HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

THIÊN ĐÀNG NHƯ THẾ NÀO ?

 
What-would-heaven-look-like.jpg
Trong quyển ‘Cánh Chung luận: Sự Chết và Sự Sống Bất Diệt’ (Eschatology: Death and Eternal Life) được xuất bản vào năm 1988, khi ấy Đức Hồng Y Ratzinger (hiện nay là ĐGH danh dự Bênêdict XVI) cảnh tỉnh việc miêu tả Thiên đàng như sự nối dài cuộc sống này được tô điểm bằng những lời miêu tả là “sư tử nằm với chiên” và những bữa tiệc vĩnh hằng.

  
Nói một cách hữu hình, chúng ta không chỉ vướng vào vấn đề thực sự với thực tế là hầu hết thế giới đang sống trong cảnh nghèo hèn khốn khổ mà ta còn phải nhớ rằng sư tử, chiên và những bữa tiệc sẽ trở thành nhàm chán sau một vài triệu năm. Những miêu tả như vậy không làm động lòng con người hiện đại duy lý.
 
Mặt khác, thư thứ I gửi Tín Hữu Côrintô 2:9 cũng đã được nói đến quá nhiều. "Mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe," có liên quan đến Thiên đàng thường được dùng như một lời bào chữa để tránh trách nhiệm. Đúng, đó là sự thật. Cuối cùng thì Thiên đàng ở ngoài những gì đã từng “thâm nhập vào tâm hồn con người.” Nhưng có những điều chắc chắn chúng ta có thể biết về Thiên đàng dù nay chúng ta chỉ "thấy lờ mờ như trong một tấm gương" những gì sẽ chỉ được tỏ lộ đầy đủ ở cõi đời đời (I Cor. 13:12). Nếu chúng ta muốn gây hứng thú cho người ta về triển vọng Nước Trời và nếu có cảm giác hầu như sợ "mất thiên đàng" như trước khi ta bước vào tòa xưng tội, ĐHY Ratzinger nói cần thiết phải có được sự hiểu biết về Kinh Thánh và truyền thống Giáo hội về yếu tính của Thiên đàng.
 
Hội Thánh dạy điều gì
 
SGLCG 1023 cho biết
 
Những kẻ chết trong ơn nghĩa Chúa và kẻ đã được thanh luyện trọn vẹn [dù ở đời này hay ở đời sau trong Luyện ngục], sẽ sống mãi với Đức Kitô. Muôn đời họ sẽ nên giống Thiên Chúa, vì Người thế nào họ sẽ được "nhìn thấy Người như vậy" diện đối diện.
 
Sách Giáo Lý khi ấy trích dẫn định nghĩa không thể sai lầm được Đức Giáo Hoàng Bênêđict XII đưa ra trong Tông Hiến Benedictus Deus ngày 29 tháng 1 năm 1336:
 
Với thẩm quyền Tông Tòa, chúng tôi định nghĩa: theo cách Thiên Chúa an bài cho muôn loài muôn vật, thì linh hồn của tất cả các Thánh … và các tín hữu khác đã qua đời sau khi được lãnh nhận phép rửa thánh của Đức Kitô (với điều kiện các đấng đã không có gì phải thanh luyện khi qua đời, …hoặc nếu các linh hồn đã cần hoặc sẽ cần được thanh luyện, khi ấy các đấng được thanh luyện sau khi qua đời, … ) trước khi lấy lại thân xác của mình, thậm chí trước cuộc phán xét chung, và sau cuộc thăng thiên của Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu độ chúng ta lên trời, [các linh hồn đó] đã, đang và sẽ được quy tụ trên trời, trong Nước Trời và trên Thiên đàng cùng với Đức Kitô, trong cộng đoàn các Thánh thiên thần; và sau cuộc Thương khó và cái chết của Chúa Giêsu Kitô, các linh hồn này đã và đang được nhìn thấy yếu tính thánh thiêng bằng thị kiến trực quan (intuitive vision), thậm chí trực diện mà không có bất cứ sự chiêm niệm của loài thụ tạo nào.
 
Ở trọng tâm của định nghĩa này về Thiên đàng là ý tưởng của "thị kiến vinh phúc", tức là được phúc Thiên đàng "nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện." Nhưng điều đó có nghĩa là các Thánh trên trời "nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện” ? Điều này xem ra mâu thuẫn với thư thứ I gửi Timôthê 6: 14-16 nói rằng:
 
Tôi truyền cho anh hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xuất hiện. Ðấng sẽ cho Ðức Kitô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi, là Chúa Tể vạn phúc vô song, là vua các vua, Chúa các Chúa. Chỉ mình Người là Ðấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Ðấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời. Amen.
 
Điều này có mâu thuẫn không? Hoàn toàn không! Thư thứ I gửi Timôthê 6 phải được hiểu theo nghĩa là người không được trợ giúp bằng ân sủng không thể nhìn thấy Thiên Chúa hoặc người đó không bao giờ có thể "nhìn thấy" Thiên Chúa bằng đôi mắt phàm tục của mình. Nói cách khác, con người không thể nhìn thấy Thiên Chúa trong bất kỳ khả năng giác quan tự nhiên nào của mình. Các Thánh và tất cả các Chân phước có thể được cho là đã "nhìn thấy" và các đấng "nhìn thấy" yếu tính thánh thiêng bằng thị kiến trí năng trực quan (intuited intellectual vision). Còn có nhiều bản văn Kinh Thánh chứng minh điều này:
 
Khải huyền 22: 4 - “Sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa. Ngai của thiên Chúa và của Con Chiên sẽ đặt trong thành, và các tôi tớ Người sẽ thờ phượng Người. Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ.”
 
I Côrintô 13:12 - “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.”
 
Matthêu 5: 8 - “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.”
 
I Gioan 3: 2 - “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ðức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.”
 
“Thị kiến " về Thiên Chúa như vậy không nên hiểu như "nhìn thấy" Thiên Chúa bằng đôi mắt của loài người. Thiên Chúa là thần khí thuần túy và hiểu theo cách thông thường thì con người không thể "nhìn thấy" được. "Thị kiến Thiên Chúa" ở đây là thị kiến trí năng trực quan. Hãy nghĩ về điều đó theo cách sau: Matthêu 18:10 cho chúng ta biết các thiên thần "chiêm ngưỡng nhan thánh Thiên Chúa", nhưng các đấng hoàn toàn không nhìn bằng mắt. Các đấng là những thần linh thuần túy. Vậy làm sao họ "nhìn thấy Thiên Chúa”? Các đấng "nhìn thấy" Người bằng “thị kiến” trí năng và trực quan.
 
Chúng ta dùng động từ "nhìn thấy" như ở đây theo cách nói thời nay. Khi ai đó hiểu ra một vấn đề vật lý mà mình đã phải bỏ ra nhiều công sức, ví dụ, người ấy có thể nói: "Bây giờ tôi thấy điều đó", không có nghĩa là người ấy "nhìn thấy" nó bằng đôi mắt của mình; đúng hơn, có nghĩa là bây giờ người ấy hiểu điều đó bằng trí tuệ của mình. Điều này cũng tương tự như thị kiến vinh phúc (hoặc phúc kiến). Các tín hữu bền đỗ đến cùng thì họ cũng sẽ "nhìn thấy Thiên Chúa", nhưng bằng "thị kiến" trí năng hoặc lĩnh hội Thiên Chúa. Mỗi người sẽ "nhìn thấy" hoặc lĩnh hội Thiên Chúa bằng thị kiến vinh phúc phù hợp với khả năng riêng được ban cho nhờ vào tình trạng ân sủng của người ấy lúc lâm tử. Tình trạng ân sủng này được định đoạt bởi ơn huệ của Chúa và mức độ được phúc cộng tác với ân sủng đó trong cuộc lữ hành trần thế của mình.
 
Mẫu gương tuyệt hảo về chân lý này được thấy nơi Mẹ Thiên Chúa. Không chi thể nào thuộc Nhiệm Thể Đức Kitô sẽ “nhìn thấy” hoặc "lĩnh hội" Thiên Chúa bằng Mẹ Maria vì Mẹ được ban ân huệ trọng đại nhất trong tất cả loài người; đồng thời, không có con người nào cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa hoàn hảo như Mẹ Maria.
 
Với sự nhận thức này, chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao Giáo Hội dạy Thiên đàng chính là tình trạng (hạnh phúc tuyệt hảo và chung cuộc) đúng hơn là một nơi chốn. Người ta không thể “du hành lên" Thiên đàng. Thị kiến vinh phúc không thể được hiểu là người ta ở trên trời "nhìn vào nơi đó" thấy Thiên Chúa và nếu không nhìn vào "nơi đó" sẽ không thấy Thiên Chúa nữa. Các Thánh sẽ luôn luôn ở tình trạng chiêm ngưỡng nhan Thánh Chúa. Các đấng không thể rời khỏi Thiên đàng, rồi trở lại, chính vì Thiên đàng chủ yếu là trạng thái sự sống.
 
Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng Thiên đàng là một nơi chốn, nhưng theo một ý niệm định tính. Cho đến khi phán xét chung, thân xác các Thánh sẽ sống lại thì khi ấy có thể được nói là có vị trí.
 
Vậy Thiên đàng như thế nào?
 
Thiên đàng chính là trạng thái hoàn toàn viên mãn tuyệt đối. Thuộc sở hữu của Thiên Chúa trong thị kiến vinh phúc mà các Thánh được trải nghiệm những gì không thể diễn tả bằng lời; một sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa trổi vượt hơn bất cứ điều gì ta có thể hình dung. Chính vì sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa trong Đức Kitô, các Thánh cũng sẽ trải nghiệm sự hiệp thông với các chi thể khác thuộc Nhiệm Thể Đức Kitô trổi vượt hơn mọi khả năng ta có thể hình dung. Hình ảnh chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô mà Thánh Phaolô trình bày trong thư thứ I gửi Tín Hữu Côrintô 12 và thư gửi Tín Hữu Rôma 12 cho chúng ta một ý niệm xa xôi về sự hiệp thông này, hơn nữa điều đó chỉ mới có thể cho thấy lờ mờ mối liên quan đến sự thật đầy đủ về vấn đề này. Dựa vào hình dung của Thánh Phaolô, sự hiệp thông các chi thể thuộc Đức Kitô trọn vẹn hơn sự hiệp nhất giữa ngón tay với bàn tay, vì Đức Kitô, Đấng làm cho mọi chi thể thuộc Đức Kitô nên một! Điều này thật lạ lùng, nhưng cuối cùng, chúng ta mới có thể hình dung được.
 
Chúng ta đã nói đến thị kiến vinh phúc (hoặc hưởng kiến và phúc ái Thiên Chúa) là phần quan trọng nhất về Thiên đàng là như thế nào: như chúng ta thấy trong thứ thứ I của Thánh Gioan 3: 2. Cho biết chúng ta “sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.” Thánh Tôma Aquinô giúp chúng ta có được ý niệm sự vinh quang về "thị kiến Thiên Chúa" qua việc ngài trình bày cho chúng ta một số hệ quả có thể từ điều đó. Theo "Tiến sĩ thiên thần" (các nhà thần học quen gọi thánh nhân bằng cụm từ này), trí năng của chúng ta sẽ được Thiên Chúa soi sáng để chúng ta có thể "nhìn thấy Thiên Chúa" bằng thị kiến vinh phúc đến độ nhờ vào việc ban cho năng quyền như vậy một hệ quả nối tiếp sẽ giúp hiểu "toàn bộ trật tự của vũ trụ".
 
Trong bộ ‘Tổng Luận Chống Lại Dân Ngoại’ (Summa Contra Gentiles), quyển III, chương 59, Thánh Tôma diễn tả: "sự khao khát tự nhiên muốn biết các giống, loài và năng quyền của tất cả mọi thứ, toàn bộ trật tự của vũ trụ", điều đó có ý nghĩa là khả năng này sẽ được thỏa mãn nơi Thiên Chúa ở Thiên đàng. Nếu nói thêm về điều này thì sự kiện thị kiến vinh phúc sẽ ban cho trí năng của các Thánh trên Thiên đàng có thể nhìn thấy Thiên Chúa, vượt trội hơn mọi khả năng tự nhiên, như Thánh Tôma còn diễn tả điều đó chỉ có ý nghĩa là sau khi biết được "vô tận" hoặc chính Thiên Chúa, thì dường như những điều thấp kém hơn sẽ dễ dàng biết được. Để hỗ trợ lập luận của Thánh Tôma: "Trí năng được nâng cao bởi ánh sáng của Thiên Chúa để nhìn thấy bản thể Thiên Chúa hoàn hảo gấp bội, cũng nhờ vào ánh sáng này để có thể hiểu được tất cả các đối tượng khác nhau tồn tại trong bản tính của vạn vật."
 
Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dường như đồng tình với Thánh Tôma. Trong đoạn 1040, Giáo Hội nói đến khái niệm về sự hoàn hảo và nâng cao trí năng ở trên Thiên đàng. Nói về trí năng tinh thông! Sách Giáo Lý cho biết: “Bấy giờ chúng ta sẽ thông hiểu ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình sáng tạo, mầu nhiệm cứu độ và những con đường kỳ diệu Thiên Chúa Quan Phòng dẫn dắt mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng.”
 
Một sự yên ủi biết bao khi biết rằng mỗi người trong số các tín hữu đã mất người thân yêu, một đứa con hoặc phải chịu cực kỳ đau khổ ở đời này, sẽ biết "tất cả mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa” ra sao, như Thánh Phaolô nói: trong thư gửi Tín Hữu Rôma 8:28. Chúng ta sẽ thấy tất cả những điều này nơi Thiên Chúa ở trên Thiên đàng.
 
Phải chăng điều này nghe có vẻ thích hợp hơn rất nhiều so với việc phải cầu đến "con mắt không nhìn thấy" hoặc hưởng được hoa quả và những bữa tiệc vĩnh cửu?
 
Bốn ân huệ thể xác chờ đợi ta trên Thiên đàng
 
Ân huệ căn nguyên của Thiên đàng – thị kiến hạnh phúc – có thể là chủ đề của một thư viện những quyển sách thực sự mà chẳng bao giờ dò được những chiều kích sâu thẳm về điều ấy, nhưng Sách Giáo lý của Công Đồng Trentô tham khảo trở lại (Tổng Luận Thần Học) của Thánh Tôma Aquinô, đã nêu ra cho chúng ta bốn đặc điểm về Thiên đàng liên quan để thể xác được mặc khải trong Thánh Kinh và truyền thống của Giáo hội có thể đáp ứng cho chúng ta cái nhìn đại cương về vinh quang Thiên đàng theo ý niệm thể xác, tuy nhiên chưa hoàn toàn đầy đủ.
 
Nhưng dù sao đi nữa, Sách Giáo Lý của Công Đồng Trentô tham khảo Tổng Luận Thần Học (Summa Theologiae) của Thánh Tôma Aquinô, liệt kê bốn "đặc điểm" hay "ân huệ" được thông hiệp với các Thánh trên Thiên đàng:
 
1) Tính tinh diệu (Subtility) – Ân huệ này buộc thể xác phải phụ thuộc tuyệt đối vào linh hồn. Vì vậy, nguyên lý cơ bản là sự phụ thuộc này sẽ cho chúng ta có thể đi xuyên qua bức tường như Chúa Giêsu đã đi xuyên qua khi vào nhà Tiệc Ly trong Tin Mừng Thánh Gioan 20: 19-20, dù Người vẫn có thịt xương. Hãy nhớ lại: các môn đệ tụ họp với nhau ở trong nhà vì sợ nên các cánh cửa đều đóng kín, sau khi Chúa Kitô phục sinh và trước khi các ngài thấy Chúa hiện ra. Chúa Giêsu bất ngờ xuất hiện ở giữa họ, mặc dù các cửa vẫn khóa. Người đi xuyên qua các cánh cửa! Tuy nhiên, như đã được mặc khải trong Tin Mừng Thánh Luca 24:39, trong trình thuật song song về cùng biến cố này, cũng sau khi sống lại, Chúa Giêsu nói với các tông đồ: "... cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?"
 
2) Tính linh hoạt (Agility) – Trong sách Công Vụ Tông Đồ 1: 9, Chúa Giêsu lên trời ngay trước mắt các tông đồ mà Người chẳng cần đến tên lửa, như R2D2! Thật vậy, theo Thánh Tôma, các Thánh ở trên Thiên đàng, thậm chí sau khi nhận được thể xác của mình trong sự sống lại, sẽ có thể di chuyển với tốc độ của ý nghĩ hoặc trong "nháy mắt ", như Thánh Tôma diễn tả điều đó ở bất kỳ khoảng cách nào. Ngay cả bộ phim ‘Chiến tranh giữa các vi sao’ (Star Wars) ‘chẳng là gì’ so với những gì đang chờ đợi những người trung tín với Chúa Kitô!
 
3) Bất khả thụ nạn (Impassiblity) - Theo nghĩa từ đơn thuần, điều này có nghĩa là các Thánh ở trên Thiên đàng không thể đau khổ và không thể chết (xem Kh 21: 4). Thật vậy, thân xác của các Thánh sẽ không chỉ bất tử mà còn không thể bị bệnh tật hay bất kỳ sự thiếu hoàn hảo nào. Thậm chí, khi ấy đến nỗi chúng ta sẽ không thể bị chút đau khổ, dù muốn hay không!
 
4) Vinh quang (Glory) (hoặc như Sách Giáo Lý Rôma gọi là: "Sự rực rỡ") – Các Thánh ở trên trời sẽ được tuyên dương như Chúa Giêsu Biến Hình Trên Núi. Được bắt nguồn từ chính lời Chúa Giêsu: "... những người công chính sẽ chói lọi như mặt trời," trong Tin Mừng Thánh Matthêu 13:43, Giáo Hội dạy là các Thánh sẽ chói lọi với vinh quang của Thiên Chúa rực rỡ đến độ người ta tin rằng con người trên trần gian ngay cả không thể đứng chiêm ngưỡng một trong các Thánh trên trời nếu đấng ấy được tỏ bày hoàn toàn trong vinh quang!
 
Ví dụ như sự kiện Đức Maria hiện ra, Đức Mẹ không hiện ra hoàn toàn trong vinh quang của Ngài. Đức Mẹ hiện ra ở hình thức mà các thị nhân có thể tiếp cận.
 
Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta có thể hiểu được lờ mờ về vinh quang đang chờ đợi chúng ta ở sự biến hình đổi dạng, nơi dung nhan Chúa Giêsu "chói lọi như mặt trời" (Mt 17: 2). Bản văn này không chỉ mặc khải thiên tính của Đức Kitô mà vinh quang của con người được biến đổi bởi thiên tính! Theo ý nghĩa đó, vén mở những gì đang chờ đợi nhân loại chúng ta. "Người công chính sẽ sáng chói như mặt trời."
 
Cts.sss chuyển ngữ từ catholic.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons