HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

NGƯỜI PHỤ NỮ CHÔN CẤT GẦN 60.000 THAI NHI




Chị vượt qua các thành kiến để dấn thân cho các hoạt động bảo vệ sự sống trong 10 năm qua

Người phụ nữ chôn cất gần 60.000 thai nhi. Chị Anna Nguyễn Thị Nhiệm đứng bên các ngôi mộ thai nhi

Mỗi ngày sau khi tham dự giờ kính Lòng Chúa Thương Xót lúc ba giờ chiều tại nhà thờ, chị Anna Nguyễn Thị Nhiệm lại đạp xe ra nghĩa trang cách nhà độ 500 mét để an táng thai nhi.

Trong căn lều rộng 15m2 ở góc nghĩa trang, chị Nhiệm mang khẩu trang bịt kín mặt, găng tay và mở tủ lạnh chứa đầy thai nhi được đựng trong bọc ny lông màu đen và bắt đầu khâm liệm.

Chị lẩm bẩm đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh và Lạy Nữ Vương và rửa tội cho những thai nhi còn sống, cẩn thận gói thai nhi lại bằng vải liệm trắng rồi đút vào túi ny lông có in hình Thánh giá màu đỏ, đoạn đặt những túi này vào các hũ bằng sành.

Mồ hôi vã ra khắp mặt sau một tiếng khâm liệm, người phụ nữ có dáng người mập mạp lại ì ạch bê hơn chục hũ sành đi chôn cất.

“Mỗi hũ thường chứa khoảng 20 thai nhi. Một ngôi mộ phải được xếp đầy 50 chiếu hũ như thế thì mới thuê người xây nắp mộ lại” – chị nói trong lúc xếp các hũ sành vào ngôi mộ đang xây dở.

Nghĩa trang thai nhi được thành lập năm 2007 nằm trong nghĩa trang giáo họ Bến Cốc thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Chị Nhiệm, 54 tuổi, cho biết từ đó đến nay có khoảng 56.000 thai nhi được chôn cất trong 41 ngôi mộ tập thể, trong đó ngôi mộ lớn nhất chứa hơn 3.000 em được đặt dưới chân lễ đài Đức Mẹ.

“Ở đây các em chịu thiệt thòi và tủi thân lắm vì thường chỉ có mình tôi vừa đọc kinh, khâm liệm và chôn cất. Các em chưa được hưởng một lễ an táng đàng hoàng ở nhà thờ bao giờ vì cha xứ ở xa ít đến” – chị xúc động nói.

Theo chị, trung bình mỗi ngày thu gom khoảng 20 thai nhi, riêng những ngày cuối tuần hay các dịp lễ hội, tết số lượng tăng gấp 3-4 lần từ tám cơ sở phá thai tư nhân quanh làng. Các bệnh viện nhà nước vất thai nhi bị phá chung với rác thải.

Chị giải thích phá thai nhiều là do hàng trăm ngàn công nhân nữ tại các khu công nghiệp xung quanh sống thử, các cặp vợ chồng mang thai ngoài ý muốn, thai bị chẩn đoán dị tật. Nhiều người phá thai vì sợ mất việc do chính sách hai con của nhà nước.

Nói về cảm hứng khiến chị dấn thân phục vụ công việc này không mệt mỏi, chị nhớ lại “thai nhi đầu tiên tôi nhặt được ở bãi rác ven đường làng vào năm 2000. Đó là xác cháu bé gái khoảng 7 tháng tuổi”.

“Tôi ẵm vội cháu về nhà tắm rửa sạch sẽ, liệm vải trắng và đến tối đem cháu đi chôn trong vườn nhà mình, kể từ đó như ơn Chúa thúc giục tôi dấn thân làm cái việc không ai ủng hộ này” – chị vui vẻ nói.

“Nhiều lần chúng tôi xin thai nhi về giấu trong nhà, nhưng một hai ngày là bốc mùi thối, đến tối mới đem đi chôn trộm ở ngoài vườn, ngoài ruộng hay bờ sông, trong lòng vừa thương các em nhưng lại sợ dân làng và chính quyền biết sẽ phạt hoặc không cho phép”.

“Năm 2000 tôi xin phép cha xứ và được cha đồng ý cho chôn trong nghĩa trang giáo họ, rồi Đức cha Đạt về đây giải thích với giáo dân họ mới không còn phản đối đấy” - chị Nhiệm kể.

Không chỉ chị Nhiệm mà chồng chị cũng làm công việc này giúp chị. Mỗi ngày, vào lúc sáng sớm và tan tầm, anh lại chạy xe máy đến tám cơ sở y tế và bệnh viện để thu gom thai nhi. Con chị và một số người khác cũng làm công việc này.

Chẳng những thế, gia đình chị còn hiến đất để làm nghĩa trang chôn cất thai nhi. Chị đã hiến 200m2 đất ruộng làm nơi chôn cất thai nhi.

“Mặc dù một sào ruộng 360 mét vuông ở đây giá từ 250-350 triệu, nhưng vì nghĩa trang sắp hết đất, gia đình tôi sẽ tiếp tục hiến thêm 300 m2 đất ruộng nữa để có nơi an nghỉ cho các em”.

Người phụ nữ làm ruộng quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời từng bán đi đàn bò để có thời gian chăm sóc nghĩa trang. Giờ gia đình chị sống nhờ vào mấy sào ruộng và tiền lương hàng tháng 2,5 triệu của người chồng làm nghề đưa thư.

“Chúng tôi còn đi tới các cơ sở phá thai xin họ giữ lại thai nhi và chúng tôi cũng thuyết phục được vài người trong họ bỏ ý định phá thai”.

Chị Nhiệm cho biết thêm chị đã cứu được khoảng 10 em, chăm sóc rồi liên hệ cho làm con nuôi hoặc gửi vào các nhà mở.

“Nhưng tôi thấy mừng nhất là kể từ khi có nghĩa trang thai nhi này, giáo họ của tôi không ai dám phá thai nữa. Khoảng 200 trẻ em được sinh ra mặc dù mỗi nhà có từ năm tới sáu đứa con, do ảnh hưởng của phong trào bảo vệ sự sống”, chị khẳng định. Giáo họ có 600 người Công giáo.

Ông Thomas Nguyễn Văn Thạo, 60 tuổi, trùm trưởng giáo họ Bến Cốc và là trưởng ban bảo vệ sự sống, cho biết: “Cô Nhiệm mới là người phụ nữ đầu tiên của làng xây dựng lên nghĩa trang thai nhi này, nhờ sự nhiệt tình của cô mà gần 6 vạn thai nhi vô tội có nơi an nghỉ như hôm nay”.

Ông Thạo, vợ chết cách đây bốn năm, có bảy người con, nhớ lại: “Lúc cô Nhiệm và vợ chồng tôi đem xác thai nhi về nhà, dân làng phản đối cho là lũ khùng không ai hoan nghênh cả, nhưng với đức tin Công giáo, tôi nghĩ thai nhi cũng đã là người có hồn có xác nên chỉ muốn các em có một nơi để an nghỉ mà thôi”.

Hiện nay, các kinh phí chôn cất đều do các ân nhân đóng góp.
ucanewsvietnam


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons