HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

THỪA TÁC VỤ GIÁM MỤC, LINH MỤC , PHÓ TẾ DIỄN TẢ GƯƠNG MẶT MẸ GIÁO HỘI

PopeFrancis-05Nov2014-14.jpg

Nơi sự hiện diện và trong thừa tác của các Giám Mục, Linh Mục và các Phó Tế chúng ta có thể nhận ra gương mặt thật của Giáo Hội:
đó là Mẹ Giáo Hội phẩm trật, sinh chúng ta ra trong cuộc sống đức tin, thêm sức, dưỡng nuôi, đồng hành với chúng ta đến với Chúa Cha để được ơn tha thứ tội lỗi, khẩn nài phước lành và sức mạnh của Chúa Thánh Thần trên chúng ta, nâng đỡ chúng ta trong suốt cuộc sống, bảo bọc chúng ta với hơi ấm của mình, nhất là trong những lúc tế nhị của thử thách, khổ đau và cái chết.
 Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 5-11-2014.
Trong bài huấn dụ ngài đã trình bày đề tài giáo lý về các chức thừa tác mà chính Chúa Kitô đã dấy lên trong Giáo Hội để xây dựng các cộng đoàn Kitô thân mình mầu nhiệm Ngài. Bình luận đoạn thư thánh Phaolô gửi Tito mà moi người vừa nghe đọc trước đó Đức Thánh Cha nói: Mọi người đều đã nghe đấy: Các Giám Mục chúng tôi phải có biết bao nhiêu là nhân đức. Thật không dễ, không dễ, vì chúng tôi là những người tội lỗi. Nhưng chúng tôi tín thác nơi lời cầu nguyện của anh chị em, để ít nhất chúng tôi tới được gần điều tông đồ Phaolô khuyên nhủ tất cả các giám mục. Anh chị em có đồng ý không? Anh chị em sẽ cầu nguyện cho chúng tôi chứ?

Trong các bài giáo lý trước đây chúng ta đã nhấn mạnh Chúa Thánh Thần luôn đổ tràn đầy trên Giáo Hội các ơn của Người. Giờ đây trong quyền năng và ơn thánh của Thần Khí Ngài, Chúa Kitô dấy lên trong Giáo Hội các thừa tác để xây dựng các cộng đoàn kitô như thân mình Người. Trong các thừa tác đó nổi bật là thừa tác giám mục. Nơi vị Giám Mục, được trợ giúp bởi các Linh Mục và các Phó Tế, chính Chúa Kitô hiện diện và tiếp tục lo lắng cho Giáo Hội và bảo đảm cho Giáo Hội sự che chở và hướng dẫn của Người.

Nơi sự hiện diện và trong thừa tác của các Giám Mục, Linh Mục và các Phó Tế chúng ta có thể nhận ra gương mặt thật của Giáo Hội: đó là Mẹ Giáo Hội phẩm trật. Thật thế, qua các anh em này, được Chúa tuyển chọn và thánh hiến với bí tích Truyền Chức, Giáo Hội thi hành chức làm mẹ của mình: Giáo Hội sinh chúng ta ra như kitô hữu trong bí tích Thánh Tẩy, bằng cách làm cho chúng ta tái sinh trong Chúa Kitô; canh thức trên sự lớn lên của chúng ta trong đức tin, tháp tùng chúng ta đến với vòng tay của Thiên Chúa Cha để được ơn tha thứ; chuẩn bị cho chúng ta bàn tiệc Thánh Thể, nơi Giáo Hội nuôi dưỡng chúng ta với Lời Chúa và Mình và Máu Chúa Giêsu; khẩn nài trên chúng ta phước lành và sức mạnh của Chúa Thánh Thần; nâng đỡ chúng ta trong suốt lộ trình cuộc sống và bảo bọc chúng ta với sự hiền dịu và hơi ấm của mình, nhất là trong những lúc tế nhị của thử thách, khổ đau và cái chết.

Chức làm mẹ đó của Giáo Hội được diễn tả ra cách đặc biệt trong con người của vị Giám Mục và chức thừa tác của người. Thật vậy, như Chúa Giêsu đã chọn các Tông Đồ và đã sai các vị ra đi loan báo Tin Mừng và chăn dắt đoàn chiên, cũng thế các Giám Mục là các người kế vị các Tông Đồ được đặt làm đầu các cộng đoàn kitô, như là những người bảo đảm cho đức tin và như dấu chỉ sống động sự hiện diện của Chúa giữa họ. Như vậy chúng ta hiểu rằng đây không phải là một địa vị uy tín, một chức tước vinh dự.

Chức Giám Mục không phải là một tước hiệu vinh dự, nhưng là sự phục vụ. Và Chúa Giêsu đã muốn như thế. Không thể có chỗ cho tâm thức trần tục trong Giáo Hội. Tâm thức trần tục nói: ”Mà ông này đã tiến thân trong Giáo Hội, đã trở thành Giám Mục”. Không, không. Trong Giáo Hội không thể có chỗ cho tâm thức này. Chức Giám Mục là một phục vụ, chứ không phải là một tước vinh dự để khoe khoang. Là Giám Mục có nghĩa là luôn luôn có trước mắt gương sống của Chúa Giêsu, là Đấng Chăn Chiên Lành, không đến để được hầu hạ nhưng để hầu hạ” (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và để hiến mạng sống mình cho đoàn chiên (x. Ga 10,11). Các Giám Mục thánh - có biết bao Giám Mục thánh trong lịch sử Giáo Hội - cho chúng ta thấy rằng người ta không tìm kiếm, không xin, không mua chức thừa tác này, nhưng tiếp nhận, trong vâng phục, không phải để nâng mình lên, nhưng để hạ mình xuống, như Chúa Giêsu ”đã hạ mình, vâng lời cho tới chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Thật là buồn, khi thấy một người tìm chức vụ này và làm biết bao nhiêu điều để tới được chức vụ đó, và khi tới rồi lại không phục vụ, nhưng vênh vang và chỉ sống cho sự phù vân của mình.

Còn có một yếu tố thứ ba qúy báu nữa, đáng được minh nhiên. Khi Chúa Giêsu đã chọn và kêu gọi các Tông Đồ, Người đã không nghĩ phân tách họ với nhau, mỗi người tùy ý mình, nhưng cùng nhau, để họ ở với Người, hiệp nhất như một gia đình duy nhất. Cả các Giám Mục cũng làm thành một đoàn duy nhất, được quy tụ chung quanh Giáo Hoàng, là người gìn giữ và bảo đảm cho sự hiệp thông sâu xa này, mà Chúa Giêsu và chính các Tông Đồ đã lưu tâm biết bao nhiêu. Như vậy thật là đẹp biết bao nhiêu, khi các Giám Mục cùng với Giáo Hoàng diễn tả tính cách đoàn thể ấy và tìm cách ngày càng là những người phục vụ tín hữu, phục vụ Giáo Hội hơn! Chúng ta đã chứng kiến mới đây trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình. Nhưng chúng ta cũng hãy nghĩ tới tất cả mọi Giám Mục sống rải rác trên thế giới, dù sống tại các nơi, các nền văn hóa, sự nhậy cảm và các truyền thống khác nhau và xa cách nhau - Hôm trước có một Giám Mục nói với tôi rằng để đến Roma, từ nơi ngài ở, cần phải bay 30 giờ đồng hồ, xa biết bao - nhưng các vị cảm thấy là phần của nhau và trở thành kiểu diễn tả mối dây thân tình giữa các cộng đoàn với nhau, trong Chúa Kitô. Và trong lời cầu nguyện chung của Giáo Hội tất cả mọi Giám Mục đặt mình để lắng nghe Chúa Cha và Chúa Con và Thần Khí, như thế có thể chú ý tới con người và các dấu chỉ thời đại một cách sâu xa (GS 4).

Các bạn thân mến, tất cả điều này làm cho chúng ta hiểu tại sao các cộng đoàn kitô lại nhận ra nơi vị Giám Mục một ơn lớn lao, và chúng được mời gọi dưỡng nuôi một sự hiệp thông chân thành và sâu xa với Giám Mục, bắt đầu từ các linh mục và các phó tế. Không có một Giáo Hội lành mạnh, nếu các tín hữu, các phó tế và các linh mục không hiệp nhất với Giám Mục. Giáo Hội không hiệp nhất với Giám Mục này là một Giáo Hội bệnh hoạn. Chúa Giêsu đã muốn sự hiệp nhất này của tất cả mọi tín hữu với Giám Mục, với cả các linh mục và các phó tế nữa. Và điều này trong ý thức rằng chính nơi Giám Mục mà mối dây nối kết của từng Giáo đoàn với các Tông Đồ và với tất cả mọi cộng đoàn khác, hiệp nhất với các Giám Mục và Giáo Hoàng trong Giáo Hội duy nhất của Chúa Giêsu, là Mẹ Thánh Giáo Hội Phẩm Trật của chúng ta.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu nói tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đến từ các nước Âu châu và Bắc Mỹ, cũng như các tín hữu đền từ Nhật Bản, Argentina, Mehicô, Panamá, Puerto Rico, Venezuela, Chile và Brasil. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho các Giám Mục là những người bảo đảm cho đức tin chân thật và là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa họ, cũng như cầu nguyện cho ngài.

Với các tín hữu nói tiếng A rập, nhất là các anh chị em đến từ Libăng và Siria, Đức Thánh Cha khuyến khích họ yêu mến các Giám Mục, linh mục và phó tế và cầu nguyện cho các vị, để các vị luôn là dấu chỉ hữu hình của Chúa Kitô giữa Dân Người, một dụng cụ của hiệp thông và hiệp nhất, cũng như phương tiện của phước lành và ơn cứu độ.

Chào các tín hữu Ba Lan Đức Thánh Cha nhắc tới Ngày liên đới với Giáo Hội bị bách hại lần thứ VI cử hành bên Ba Lan vào Chúa Nhật tới đây, năm nay dành cho Siria. Ngài xin mọi người gần gũi với các anh chị em bên Siria cũng như trong nhiều nước khác trên thế giới đang đau khổ vì các cuộc chiến huynh đệ tương tàn và vì bạo lực. Ngài cám ơn các cử chỉ liên đới trợ giúp vật chất cho các anh chị em này như dấu chỉ sự hiện diện ân cần và tình yêu của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha cũng chào các đoàn hành hương Italia, đặc biệt đoàn hành hương Torino do Đức Tổng Giám Mục Cesare Nosiglia và ông thị trưởng hướng dẫn. Ngài báo cho mọi người biết nếu Chúa muốn ngày 21 tháng 6 năm tới ngài sẽ hành hương Torino để tôn kính Tấm Khăn Liệm và thánh Gioan Bosco nhân kỷ niệm 200 năm thánh nhân sinh ra.

Ngài cũng chào các bề trên của dòng Bệnh viện thánh Gioan Thiên Chúa và các tham dự viên Diễn đàn do hiệp hội ”Bác ái trong Chân lý” tổ chức, cùng nhiều nhóm khác và khích lệ họ thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ, bằng cách nhận ra Chúa hiện diện đặc biệt nơi các người nghèo khổ.

Chào các bệnh nhân của hiệp hội SLA, cũng như các bệnh nhân theo dõi buổi tiếp kiến trên màn truyền hình trong đại thính đường Phaolô VI vì lý do thời tiết, Đức Thánh Cha bầy tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho họ. Ngài ước mong xã hội trợ giúp gia đình các anh chị em đau yếu đối phó với hoàn cảnh tật bệnh khổ đau của người thân.

Sau cùng ngỏ lời với giới trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha nhắc tới thánh Carlo Borromeo mà Giáo Hội kính nhớ hôm mùng 4 tháng 11. Ngài cầu mong sức mạnh tinh thần của thánh nhân khích lệ

các bạn trẻ sống đức tin nghiêm chỉnh; sự tin tưởng của thánh nhân nơi Chúa Cứu Thế nâng đỡ người đau yếu trong những lúc khó khăn nhất; và lòng tận tụy tông đồ của người nhắc cho các cặp vợ chồng mới cưới tầm quan trọng của việc giáo dục con cái theo tinh thần kitô.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
PopeFrancis-05Nov2014-13.jpg

PopeFrancis-05Nov2014-12.jpg PopeFrancis-05Nov2014-15.jpg

PopeFrancis-05Nov2014-17.jpg

PopeFrancis-05Nov2014-18.jpg

PopeFrancis-05Nov2014-19.jpg

PopeFrancis-05Nov2014-16.jpg


(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 05.11.2014)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons