Ảnh minh hoạ |
Giáo hội Việt Nam đã bước vào năm Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình. Trong vai trò mục tử, mình loay hoay mãi để tìm ra một đường hướng cụ thể cho mục vụ tại giáo xứ. Có người bảo cứ theo hướng dẫn chung mà thực hiện! Nhưng rõ ràng, định hướng chung là một việc, cụ thể hóa cho từng môi trường lại là chuyện hoàn toàn khác! Đàng khác, mục vụ cho từng giới để cùng hướng tới việc phúc-âm-hóa đời sống gia đình họ không thể là những việc chung chung. Bắt đầu từ đâu nhỉ!
1.Giờ khắc giao thừa của năm 2013-2014: Năm Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình, tự nhiên mình chợt nhớ đến cuộc thi chung kết SV2000. Một trong những điểm mà đã qua 14 năm mình vẫn không thể quên, đó là câu định nghĩa thật dễ thương của các bạn sinh viên Đại Học Ngoại Thương TPHCM về gia đình. Theo các bạn, “Gia đình là một kỳ quan của thế giới, trong đó có núi Thái Sơn, có biển Thái Bình và có chúng mình”.
Mình không chỉ thích thích câu định nghĩa vì nó lãng mạn, nhưng thích thích vì trong định nghĩa của các bạn đã gợi lên trách nhiệm và vai trò thật đẹp của cha và mẹ. Nghe câu định nghĩa của các bạn, chắc hẳn hình ảnh núi Thái Sơn – hình ảnh người cha và hình ảnh biển Thái Bình – hình ảnh người mẹ – đang gợi lên trong trí mỗi người! “Công cha như núi Thái Sơn”. “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”.
Với mình, chính hình ảnh này lại gợi nhắc cho mình vẻ đẹp của núi Thái Sơn và biển Thái Bình rất cụ thể.
Núi Thái Sơn – chính nơi điểm cao ấy, chúng ta có thể nhìn xa trông rộng hơn. Trên đôi vai Thái Sơn ấy, những người con được cha nâng bước vào đời với một tầm nhìn rõ ràng. Núi càng cao, càng lớn, điểm tựa càng chắc chắn! Dựa vào núi, người ta có thể an toàn để đối mặt với phía trước mà không còn sợ hãi bị hở lưng. Dựa vào cha, người trẻ có một điểm tựa an toàn hơn cho cuộc chiến đầy nguy hiểm ở phía trước. Không chỉ thế! Núi càng cao bóng càng lớn! Dựa vào núi cao cũng là khoảng không gian của tịnh dưỡng vì được phủ lấp bởi bóng mát.
Biển Thái Bình gợi lên tấm lòng mênh mông, bao la của mẹ. Không chỉ khi đau bệnh, nhưng là mọi lúc, chính nơi đó, con cái có thể tìm về để được nghỉ ngơi và tịnh dưỡng. Nơi mà, mỗi người có thể cảm nhận được sự vỗ về trong yêu thương trìu mến. Nơi mà, từng mỗi người có cơ hội vùng vẫy với tất cả niềm vui sướng như đứa trẻ hoặc tận hưởng bầu khí mênh mông giữa biển-đất-trời.
Tuy thế, mình vẫn cảm thấy chút ngại ngại trong định nghĩa của các bạn trẻ. Dường như, cách nhìn của các bạn, dù đề cao vai trò của ba mẹ như một tâm tình biết ơn, các bạn vẫn chưa thấy được rõ trách nhiệm và vai trò của mình nơi gia đình. Các bạn dùng cụm từ “kỳ quan của thế giới” – một kỳ quan trước đây được coi là kiệt tác của thượng đế, ngày nay còn được kể thêm cả những kiệt tác của con người. Gia đình là kiệt tác của Thiên Chúa, gia đình cũng cần sự cộng tác của từng mỗi thành viên để mãi mãi là một “kỳ quan”. Phải chăng chính đây là điểm mà mình cần phải suy nghĩ đến trong vấn đề mục vụ của năm nay? Có lẽ, chỉ khi từng mỗi thành viên trong gia đình ý thức đủ vài trò và trách nhiệm của mình và nỗ lực hoàn thành nó cùng với nhau, gia đình mới đi vào trong con đường của hòa hợp và vui mừng của Niềm Vui Phúc Âm.
1.Với các em thiếu nhi, trong dịp giải tội mùa vọng, mình muốn cho các em có một quyết tâm cụ thể trong tiến trình của năm nay như một con đường chữa lành khởi đi từ chính nhận định của các em nên đề nghị các em viết suy nghĩ về gia đình mình và quyết tâm cụ thể của mỗi em trong năm nay. Vẫn là những lối suy nghĩ rất truyền thống theo những gì các em đã được học hỏi, nhưng trong đó, chút chút vui vui đã được hé mở bởi chính cảm nhận rất riêng tư của các em.
Theo các em, “Gia đình là nơi mình có được sự chăm sóc của bố mẹ và sự yêu thương” (Thi Hân); “là nguồn động lực để giúp con sống tốt hơn” (Quỳnh Như); “là tổ ấm, khi con buồn, con vui gia đình sẽ là nơi an ủi con, chia sẻ với con những chuyện vui buồn” (Phương Uyên). “Gia đình là nơi con được giáo dục, yêu thương” (Gia Phát); “là mái ấm, nơi con hạnh phúc nhất vì có ba mẹ và anh chị em” (Việt Ân); “nơi cha mẹ yêu thương và chăm sóc chúng con” (Thiên Ân); “là chỗ con nương tựa, được dạy dỗ thành người và được chia sẻ ủi an” (Nguyên Phương, Thanh Trúc).
Dù còn nhỏ, nhưng rõ ràng các em có được cái nhìn về gia đình rất thánh thiêng: “Gia đình là nơi Thiên Chúa ban cho con có mẹ cha” (Đức Huy); “nơi con được yêu thương và thánh hóa tâm hồn” (Minh Nhật); “nơi con có thể cảm nhận sự hạnh phúc, tình yêu thương và là nơi con cảm nhận được Chúa trong con” (Quốc Thăng); “nơi cha mẹ thay thế Chúa ở với ta” (P. Uyên); “nơi giữ gìn và lưu truyền đức tin cho thế hệ sau” (Thiên Ân).
Vẫn biết là thánh thiêng, nhưng các em cũng nhìn nhận một thực tế về gia đình mình: “Gia đình con là tổ ấm nhưng chưa hoàn hảo và trọn vẹn vì mọi người vẫn còn hay cãi nhau” (Trọng Phúc). Tuy thế, các em không bi quan về gia đình mình, “Tuy đôi lúc gia đình con có xích mích nhưng đó cũng là điều giúp cho gia đình hiểu nhau hơn” (Quỳnh Như).
Chính trong những nhìn nhận và đánh giá về gia đình mình, thiếu nhi cũng đề xuất những việc làm rất cụ thể cho bản thân mình trong tiến trình Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình trong năm nay:
Từ những việc rất truyền thống như: đọc kinh cầu nguyện sáng tối, lần chuỗi Mân Côi, suy tôn Thánh Thể (Ngọc Anh), tham dự thánh lễ (TÂ, GP, TN, TH…), các em đã chọn lựa những quyết tâm tích cực hơn: chuyên chăm học giáo lý và Kinh Thánh (Trúc Quỳnh), đọc Lời Chúa trong gia đình (Thanh Thảo), sống lời Chúa và mang hoa quả ơn thiêng đến cho mọi người (Quỳnh Như), học làm theo Lời Chúa (Hoàng chương, Khánh Duy, Trúc Quỳnh), sống tốt theo Lời Chúa dạy (Thanh Huyền, Triều, trúc quỳnh), mang lời Chúa ra áp dụng trong gia đình (P.Uyên)… Các em đã chọn lựa bằng những việc rất cụ thể: Sống ngay thẳng theo lương tâm và sống trong sáng (Minh Nhật); không gian lận, vâng lời cha mẹ (Thiên Ân); thực thi bác ái, chu toàn bổn phận, quan tâm giúp đỡ người nghèo (Đức Huy); sống đạo tốt, hòa thuận thương yêu nhau theo gia đình Nagiaret, nhường nhịn nhau (Thanh Huyền, Triều, trúc quỳnh); làm điều thiện và tốt cho mình và mọi người, tránh việc xấu (Phương Uyên, Quốc Bảo) và không phạm tội (Đức Huy), bớt đi chơi nét (Minh Tuấn).
Bên cạnh đó, những tương giao với cha mẹ cũng được các em chú ý nhiều như việc học tốt, chăm chỉ để không phụ lòng cha mẹ, thành con ngoan (Quỳnh Như, Phương Uyên); vâng lời bố mẹ (Thảo Ngân, Trộng Phúc); sống hiếu thảo hòa hợp (P.Uyên), con cái tâm sự với ba mẹ (TS2); yêu thương ba mẹ, sống thuận hòa, giúp đỡ ba mẹ (Đức Huy, Công Thành); hy sinh chịu khó, noi gương ông bà cha mẹ, và nhắc mọi người trong nhà cùng sống đạo tốt (Gia Phát); giúp đỡ mọi người trong gia đình sửa chữa điều xấu (Khánh Duy).
Để làm tốt, các em mong mỏi: cha mẹ phải nêu gương đạo đức (Khánh Duy). Phần các em sẽ kiểm điểm lại mỗi ngày để sống đúng với tên gọi là con Chúa (Kiều Khanh); đồng thời, làm việc tông đồ, loan truyền đức tin Chúa Kitô; nêu gương và giới thiệu Chúa cho mọi người (Việt Ân). Thế thì, vai trò của mình, một mục tử của giáo xứ sẽ phải làm thêm gì để giúp cho các em thực thi điều mình quyết tâm trong năm nay. Và không chỉ các em và gia đình các em nữa!
1. Đem những trăn trở này gợi ý với các bạn trẻ trên Facebook, đề nghị các bạn góp ý hai điều: Cha có thể làm được gì để giúp các gia đình Phúc-âm-hóa….? Bài giảng của cha cần như thế nào để mọi người dễ tiếp nhận được? Mình nhận lại được những chia sẻ và gợi ý:
- Orchid PhaLaenopsis: con chưa nghĩ ra ạ! nhưng theo con cảm nhận nhé! mỗi gia đình cần những buổi ăn cơm chung và cùng nhau cầu nguyện chung ạ cha mẹ lắng nghe con cái và phân tích, cảm thông cho con cái, còn con cái phải hiểu tình cảm của cha mẹ dành cho mình. Con chỉ có vài dòng thôi ạ!
- Joseph Pham: Thưa Cha, con đọc thông điệp Niềm vui Tin Mừng của ĐGH Phanxico thấy rất tâm đắc vì có vẻ từ trước tới giờ người tín hữu (trong đó có các tín hữu VN) giữ đạo theo truyền thống và hình thức là nhiều. Nhưng không coi và thực hiện những đạo đức như việc đi Lễ, đọc kinh, cầu nguyện… xuất phát từ Niềm Vui và Con Tim. Con còn nhớ có 1 người bạn của con sau khi đi Lễ sáng ngày Chúa Nhật về thì post lên FB là “phù… đã xong bổn phận của ngày CN rồi. Giờ xõa…đi chơi thôi”, con nghĩ có thể bạn đó đi Lễ vì sợ mang tội hay sợ phải nghe ông bà cha mẹ la rầy. Cũng như vậy, trong năm Phúc Âm Hóa Đức Tin, con thiết nghĩ mỗi thành viên trong gia đình cũng nên ý thức và có được Niềm Vui đích thực trong bữa cơm gia đình, trong giờ kinh tối… và trong cả sự quan tâm và phục vụ lẫn nhau, chứ không nên chỉ làm theo hình thức và gượng ép. Con nghĩ bữa cơm gia đình và giờ kinh tối gia đình rất quan trọng và cần thiết. Nhưng giờ có mấy gia đình còn giữ được điều đó. Lúc trước gia đình con cũng duy trì được, nhưng hiện giờ 1 tuần cả nhà quây quần đông đủ để ăn uống chia sẻ cũng như đọc kinh với nhau 1 lần thôi là con cũng thấy quý lắm rồi. Thao thức của Cha con thấy thật đáng quý, con hứa sẽ cầu nguyện nhiều cho Cha và các Linh Mục nhiệt thành luôn thao thức vì đoàn chiên của Chúa!
- Teresa Nguyen: con xin đóng góp 1 chút ý kiến ạ. Câu hỏi số 1 của cha: thực tế xã hội bây giờ đôi lúc cha mẹ không hiểu con cái, không gần gũi con cái vì lo mưu sinh. Nếu có thể được cha có 1 buổi nói chuyện dành cho các bậc cha mẹ, 1 buổi nói chuyện dành cho những người làm con. Mỗi đối tượng cách truyền đạt khác nhau để biết những vấn đề khập khiễng giữa cha mẹ và con cái. Qua đó giúp gia đình gắn kết hơn, gần nhau hơn, đặc biệt là qua bữa cơm gia đình và giờ cầu nguyện chung của gia đình. Câu hỏi số 2 của cha: con nghĩ 1 bài giảng dễ đi vào lòng người là bài giảng thực tế cuộc sống và lồng vào đó Lời Chúa, cách thực hiện lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Như thế thì Phúc âm sẽ đi vào cuộc sống, đi vào gia đình dễ dàng hơn, và giáo dân khi nghe giảng sẽ không cảm thấy buồn ngủ, sẽ ko cảm thấy khó tiếp thu. Trên đây là suy nghĩ của riêng con, có gì không phải mong cha bỏ qua cho ạ.
- Nho Vo: Con xin trả lời câu 2 của Cha là: trong các bài giảng Cha nên lấy những câu chuyện, những tình huống xã hội để mô phổng hoá phúc âm lúc đó những người trẻ như con sẽ thấm nhiều hơn. Từ những cái thấm ấy chúng con mới cảm hoá Mình + gia đình mình.
- Diem Chau Tran: buổi nói chuyện với cha mẹ, Cha đề cập đến chất lượng giờ kinh tối. Nhiều bạn trẻ muốn thử nghe lời ba mẹ đọc kinh tối trong gia đình nhưng lại thất vọng vì những câu kinh ê a dài bất tận, không đánh động vào tâm các bạn trẻ.
- Binh Đỗ: cha giai thích phúc âm hóa là gì. Bài giảng của cha rất sâu sắc tuy nhiên chất lượng giọng nói phải chỉnh lại cho có âm sắc cao hơn 1 octa….hihihi
- Xuân Ninh Mai: Theo con thì tuỳ vào đặc trưng của gia đình mà có các hình thức khác nhau để Phúc Âm Hoá gđ: gia đình lớn 3 thế hệ, gia đình nhỏ 2 thế hệ và gia đình trẻ. Tuỳ vào đặc trưng đó mình có những “bài tập” nho nhỏ để đem “Tin Mừng” vào gia đình.
Giáo xứ con vào năm Gia Đình khi trước có 1 số hoạt động sau:
1. Các đoàn thể thì tích cực học tập về gia đình, các tài liệu đạo và đời được nhắc đến, chia sẻ, học tập. Các thành viên sẽ đem ứng dụng những điều đó từng bước nhỏ để thay đổi các mối quan hệ trong gia đình, tuỳ theo hoàn cảnh của gia đình. Do đó, bước đầu tiên là nhìn nhận về gia đình mình, đánh giá đúng sai, tốt xấu, hay dở về gia đình mình… đâu là điểm mình cần tác động thay đổi, lên quyết tâm thực hiện thay đổi, mời gọi….
2. Đề xuất 1 số giải pháp chung cho gia đình như: ghi lại các ngày kỷ niệm của gia đình, chúc mừng hay cầu nguyện, ăn uống… Tập 1 số thói quen căn bản như: chào hỏi khi đi và về nhà, quan tâm đến nhau: cách ăn mặc, sức khoẻ, việc làm, việc học… bằng những lời hỏi thăm…
3. Lập anbum hình, nhắc nhở đọc kinh, đọc kinh tối gia đình…
4. Làm quen, kết mối liên hệ với 1 gia đình khác. Tuỳ sáng kiến của từng gia đình…
Con chỉ có nhiêu đó thôi.
- Hoa Nguyen: Theo con chia sẻ bài Phúc Âm hôm đó theo Phương pháp Xem-Xét-Làm, và Kiểm điểm đời sống trong giờ kinh tối, và ra công tác hành động cụ thể theo bài Phúc Âm luôn. Tối mai các thành viên trong gia đình kiểm điểm lại đã thực hành tới đâu và tiếp tục…
- Tài Nguyễn: Con chào cha, Cha ơi, con nghĩ là cha có thể xây dựng những nhóm hoặc chia sẻ những vấn đề liên quan đến gia đình trước hết là góc nhìn xã hội hay tâm lý để thu hút mọi người và từ đó hướng tiếp tục vào trọng tâm phúc âm hóa. Đó là ý kiến của cá nhân con hihi….
À, cha ơi còn nữa….tất cả các giáo xứ làm tiền hôn nhân…..nhưng con luôn thắc mắc vậy còn chuyện hậu hôn nhân thì sao? Mua tivi còn được bảo hành nữa nhưng vấn đề hôn nhân lại không có….
Con cám ơn cha đã đọc ^^
Lên đường…
Giờ thì mình đã sẵn sàng rồi!
Cảm ơn chúng con – thiếu nhi và các bạn trẻ! Những chia sẻ và gợi ý của chúng con đã khai mở cho cha một hướng đi cho năm nay rồi! Cùng với những chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn “Niềm Vui Phúc Âm” cha đã biết chỗ mình cần bắt đầu. Cha hy vọng chúng con sẽ cùng cộng tác với cha trong hành trình sắp tới để thắp sáng “Niềm Vui Phúc Âm” nơi gia đình chúng con. Cha cũng hy vọng không chỉ mình cha, những cha khác khi đọc những tâm tình của chúng con cũng sẽ có được chút chút gì đó cho cộng đoàn của các ngài.
Lm. Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét