I. HỌ ĐÃ SỐNG NHƯ THẾ
1. Thân ái với mọi người
2. Tôn trọng vua quan, và
yêu quê hương
3. Sống Tin Mừng yêu
thương
4. Tình nghĩa gia đình
5. Kính yêu đức Maria
II. TỬ ĐẠO : HIẾN TẾ TÌNH
YÊU
1. "Xin cất chén
này"
2. Không để ai liên lụy
3. Không man trá
4. Thánh Lễ cuộc đời
III. TỬ ĐẠO LÀ CHỨNG TỪ
1. Thái độ với vua quan
2. Liên đới tập thể
3. Loan báo Tin Mừng
IV. CHÂN DUNG CÁC TỬ ĐẠO
1. Anh dũng hào hùng
2. Bao dung thứ tha
3. Niềm tin Phục sinh
KẾT LUẬN
I. HỌ ĐÃ
SỐNG NHƯ THẾ
Martyr theo nguyên
ngữ có nghĩa là nhân chứng. Trừ một vài vị tử đạo nhờ ơn Chúa đặc biệt để có
được một quyết định quả cảm bất ngờ trước thử thách. Còn bình thường, cuộc đời
của họ đã là một chứng từ, một quá trình hợp tác với ơn Chúa, trước khi phải
làm chứng cho Ngài bằng máu đào.
Giai đoạn lịch sử
thời 117 thánh Tử Đạo Việt Nam kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị tử đạo tiên
khởi 1745 (thánh Phanxicô Federich Tế và Matthêu Liciniana Đậu) đến vị cuối
cùng 1862 (thánh Phêrô Đa), qua các triều đại vua Lê - chúa Trịnh, Tây Sơn và
triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức).
Nếu xét lịch sử
Giáo hội Việt Nam theo niên biểu 1533, khởi đầu bằng giáo sĩ I-ni-khu (Iñigo)
được nhắc đến trong Khâm Định Việt sử [1], thì thời các thánh tử đạo phải nói
là hoa quả của hơn hai thế kỷ LỜI THIÊN CHÚA đã được gieo trồng trên quê hương
Việt Nam. Trong đó gần một thế kỷ đi vào tổ chức nề nếp (từ 1659) khi có hai
giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, rồi từ năm 1668 có linh mục bản xứ. Vì thế
có thể nói, Giáo hội đã có những chọn lựa cách sống tương ứng với giai đoạn
lịch sử của mình.
Theo thống kê 1855,
Giáo hội Việt Nam có 426.000 tín hữu, chiếm tỷ lệ 4% dân số [2], rải rác từ
trấn Kinh Bắc, qua miền Thượng du cho đến Châu đốc, An Giang.
Xét về thành phần
tử đạo, ngoài các giám mục, linh mục chuyên lo về tôn giáo ta thấy còn có các
giáo hữu thuộc mọi tầng lớp nhân dân như quan trường có thánh Hy, quan án có
thánh Khảm, quân ngũ có những cai đội hoặc chưởng vệ, xuống đến những binh sĩ
tầm thường, hương chức có những chánh tổng, lý trưởng. Xét về nghề nghiệp ta
thấy có lang y, thương gia, có thợ may, thợ dệt, thợ mộc, cả dân chài, nhưng
đông đảo nhất vẫn là giới nông dân (10 vị).
Để trả lời câu hỏi
: các thánh tử đạo đã sống thế nào ? Chúng ta có thể chú ý đặc biệt đến năm vấn
đề sau :
1,1. Thân ái với
mọi người
Người Việt Nam
thường nói : "Phép vua thua lệ làng". Mặc cho triều đình nhà Nguyễn
ra những chiếu chỉ bách hại, dấu hiệu tình thân giữa bà con chòm xóm đối với
người Công giáo là sự kiện quá rõ rệt. Thí dụ trong vụ án linh mục Gioan Đạt,
viên cai ngục nói : "Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức, thì muốn kết nghĩa
huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cổ quan tài
để biểu lộ lòng tôi quí cụ."
Chuyện hai linh mục
Trương Đình Thi và Dũng Lạc, quan huyện Bình Lục nói : "Các ông là quan
bên đạo, tôi quan bên đời", rồi cho lệnh cởi trói và cho dọn cơm bằng mâm
bát của mình. Đến khi cho áp giải hai vị về Thăng Long, quan lập đàn tế lạy
trời phật để thanh minh mình vô can trong vụ án.
Đặc biệt chuyện
linh mục Vũ Bá Loan, niên trưởng 84 tuổi, được mọi người kính trọng gọi bằng
"cụ", ngài không bị đòn đánh, và trong ngày xử, mười lý hình bỏ đạo
chạy trốn, đến người thứ mười một, đã lịch sự xin phép : "Việc vua truyền
cháu phải làm, xin cụ xá lỗi cho. Cháu sẽ cố giúp cụ chết êm ái. Khi về trời cụ
nhớ đến cháu nhé".
Nhờ đâu ông câu Lê
Văn Phụng, mỗi lần quan huyện đi truy lùng lại cho người đến báo trước ? Nhờ
đâu linh mục Lê Bảo Tịnh được quan tổng trấn cho giấy phép mở chủng viện ? Nhờ
đâu Giáo hội miền Nam suốt thời Minh Mạng chỉ có duy hất một vị trong số 117 vị
tử đạo ? Rồi nhờ đâu khu vực dòng Đaminh bình an đến năm 1838, và hầu như an
bình từ năm 1841-1856 ? Nhờ đâu những giám mục như Hermosilla Vọng, từng được
nêu đích danh trong chiếu chỉ nhà vua, vẫn được an toàn hơn 20 năm : Thưa, nhờ
những quan chức địa phương không đánh giá đạo Công giáo như nhà vua, và nhờ
những căn nhà "lương dân" luôn mở rộng cách hào hiệp.
Ngay cả khi vua Tự
Đức đã ra chiếu chỉ phân tháp ngày 5-8-1861, phân tán các tín hữu, giao cho
lương dân quản lý cả người lẫn của cải, thì Giáo hội vẫn tồn tại nhờ nhiều
người không theo lệnh vua. Như lương dân làng Hảo Hội, đã che dấu và tiếp tế
cho nhiều chủng sinh ở Kẻ Mốt đến ẩn trốn [3]. Con số hàng chục ngàn người bị
giết trong giai đoạn này cũng là lớn, nhưng đó chỉ là tỷ lệ vài phần trăm, còn
trên 90% giới Công Giáo vẫn sống sót qua cơn "hồng thủy".
Chính trong bối
cảnh thân ái của đại quần chúng bình dân Việt Nam, các tín hữu đầu thế kỷ XIX
có nhiều cơ may thể hiện sự gắn bó, tinh thần phục vụ và lòng bác ái của Tin
Mừng. Những cuộc truy lùng thường xuyên của triều đình đã giúp các nhà thừa sai
sống sát với tinh thần nghèo khó của người tông đồ và gần gũi với dân lao động
trong các làng quê, sau lũy tre xanh. Đến Việt Nam, các vị liền lo việc học
tiếng và phong tục [4]. Rồi sau đó, cũng ăn nước mắm, ăn tương, ăn cà, cũng nón
lá, áo bà ba, áo khẩu... sống với dân Việt, sống như dân Việt, có thừa sai suốt
15 năm không đụng đến một miếng thịt. Thế nhưng các vị vẫn vui tươi. Thừa sai
Gagelin Kính gửi thư về nhà : "Những thiếu thốn, những cực nhọc đủ thứ đến
với chúng tôi, nhưng tôi dám khẳng định rằng : tôi được hạnh phúc trong túp lều
tranh của tôi hơn vua nước Pháp trong hoàng cung của ngài".
Đại đa số giới Công
giáo thuộc thành phần nào ? Thưa, là những người nông dân tầm thường nhất, mỗi
ngày lam lũ lao động để làm xanh giải đất quê hương. Linh mục Khuông từng tuyên
bố : "Đạo Giatô không những cấm tín hữu chống lại triều đình, mà còn
khuyến khích để họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương an ninh thịnh
vượng".
1,2. Tôn trọng vua
quan và hết lòng vì quê hương
Hội nhập vào nền
văn hóa Á Đông theo chế độ xã hội gia trưởng, Giáo hội Việt Nam đã có nét suy
tư sáng tạo đặc biệt. Ngay từ thời linh mục Đắc Lộ, tín hữu Việt Nam đã coi nhà
cầm quyền như một người cha, mọi người đều là con trong đại gia đình dân tộc
[5]. Linh mục Nguyễn Văn Tự đối đáp với quan tòa : "Tôi kính Thiên Chúa
như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể
nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là
Thiên Chúa được ".
Dĩ nhiên trong bối
cảnh lịch sử "thượng tôn Tống Nho" của nhà Nguyễn, thì việc đề cao
chữ hiếu hơn chữ trung đủ làm cho triều đình thêm khó chịu. Vì khi đề cao hiếu
hơn trung, người Công giáo tuân lệnh vua một cách có suy nghĩ, có lựa chọn, tuân
giữ luật lệ hợp lý, nhưng bạo dạn phản đối điều nghịch lý trái với lương tâm
mình. Dầu sao giới Công giáo không tổ chức nổi loạn, bạo động. Giám mục Alonso
Phê trong thư chung năm 1798 xác định khí giới đánh giặc bách hại "chẳng
phải là súng ống gươm giáo đâu, mà là đức tin, lời cầu nguyện và đức bác
ái" [6].
Đức cha Sampedro
Xuyên ra vạ tuyệt thông cho ai tổ chức bạo động và buộc những ai vu cáo ngài cổ
động nổi dậy phải cải chính công khai [7]. Giám mục Hemosilla Liêm nhắc nhở các
tín hữu phải tuân giữ luật nhà phép nước, còn nếu bị vu cáo tội chính trị thì cứ
an tâm, vì đức Giêsu xưa từng bị dân Do Thái lấy cớ chính trị để giết (Ga
19,12). Ngài nói tiếp : "....Phô con đừng hòa tập vuối giặc, đừng nghe
chúng nói dối dá đấng ấy đấng khác sai chúng nó, vì cái ấy là không hẳn"
[8].
Là dân trong nước, các
tín hữu sẵn sàng thi hành nghĩa vụ công dân, từ thuế khóa cho đến gia nhập quân
ngũ. Năm 1838, nguyên tại tỉnh Nam Định, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh đã tụ
tập được 500 binh sĩ Công giáo, để rồi bắt đạp lên Thánh Giá[9]. Trong quan
trường, chiếu chỉ tháng 9-1855 ra lệnh sàng lọc các quan Công giáo, cấm đạo đồ
đi thi hay nhận chức vụ trong làng trong tổng [10]. Thế mà sáu năm sau (1861),
trong một đợt thanh trừng, triều đình còn bắt được 32 viên quan, ba người chối
đạo, 18 bị giết, 11 bị án lưu đày [11].
Các thừa sai Pháp sẵn
sàng làm nhân viên thông dịch cho nhà vua. Chính Minh Mạng định phong các ngài
làm quan chức trong triều đình. Linh mục Gagelin Kính đại diện anh em từ chối
đặc ân đó : "Tuy nhiên, những việc đó nào có thể dung hòa với nhiệm vụ linh
mục của tôi, tôi sẵn sàng giúp đỡ nhà vua". Thừa sai Jaccard Phan liên tục
giúp vua 10 năm, dù bị lãnh ba án tử hình : lần đầu vua giảm thành án xung quân
để dịch sách, lần hai đổi thành án lưu đày chung với thừa sai Odorico Phương
Ofm, vị này chết nơi rừng thiêng nước độc, còn ngài vẫn sống sót và tiếp tục
dạy sinh ngữ và dịch sách cho hoàng triều. Lần cuối cùng cha tử đạo vào ngày
21-9-1838. Trước đó, nhiều người khuyên ngài bỏ trốn, ngài nói : "Không
bao giờ, tôi muốn chứng tỏ phải dùng điều thiện để thắng điều ác".
Cuốn giáo lý đầu tiên cho
người Công giáo Việt Nam, cuốn "Phép giảng tám ngày" (1651) của cha
Đắc Lộ đã khẳng định các tín hữu theo đạo Thiên Chúa, đạo của mọi quốc gia chứ
không phải đạo Phú Lãng Sa [12]. Đến thời Lê Cảnh Hưng (1740-86), trong cuộc
tranh luận bốn tôn giáo, được ghi lại trong cuốn "Hội đồng tứ giáo"
[13], hai linh mục Catañeda Gia và Phạm Hiếu Liêm đã trả lời vấn nạn "Đạo
Hoa Lang là đạo ngoại quốc" rằng :"Chớ thì đạo Phật chẳng từ Ấn Độ,
đạo Nho từ nước Lỗ, đạo Lão chẳng từ đời nhà Châu ở Trung Hoa sao ?" và đã
khẳng định : "Chẳng có đạo nào là đạo Hoa Lang, đạo chúng tôi là đạo Thiên
Chúa, chúng tôi ước ao thiên hạ mọi nước đều biết". Linh mục Vũ Bá Loan
trình bày điều đó với quan : "Tôi chẳng theo đạo của nước nào cả, tôi chỉ
thờ Chúa Trời Đất, Chúa của muôn dân thôi".
Cũng vì vậy, khi quân đội
Pháp tiến vào Đà Nẵng năm 1858, giới Công giáo không hề làm nội ứng như thừa
sai Pelerin tưởng [14]. Ngược lại, họ tình nguyện đi bảo vệ non sông. Có điều,
vua Tự Đức đòi họ, muốn tham chiến phải bỏ đạo trước đã. Tháng 7-1857, có 14
binh sĩ, một bỏ đạo, 13 bị lưu đày. Tháng 4-1858, trong nhóm 20 binh sĩ, bốn bỏ
đạo, 16 bị lưu đày. Và khi tàu Pháp đến, 193 binh sĩ Công giáo chuẩn bị lên
đường xuống Đà Nẵng, vì không chối đạo đã lãnh án chung thân.
Một vị tử đạo thời này là
binh sĩ Trần Văn Trung, đã bị giết vì khẳng khái tuyên bố : "Tôi là Kitô
hữu tôi sẵn sàng đi đánh kẻ thù của đất nước, nhưng bỏ đạo thì không bao
giờ" [15].
1,3. Sống Tin Mừng yêu
thương
Thế nhưng chân dung đích
thực cuộc đời các vị tử đạo nổi bật ở lòng yêu thương. Với người "có đồng
ăn đồng để", như y sĩ Phan Đắc Hòa, thì ông rộng rãi giúp người nghèo khổ,
riêng bệnh nhân túng thiếu, không những ông chữa bệnh miễn phí, lại còn giúp
tiền giúp lúa. Với ông Martinô Thọ, thì "Công bằng chưa đủ, phải có bác ái
nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện", và ông trồng thêm vườn
dâu kiếm tiền giúp người thiếu thốn. Người cùng tử đạo với ông là Gioan Cỏn
từng mạnh dạn đấu tranh cho người nghèo chống lại một lý tưởng đòi sưu cao thuế
nặng. Ông Năm Thuông là ân nhân của viện cô nhi trong vùng. Ông Trùm Đích
thường xuyên thăm viếng trại cùi và sẵn sàng nuôi người mắc bệnh dịch tại nhà
mình.
Nếu tình thương bác ái đã
được Đức Giêsu coi là dấu chỉ của những môn đệ Ngài (Ga 13,35), ta không lạ gì
linh mục Emmanuel Triệu sẵn sàng nhường tiền bữa ăn ân huệ trước giờ xử tử :
"Xin cầm tiền và gửi cho người nghèo dùm tôi". Linh mục Phan Văn Minh
dặn đừng tổ chức an táng lớn, để dành tiền giúp người bần cùng. Linh mục Hoàng
Khanh trong tù sẵn sàng chữa bệnh cho thân nhân viên cai ngục. Và giám mục
Henares Minh đi đâu cũng mang theo tráp thuốc chữa bệnh miễn phí.
Với ông Cai Tả, thì yêu
thương để xứng với tình Chúa yêu, ông thường châm chước cho những người mắc nợ
và nói "Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình". Với ông Năm Quỳnh
thì bác ái rõ rệt là hoa quả của đức tin, ông từng nói với gia đình : "Bà
và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà để giúp người nghèo, tôi sẽ đi vay
mượn hoặc làm thuê kiếm tiền giúp đỡ họ", vì ông nói : "Tôi chưa thấy
ai hay giúp người nghèo khó lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta
phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao ? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ
quan phòng cho ta đủ dùng".
Với quan Hồ Đình Hy thì :
"Đừng làm việc thiện cách máy móc qua lần chiếu lệ, mà phải làm với thiện
ý". Ông từng chăm sóc nuôi nấng một người bệnh bơ vơ, suốt 15 ngày sáng
tối thăm hỏi, và khi người bệnh lìa đời, đã tổ chức lễ an táng tổ tế. Ông cũng
nuôi hai bé gái bị bỏ rơi cho đến khi trưởng thành, một xin đi tu một xin lập
gia đình, ông quảng đại lo đến nơi đến chốn.
Chúng ta còn học được nơi
các tín hữu thời tử đạo hai mẫu gương bác ái tập thể
- Thứ nhất là phong trào Thánh Nhi (Saint Enfant).
Mọi người thi đua nhau, nhất là các y sĩ, các dì phước vá cá bà đỡ tìm mọi các
rửa tội cho trẻ em bệnh nặng chết yểu. Họ thăm nom, săn sóc nuôi nấng, thuốc
men và tổ chức an táng. Nếu các em sống sót, họ dạy giáo lý và nghề nghiệp cho
đến khi tự lập được. Nhiều gia đình rất quảng đại nhận trẻ mồ côi làm con nuôi.
Giáo phận đàng trong năm 1843 rửa tội 8273 em [16]. Giáo phận Trung Đàng Ngoài
năm 1855 rửa tội được đến 35.349 em [17].
- Mẫu gương thứ hai thể hiện trong các mùa
dịch toàn quốc năm 1850-1851 : các tín hữu có mặt bên giường các bệnh nhân, đưa
đến nhà thương chăm sóc, đó là giai đoạn các linh mục đi lại tự do. Thậm chí
ngay tại kinh đô Phú Xuân, người ta được chứng kiến những nghi lễ an táng trọng
thể, đi đầu là thánh giá nến cao, tiếp đến hai hàng tín hữu, rồi linh mục với
phẩm phục khăn choàng, họ vừa đi vừa hát vang lên bài thánh ca tiễn biệt.
Dù chưa đi sâu vào mẫu
gương trong các cuộc tử đạo, thì những mẫu gương yêu thương của hầu hết tín hữu
đầu thế kỷ XIX với mảnh đất và con người Việt Nam, đối với Giáo hội hôm nay,
cũng đủ là một di sản quí giá thôi thúc kêu mời chúng ta phải phát huy, với những
cách thế hữu hiệu và cụ thể hơn, để phục vụ tha nhân nhất là những người cùng
khổ.
1,4. Mặn nồng tình
nghĩa gia đình
Một trong những đóng góp
của giới Công giáo vào cơ chế Pháp lý gia đình Việt Nam, là luật lệ một vợ một
chồng. Trong giai đoạn văn hóa quá ảnh hưởng quan điểm Nho giáo "trai năm
thê bảy thiếp", các tín hữu đã góp phần đề cao đạo đức thủy chung của dân
tộc trong truyện trầu cau. Dĩ nhiên không phải mọi tín hữu đều trung thành với
lời cam kết hôn nhân, như ông Lê Văn Gẫm, binh sĩ Phan Viết Huy, Cai Thìn, quan
Hồ Đình Hy ... đã có thời gian sa ngã, thế nhưng tất cả đều biết trở về để vun
đắp lại mái ấm gia đình của mình.
Trong danh sách 117, trừ
một số theo đạo khi đã trưởng thành, còn những ai sinh ra trong gia đình Công
giáo đều được rửa tội và giáo dục đức tin ngay từ bé. Thày Đaminh Úy từng mạnh
dạn tuyên bố, giữ vững niềm tin là giữ đạo cha ông : "Nếu tôi cả gan bước
lên thánh giá, thì tôi xúc phạm đến Chúa và bất hiếu với mẹ cha. Vì song thân
sinh ra tôi đã dạy tôi trung thành với niềm tin cho đến chết". Nói chung
các vị tử đạo khi bị bắt không thoát khỏi tình cảm quyến luyến với người thân,
có điều các vị chọn lựa Thiên Chúa và tin tưởng phó thác người thân choi Ngài.
Nhiều vị đang bị giam được về thăm gia đình, đã bình tĩnh khuyên vợ con vui vẻ
cho mình được chịu tử đạo, rồi tự động trở vào tù như các ông Phêrô Dũng, Phêrô
Thuần, Laurensô Ngôn, Năm Thuông. Ta có thể thấy điều đó trong vài di ngôn cuối
cùng sau
Ông Martinô Thọ căn dặn
các con vào thăm trong tù : "Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp
các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những
thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con
còn có mẹ, hãy cố gắng vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm săn sóc em
mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng vâng lời anh chị. Hãy thương yêu nhau,
siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Hãy nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi
hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo
chân Chúa và kiên trung giữ đạo".
Y sĩ Phan Đắc Hòa thì nói
: "Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con, nhưng cha phải yêu
Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa đừng buồn làm chi. Các con ở
với mẹ, yêu thương nhau và săn sóc việc nhà....".
Nói đến tình nghĩa gia
đình, chúng ta khó có thể quên một số hình ảnh như : linh mục Emmanuel Triệu vì
thương mẹ già ở lại Huế ba tháng dựng nhà cho mẹ, nên mới bị bắt. Ông đội Trung
có con gái được phép ở trong tù chăm sóc, nhưng ông bắt con về để kịp học giáo lý
với bạn bè trong xứ. Ông Trùm Lê Văn Phụng tại pháp trường gặp lại con gái, cô
Anna Nhiên, đã đeo cho con ảnh thánh giá ở cổ mình và nói : "Con hãy nhận
lấy kỷ vật của Ba. Đây là ảnh đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, ảnh này quí hơn
vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều
con nhé !". Nếu nói đến gia đình tử đạo phải kể : anh em có Anrê Tường -
Vinhsơn Tương ; cha con có Án Khảm - Cai Thìn ; con rể bố vợ có Lý Mỹ - Trùm
Đích.
Ông Lý Mỹ vì thấy nhạc
phụ là ông trùm Đích đã cao niên, mỗi cuộc tra tấn đều tự nguyện chịu đòn hai
lần thay thế cho cha. Con gái ông Lý 12 tuổi, trốn mẹ vào tù thăm và thưa :
"Xin cha can đảm chịu chết vì Chúa". Cậu Tường 9 tuổi, con trai ông
không đi được, cũng nhắn lời : "Cha đừng lo cho chúng con, cha cứ an tâm
vững lòng xưng đạo và chịu chết vì đạo". Vợ ông, bà Mỹ nói trong tiếng
nghẹn ngào : "Vợ con ai mà chẳng thương tiếc nhưng ông hãy hy sinh vác
thánh giá rất nặng vì Chúa. Hãy trung thánh đến cùng, đừng lo nghĩ đến mẹ con
tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả".
Như thế, ta thấy những
thân nhân của các vị tử đạo, tuy vẫn tiếc thương, vẫn buồn khóc, nhưng cũng can
đảm vì tin tưởng yểm trợ tinh thần cho các chứng nhân. Chúng ta quan tâm đặc
biệt đến hình ảnh một số bà mẹ.
Bà mẹ của Jaccard Phan,
khi nghe tin con chịu chết vì đức tin đã reo lên : "Thật là tin vui, gia
đình ta có một vị tử đạo". Bà nói tiếp : "Xin chúc tụng Chúa, tôi sẽ
buồn biết bao, nếu con tôi chịu khuất phục trước gian khổ và cực hình".
Bà mẹ Castañeda Gia, khi
em trai vị linh mục đang tìm cách báo tin sao cho khéo để mẹ bớt buồn. Bà hỏi :
"Tại sao Jacinto của mẹ lại chết ? Anh ấy chết bệnh hay bị giết ?".
Cậu Clêmentê hỏi lại : "Vậy mẹ muốn anh ấy chết cách nào ?". Bà đáp :
"Mẹ mong rằng Jacinto chết vì đức tin". Clêmentê liền nói "Thưa
mẹ vâng, chính vì đức tin mà anh ấy bị giết". Ngay chiều hôm đó, bà liền
đến nhà thờ dòng Đaminh để cùng với các tu sĩ hát lên lời kinh Tạ Ơn TE DEUM.
Bà Maria Nhiệm, thân mẫu
thánh Lê Văn Gẫm, năm 1870, tức là 23 năm sau cuộc tử đạo của con trai, đã đến
làm chứng tại tòa án phong Chân Phước. Bà nói : "Khi nghe tin con bị giết,
vợ chồng tôi không thảm thiết gì hết, chỉ nói : chết như vậy đặng làm
thánh".
Nhưng hình ảnh nổi bật
nhất là bà mẹ binh sĩ Anrê Trông, được đức Lêô XIII trong sắc phong chân phước
năm 1900 ca tụng về lòng can trường, đã theo gương "Nữ vương các thánh Tử
Đạo". Bà có mặt trong cuộc hành quyết để dâng hiến người con trai duy
nhất. Bà đi cạnh con, không than khóc, không sầu buồn, lại bình tĩnh khuyên con
bền chí. Và khi đầu vị tử đạo rơi xuống, bà mạnh dạn tiến vào pháp trường và
nói với quan : "Đây là con tôi, xin các ông trả lại cái đầu nó cho
tôi". Rồi bà mở rộng vạt áo, bọc lấy thủ cấp của người con yêu quí, đem về
an táng ngay trong nhà.
1,5. Kính yêu Đức
Trinh Nữ Maria
Nếu nói đến đời sống các
Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua lòng tôn sùng Đức Maria của
các vị. Lòng tôn kính đó thể hiện qua các thứ bảy đầu tháng, với những cuộc
rước long trọng, qua tháng hoa và tháng Mân Côi mỗi năm, đặc biệt qua việc siêng
năng lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Nhiều người đọc kinh trên đường đi và lấy
chuỗi làm đơn vị tính đường dài. Một niềm an ủi lớn cho giai đoạn thời Tử đạo
là việc Đức Mẹ hiện ra an ủi tại rừng La-Vang (Quảng Trị) năm 1798 : Mẹ vẫn
hiện diện để nâng đỡ khích lệ con cái mình trong những lúc khó khăn. Ở đây
chúng ta lưu tâm đến một số sự kiện tiêu biểu :
Ông Năm Thuông bỏ tiền
dựng một nhà nguyện kính trái tim vẹn sạch Đức Mẹ; ông Lý Mỹ mỗi tối tụ tập các
phu tuần đọc 50 kinh trước khi đi công tác ; linh mục Néron Bắc ăn chay các lễ
vọng kính Đức Mẹ ; linh mục Dụ khi biết mình sắp bị bắt đã mang theo hành trang
duy nhất là một tràng hạt Mân Côi ; rồi linh mục Federich Tế tự nhận là con
điên Đức Mẹ. Khi dừng bước ở Macao đợi tàu đến Việt Nam, ngài đã cầu nguyện :
"Lạy Thánh Mẫu cao
vời nhân ái,
Tấm lòng con điên dại
đáng thương,
Ngày đêm nung nấu can
trường,
Lòng bao la Mẹ đâu phương
đáp đền.
Trong tâm tưởng con hằng
mơ ước,
Khắp muôn phương loan báo
Tin Mừng,
Giờ con gặp cảnh sầu
thương,
Như thuyền neo bến trùng
dương xa vời" [18].
Như vậy đó, các ngài đã
trao phó cho Mẹ những ước vọng thầm kín của mình để xin Mẹ trợ giúp. Giám mục
Borie Cao ghi lại trong nhật ký lời nguyện ngày tận hiến cho Mẹ tại chủng viện
:
"Lạy Mẹ của con, xin
hãy tin nơi con, khi con trưởng thành, con sẽ hiến toàn thân cho việc cải hóa
các người chưa tin. Xin Mẹ giúp con theo con đường và tinh thần của ơn gọi đó.
Xin cho con được đau khổ vì đức Kitô, được đón nhận ngành lá Tử Đạo và về đến
bến vinh quang".
Đức cha Valentino Vinh
trong thư gửi cho Mẫu thân (thư 61) đã nói lên suy nghĩ của mình, tuy có vẻ hài
hước nhưng cũng tràn đầy tin tưởng :
"Mẹ à, với tràng hạt
Mân Côi trong tay, với lời Kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng Maria tươi nở trên
môi, với tư tưởng thánh thiện trong tâm trí, hỏi thế giới còn chi đẹp đẽ hơn ?
Mẹ hãy thưa với Đức Maria về con. Lời cầu nguyệ tốt ấy sẽ đánh gẫy răng quỉ
dữ...".
Đến khi đã bị bắt,
kinh Mân Côi vẫn là lời kinh hằng ngày của các chứng nhân đức tin. Có khi các
vị chia hai bè để đọc lớn tiếng trong tù. Giám mục Cao, hai linh mục Nguyễn Thế
Điểm và Vũ Đăng Khoa hát vang bài "Ave Maria Stella" (Kính chào Mẹ
sao Bắc Đẩu) và cầu nguyện : "Như xưa Mẹ đã dâng Con Yêu Quí trong đền thờ
nay xin cũng hiến dâng chúng con trong cuộc tử đạo hồng phúc".
Linh mục Nguyễn Văn Hạnh
thay vì dày đạp, đã hôn kính ảnh Đức Mẹ dù bị đánh đúng 100 roi. Bà Lê Thị
Thành tâm sự : "Nhờ ơn Đức Mẹ giúp sức, tôi không thấy đau đớn".
Ngoài ra linh mục Schoeffler Đông trong thư, tỏ ra mừng rỡ khi biết tin mình tử
đạo ngày 01-5, ngày đầu tháng hoa kính Đức Maria. Linh mục Hoan luôn đeo trên
cổ áo Đức Bà cho đến giờ xử tử, ngài nói : "Ảnh này tôi không thể cho ai
được. Đây là hình ảnh Đức Nữ Vương và là Bà Chúa của tôi". Linh mục Cornay
Tân khi bị giam trong cũi, vẫn cất tiếng hát, lính nghe hay nên báo với quan,
thế là quan bắt hát mới cho ăn, ngài kể lại trong thư rằng: "Mỗi bữa ăn
tôi lại có dịp hát thánh ca chúc tụng Đức Maria".
Cuối cùng, ngay giờ phút
hành hình, các vị Tử đạo vẫn cậy nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria. Linh mục
Cornay Tân cầu nguyện "Xin Đức Maria chứng giám cho việc sám hối của
con...". Hai linh mục Castañeda Gia và Phạm Hiếu Liêm từ trại tù ra pháp
trường đã hát vang lời kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương) để chạy đến "Mẹ
nhân lành, làm cho chúng con được sống được vui được cậy... Xin cho chúng con
được thấy Đức Giêsu con lòng Mẹ ...". Bởi vì thực ra trong thâm tâm của
các vị, cuộc tử đạo quả là một hiến tế cần nhờ Mẹ làm trung gian để dâng lên
Thiên Chúa, như Linh mục Théophane Vénard Ven đã ghi lại lời nguyện trong thư
gửi Đức cha Theurel :
"Lạy Mẹ Vô Nhiễm,
khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình, xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé
như trái nho chín được hái, như bông hồng nở rộ được ngắt về dâng kính trên bàn
thờ. Ave-Maria ".
II. TỬ ĐẠO : HIẾN TẾ
TÌNH YÊU
Trong thư chung 1798,
Giám mục Alonso Phê đã khẳng định với các tín hữu thời tử đạo rằng, nếu trong
cuộc tử đạo họ không thể hiện đức yêu thương, thì kể như là vô ích, ngài viết :
"...Phải lấy mlời
nói cùng việc làm mà xưng đạo ra cho thật thà. Phải kính mến Đức Chúa Blời
trước hết mọi sự hơn của cải, hơn mạng sống mình, lại phải yêu-thương người ta
bằngmình vậy, và nếu chẳng có đức yêu thương dù chịu chết vì đạo, thì cũng
chẳng được gì sốt. Vì phúc tử đạo tại đức Caritas là lòng mến đức Chúa Blời
trên hết mọi sự, cùng yêu người ta bằng mình vì Đức Chúa Blời mà chớ"
[19].
Hiến tế đầu tiên của Giáo
hội là Chúa Giêsu, Đấng đã tự hiến mạng sống mình vì yêu nhân loại. Các vị tử
đạo đã theo sát mẫu gương của ngài trong cuộc khổ nạn, từ vườn Cây Dầu cho đến
đỉnh đổi Canvê.
2,1. "Xin cất cho
con chén này"
Lời cầu nguyện của Đức
Giêsu trong vườn Cây Dầu gợi lên một thái độ căn bản của các vị tử đạo là :
KHÔNG CUỒNG TÍN. không được chạy theo vinh quang giả dối, dù là bằng hành vi
dâng hiến hoàn hảo nhất. Thế nhưng khi nào Đấng Quan Phòng muốn biểu lộ niềm
tin bằng hành động cụ thể, thì các vị phải đi cho trọn con đường của mình. Khôn
ngoan và can đảm như hai đức tính hòa hợp nơi các thánh Tử Đạo. Không có quyền
liều mạng. Với các linh mục, vẫn có nghĩa vụ sống gần các tín hữu, phải rất
khôn ngoan và thận trọng. Linh mục Vũ Đình Tước diễn tả điều đó bằng câu :
"Bỏ chạy khi nào còn có thể, nếu không chạy được thì xin vâng ý
Chúa".
Lời Kinh Thánh "Cáo
có hang, chim có tổ, nhưng con người không có chỗ gối đầu" thường được
nhắc nhở trên môi các linh mục tu sĩ. Bị rượt ở thành này, các vị trốn qua
thành khác, nhưng vẫn không ngừng hoạt động. Trong một lá thư đức cha Cuénot
Thể viết : "Dù chỉ còn một giáo sĩ chẳng làm được gì ngoài việc đọc kinh
Thần Vụ, thì nguyên sự hiện diện của vị đó, cũng đủ nâng đỡ niềm tin và sinh
hoạt cho các tín hữu rồi". Ngoài ra, đến khi bị bắt, nếu có thể các tín
hữu sẵn sàng bỏ tiền để chuộc mạng cho các ngài, như linh mục Dũng Lạc hai lần
được chuộc, lần thứ ba mới chịu tử đạo.
Ở đây chúng ta lưu tâm
đến năm vị tử đạo trong hai dạng tự nộp mình :
a/ Hai vị muốn được chia
sẻ cuộc tử đạo của thày mình, họ không thuộc nhóm 12 tông đồ ở vườn Cây Dầu bỏ
thày chạy trốn, đó là thày Tự và linh mục Duệ. Thày Tự khi thấy cha Cao bị bắt
đã lẽo đẽo theo sau và xin vị linh mục nhận mình là môn sinh để được chia sẻ
những gian lao của Ngài. Vị thừa sai cảm động trao cho thày nửa chiếc khăn để
làm kỷ vật, và thày Tự đã giữ khăn đó cho đến chết. Ngày hành quyết, thày xin
được xử ngay tại nơi đã thấm máu người cha thân yêu mình năm trước.
Còn linh mục Vũ Văn Duệ
đã 83 tuổi và về hưu được sáu năm, khi đức cha Y ghé thăm và hỏi : "Cụ còn
sức theo tôi lên thủ phủ Nam Định chăng ?". Cha Duệ hiểu ý vị Giám mục
muốn nói đến việc tử đạo nên đáp : "Khi nào đức cha bị bắt, xin cho phép
con theo cùng". Vì thế khi hay tin vị giám mục đã bị bắt, cha thường la
lớn để binh lính đến bắt Ngài. Trong ngục khi biết đức cha đã bị chém, cha Duệ
liền bỏ chiếu nằm đất và nói : "Giám mục là cha đã phải xử, ta là con mà
nằm chiếu sao phải lẽ".
b/ Trường hợp thứ hai là
ba vị tử đạo tự nộp thế mạng cho người khác, đó là : Linh mục Gioan Đạt vừa
dâng lễ xong thì quân lính vây bắt. Cha đã chạy thoát, nhưng vì để quên áo lễ,
cha thấy quân lính tra tấn gia chủ nên ra nộp mạng và nói : "Vẫn biết tôi
có thể thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ bị khổ nhiều". Vị thứ hai, thừa
sai Gagelin Kính, viết thư xin phép giám mục cho mình ra trình diện để tín hữu
Bình Định được bình an. Vị thứ ba là linh mục Đặng Đình Viên, cha đã trốn an
toàn trong vườn mía dày đặc, nhưng khi thấy quân lính đánh đập tra khảo con của
chủ nhà, cha cũng tự động ra thế mạng. Những mẫu gương này làm ta liên tưởng
đến thánh Maximilien Kolbe ở trại tập trung Đức quốc xã sau này.
2,2. Không để ai liên
lụy
Như Đức Giêsu trong vườn
Cây Dầu đưa tay cho quân lính bắt, nhưng yêu cầu cho các môn đệ được tự do, các
vị tử đạo tuyệt đối không để ai bị liên lụy. Một người duy nhất khai tên năm
sáu tín hữu vì tưởng những người này đã trốn là quan Hồ Đình Hy, lời khai của
ông làm liên lụy đến 29 người. Ông hết sức hối hận, và nói : "Tôi cam chịu
mọi cực hình để nên giống Đức Kitô, để đền bù tội lỗi của tôi".
Linh mục Nguyễn Đình Nghi
đi đâu cũng mang theo vài nén bạc, có ý giao cho lính, để chủ nhà nơi ngài trọ
được bình an. Linh mục Federich Tế khi bị bắt đã yêu cầu, và lính nghe ngài thả
những giáo hữu đang bị trói. Đức cha Borie Cao dù bị đánh đập, không khai tên
bất cứ ai, sau quan cho lôi thày Tự ra đánh và nói họ sẽ đánh thày mãi nếu ngài
không khai. Thế là cha liền kể tên vài người đã qua đời, quan vui vẻ tha cho
thày Tự, nhưng khi kiểm tra lại mới biết những người đó đã chết. Quan hỏi :
"Sao ông cứng đầu thế ?" Cha đáp : "Thưa, câu hỏi của quan tôi
không thể trả lời khác hơn được".
Bốn linh mục âm thầm bỏ
giáo xứ để các tín hữu được an toàn. Các vị đi mà chẳng biết sẽ đến đâu, đó là
linh mục Đỗ Yến, Vinhsơn Điểm, Borie Cao và Néron Bắc. Trường hợp thừa sai
Schoeffler Đông bị bắt chung với một linh mục Việt và hai chú giúp lễ, khi quân
lính đòi tiền chuộc, cha yêu cầu thả những người kia ra, lấy cớ chỉ có họ mới
biết chỗ để tiền, đến khi họ đã đi xa, cha nói rõ ý muốn chỉ một mình bị bắt.
Ngoài ra ta phải kể đến ông Năm Quỳnh, vì làm trùm họ nên giữ số các tín hữu,
khi thấy quân lính giữ cuốn sổ đó, ông nhắn con trai đưa 50 quan tiền để chuộc
lại.
Một hình ảnh tiêu biểu
nhất của việc không để ai liên lụy là linh mục Tự. Khi bị giam giữ, cha thấy
trong sổ sách bị tịch thu có cuốn sổ ghi tên các tín hữu xứ Kẻ Mốt, cha lén đem
về trại giam, rồi tìm cách chuyển ra ngoài. Nhưng vì quân lính canh giữ quá kỹ
lưỡng không thể làm gì được, cha liền bầy kế xin một chiếc chiếu đắp cho đỡ
muỗi, rồi nằm trong chiếu ngài nhẩn nha nhai và nuốt từng tờ cuốn sổ ấy. Dĩ
nhiên "món ăn" này không hợp khẩu vị chút nào, nên mới được hai phần
cuốn, cha đã thấy rát cổ không nuốt nổi nữa, phần còn lại cha đành nhai nát rồi
giấu dưới gầm phản.
2,3. Không man trá
Khi xưa trong cựu ước, có
cụ Eleazaro không chấp nhận giả bộ ăn của cúng, một số vị tử đạo không chấp
nhận mọi hình thức khóa quá trá hình. Nhiều linh mục như các cha Lê Tùy, Đỗ
Yến, Hoàng Khanh, Nguyễn Văn Hưởng, Lê Bảo Tịnh... nhất định không khai man lý
lịch là lang y dù được hứa trả tự do.
Nhiều khi quan tâm vì
thương tình, tìm cách giải gỡ khó khăn lương tâm của các chứng nhân đức tin. Họ
yêu cầu các vị giả bộ bước qua Thập giá chứ không cần làm thực sự. Linh mục
Phan Văn Minh, quan chỉ đòi gật đầu là sẽ ký giấy đã bước qua Thập giá. Nhóm
năm người thầy Hả Trọng Mậu, Bùi Văn Úy và các anh Nguyễn Văn Mới, Nguyễn Văn
Đệ, Nguyễn Văn Vinh, quan chỉ yêu cầu “đi vòng quanh Thánh Giá”. Riêng với linh
mục Đỗ Yến, quan vẽ một vòng tròn rồi yêu cầu bước qua vòng đó. Nhưng tất cả
các vị không thực hiện, vì thấy rõ rệt đó là dấu bỏ đạo.
Thày giảng Nguyễn Cần,
quan nói nhắm mắt bước đại qua Thập giá, thày đáp : "Thưa quan, mắt thì
nhắm được, chứ lòng và trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm".
Một số giáo hữu đã bỏ đạo dụ dỗ thày : "Tội nào Chúa chẳng tha, thánh
Phêrô chối Chúa ba lần còn làm thủ lãnh Giáo hội.". Người khác lừa dối :
"Cha Retord nhắn thày cứ bước qua Thập giá, rồi về sẽ liệu sau". Thầy
Cần đáp : "Dù thiên thần có xuống bảo tôi bỏ đạo, tôi cũng chẳng nghe nữa
là cha Liêu. Hơn nữa tôi biết chắc ngài không ra lệnh cho tôi như vậy".
2,4. Như một Thánh lễ
cuộc đời
Thế nhưng, các vị tử đạo
đã không chết chỉ vì một lý tưởng, một ý thức hệ hay một tham vọng nào cả. Đối
với các ngài, sự hiến dâng chính vì một Đấng mà các ngài yêu mến là Đức Giêsu,
Ông Năm Quỳnh khi bị xử giảo, nằm giang tay trên đất còn nói : "Xưa Chúa
cũng giang tay thế này để chịu đóng đinh". Đức cha Sanjurjo An viết :
"Chớ gì máu tôi hòa với máu Đức Kitô trên đồi Canvê tẩy rửa tôi sạch muôn
vàn tội lỗi". Linh mục Gagelin Kính nói : "Tôi ước mơ trở thành tro
bụi để kết hợp với Chúa Kitô. Tôi giữ từ cõi đời này, không hề thương tiếc điều
gì, chỉ nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh, đủ an ủi tôi về mọi đau khổ và cả
cái chết nữa".
Linh mục Đinh Viết Dụ tâm
sự với người vào thăm rằng : "Sức tôi tuy đã giảm, nhưng còn chịu đựng
được. Chúa chúng ta đã chịu bao hình khổ để cứu độ nhân loại. Tôi cũng sẵn lòng
chịu những sự khó này để nên giống Chúa Kitô phần nào". Linh mục Ngô Duy
Hiển lại nói : "Tôi sẵn sàng chết vì Đấng đã chết cho tôi". Ngoài ra,
tất cả các vị tử đạo đều thấy cái chết của mình như một hiến tế, tất cả đều cầu
nguyện, hiến dâng đời mình trong những giây phút cuối cùng, và khi biết chính
xác ngày xử, các vị thường chuẩn bị tinh thần bằng những hy sinh tự nguyện,
hoặc bằng ăn chay hãm mình, hoặc bằng những thời gian dài suy niệm.
Có hai hình ảnh đáng ghi
nhớ đặc biệt : ông Tống Viết Bường, trường hợp đặc biệt xử về đêm, đã tìm cách
đi chậm để xin được chết trên nền cũ nhà thờ Thợ Đúc, Huế. Chính nơi đã từng
bao năm tháng các tín hữu tụ tập dâng lên Chúa Hiến lễ tối cao là Đức Giêsu,
thì cũng tại đây, ông hiến dâng chính mạng sống mình. Hình ảnh thứ hai là giám
mục Henares Minh, sau khi người học trò yêu quí là thày Chiểu bị xử trảm, ngài
kính cẩn đón lấy thủ cấp của thày, rồi dâng lên cao như một lễ vật tinh tuyền
kính dâng Thiên Chúa. Cả pháp trường đều thinh lặng ngất ngây trong giây phút
có một không hai đó, giây phút kết tinh trọn vẹn cuộc đời dâng hiến của một
người con cái Chúa.
Như vậy tử đạo chính là
một thánh lễ cuộc đời. Lá thư linh mục Bonnard Hương ngày áp cuộc tử đạo nói rõ
lên điều đó : "Giờ long trọng đã điểm, xin chào tất cả mọi người đã thương
mến và nhớ đến tôi... Trông cậy vào lòng Đức Giêsu nhân từ, tôi tin Ngài thứ
tha muôn vàn tội lỗi cho tôi. Tôi tự nguyện hiến dâng máu và mạng sống vì yêu
mến Ngài, và vì những linh hồn yêu dấu mà tôi muốn phục vụ hết mình... Ngày mai
sẽ là ngày hiến tế của tôi. Xin cho ý Chúa được thể hiện". Và như Đức
Giêsu xưa trên đồi Canvê, ngài kết thúc bằng lời nguyện : "Trong tay Ngài,
Lạy Chúa, con phó thác hồn con".
Tóm lại, tử đạo chính là
Hiến Tế Tình Yêu. Đoạn thư sau đây của đức cha Retord Liêu gởi cho linh mục
Hương ở trong tù, tuy là một suy niệm dựa vào danh xưng vị thừa sai, nhưng tiềm
ẩn bên trong ý nghĩa sâu xa của tất cả các cuộc tử đạo :
"Tôi đã chúc lành
cho cha khi đã đặt cho cha danh xưng đẹp đẽ CỐ HƯƠNG, nghĩa là người cha của
quê hương, là hương trầm và là hương thơm. Chính lúc này đây, quê hương yêu dấu
đó đang sắp xuất hiện cho cha trong ánh huy hoàng, vì cha sắp là một trong
những công dân hạnh phúc. Chính lúc này đây, Hương trầm quí giá chuẩn bị đốt
lên trên bàn thờ tử đạo và bay đến tận ngai Đấng Vĩnh Cửu. Chính lúc này đây,
Hương thơm đáng ca tụng sẽ làm hài lòng Đức Giêsu như bình hương của cô
Madalena, sẽ làm cho thiên thần và loài người, trời và đất hân hoan vì hương vị
ngọt ngào của nó".
Vậy đó, mỗi cuộc đời tử
đạo là cuộc tự hiến. Đức cha Cuénot Thể tâm sự : "Nhìn các bạn từng người
bước lên bàn thờ tử đạo, tôi thấy mình cô đơn quá, ngày đẹp nhất đời tôi là
ngày được hiến tế trên bàn thờ tử đạo". Cuộc đời các chứng nhân đức tin
chịu đốt cháy trong lao khổ, trong ngục hình, và cả cái chết đều như hương trầm
dâng lên Thiên Chúa, sẽ tỏa hương thơm ngát cho ngàn muôn thế hệ.
III. TỬ ĐẠO LÀ CHỨNG
TỪ
Nguyên việc các vị tử đạo
chấp nhận cái chết vì niềm tin đã là một chứng từ mạnh mẽ với mọi người tham
dự. Thế nhưng, ngoài chứng từ bằng máu đào, các vị tử đạo còn làm chứng cho nội
dung Tin Mừng bằng thái độ của mình với vua quan, bằng sự liên đới nội bộ và
nhất là bằng lời nói, giải thích về đạo hoặc truyền giảng Phúc Âm ngay trong
ngục thất.
3,1. Thái độ với vua
quan
Nói chung tất cả các anh
hùng tử đạo đều tỏ vẻ kính trọng giới quan quyền, các vị nói năng lịch sự, hòa
nhã, thưa bẩm đúng qui cách. Dường như đối với các vị, phải tìm mọi cách để
giúp quan quân gặp được Chân lý của Tin Mừng. Có khi các vị nói rõ ý tưởng đó,
như trường hợp linh mục Đaminh Trạch : "Nếu quan muốn sự sống đời đời, hãy
thờ lạy Thánh giá này". Còn bình thường, các vị ôn tồn, tế nhị giải đáp
những thắc mắc, biện bác những dư luận sai lầm. Vì thế các quan đôi lần biểu lộ
tấm lòng mến thương cảm phục như trong vụ án linh mục Laurensô Hưởng, viên quan
thấy tử tội có dáng dấp một đạo sư, nên hứa hẹn nếu chịu bỏ đạo, sẽ thu xếp cho
ngài đến trụ trì Chùa Non Nước ở Ninh Bình.
Thừa sai Bonnard Hương
tâm sự : "Trước mặt vua quan, tôi có kinh nghiệm cụ thể lời đức Giêsu:
Chúa Thánh Linh sẽ nói thay các con. Thực vậy, chưa bao giờ tôi nói tiếng Việt
lưu loát và dễ dàng như thế". Trường hợp đức cha Cao cho ta thấy, các vị
tử đạo có lẽ còn coi quan quyền như những tác nhân trong chương trình quan phòng
của Chúa. Khi viên quan vừa đọc xong bản án tử hình, ngài nói : "Thưa
quan, từ bé đến nay tôi chưa lạy ai, vì bên Âu châu đó là hành vi kính trọng
chỉ dành cho Đấng Tối Cao. Nhưng điều tôi vừa nghe làm tôi quá vui mừng, xin
được bày tỏ lòng tri ân của tôi theo lối Đông Phương". Rồi ngài quỳ xuống
định lạy, nhưng viên quan đã kịp thời cản lại.
Hai đoạn thơ sau đây cho
ta thấy rõ thái độ bất bạo động của các vị tử đạo. Một đàng cương quyết đấu
tranh cho tự do lương tâm của con người, đàng khác vẫn luôn luôn muốn là trung
thần của nhà vua. Bài thứ nhất của ông Lý Mỹ :
"Gông đóng xiềng
mang, dạ nguyện kinh,
Những say về đạo hả về
tình
Vai mang bốn điệp tai
thêm ấm
Xổng xểnh ba vòng cổ lại
thanh
Phép nước đành lòng không
oán thán
Nghĩa Thày để dạ vẫn đinh
ninh
Khiến sao nên vậy nào lo
nghĩ
Phó mặc Hoàng Thiên sự tử
sinh."
Đoạn thơ thứ hai của linh
mục Đoàn Công Quý gởi cho mẫu thân :
"... Dầu trăng trói
gông cùm tù rạc,
Chén ngục hình xiềng tỏa
chi nề,
Miễn vui lòng cam chịu
một bề
Cho trọn đạo trung thần
hiếu tử...".
3,2. Liên đới tập thể
Một chứng từ khá đặc biệt
các tín hữu thời tử đạo nêu lên với quần chúng là việc họ luôn gắn bó, thông
cảm và sẵn sàng san sẻ những khó khăn, cũng như liên đới với nhau để tuyên xưng
niềm tin của mình. Không cảm động sao được, hình ảnh cô bé cháu 5 tuổi ở Tây
Ban Nha mỗi ngày cầu nguyện cho bác giám mục Henares Minh : "... Trung
thành phục vụ Chúa suốt đời, và nếu cần để tôn vinh và làm hiển danh Chúa hơn,
xin cho bác được hiến dâng mạng sống vì yêu Ngài". Ấy thế mà em chỉ biết :
"Bác tên Đaminh, tu dòng Đaminh, đang truyền giáo ở thật xa, nơi người ta
đang bách hại các Kitô hữu".
Không cảm động sao được,
cụ Án Khảm vốn là tiên chỉ làng Quần Cống, đang khi quân lính bao vây làng, cho
mõ đi rao : "Trình quan viên làng nước, có lệnh cụ Án, truyền rằng : ai mà
quá khóa phải phạt ba roi và bị đuỗi khỏi làng". Và ngay trước mặt quân
lính, cụ Án đứng ra ngăn cản một tín hữu nhát sợ định đạp lên Thánh giá.
Không cảm động sao được,
một linh mục Nguyễn Bá Tuần đang ở nơi yên hàn, khi hay tin vị thừa sai
Fernandez Hiền không có nơi ẩn trú, đã đến gặp để cùng nhau trên đường lưu lạc,
cùng phơi nắng phơi sương nhiều ngày trong đồng lầy, cùng bị bắt và cùng bị kết
án, có điều cha Tuần chết rũ tù mấy ngày trước buổi hành quyết.
Khi các vị tử đạo bị bắt,
các vị vẫn tìm được nguồn khích lệ từ bên ngoài qua thư từ, thăm viếng, tiếp
tế. Các linh mục tìm đủ mọi cách vào thăm các chứng nhân đức tin để đưa Thánh
Thể và giải tội cho họ. Linh mục Phêrô Lựu đã bị bắt khi làm mục vụ cho các tín
hữu trong ngục tù Mỹ Tho. Đọc đoạn thơ sau đây của đức cha Retord Liêu gởi linh
mục Phạm Khắc Khoan trong tù, chúng ta thấy phần nào nội dung những mối liên
đới đó
"Sách có câu : Chết
vinh hơn sống nhục. Hãy coi những kẻ bội giáo, cuộc đời họ đáng tủi hỗ biết
bao. Ngược lại, khắp bốn phương thiên hạ đều vang lời ngợi khen những ai chết
cho đức tin. Các vị tử đạo như tiếng kèn thiên quốc với âm điệu vang lừng muôn
người lắng nghe. Những kẻ chối đạo, ở lại trần gian chỉ chờ lưỡi rìu chặtđem về
tiếp lửa cho hỏa ngục...Tôi viết cho cha những lời vắn tắt vội vã này. Ước mong
nó thành ngọn gió đưa cha lướt êm đến bến bờ quê hương. Ước mong nó thành bó
hoa rực rỡ với làn hương thơm ngát tỏa niềm tin tô thắm tâm hồn cha trong cuộc
chiến cuối cùng. Xin kính cẩn tạm biệt cha, xin kính cẩn hôn lên gông cùm xiềng
xích của cha. Trong lúc cầu nguyện xin đừng quên tôi nhé".
Như vậy, chúng ta thấy
cuộc đời tử đạo của mỗi người không chỉ một mình mình biết, nhưng thường mang
yầm vóc tập thể. Sự bền vững của một người có tác động khích lệ đến nhiều
người. Đức cha Sanjurjo An xin quân lính đừng chém mình chết sớm, nhưng ngài
yêu cầu họ chém ba nhát : “Một tạ ơn Thiên Chúa cho làm người và đến Việt Nam
rao giảng Tin Mừng; một cám ơn công sinh thành dưỡng dục mẹ cha; và một để làm
gương cho các tín hữu”. Linh mục Nguyễn Bá Tuần khẳng định : "Sao tôi lại
phải bắt chước những kẻ bội giáo, mẫu gương tôi soi là hai giám mục (đức cha Y
và Minh) của tôi ".
Với những chứng nhân đức
tin cùng bị giam, tình liên đới của họ còn cụ thể hơn. Một người ra tòa trở về,
các người khác xúm vào chăm sóc những vết thương, hỏi han về cuộc điều tra và
thuật lại cho nhau những lời đáp khẳng khái khi đối diện với quan quyền. Rồi họ
cùng nhau tạ ơn Chúa đã cho anh em mình vượt qua cơn thử thách. Đẹp làm sao
hình ảnh linh mục Đoàn Trinh Hoan tuy tuổi già tóc bạc, cổ mang gông, tay đeo
xiềng xích, mỗi ngày đi từ phòng giam này qua phòng giam khác để khích lệ các
tín hữu. Đẹp làm sao hình ảnh hai ông Martinô Thọ và Gioan Cỏn sẵn sàng quì
xuống, liếm từng vết thương ba vị linh mục Nguyễn Ngân, Nguyễn Đình Nghi, Tạ
Đức Thịnh theo đòi hỏi của quan. Đẹp làm sao linh mục Phạm Hiếu Liêm đã bênh
vực cho bạn (Castaneda Gia) bằng cái giá chính mạng sống mình, khi nói :
"Xin quan nếu tha thì tha cả, nếu giết thì giết cả".
Nhóm năm người, hai thày
Hà Trọng Mậu, Bùi Văn Úy và ba anh Nguyễn Văn Mới, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn
Vinh khi thấy linh mục Tự, chỗ dựa tinh thần của nhóm đã bị xử tử cả năm người
đã thất vọng chán nản. Nhưng khi họ ngổi lại với nhau, ôn lại những lời khuyên
của thày mến yêu, năm người đã tìm được can đảm. Họ gởi thư cho cha chính dòng
Đaminh để xin khấn dòng Ba ngay trong ngục, rồi hợp lực với nhau làm tông đồ
tại nhà giam. Chỉ một thời gian ngắn, thày Mậu đã viết thư loan tin mình rửa
tội được 44 người.
3,3. Loan báo Tin Mừng
Lời Chúa không thể bị
trói buộc. Nếu nhiều chứng nhân đức tin chẳng để lại di ngôn nào ngoài thái độ
quả cảm xác nhận và cương quyết : "Tôi là Kitô hữu" hoặc "Tôi
không bao giờ đạp lên Thánh giá", thì trong số 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam,
ta cũng thấy được nhiều mẫu gương nhiệt tâm tông đồ có tính cách sáng tạo.
Linh mục Federich Tế,
chính bảy năm rưỡi trong tù, đã khéo quan hệ với cai ngục để tự do thăm viếng
phục vụ các tín hữu Thăng Long, đến độ đức cha Longer Gia dự định đặt ngài làm
cha sở xứ Thăng Long. Bảy tháng trước ngày xử, cùng với linh mục bạn là cha Liciniana
Đậu, hai vị rửa tội được trên 100 người. Hai linh mục Castañeda Gia và Phạm
Hiếu Liêm có cơ hội may mắn khác, trong ba ngày tham gia “Hội đồng Tứ Giáo”
trao đổi ba đề tài lớn của cõi nhân sinh : Người ta bởi đâu mà có ? sống để làm
gì ? và chết rồi đi đâu ? Hai ngài đã làm chứng cho sự thật và niềm tin Công
giáo. Còn “đức thày” Tuấn (Hermosilla Liêm) bị giam trong cũi trong 10 ngày,
tuy lom khom đứng không được mà nằm cũng chẳng đặng, nhưng ngài đã giảng đạo và
rửa tội cho con trai viên Đội Bái. Về giáo dân có ông cai Lê Đăng Thị đã dạy
đạo cho một phạm nhân cùng bị xử, buổi sáng ngày ra pháp trường anh đã nhận
lãnh bí tích rửa tội, thế là ông Thị có một người bạn đồng hành về Thiên Quốc.
Đôi khi việc loan báo Tin
Mừng không thể hiện bằng ngôn ngữ mà bằng hành động. Ông Phaolô Đổng đã bị áp
lực khắc lên má chữ Tả đạo, ông can đảm chịu đau lần thứ hai để rạch xóa chữ tả
đạo, khi khác lại chịu đau lần thứ ba để khắc thay vào hai chữ "Chính
đạo".
Linh mục Ngô Duy Hiển, 71
tuổi, mỗi buổi tối chăm chú vẽ trên vải những hình thánh giá đẹp với những nét
trang trí hoa văn để tặng cho các tín hữu vào thăm. Những hình thánh giá đó
được chuyền tay nhau, giúp một số tội nhân thống hối, một số người nhát đảm vì
tìm lại được lòng can trường, nên các tín hữu đến xin ảnh rất đông. Vị linh mục
phải nhờ anh bạn tù khắc hình thánh giá trên gỗ để in hàng loạt ban phát cho
họ. Thế đấy tuy ở trong tù, cha Hiển đã gây được phong trào kính thánh giá rộng
rãi ở Nam Định.
Một trường hợp loan báo
Tin Mừng khác cũng khá đặc biệt. Linh mục Nguyễn Văn Tự đến ngày bị xử tử, đã
xin phép quan được mặc áo dòng Đaminh và ôm thánh giá ra pháp trường. Trước khi
bị chém, cha xin nói đôi lời và ứng khẩu giảng gần một giờ về Đức Giêsu, về ơn
Cứu độ, về tình huynh đệ mọi người là anh em.
IV. CHÂN DUNG CÁC VỊ
TỬ ĐẠO
Trong các phần trên,
chúng ta đã quan sát các anh hùng tử đạo trong sinh hoạt hằng ngày, nghiên cứu
về tâm tư và lời nói các vị. Giờ đây chúng ta cùng nhau chiêm ngưỡng chân dung
các ngài, dựa vào thái độ trong giờ phút cuối cùng cuộc đời chứng nhân, chúng
ta thấy được tư thế, nét mặt và có lẽ cả ánh mắt của các ngài nữa.
4,1. Lòng anh dũng hào
hùng
Một quan niệm sai lầm các
tín hữu dễ mắc phải là tưởng tượng các vị thánh quá linh thiêng như những thiên
thần, nghĩ rằng với ơn Chúa, các vị tử đạo chẳng còn biết đau đớn gì nữa. Thực
ra, các vị vẫn mang thân phận rất người như chúng ta, cũng sợ đòn đánh tra tấn
và luyến tiếc cuộc sống trần gian. Ngay trong số 117 Hiển Thánh Việt Nam, cũng
không ít vị đã từng đạp lên thánh giá, có điều sau đó các vị đã hồi tâm và tiếp
tục chọn Thiên Chúa.
Trong vụ án ba thánh Phan
Viết Huy, Bùi Đức Thể, Đinh Đạt, thì 500 binh sĩ Công giáo Nam Định, ngay hôm
đầu tiên đã có 485 người nghe Tổng đốc Trịnh Quang Khanh dày đạp thánh giá. Ít
bữa sau 15 người chỉ còn 9 kẻ trung thành, rồi còn 5, còn 3 và ba người cuối
cùng cũng một lần chối đạo. Đến khi về nhà nghĩ lại, ba ông họp nhau nộp đơn
xin tiếp tục giữ đạo và phải vào thẳng kinh đô dâng sớ tận tay Đức vua. Từ đấy
các ông dũng cảm chịu mọi hình khổ cho đến chết.
Thày giảng Tôma Toán, 76
tuổi, đạp lên thánh giá những hai lần. Nhưng khi đã thông hối, thày chấp nhận
mọi thử thách cách can đảm lạ thường. Có lần sau 13 ngày bị lột trần, bị trói
ngoài sân phơi nắng phơi sương, bị mọi người qua lại sỉ nhục, hành hạ. Thế mà
khi quan cho dọn một mâm cơm yêu cầu thày ăn rồi bỏ đạo, thày nói : "Nếu
ăn mà phải bỏ đạo, tôi sẽ không bao giờ ăn". Và thày bị bỏ đói chết gục
trong nhà giam.
Ông Năm Thuông bị án lưu
đày xuống Vĩnh Long. sau nhiều ngày đi bộ mệt nhọc, ông không chịu dừng lại
Saigon, cương quyết đi trọn hành trình đến tận nơi bản án qui định. Và rồi vừa
đến Vĩnh Long, ông đã kiệt sức, trút hơi thở cuối cùng. Linh mục Nguyễn Văn
Hạnh từng được mệnh danh là "Laurenso Việt Nam", vì lần kia sau một
trận đòn, cha đã bình thản chắp tay sau lưng và nói : "Làm quan lớn mà bất
công, bắt một mông chịu cả, còn mông kia chẳng phải chịu gì hết".
Chí khí bà Đê (Lê thị
Thành), vị thánh nữ Việt Nam duy nhất, cũng không thua kém các bậc nam nhi.
Quan quân cho cột các ống tay áo rồi bỏ rắn vào trong người, bà vẫn bình tĩnh
đứng yên không nhúc nhích, không sợ hãi. Con cái vào tù thăm, khóc lóc khi thấy
thân thể mẹ bầm tím, áo bê bết những vết máu, bà mỉm cười an ủi : "Sao con
lại buồn, mẹ mặc áo hoa hồng đấy con ạ". Bà coi những vết máu như vòng hoa
khoác lên cổ người chiến sĩ thắng trận trở về.
Lòng anh dũng của các
chứng nhân tử đạo đã được tô điểm thêm bằng sự kiên trì theo năm tháng. Chấp
nhận bản án, và bình tĩnh chờ đợi, không một ai quyên sinh để tự kết liễu đời
mình. Một phụ nữ ngoại giáo tặng linh mục Gioan Đạt lọ độc dược để khỏi kéo dài
những ngày bị tra tấn khổ đau; một viên quan yêu cầu đức cha Delgado Y uống
thuốc độc theo kiểu những người "quân tử" Đông Phương thường làm.
Nhưng các ngài lại dùng chính cơ hội ấy trình bày quan điểm Giaó hội về mạng
sống con người.
4,2. Lòng bao dung thứ
tha
Nếu lòng anh dũng giúp
các vị tử đạo bình thản đón nhận cái chết không run rẩy, không quỵ lụy khóc
than, thì lòng bao dung thứ tha mới là đặc tính phân biệt vị tử đạo với những
vị anh hùng vì lý do khác.
Các tín hữu chỉ thực sự
chết vì đạo nếu biểu lộ được tình yêu, lòng nhân ái, sự bao dung của Tin Mừng.
Các vị chắc chắn không đồng ý với bản án bất công của triều đình nhưng như Đức
Giêsu trên thánh giá vẫn cầu nguyện cho quân lính giết hại mình, các chứng nhân
tử đạo vẫn tiếp tục yêu thương vua quan và chính những người hành xử mình.
- Thừa sai Gagelin Kính gửi thư cho bạn bè :
"Tôi sẵn lòng tha thứ cho những kẻ áp bức tôi".
- Chuyện linh mục Théophane Vénard Ven, khi viên
quan nói : "Tôi phải theo lệnh vua, đừng giận tôi nhé", ngài đáp :
"Tôi chẳng ghét gì ai cả, tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho quan".
- Cụ Hoàng Lương Cảnh làm cho quan quân phá lên
cười, vì khi họ yêu cầu cụ đọc : "Cầu Chúa Giêsu, xin cho các quan trị
nước cho yên càng ngày càng thịnh".
- Linh mục Phan Văn Minh trong tù đã giải tội cho
bếp Nhẫn, kẻ đã dẫn lối cho quan quân bắt ngài. Cũng vậy, linh mục Đặng Đình
Viên, trên đường ra pháp trường, ban phép lành xá giải cho hai phụ nữ tố giác
nơi cha trú ẩn.
- Ông Lê Văn Phụng tại pháp trường nhắn nhủ con
trai mình : "Con ơi, hãy tha thứ, đừng tìm báo thù kẻ tố giác ba
nhé". Và dặn dò thân hữu : "Hãy tha thứ các bạn ơi. Hãy tha thứ, vì
chính tôi đã thứ tha".
- Linh mục Phạm Khắc Khoan và hai thày Đinh Văn
Thanh, Nguyễn Văn Hiếu trước lúc bị xử chém đã giơ tay lên trời cùng cẩu nguyện
: "Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, Chúa trời đất, chúng con hiến
dâng mạng sống cho Ngài. Xin Chúa chúc phúc cho nhà vua được cai trị lâu dài
trong an bình. Xin biến đổi trái tim vua, để vua tin theo đạo thật, đạo duy
nhất đem lại cho con người hạnh phúc đích thực".
Việc chiêm ngưỡng lòng
bao dung thứ tha của các vị tử đạo cho phép chúng ta mường tượng ra khuôn mặt
của các ngài: không một chút bất mãn tức tối, không một chút oán ghét hận thù,
ánh mắt và nụ cười của các ngài toát lên nét dịu hiền thông cảm. Thế nhưng, còn
hơn thế nữa, các ngài tràn trề hân hoan ngước nhìn về trời cao vì trong thâm
tâm, các ngài tin tưởng rằng : cái chết tử đạo là cái chết vinh quang, sẽ khai
mở cho các ngài vào cuộc sống mới muôn đời bất diệt.
4,3. Niềm tin phục
sinh
Linh mục Nguyễn Văn
Xuyên trong thời gian bị giam đã phổ biến cho các tín hữu bài vè lục bát sau :
"Ai ơi giữ lấy túi
khôn
Dẫy tràn tin cậy đầy lòng
mến yêu
Gươm đao đe dọa dẫu nhiều
Quỉ ma cám dỗ sớm chiều
đe loi
Ai mà thắng được trên đời
Mai sau hưởng phúc cõi
trời cao sang."
Với các vị tử đạo, cái
chết chính là cuộc thử thách cuối cùng mà họ sẵn sàng mong đợi. Thày Hà Trọng
Mậu đại diện cho anh em nói với quan : "Thưa quan, chúng tôi mong ước về
bên Chúa như nai mong tìm thấy suối vậy".
Ông Án Khảm vui vẻ nói
với mọi người: "Cha con chúng tôi hôm nay vào Nước Thiên Đàng đây".
Linh mục Nguyễn Văn Hạnh cũng tươi tỉnh đi chào mọi người : "Anh em ở lại,
chúng tôi đi về Thiên đàng nhé". Ông Gioan Cỏn khi thấy người anh em sụt
sùi nước mắt, ông nói : "Sao anh lại khóc, lẽ ra phải mừng cho tôi
chứ".
Ngoài ra trong các bức
thư trao đổi với gia đình và bạn bè, các vị tử đạo không chào vĩnh biệt mọi
người mà chỉ chào tạm biệt, hẹn ngày tái ngộ. Thày Nguyễn Đình Uyển trả lời
thắc mắc kẻ dọa chém đầu mà thấy thày không sợ rằng : "Hãy chém đi, đến
ngày phán xét, tôi lại được cái đầu khác". Linh mục Nguyễn Văn Xuyên diễn
tả niềm tin này bằng câu : "Thưa quan, tôi chọn cái chết để được sống đời
đời, hơn là nghe quan sống thêm ít lâu rồi muôn đời bị tiêu diệt". Linh
mục Lê Bảo Tịnh thì nói : "Thân xác tôi đây, các ông muốn làm gì thì làm,
tôi sẵn sàng không oán thán, nó chết đi, nhưng mai này sẽ sống lại vinh
quang". Niềm tin sống lại của các chứng nhân ấy được bộc lộ khá rõ nét, vì
chính vua Minh Mạng cũng phải lo lắng bồn chồn trong vụ án linh mục Gagelin
Kính. Chính vua ra lệnh canh mả vị tử đạo ba ngày, sợ ngài sống lại, rồi còn
cho đào lên xem hài cốt có còn đó chăng, sau mới chôn lại.
Hình ảnh tuyệt đẹp về
niềm tin phục sinh của các vị tử đạo là câu chuyện linh mục Phạm Khắc Khoan và
hai thày Nguyễn Văn Hiếu, Đinh Văn Thanh, nhưng trong những ngày bị giam bị
giữ, ba vị chia bè hát kinh Tạ Ơn TE DEUM bằng tiếng Latinh. Lời kinh Te Deum
ấy nối kết các vị với Giáo hội sơ khai, khi cuộc bách hại 300 năm chấm dứt. Lời
kinh tràn trề tin tưởng và phó thác trong niềm tri ân Thiên Chúa. Lời kinh nối
kết các vị với cộng đoàn các Thánh trên Thiên quốc :
"Tâu Thượng Đế, này
thần dân xin hát mừng trước bệ
Tuyên xưng Ngài là Chúa
Tể càn khôn ...
Suy tôn Chúa, bậc tông đồ
hợp xướng
Tán tụng Ngài bao thế hệ
tiên tri
Đoàn tử đạo quang huy
hùng dũng
Máu đào đổ ra minh chứng
về Ngài...
Cúi lạy Chúa xin phù hộ
bề tôi
Ngài cứu chuộc bằng bửu
huyết tuôn tràn
Xin được họp đoàn cùng
muôn thần thánh,
Phúc miên trường vui
hưởng ánh vinh quang".
Rồi ngay tại pháp trường,
ba vị lại tiếp tục cầu nguyện bằng thánh ca. Như trong đêm phục sinh, cha Khoan
hát ba lần lời Allêluia, mỗi lần với cung giọng cao hơn. Xen kẽ vào đó, hai
thày giảng cùng hát thay cộng đoàn theo cao độ của vị chủ sự : ALLÊLUIA, ALLÊLUIA,
ALLÊLUIA. Như vậy đó, các vị tử đạo đã diễn tả lại trong đời mình cuộc khổ nạn
của Đức Kitô, nhưng là một Đức Kitô phục sinh. 117 hiến tế tình yêu cũng là 117
chứng tá niềm tin của những con người xác tín rằng : chết vì đức Kitô, chết đi
là sống lại trong cuộc sống muôn đời.
KẾT
Cuối cùng, bài học rút ra
từ những cái chết của các vị Tử Đạo là bài học của sự sống. Cái chết nguyên nó
chẳng có giá trị gì hết, chính sự sống mới làm nên muôn điều huyền diệu. Sự
sống đó chính là tình yêu với con người chung quanh, tình yêu với những gì cao
thượng và chân thật. Tình yêu đó bùng lên cách mãnh liệt trong mầu nhiệm tự hủy
và hiến dâng.
Bài học của các vị tử đạo
không phải là khơi lên máu nóng tìm đến cái chết, mà chính là sống hiến thân
từng giây từng phút của đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Sự sống đó luôn
kêu mời chúng ta : mỗi ngày chết đi những yếu đuối tầm thường, để can đảm làm
chứng tá đấu tranh cho Chân lý. Sự sống đó hứa hẹn với chúng ta một ngày sau
rạng rỡ, ngày đoàn tụ với cha anh chúng ta trên cõi bất diệt.
Linh mục Phanxicô
X. Đào Trung Hiệu, OP
[1] Khâm định Việt sử
Thông giám Cương mục, XXXIII, 6B
[2] Giáo phận đàng trong 86.000; Giáo phận Tây đàng
ngoài 140.000, Giáo phận Đông đàng ngoài 200.000. Xc Bùi Đức Sinh, Dòng Đaminh
Trên Đất Việt, q.I, tr. 281
[3] Bùi Đức Sinh, Đaminh Trên Đất Việt, q.I, tr.326
[4] Chúng ta có thể so sánh với việc truyền giáo ở
Châu Mỹ Latinh, dân địa phương cho đến nay vẫn dùng tiếng Tây Ban Nha làm ngôn
ngữ chính, trong khi đó ở Việt Nam, các thừa sai soạn chữ quốc ngữ. Điều đó
cũng đo lường lối truyền giáo của Thánh Bộ Truyền bá đức tin được thành lập năm
1622. Xc. Daniel Rops, Eglise des temps Clasiques, Fayard 1958, pp. 97-100
[5] Phép giảng tám
ngày, Tinh Việt 1961, tr.11-16
[6] Thư chung các
Đấng Vicario, Kẻ sặt 1903, tr.63-68
[7] Disquitio
Promotoris Fidei, Roma 1917, I, tr.17-19
[8] Thư chung các
Đấng Vicario II, tr.53-54
[9] Gispert,
Historia de las Misiones Dominicas en Tunkin, Avila 1928, tr. 428t
[10] Louvet, La
Cochinchine Religieuse II, tr.204-207
[11] Louvet, Sđd II, tr.267
[12] Phép giảng tám
ngày, tr.17
[13] Tân Định,
1959, tr.4-6
[14] Kỷ yếu hội
nghị khoa học lịch sử đạo Thiên Chúa, 1988, t. 39-41
[15] Louvet, Sđd
II, tr.264-266
[16] Louvet, Sđd
II, tr.128
[17]Bùi Đức Sinh,
Sđd I, tr.258. Sử ký địa phận Trung, Phú Nhai 1916, tr.74
[18] Rodriguez,
Martirologio Oriental III, tr.28
[19] Thư chung các
Đấng Vicario I, tr.63-68
0 nhận xét:
Đăng nhận xét