- Thưa cha, có một cô gái công giáo đã làm thủ tục kết hôn giả với một anh Việt kiều cũng có đạo công giáo để được xuất cảnh.Hai người này có hôn thú dân sự, nhưng không hề sống chung với nhau và cũng không làm hôn phối theo phép đạo. Được hai năm, cô gái về lại Việt Nam để xin cử hành phép hôn phối với một thanh niên trong giáo xứ của con. Nhưng cha xứ không chấp thuận vì cô gái đang có hôn thú dân sự với người khác. Con có hai thắc
Thưa cha, có một cô gái công giáo đã làm thủ tục kết hôn giả với một anh Việt kiều cũng có đạo công giáo để được xuất cảnh.Hai người này có hôn thú dân sự, nhưng không hề sống chung với nhau và cũng không làm hôn phối theo phép đạo. Được hai năm, cô gái về lại Việt Nam để xin cử hành phép hôn phối với một thanh niên trong giáo xứ của con. Nhưng cha xứ không chấp thuận vì cô gái đang có hôn thú dân sự với người khác. Con có hai thắc mắc:
- Tại sao lại không được chấp thuận, vì cô gái chưa hề kết hôn theo phép đạo, còn giấy hôn thú dân sự chỉ là giả?
- Làm kết hôn giả có tội gì không?
TRẢ LỜI
1. Giáo Hội không cho phép kết hôn theo phép đạo đối với người đang có hôn thú dân sự với người khác
Theo Giáo luật, điều 1055 §2, giữa hai người đã được Rửa Tội không thể có khế ước hôn nhân thành sự, nếu đồng thời không phải là bí tích. Trong trường hợp này, vì cô gái công giáo và anh Việt kiều công giáo không cử hành bí tích Hôn Nhân, cho nên tự bản chất hôn nhân của hai người không hề được Giáo hội công nhận là tồn tại. Xét về mặt đạo, cô gái này không bị ràng buộc bởi dây hôn phối với anh Việt kiều.
Tuy nhiên, xét về mặt đời, dù là kết hôn giả không hề sống chung với nhau, nhưng về mặt thủ tục pháp lý, cô gái và anh Việt kiều đã là vợ chồng, chính thức được cấp giấy đăng ký kết hôn, và hôn nhân của hai người được pháp luật dân sự công nhận và bảo vệ. Cho nên, mặc dù cô gái không bị ràng buộc bởi dây hôn phối theo phép đạo với anh Việt kiều, nhưng cô cũng không thể cử hành bí tích hôn phối với anh thanh niên trong xứ vì giấy hôn thú cũ vẫn còn hiệu lực. Bởi vì, Giáo luật, điều 1071 §1,20, đã quy định: “Trừ trường hợp cần thiết, nếu không có phép của Đấng Bản Quyền địa phương, không ai được chứng hôn: hôn nhân nào không thể được công nhận hay không thể được cử hành chiếu theo quy tắc của luật dân sự”.
Bộ Luật Hình Sự 1999 của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Điều 147, quy định việc xử phạt người đang có vợ hoặc có chồng (có đăng ký kết hôn hoặc hôn nhân thực tế được pháp luật công nhận) mà có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác.
Nếu cô gái muốn kết hôn với anh thanh niên ở giáo xứ thì phải tiến hành thủ tục ly dị dân sự để hủy bỏ hôn nhân giữa cô và anh Việt kiều, vốn đã được pháp luật dân sự công nhận khi họ đăng kí kết hôn trước đây.
2. Kết hôn giả có tội không?
2.1. Theo luật dân sự
Khoản 2, Điều 4, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn; cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi”.
Như vậy, việc thỏa thuận kết hôn giả là vi phạm pháp luật và việc sử dụng giấy chứng nhận kết hôn đó để bảo lãnh xuất cảnh cũng là vi phạm luật nhập cư của các nước.
Tại Việt Nam, theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP về vi phạm hành chính lĩnh vực hôn nhân gia đình, từ 11/11/2013, phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh.
Tại Hoa Kỳ, Sở Di trú Hoa Kỳ (USCIS) rất nghiêm khắc với nạn kết hôn giả. Cơ quan này có thể được phép phạt: đối với công dân Mỹ, kết hôn giả sẽ phải chịu mức án là 10 năm tù giam và số tiền phạt lên đến 250.000 USD; đối với công dân nước ngoài, kết hôn giả sẽ bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ, phạt 250.000 USD và cấm nhập cảnh vĩnh viễn (x. wikipedia.org).
2.2. Theo luân lý công giáo
Người công giáo kết hôn giả, dưới bất cứ hình thức nào và vì bất cứ lý do nào, đều là phạm tội nói dối (nói điều sai sự thật, với ý định lừa gạt kẻ khác) để trục lợi cho mình.
“Nói dối là tai họa cho mọi xã hội; nó phá hủy sự tin tưởng giữa con người và cắt đứt các tương quan dệt nên xã hội” (GLHTCG, số 2486).
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo còn giải thích thêm về tính nghiêm trọng của tội nói dối:
“Tính nghiêm trọng của tội nói dối được đo lường tùy theo bản chất của chân lý mà tội đó đã làm sai lạc, tùy theo các hoàn cảnh và các ý hướng của kẻ nói dối, và những thiệt hại mà các nạn nhân của nó phải hứng chịu. Nếu sự nói dối chỉ là tội nhẹ, thì cũng trở thành tội trọng, khi nó xúc phạm cách nghiêm trọng đến các nhân đức công bằng và bác ái”(số 2484).
(Lm LG Huỳnh Phước Lâm, WGP.Long Xuyên)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét