HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

GIÁO HỘI TÔN KÍNH MẸ

Đọc Tin Mừng thánh Gioan và Luca, chúng ta  thấy Đức Maria tuy giữ một vị thế rất âm thầm nhưng thật là chính yếu trong lịch sử cứu độ.
Suốt chiều dài lịch sử, các Kitô Hữu không ngừng đọc lại Sách Thánh, những bản văn nền tảng của việc sùng kính Đức Maria. Những suy gẫm, và tưởng nhớ này của Giáo Hội càng ngày càng làm tỏ lộ vinh quang của Đức Trinh Nữ Maria.
Đức Trinh khiết của Đức Maria
 Ngay từ thế kỷ thứ II, các tín hữu đã khẳng định sự trinh khiết của Đức Maria. Một trong những bản văn phụng vụ cổ kính nhất là tín biểu của các Tông đồ đã trình bày:“Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô… bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi bà Maria đồng trinh.”
Bằng lời tuyên tín này, Giáo Hội tuyên xưng Đức Giêsu bởi trời mà xuống. Người là công trình của Chúa Thánh Thần. Người là Thiên Chúa, sinh bởi Thiên Chúa. Đức Maria đã cộng tác vào sự nhiệm sinh này bằng tinh thần sẵn sàng của mình, Mẹ mở lòng sẵn sàng đón nhận Con Thiên Chúa, đón nhận ân sủng và giao ước của Người. 
Sự khiết trinh độc nhất nơi Mẹ Maria là một cách thức để trở nên Kitô Hữu. Kitô Hữu là người được phục sinh. Thụ thai cách khiết trinh là một dấu chỉ tỏ lộ cho thế gian một điều kỳ lạ: Mẹ Maria, Đức nữ trinh là phụ nữ đầu tiên của ơn phục sinh. Mẹ thuộc về một thế giới mới mà Đức Giêsu hằng công bố. 
Cũng vậy xuất hiện một ý nghĩa của sự trinh khiết tận hiến. Đòi buộc quay về với Thiên Chúa và dâng lên Người mọi quyền lợi của chúng ta. Sự trinh khiết này đã khiến Đức Maria sinh Đấng Cứu Độ.
Vô nhiễm nguyên tội 
Ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Piô IX đã công bố Tín điều Vô nhiễm Nguyên tội:“Ngay từ lúc thụ thai, Đức Maria đã được gìn giữ tinh sách khỏi mọi vết tội nguyên tổ do ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa quyền năng, do công trạng của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ loài người.”
Bốn năm sau đó, trong một lần hiện ra với chị Bernadette ở Lộ Đức, Đức Maria cũng đã xưng mình là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Nơi Đức Maria, ước muốn đi tìm kiếm con người của Thiên Chúa được tỏ lộ. Mẹ đã đi vào ước muốn đó bằng cách kết hợp với công trình của Thiên Chúa. Tước hiệu“Vô Nhiễm Nguyên Tội” cho thấy Mẹ xứng với ân sủng của Thiên Chúa và là dấu chỉ cho Thánh ý của Thiên Chúa muốn thế gian này nên thánh thiện. Đó là dấu chỉ cho sự ưu ái của Thiên Chúa, Đấng muốn ban ơn sủng tràn đầy trên các loài thọ tạo ngay từ khi chúng được tác thành. 
“Khi kính nhớ tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội, người công giáo chiêm ngưỡng Đức Maria nhưng là để tạ ơn Thiên Chúa. Mẹ Maria chẳng đáng gì với những ơn trọng ấy: mọi vinh quang danh dự đều thuộc về Thiên Chúa. Tính quảng đại của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Mẹ. Không thể chiêm ngắm Mẹ nếu không chiêm ngắm Thiên Chúa. Tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội công bố sự ân cần nhưng không của Thiên Chúa và cũng dành cho Mẹ một sứ vụ duy nhất.
Nơi Mẹ, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng: “Đây là một con người,” đây là hình ảnh Thiên Chúa, đây là khuôn mặt của một con người không biến dạng bởi tội lỗi. Từ đáy lòng, Đức Maria muốn cho chúng ta thấy tất cả mọi người là hình ảnh, là “icôn” của Ngôi Lời (icôn là loại nghệ thuật tranh vẽ ở trong các tu viện cổ ngày xưa: đầu và trán được phóng to hơn kích thước khác trong cơ thể con người, như muốn ám chỉ sự khôn ngoan sáng suốt lớn hơn thể lý con người). Vì thế, tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội khiến chúng ta trân trọng những người bên cạnh chúng ta. Đôi khi người ta nghĩ Đức Maria đã chẳng khó khăn gì khi cất tiếng “xin vâng”. Tất nhiên càng thánh thiện bao nhiêu, người ta càng dễ đón nhận Thiên Chúa và những gì đang ở trước mắt bấy nhiêu. Cũng vậy, quả là khó khăn khi cất lên tiếng “xin vâng” khi lòng trung thành bị phá vỡ.
Lên trời cả hồn lẫn xác
Ngày 01 tháng 11 năm 1950, đức Piô XII tuyên bố Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác. “Chúng tôi khẳng định, chúng tôi công bố, chúng tôi xác tín một giáo điều hoàn toàn thánh thiêng là Đức đồng trinh Vô nhiễm Nguyên tội sau khi kết thúc đời sống trên dương thế này đã đựơc đưa lên trời cả hồn và xác.” Mẹ Thiên Chúa, đã lên trời cả hồn lẫn xác do được hưởng nhờ ân phúc từ cái chết và phục sinh của Con mình.
Nơi Mẹ, ơn cứu chuộc được thực hiện cách đầy đủ nhất. Cùng với Đức Giêsu, Mẹ Maria khẩn cầu với Chúa Cha ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người là con của Mẹ khi Mẹ đứng dưới chân thập giá. Mẹ Maria cũng là dấu chỉ của niềm hy vọng, vì Mẹ là người đầu tiên được đón nhận ơn phục sinh.
Tôn kính Mẹ như thế nào? 
Tôn kính Đức Maria đòi hỏi phải bước vào cùng một “hệ” với Mẹ, phải phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng an ủi kẻ túng nghèo. 
Bằng sự dấn thân của mình, Đức Maria mở ra con đường dẫn đưa đến thấu hiểu đức tin. Mẹ chỉ cho thấy khi gặp gỡ với Đức Kitô, con người của Mẹ đã chuyển đổi mạnh mẽ.
Nơi Mẹ, mầu nhiệm Đức Giêsu mặc lấy xác phàm và những gì ẩn dấu được tỏ lộ nhờ ân sủng. Mẹ không lợi dụng cho mình nhưng một lòng trung thành với ân ban và đến lượt Mẹ lại trao ban.
Sách Phúc âm không nói nhiều đến tiểu sử của Mẹ, nhưng chỉ làm chứng những gì là chính yếu và những gì xảy đến với Mẹ cho những ai có lòng tin.
Mẹ Maria thuộc về Giáo Hội: vì Mẹ thuộc về cộng đoàn những người được Đức Giêsu Phục sinh cứu vớt. Mẹ là chị của tất cả mọi người tín hữu, vì Mẹ là người đi đầu. Mẹ là mẹ của tất cả mọi tín hữu vì nơi Mẹ mọi hành động đều thể hiện một niềm tin làm tái sinh, một niềm tin đón nhận tất cả những gì xảy ra.
CÂU HỎI GỢI Ý
  1. Hãy phân tích kinh “Kính mừng” để suy tư sự phong phú của lời kinh này.
  1. Trong tâm tình con thảo, Bạn hãy soạn một lời cầu nguyện với Mẹ Maria.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons