất trong các ngôn sứ. Khi hai nhân vật lỗi lạc đó hội
kiến với Đức Giêsu, có nghĩa là nhà tuyên bố pháp luật vĩ đại nhất và nhà tiên
tri lỗi lạc nhất đã nói với Đức Giêsu rằng “Xin cứ tiến lên”. Nó có nghĩa là
hai vị thấy nơi Đức Giêsu sự hoàn thành của tất cả những gì họ từng mơ ước
trong quá khứ. Nó có nghĩa là họ thấy nơi Ngài tất cả những gì mà lịch sử
vẫn trông chờ từ lâu và đã hướng về đó với hy vọng tràn đầy. Dường như chính
lúc đó Đức Giêsu được bảo đảm rằng Ngài đang đi đúng hướng vì cả lịch sử đều
dẫn đến thập giá.
b) Biến hình giúp môn đệ vững tin.
Khi nghe Đức Giêsu báo cho họ biết là Ngài sẽ lên
Giêrusalem để chịu chết, họ bàng hoàng, bối rối lo sợ vì bao điều mơ tưởng của
họ sẽ bị tiêu tan, tương lai của họ trở nên bấp bênh, đen tối. Tuy thế, những
gì đã xem thấy trên núi biến hình cho họ có cơ hội bám chặt lấy ngay khi
họ chẳng hiểu gì. Cho dù có thập giá hay không, họ vẫn được nghe tiếng của
Thiên Chúa xác nhận Đức Giêsu là Con Ngài.
Ngoài ra, việc Chúa biến hình trên núi khiến họ trở thành
các chứng nhân cho sự vinh hiển của Chúa Cứu thế theo một ý nghĩa đặc biệt. Xác
tín rằng mình là chứng nhân trước sự vinh hiển của Chúa Cứu Thế, sau này khi có
dịp, họ đã có sẵn câu chuyện đang giấu kín trong lòng, sẽ kể lại cho mọi người
nghe.
c) Lời mời gọi biến đổi.
Hãy nhìn chung quanh, chúng ta sẽ thấy mọi sự luôn biến
đổi. Thí dụ nhìn một cái cây. Tuy nó vẫn là cái cây đó nhưng bên trong đó có
biết bao biến đổi : có những chiếc lá tháng trước nay không còn ; nhiều chiếc
lá mới mọc ra; và nhiều chiếc lá hiện nay sau sẽ không còn. Nếu cái cây vẫn y
như thế từ tháng này sang tháng khác, từ năm này qua năm khác thì đó không còn
là một cái cây sống nữa mà là một khúc gỗ.
Hãy nhìn lên trời, chúng ta cũng thấy qui luật biến đổi ấy
: bầu trời hôm qua với bầu trời hôm nay đâu có hoàn toàn giống nhau mặc
dù vẫn là một bầu trời.
Hãy nhìn xuống nước. Triết gia Héraclite đã nói:”Không ai
tắm hai lần trong một dòng sông”.
Và nhìn vào bản thân : các nhà khoa học nói rằng các tế
bào luôn thay đổi, cái này chết cái kia sinh ra, sau 7 năm thì không còn tế bào
nào là tế bào của 7 năm trước nữa.
Không biến đổi cũng đồng nghĩa với chết. Đối với cuộc sống
thân xác thì như thế. Đối với cuộc sống thiêng liêng thì cũng như vậy. Bởi thế
trong mùa Chay chúng ta cần biến đổi. Cứ sống y như cũ là chết (Carôlô, Sợi chỉ
dỏ, năm B, tr 134-135).
Việc Chúa biến hình nhắc cho các môn đệ và chúng ta phải
thay hình đổi dạng linh hồn mình. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta phải cởi
bỏ con người cũ tội lỗi để mặc lấy con người mới tốt lành thánh thiện hơn:”Hãy
lột bỏ con người cũ mặc lấy con người mới. Hãy để Thần Khí Thiên Chúa canh tân
tận tâm linh anh em””(Ep 4,22).
Thánh Tông đồ còn khuyên nhủ chúng ta hãy làm một
cuộc canh tân toàn diện để cho con người nội tâm của ta biết nghe theo
luật của Chúa mà bỏ đường lối của xác thịt. Vì thế, trong thư gửi tín hữu
Êphêsô Ngài đã viết:”Anh em hãy cởi bỏ kiểu sống xa xưa, con người cũ đã ra hư
hốt buông theo những đam mê lầm lạc. Hãy để Thần Khí canh tân đổi mới thấu tận
trí khôn. Hãy mặc lấy người mới đã được tạo dựng nên theo Thiên Chúa, trong
công chính và thánh thiện bắt nguồn trong sự thật”(Ep 4,22-24).
Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta phải đổi mới toàn diện,
phải đổi từ con người cũ sang hẳn con người mới tốt lành. Đổi mới toàn diện là
phải đổi mới tận căn chứ không phải chỉ đổi mới nửa vời hoặc đổi mới hời hợt
một số cái, hoặc chỉ đổi mới cái bên ngoài để rồi trở thành con người mà người
đời gọi một cách mỉa mai :”Nửa người ngửa ngợm nửa đười ươi”, đúng như người ta
nói:
Thay quần thay áo thay hơi,
Thay dáng thay dấp mà người chẳng thay.
(Ca dao)
Truyện : Cách làm
cho trắng da.
Người ta thuật rằng cả một khu đất kia chỉ có một gia đình
người da đen ở. Gia đình đó gồm có một bà vợ, một người chồng và một đứa con
trai 9 tuổi. Cậu bé đi học, nhưng giữa bọn trẻ da trắng, riêng mình đen thủi
đen thui, nên lắm phen bị chê cười, chế nhạo. Cậu luôn luôn bị chọc ghẹo nên
khó chịu, giống như một tấm lòng non nớt bị một vết thương sâu. Sau hết, cậu tự
hỏi mình có thể thay đổi nước da chăng, rồi nhất định làm theo ý nghĩ đó.
Bữa nọ, thầy giáo thấy cậu vắng mặt, bèn hỏi đám học trò
về cậu. Một trò thưa rằng thấy cậu đi đàng sau trường, giữa khu rừng nhỏ có
rạch chảy qua. Thầy giáo ra công tìm kiếm và thấy cậu ở sát bờ rạch, đang dùng
cát ướt kỳ cọ hai cánh tay đen. Thỉnh thoảng cậu dừng tay, rửa cát dính vào da,
rồi nhìn xem mầu da mất chưa. Nhưng ! Màu đen quá sậm, cậu mất công.
Vài phút sau, thầy giáo gọi cậu :
- Này em làm gì đấy ?
Cậu giật mình thưa :
- Con cố sức trừ bỏ màu da đen để nên người da trắng, song
không sao được..
(Ms Lê văn Thái, Những tia sáng, tập 2, tr 94-95)
II. BIẾN ĐỔI VÀ
THỬ THÁCH.
1. Thử thách của tổ phụ Abraham.
Bài đọc I hôm nay thuật lại việc Abraham sát tế Isaác con
mình. Việc này cho chúng ta thấy cá tính và đức tin của ông. Lệnh truyền sát tế
Isaác, người con duy nhất sinh ra trong tuổi già, thì vượt quá tầm nhìn cách
nghĩ của con người và xem ra là phi lý. Sẽ thực hiện ra sao đây lời chúc phúc
của Thiên Chúa cho ông làm tổ phụ các dân tộc, nếu không còn người con trai này
? Thiên Chúa đòi hỏi ông hiến tế luôn cái cơ hội sống còn cuối cùng này của
ông, đồng thời cũng là cái nền tảng cho niềm tin của ông. Yêu cầu của Thiên
Chúa quá đỗi đau thương đoạn trường, nhưng với niềm tin cậy vào Thiên Chúa, ông
vội vã thực hiện ngay lệnh truyền ấy. Cần vâng phục Thiên Chúa bất cứ giá nào.
Ngay khi ông đang giơ cao con dao để hạ sát con trai, Thiên Chúa đã ngăn cản
bàn tay ông và mạng sống Isaác được dành lại.
2. Thử thách của chúng ta.
Đường lối Thiên Chúa thật lạ lùng... nhiều khi đường lối
Chúa lại chẳng xem ra đi ngược với mục đích đang tìm kiếm sao ? Câu
chuyện về hy tế của Abraham khá làm sáng tỏ những phương thức của Thiên Chúa.
Quả thật, tất cả chỉ là thử thách trong cuộc đời. Nhưng một khi chân trời mây
mù bưng bít, không trông đâu được sự giúp đỡ của loài người, mọi sự dường như
mất hết, chúng ta không còn cân nhắc suy tính được nữa, và thất vọng tự
hỏi:”Tại sao Thiên Chúa xử như vậy” ?
Nhưng chúng ta phải hiểu rằng Thiên Chuá luôn yêu thương
chúng ta, Ngài đã phó nộp Con Một Ngài trên cây thánh giá vì phần rỗi chúng ta.
Như vậy, khi Ngài để cho chúng ta nhờ đau khổ và thử thách kết hợp với sự
thương khó của Chúa Kitô, chúng ta chắc chắn rằng, nhờ đó, Ngài cũng muốn liên
kết chúng ta vào sự Phục sinh và vinh quang của Chúa Kitô. Do đó, thử thách
cũng có ý nghĩa tích cực vủa nó. Không lạ gì khi thấy người ta nói :
Có cứng mới đứng đầu gió (Tục ngữ)
Chính những đau khổ và gian nan thử thách sẽ làm cho chúng
ta thêm giá trị trước mặt Chúa, nó thanh luyện chúng ta, nó làm cho chúng
ta thể hiện lòng trung thành đối với Chúa. Lúc đó, đức tin của chúng ta mới có
giá trị sau khi đã được thanh luyện như vàng ra khỏi quặng:
Có gió lung, mới biết tùng bá cứng,
Có lửa hừng, mới biết thức vàng cao.
(Tục ngữ)
Thánh Giacôbê Tông đồ nói về vấn đề này:”Phúc cho ai bị
thử thách mà vẫn trung thành, bởi vì khi thành công trong cơn thử thách
như thế, người đó sẽ được Thiên Chúa ân thưởng bằng sự sống mà Thiên Chúa đã
hứa cho những ai yêu mến Ngài”(Gc 1,12).
Trong gian nan thử thách, hãy giữ vững niềm hy vọng và tin
tưởng phó thác. Nhưng làm sao giữ được niềm hy vọng tâm hồn ? Hãy noi gương
Chúa Kitô ! Tất cả cuộc đời Ngài chỉ là một chuỗi phó thác trong tay Chúa Cha.
Trong lúc hấp hối Ngài than thở:”Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha”.
Sự tín thác mến yêu này là nguồn ơn cứu độ cho hết mọi người và là nguyên nhân
của Phục sinh khải hoàn. Chính trong việc chiêm niệm về Chúa Kitô tín thác cho
Tình Yêu mà chúng ta múc lấy nghị lực để nói như Ngài:”Lạy Cha, đừng theo ý
con, một theo ý Cha”.
3. Thử thách và đức tin.
a) Đức tin cần được thử thách.
Trong những lúc bị thử thách, chúng ta không biết bám víu
vào đâu vì những người chung quanh đều bất lực không thể giúp chúng ta. Lúc đó,
chúng ta chỉ còn biết dựa vào đức tin để phó thác cho Chúa, xin Ngài đến cứu
giúp. Đức tin cũng cần phải được thử thách thì mới có gia trị. Nếu ở trên núi
Tabor, ông Phêrô thưa với Chúa:”Lạy Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm, chúng con
xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Elia và một cho Maisen”(Mc 9,5). Các ông
muốn đăng ký thường trú trên đỉnh núi Tabor, ngủ yên trong hào quang rực rỡ, bỏ
lại dưới núi bạn đồng môn, muốn hưởng thụ đầy đủ ánh hào quang của Chúa, thì
các ông sẽ nói thế nào ở vườn Cây Dầu và ở đồi Golgotha ?
Người đời cũng cảm nghiệm thấy giá trị và ích lợi của thử
thách. Chính thử thách làm cho con người thêm giá trị. Con người chỉ được đánh
giá đúng qua thử thách như thi sĩ Nguyễn công Trứ nói lại câu nói của cổ nhân :
Văn vô sơn thủy vô kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lão tài.
Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta phải có đức tin vững
mạnh. Tuy thế đức tin không phải lúc nào cũng ở đỉnh cao, đức tin có lúc lên
cao, có lúc xuống thấp theo nhịp điệu vui buồn, sướng khổ, may mắn hay trắc
trở.
Khi lên tinh thần, đức tin của chúng ta cũng vững mạnh và
sán lạn như đức tin của các tông đồ trong bài Tin mừng hôm nay. Khi đức tin ở đỉnh
cao, chúng ta thấy gần gũi Đức Giêsu đến độ chúng ta tưởng rằng có thể đụng rờ
được Ngài. Chúng ta cảm thấy gần gũi Thiên Chúa Cha đến độ dường như đôi tay
của Ngài đang bao bọc chung quanh ta, và Thánh Thần dường như đang nói với
chúng ta. Trái lại, khi xuống điểm thấp, đức tin của chúng ta yếu ớt như muốn
mất hẳn, giống như đức tin của các môn đệ ở vười Cây Dầu (Mark Link).
Áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, đôi lúc chúng ta
cảm thấy đức tin mình ở những điểm cao, lúc đo ùchúng ta yêu thương hết
mọi người. Chúng ta thắm thiết với bạn bè, và chúng ta tha thứ cho tất cả mọi
thù địch. Vào những ngày như thế, chúng ta không thể hiểu được chúng ta đã từng
cho rằng cuộc đời là khó khăn. Nhưng khi ở những điểm thấp, không có gì là trôi
chảy cả: “Chúng ta cảm thấy bị đè nén và đáng thương, bị hiểu lầm, chán nản, bị
mất mát thiệt thòi. Đó là lúc chúng ta thấy mình có nhiều kẻ thù hơn là
thực tế, và thấy người bạn nào của mình cũng đều có lỗi với mình cả. Vào những
ngày như vậy, chúng ta khó mà biết được tại sao có những lúc chúng ta lại
nghĩ rằng cuộc đời này là dễ dàng vui tươi” (Anthony Padovano).
b) Tin tưởng và phó thác.
Những lúc gặp đau khổ hoặc gian nan thử thách chúng ta chỉ
còn biết tin tưởng và phó thác cho Chúa. Ngài có thể làm được tất cả trong
những cái loài người cho là không có thể, để quyền năng của Chúa được tỏ
hiện nơi ta, như thánh Phaolô đã nói:”Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”(2Cr
12,10).
Có câu nói diễn đạt kinh nghiệm sống đạo, sống niềm tin
trong đau khổ thật sâu xa:”Khi Thiên Chúa đóng của chính thì Ngài mở ra cửa
sổ”. Thiên Chúa đóng cửa chính là khi chúng ta gặp thử thách, đau khổ,
không còn có thể nhìn thấy ánh sáng, sự hiện diện đầy quan phòng của Thiên
Chúa. Đó là khi Thiên Chúa xem ra như bỏ rơi, mặc chúng ta đương đầu với thử
thách, khó khăn. Lúc đó, chúng ta cần nhớ rằng : Thiên Chúa Ngài sẽ mở ra cửa
sổ, mở ra một lối thoát, một giải đáp, một hướng đi mới cho cuộc đời chúng ta.
Thiên Chúa đóng cửa chính nhiều lần trong cuộc đời mỗi
người, nhưng đồng thời Ngài cũng mở ra những cửa sổ để hướng chúng ta đến
một điều tốt đẹp hơn mà trước đó chúng ta không ngờ. Những kinh nghiệm
đau thương, tiêu cực mà chúng ta gặp phải trong cuộc đời, đôi khi đó là tiếng
nói của Thiên Chúa để mời gọi chúng ta bước ra khỏi một hoàn cảnh không tốt
đẹp, để chuẩn bị chúng ta sẵn sàng hơn đón nhận những hồng ân mới.
Truyện : Niềm đau
tượng hình.
Du khách đến Roma thường đi thăm ngôi thánh đường cổ tên
là Dominus sub aquis, vì phía trên bàn thờ, có một tượng thánh giá rất đặc biệt
: bất cứ ai đến qùi trước tượng thánh giá và cầu nguyện với tất cả lòng thành
đều được sức mạnh và an ủi thâm sâu.
Người ta kể rằng tác giả của thánh giá bằng tượng cẩm
thạch này đã mất nhiều năm mới hoàn thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi
treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập bỏ, vì ông cho
rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông muốn.
Khi ông bắt tay vào công trình lần thứ ba thì cũng
là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tị nên tìm cách hạ uy tín
ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật đau thương.
Ai cũng tưởng rằng cơn thử thách đã khiến ông bỏ cuộc.
Trái lại, ông càng miệt mài chú tâm vào công trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả
niềm đau của mình lên khuôn mặt của Đức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên
thập giá không còn là một phiến đá lạnh lùng , xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm
nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do
chính tâm tình mà người nghệ sĩ muốn tháp nhập vào.
(Thiên Phúc, Chuyện hay đông tây, tập 1, tr 159)
Khi gặp những giây phút đen tối, chúng ta hãy bắt chước
gương của Abraham trong bài đọc I hôm nay. Niềm tin của Abraham yếu ớt và dường
như phai mờ khi ông nghĩ rằng Thiên Chúa đòi hỏi ông phải hy tế con trai
của ông là Isaác. Điều đó làm cho ông khổ tâm và bối rối. Nhưng Abraham
vẫn tin cậy vào Chúa, và Thiên Chúa không để ông thất vọng. Thiên Chúa đã chúc
phúc và ban ơn cho ông hơn cả những ước mơ của ông.
Thiên Chúa cũng thử thách niềm tin của chúng ta như thế.
Khi bị thử thách, tâm hồn chúng ta cũng đau khổ và bối rối. Nhưng nếu chúng ta
tin cậy vào Thiên Chúa giống như Abraham, thì Thiên Chúa sẽ không để chúng ta
thất vọng. Và cuối cùng, Thiên Chúa cũng sẽ chúc phúc và ban ân huệ cho ta
nhiều hơn những gì chúng ta mơ ước.
Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một: Ngài là
Đức Giêsu sáng láng trên núi Tabor, cũng là Đức Giêsu mướt máu trong vườn Cây
Dầu, và cũng là Đức Kitô đau khổ trên thập giá ở đồi Golgotha. Hai đỉnh núi
Tabor và Golgotha cách nhau không xa, nhưng lại là con đường vạn lý, con đường
đau khổ, con đường vượt qua : Đường Tình Yêu. Theo thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu
thì :”Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh Tabor, mà là cùng với Đức
Giêsu ta trèo lên đồi Calvê”. Hiểu được đau khổ là con đường tình
yêu, thì thánh nữ Bernadette đã cầu nguyện:”Con không xin cho mình khỏi đau
khổ, nhưng chỉ xin Ngài đừng bỏ con trong đau khổ”.
Lm Giuse Đinh lập
Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt -simonhoadalat.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét