Chiều thứ bẩy 11-4-2015, Tông sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô ấn định Năm Thánh Ngoại thường về lòng thương xót của Chúa đã được công bố tại Đền thờ Thánh Phêrô. Năm Thánh này bắt đầu từ ngày 8-12-2015 và kết thúc vào ngày 20-11-2016, lễ Chúa Kitô Vua.
Tông sắc mang tựa đề “Misericordiae vultus” (Khuôn mặt thương xót) qua đó, Đức Thánh Cha giải thích những lý do khiến ngài tuyên bố Năm Thánh đặc biệt về lòng thương xót, đồng thời đề ra những đường hướng giúp sống Năm Thánh tốt đẹp nhất.
Tông sắc không chia thành từng phần và chương rõ rệt. Tuy nhiên, đọc toàn bộ 25 số của Tông sắc, chúng ta có thể nhận thấy bố cục gồm 3 phần. Trong phần đầu, từ số 1 đến hết số 13, khởi đi từ Kinh Thánh, Đức Thánh Cha đào sâu ý niệm thương xót và nêu lên lý do mở Năm thánh Lòng Thương Xót. Phần hai, từ số 14 đến 18, trình bày một số gợi ý để cử hành Năm Thánh. Sau cùng, phần ba, từ số 19 đến 25, chứa đựng một số lời kêu gọi để thực hành lòng thương xót.
Nhân dịp khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những lời chỉ dạy của vị Cha chung và đem ra thực hành trong cuộc sống để Năm Thánh được thực sự ích lợi cho chúng ta.
I- Phần thứ nhất
Những ý niệm nền tảng và lý do mở Năm thánh Lòng Thương xót (số 1-13)
1. Ý niệm nền tảng (số 1 và 2)
Khởi đi từ nền tảng Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định ngay ở số đầu tiên : “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Giêsu Kitô” (số 1) và nơi Đức Giêsu, lòng thương xót trở nên hữu hình và sống động vì ai thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng lòng thương xót Chúa là con đường nối kết Thiên Chúa với con người. Điều này được xác định khi Thiên Chúa mạc khải cho Môsê biết danh của Ngài là “Thiên Chúa thương xót và nhân hậu, nhẫn nại và đầy lòng trắc ẩn” với những ai cậy trông vào Ngài (Xh 34,6).
Trong Tông sắc này, Đức Thánh Cha trích nhiều câu Kinh thánh diễn tả lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi trích Tin Mừng Luca chương 15, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh : “Trong những dụ ngôn nói về lòng thương xót, Chúa Giêsu đã mạc khải bản tính Thiên Chúa như là bản tính của một người Cha, mà người Cha này sẽ không bao giờ bỏ cuộc nếu như trước đó đã không tha thứ hết mọi tội lỗi và vượt lên trên sự khước từ với sự cảm thông và lòng thương xót. Chúng ta biết về những hình ảnh này từ ba dụ ngôn hoàn toàn đặc biệt: Dụ ngôn về con chiên lạc, dụ ngôn về đồng bạc được tìm thấy, và dụ ngôn về người cha với hai người con (x. Lc 15,1-32). Nơi các dụ ngôn ấy, chúng ta thấy được điểm cốt lõi của Tin Mừng và của đức tin, vì lòng thương xót tỏ hiện như một sức mạnh vượt thắng tất cả” (số 9).
2. Lý do mở Năm Thánh(số 3 và 4)
Trong phần này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng việc mở cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô sẽ diễn ra vào ngày 8-12 năm nay vì hai lý do: thứ nhất, vì ngày ấy trùng vào Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, là Đấng được Thiên Chúa muốn là “người thánh thiện và không tỳ ố trong tình thương” (số 3). Lý do thứ hai, Đức Thánh Cha viết : ngày 8 tháng 12 cũng là ngày kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng chung Vatican 2 là Công đồng đã “phá đổ những bức tường thành khép kín Giáo Hội trong thời gian quá lâu trong một thành trì đặc ân”, để đưa Giáo Hội “loan báo Tin Mừng một cách mới mẻ”, sử dụng “liều thuốc thương xót, thay vì dùng những võ khí ngặt nghèo”, như Đức thánh Gioan XXIII đã nói (số 4).
3. Mở cửa Năm Thánh (số 3)
Đức Thánh Cha loan báo rằng chúa nhật 13-12 năm nay, Chúa nhật thứ III Mùa Vọng, ngài sẽ mở Cửa Năm Thánh tại Nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, tức là Đền thờ Thánh Phêrô và Vương cung thánh đường thánh Gioan Laterano. Sau đó các Cửa Năm Thánh tại các Vương cung thánh đường giáo hoàng khác ở Roma cũng được mở ra. Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng qui định rằng trong mỗi giáo phận và cả các Đền thánh cũng sẽ mở Cửa Thương Xót như thế trong Năm Thánh, để Năm Thánh này cũng có thể được cử hành ở cấp địa phương “như một dấu chỉ hiệp thông của toàn thể Giáo Hội”.
4. Lòng thương xót, trụ cột đỡ nâng đời sống Giáo Hội (số 10 và 12)
Đức Thánh Cha viết ở số 10 : “Tất cả mọi hoạt động mục vụ của GH cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng và không một chứng từ nào của GH trước thế giới lại vắng bóng lòng thương xót”. Trong số 12 Đức Thánh Cha nói đến sứ mạng của Giáo Hội là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa và ngài nhắn nhủ Giáo Hội hãy đảm nhận trách vụ “vui mừng loan báo sự tha thứ”, “là sức mạnh làm tái sinh vào cuộc sống mới và mang lại can đảm để hướng nhìn về tương lai trong niềm hy vọng”.
5. Khẩu hiệu của Năm Thánh:Thương xót như Chúa Cha (số 8, 11 và 13)
Ở số 8, Đức Thánh Cha nói rằng chủ đề lòng thương xót là điều mà ngài đặc biệt quí chuộng, đến độ đã chọn khẩu hiệu Giám Mục của ngài là “Miserando atque eligendo” (Người cảm thương và chọn [Ông Matthêu]) và đây là một thành ngữ “vẫn luôn gây ấn tượng mạnh cho tôi”. Rồi Đức Thánh Cha trích dẫn thông điệp “Dives in misericordia” (Thiên Chúa giàu lòng xót thương) của Đức thánh Gioan Phaolô II. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh “sự cấp thiết phải loan báo và làm chứng về lòng thương xót trong thế giới ngày nay” với một “lòng hăng say mới mẻ và bằng một hoạt động mục vụ được đổi mới”, vì đó là “điều có tính chất quyết định đối với Giáo Hội và đối với uy tín việc loan báo của Giáo Hội”.
Phần thứ I của Tông Sắc được kết thúc với ý nghĩa về khẩu hiệu của Năm Thánh : “Thương xót như Chúa Cha” (số 13). Câu này trích từ Tin Mừng theo thánh Luca, chương 6 câu 36 : “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót”. Theo Đức Thánh Cha, đây chính là “một chương trình sống đòi hỏi nhiều nỗ lực”. Cuối số 13 này, Đức Thánh Cha tái kêu gọi các tín hữu hãy “lắng nghe Lời Chúa… để có thể chiêm ngắm lòng thương xót của Chúa và đón nhận lòng thương xót như chính lối sống của mình”.
II- Phần thứ hai
Những chỉ dẫn thực hành cụ thể trong Năm thánh (số 14-18)
1. Đi hành hương (số14)
Cuộc đời là chuyến hành hương. Chuyến đi ấy cho thấy lòng thương xót chính là đích điểm phải tới. Và như thế, dĩ nhiên, đòi chúng ta phải dấn thân và hy sinh.
2. Đừng xét đoán (số 14)
Cũng trong số 14, Đức Thánh Cha trích Lc 6,37-38 và nhấn mạnh : Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng hãy tha thứ và cho đi, xa tránh tật xấu nói hành nói xấu người khác, tránh những lời nói vì ghen tương, phân bì, nhưng hãy đón nhận điều tốt lành ở nơi mỗi người, trở thành khí cụ tha thứ.
3. Quan tâm tới những người nghèo khổ (số 15 và 16)
Đức Thánh Cha gợi ý : Hãy cởi mở tâm hồn đối với những môi trường bên lề cuộc sống, mang lại an ủi, cảm thương, liên đới và quan tâm đến những người đang sống trong những tình trạng bấp bênh, đau khổ trên thế giới ngày nay. Đàng khác, Đức Thánh Cha nhấn mạnh về sứ mạng của Chúa Giêsu là: mang lại an ủi cho người nghèo, trả lại phẩm giá cho người bị tước mất, nhất là các trẻ em không được trợ giúp cần thiết để thoát khỏi cảnh nghèo”. Ngài trích lời của thánh Gioan Thánh Giá : “vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về đức bác ái”.
Đức Thánh Cha lưu ý chúng ta phải quan tâm đến những người đói khổ, cho khách đỗ nhà, cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc … Những gì chúng ta làm cho một trong những anh em bé mọn đây là làm cho Chúa (x. Mt 25,31-45).
4. Cầu nguyện 24 giờ (số 17)
Đức Thánh Cha nhắn nhủ : Trong các giáo phận, hãy gia tăng sáng kiến cầu nguyện “24 giờ dành cho Chúa”, sáng kiến này cần cử hành vào những ngày thứ sáu và thứ bẩy tuần thứ tư mùa chay. Đặc biệt Đức Thánh Cha nói rằng bao nhiêu người trẻ đang tìm đến bí tích Hòa Giải là bí tích giúp họ chạm một cách cụ thể lòng thương xót của Thiên Chúa.
5. Thừa sai của lòng thương xót (số 18)
Trong số 18, số cuối cùng của phần II của Tông sắc, Đức Thánh Cha loan báo rằng ngài sẽ gửi các “thừa sai của lòng thương xót”, tức là những linh mục mà ngài ban quyền được tha cả những tội dành quyền giải cho Tòa Thánh. Ngài giải thích rằng “các thừa sai ấy là dấu chỉ sự quan tâm từ mẫu của Giáo Hội đối với dân Chúa, và sẽ là những vị kiến tạo nơi mọi người” một cuộc gặp gỡ đầy tình người. Đồng thời Đức Thánh Cha yêu cầu tổ chức “các cuộc đại phúc” trong các giáo phận, để những thừa sai vừa nói đến loan báo niềm vui của ơn tha thứ”.
III- Phần thứ ba
Một số lời kêu gọi (số 19-25)
1. Với những thành phần thuộc những nhóm tội phạm, Đức Thánh Cha viết ở số 19 : “Vì thiện ích của anh chị em, tôi xin anh chị em hãy thay đổi cuộc sống.. đừng tiếp tục dửng dưng đối với lời kêu gọi hãy cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa… Tiền bạc không mang lại hạnh phúc chân thực. Nó chỉ là một ảo tưởng và bạo lực sử dụng để tích lũy tiền bạc đẫm máu không làm cho người ta quyền năng và cũng chẳng trở nên bất tử. Không ai có thể tránh thoát sự phán xét của Thiên Chúa”.
2. Với những người gây ra hoặc đồng lõa với sự tham nhũng, Đức Thánh Cha cũng đề cập ở số 19: “Đây là lúc thuận lợi để thay đổi cuộc sống! Chỉ cần đón nhận lời mời gọi hoán cải và tùng phục công lý trong khi Giáo Hội trao tặng lòng thương xót”. Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng sự tham nhũng là một tai ương làm cho xã hội ung thối, một tội trọng kêu thấu tới trời, vì nó làm thương tổn tận gốc rễ cuộc sống cá nhân và xã hội. Từ đó Đức Thánh Cha kêu gọi hãy loại trừ tai ương tham nhũng ra khỏi đời sống cá nhân và xã hội, bằng cách sử dụng khôn ngoan, cảnh giác, lương thiện, minh bạch, cùng với sự can đảm tố giác.
3. Về tương quan giữa công lý và lòng thương xót, ở số 20 và 21, Đức Thánh Cha đã khẳng định : “Đây không phải là hai khía cạnh tương phản với nhau, nhưng là hai chiều kích của cùng một thực tại duy nhất”.
4. Về việc đối thoại liên tôn (số 23) Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng: Do thái giáo và Hồi giáo đều coi lòng thương xót là một trong những phẩm tính cao trọng nhất của Thiên Chúa và hai tôn giáo này cũng tin rằng không ai có thể giới hạn lòng thương xót của Chúa. Đức Thánh Cha cầu mong rằng trong Năm Thánh chúng ta có thể gặp gỡ hai tôn giáo ấy và với những truyền thống tôn giáo cao quí khác, làm cho mọi người cởi mở hơn đối với sự đối thoại, loại bỏ mọi hình thức khép kín, khinh rẻ, khu trừ mọi hình thức bạo lực và kỳ thị.
5. Kết luận
Trong phần kết của Tông Sắc, số 24 và 25, Đức Thánh Cha nhắc đến hình ảnh Đức Maria “Mẹ Thương Xót”. Là hòm bia giao ước giữa Thiên Chúa và loài người, Mẹ Maria chứng thực rằng lòng thương xót của Con Thiên Chúa không có giới hạn và đi tới mọi người không trừ một ai. Trong cùng viễn tượng ấy, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến thánh nữ Faustina Kowalka, tông đồ lòng thương xót là “vị đã được kêu gọi đi vào chiều sâu lòng thương xót của Chúa”.
Tông sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc với lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy thực thi lòng thương xót mà Chúa Cha không ngừng ban cho chúng ta.
Với Giáo Hội Việt Nam, Năm Thánh Lòng Thương Xót trùng với « Năm Tân Phúc Âm hoá đời sống xã hội ». Trong thư mục vụ, các Đức Giám mục Việt Nam kêu gọi “mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống […] Đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô, anh chị em hãy tích cực thực thi lòng thương xót” (Thư Mục Vụ HĐGMVN tháng 9/2015, số 2).
Đáp ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha và các Đức Giám Mục Việt Nam, chúng ta có thể quan tâm hai điểm lý thuyết và thực hành sau đây:
(1) Về lý thuyết
Lấy lời Chúa làm kim chỉ nam hướng dẫn. Do đó, chúng ta có thể học hỏi, suy niệm và nội tâm hoá một số câu lời Chúa về lòng thương xót. Ví dụ :
+ “Anh em hãy thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót (Lc 6,36)
+ “Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7)
+ “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26)
+ Hãy tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha (x. Lc 6,37) …
(2) Thực hành
+ Đi hành hương một nơi nào đó trong Năm Thánh này để cầu nguyện cho một ai đó được ơn hoán cải hay được ơn bình an.
+ Vào thời điểm thuận tiện, làm một việc bác ái cụ thể, như cho khách đỗ nhà, đón tiếp những người không nơi nương tựa…
+ Yêu thương và quan tâm đến những người nghèo, người già và neo đơn. Thăm viếng và an ủi bệnh nhân … chia sẻ với những ai gặp hoạn nạn, hay gia đình có tang chế…
+ Sẵn sàng tha thứ và làm hoà với nhau …
Lm Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hào
0 nhận xét:
Đăng nhận xét