VATICAN. ĐTC tái mạnh mẽ lên án tệ nạn buôn người và kêu gọi các chính quyền và cộng đồng quốc tế bênh vực những người bị cưỡng bách di cư.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 24-5-2013 dành cho các HY, GM và chuyên gia tham dự khóa họp toàn thể lần thứ 20 của Hội đồng Tòa Thánh mục vụ người di dân và lưu động về đề tài ”quan tâm mục vụ của Giáo Hội trong bối cảnh các cuộc cưỡng bách di cư”, trùng với dịp công bố tài liệu của Hội đồng với tựa đề ”Đón nhận Chúa Kitô nơi những người tị nạn và những người bị cưỡng bách di cư”, trong đó cũng nói đến tệ nạn buôn người, nhất là các trẻ em.
ĐTC nói: ”Tại đây tôi tái khẳng định rằng ”buôn người” là một hành vi bỉ ổi, một ô nhục cho các xã hội chúng ta mệnh danh là văn minh! Những kẻ bóc lột và các khách hàng ở mọi cấp độ đều phải nghiêm túc xét mình trước lương tâm và trước mặt Chúa! Hôm nay Giáo Hội mạnh mẽ lập lại lời kêu gọi để phẩm giá và vị trí trung tâm của mỗi người được bảo vệ, trong niềm tôn trọng các quyền cơ bản, như đạo lý xã hội của Hội Thánh vẫn nhấn mạnh.. Trong một thế giới người ta nói nhiều về các quyền, nhưng bao nhiêu lần phẩm giá con người bị chà đạp trong thực tế”!
ĐTC cám ơn và đánh giá cao hoạt động của Hội đồng Tòa Thánh mục vụ người di dân và lưu động đồng thời khích lệ các thành viên Hội đồng này tiếp tục con đường phục vụ những anh chị em nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ngài nói thêm rằng:
”Giáo Hội là Mẹ và mối quan tâm hiền mẫu của Giáo Hội được biểu lộ một cách đặc biệt gần gũi và dịu dàng đối với những người bị bó buộc phải rời bỏ quê hương và sống giữa tình trạng bị mất gốc và sự hội nhập. Lòng từ bi cảm thông của Giáo Hội được diễn tả trước tiên qua sự dấn thân nhận ra những biến cố thúc đẩy họ phải rời bỏ quê hương, và khi cần lên, tiếng thay có những người không làm cho người khác nghe được tiếng kêu đau đớn và tình trạng bị áp bức mà họ phải chịu”.
Sau cùng, ĐTC nói rằng ”tôi mời gọi các nhà cầm quyền và toàn thể cộng đồng quốc tế hãy cứu xét thực trạng của những ngừơi bị cưỡng bách xuất cư và giúp đỡ họ bằng những sáng kiến hữu hiệu và những lối tiếp kiện mới mẻ để bảo vệ phẩm giá, cải tiến chất lượng cuộc sống của họ, và đương đầu với những thách đố do những hình thức mới mẻ của tệ nạn bách hại, đàn áp và nô lệ. Tôi nhấn mạnh rằng đây là những nhân vị đang kêu gọi tình liên đới và trợ giúp, cần được can thiệp cất thiết, và nhất là cần được cảm thông và cần lòng từ nhân. Không thể có thái độ dửng dưng lãnh đạo đứng trước tình trạng của họ”.
Tham dự khóa họp kết thúc hôm 24-5-2013 có 25 HY, GM thành viên đến từ nhiều nước trên thế giới, cùng với 19 vị cố vấn và chuyên gia. Vấn đề cưỡng bách di cư được Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và lưu động cứu xét, có nhiều động lực và lý do về mặt chính trị, xã hội và kinh tế, các cuộc xung đột võ trang, những thay đổi khí hậu hoặc việc kiến thiết các cơ cấu hạ tầng thúc đẩy nhiều người dân phải rời bỏ quê hương. Ngoài ra cũng có trường hợp của những người bị buôn bán với mục đích khai thác tình dục và cưỡng bách lao động, các trẻ em bị xung vào quân ngũ và những người vô tổ quốc. (SD 24-5-2013)
G. Trần Đức Anh OP
0 nhận xét:
Đăng nhận xét