(Máccô 13,24-32 – CN
XXXIII TN - B)
1.- Ngữ cảnh
Giữa các chương nói về hoạt động
công khai của Đức Giêsu (Mc 1–12) và những chương tường thuật cuộc Khổ Nạn (Mc
14–16), chúng ta gặp bài Diễn từ cánh chung (Mc 13). Bài này khởi đi từ lời Đức
Giêsu loan báo rằng Đền Thờ Giêrusalem huy hoàng tráng lệ như thế đó sẽ bị tàn
phá và từ câu hỏi bao giờ sẽ xảy ra chuyện ấy. Bài Diễn từ này được ngỏ với bốn
môn đệ Đức Giêsu đã gọi đầu tiên (x. 13,3 và 1,16-20), nhưng có một giá trị tổng
quát (13,37). Bài không chỉ liên hệ đến cuộc tàn phá Giêrusalem, nhưng còn nhìn
tổng quát về tương lai. Đức Giêsu phác ra những đường nét lớn cho các môn đệ thấy
tương lai sẽ mang lại cho họ điều gì (13,5-27) và họ sẽ phải ứng xử thế nào
(13,5.21-23.28-37). Chúng ta có thể chia bài diễn từ này thành ba phần:
1) Khi nào (cc. 5b-8.9-13.14-23);
2) Dấu chỉ: Cuộc quang lâm (cc.
24-27);
3) Giờ chính xác (cc.
28-32.33-37).
2.- Bố cục
Bản văn đọc hôm nay có thể chia
thành hai phần :
1) Cuộc Quang Lâm (13,24-27);
2) Thời gian (13,28-32).
3.- Vài điểm chú giải
- Nhưng trong những ngày đó, …
các ngôi sao từ trời sa xuống (24-25): Với liên từ “nhưng”, tác giả đưa độc giả
tới khúc quanh quan trọng. Ngài mở ra một viễn tượng phổ quát bằng cách dùng những
hình ảnh thuộc Cựu Ước nói về Ngày của YHWH (Đức Chúa) (Is 13,10; 34,4; Ge
2,10–3,4; 4,15t.). Trong Cựu Ước, các hiện tượng này là những hoàn cảnh đi theo
cuộc xét xử trong thịnh nộ, “ngày của YHWH”. Theo những bản văn Isaia, việc
phán xét nhắm đến Babylon và Êđôm. Trên cái nền Kinh Thánh này, các hình ảnh được
vận dụng để minh họa cuộc phán xét trên các kẻ gian ác.
- Con Người (26): Trên tấm phông
là một vũ trụ bị rung chuyển, Con Người xuất hiện, được mô tả bằng những từ ngữ
của Đn 7,13tt. Các đám mây cho hiểu là Người thuộc về thiên giới, thuộc về
Thiên Chúa. Khi Đức Kitô tỏ bày quyền năng và vinh quang của Người ra, mọi người
sẽ được thấy: không mơ hồ như những tiếng đồn được lưu ý ở 13,22 (x. Mt
24,27t). Quyền lực lớn lao và vinh quang của Người bao quanh Người, nêu bật vẻ
uy nghiêm của Người, khiến Người nổi lên rõ ràng trên bóng tối và tình trạng hỗn
độn của vũ trụ. Mục tiêu Người nhắm khi đến thì chưa rõ. Hình thái của bài Diễn
từ không liên quan đến ai rõ ràng khiến phải kết luận rằng ở chỗ này, bài được
ngỏ với các đối thủ, các kẻ gian ác và tội lỗi. Đối với họ, Con Người đến là để
phán xét.
- tập họp của những kẻ được tuyển
chọn (c.27): Trong Cựu Ước, chính Thiên Chúa quy tụ (Đnl 30,3-4 [LXX]; Dcr 2,10; Is 27,12; 43,5tt) nhờ
các thiên thần (Tv 17/18,11; 103/104,4; Đn 7,10): Ngài quy tụ về Thánh địa tất
cả những người Do Thái đang bị phân tán, đưa về cho hiệp thông với Ngài. Ở đây,
Con Người được giới thiệu là Đấng thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa cho dân
Do Thái (x. Ga 14,3).
- từ bốn phương, từ đầu mặt đất
cho đến cuối chân trời: dịch sát: “từ bốn gió, từ mút cùng đất đến mút cùng trời”.
Các hình ảnh này là cách cổ điển mà Kinh Thánh và người Hy Lạp dùng để nói về
thế giới.
- thí dụ cây vả (28): Trong Cựu Ước, mùa hè và cuộc thu hoạch
là những hình ảnh diễn tả sự cùng tận,
cuộc giải phóng và phán xét chung cuộc (x. Ge 4,17; Am 8,1tt; Is 28,4; Gr
8,20). Những gì xảy ra với cây vả được dùng để ví những dấu chỉ xảy ra nhằm báo
cho biết Đức Kitô đã đến gần (c. 29).
- thế hệ này (30): “Thế hệ này”, dù là “thế hệ gian ác” (Mc
8,38; 9,19; Mt 12,39.45) gồm những người không tin Đức Kitô hoặc sứ điệp của
Giáo Hội, thì cũng là thế hệ đương thời với tác giả Mc. Khi nghe đọc đoạn văn
này, các tín hữu càng được củng cố trong nỗi niềm chờ mong Đức Chúa của mình ngự
đến.
- mọi điều ấy: Dựa trên câu hỏi của
các môn đệ ở c. 4b và cùng với tauta (“các điều ấy”) được lấy lại từ c. 29, có
thể quy về toàn thể các biến cố được mô tả trong bài Diễn từ cho đến điểm này,
tức cũng quy về cuộc Quang Lâm của Con Người. Dựa theo câu nói này, ta nhận ra
một sự chờ đợi nôn nóng trong một thời gian ngắn.
- những lời Thầy nói sẽ chẳng qua
đâu (31): Đức Giêsu xác định những lời Người nói có cùng một sự chắc chắn và một
uy tín như những lời của YHWH trong Cựu Ước (Is 40,8; 51,6; 54,10; Gr 33,25t;
x. Kh 22,6; Mt 5,18).
- không ai biết được, ngay cả Người
Con …, chỉ có Chúa Cha mới biết (32): Câu này là một crux interpretum (thập giá
của các nhà chú giải). Lời này dường như mâu thuẫn minh nhiên với Mt 11,27:
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người
Con…”. Người ta thường giải quyết bản văn khó này như sau. Mt 11 nói về sứ mạng
mạc khải của Đức Giêsu để cứu độ thế gian: để đạt được mục tiêu này, Người đã
được Thiên Chúa ban cho toàn quyền mạc khải và mọi hiểu biết cần thiết. “Nhưng
Người đã có thể không biết một số điểm thuộc về chương trình sau này của Thiên
Chúa, như Ngài khẳng định ở đây một cách rõ ràng” (P. Benoýt). Phải hiểu Đức
Giêsu không biết đây là không biết trong bối cảnh mầu nhiệm nhập thể, khi đó
Chúa Con đã từ khước nhiều đặc quyền thần linh của mình (x. 2 Cr 8,9; Pl 2,6tt)
để chia sẻ thân phận con người sâu xa hơn.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Cuộc Quang Lâm (24-27)
Tiếng nói cuối cùng trên toàn thể lịch
sử nhân loại và trên tất cả các tình huống là biến cố Con Người ngự đến trong
vinh quang Thiên Chúa (Mc 13,26; x. 8,38; 14,62). Người đã đi qua đau khổ và
cái chết; sau khi sống lại, Người đã chỉ tỏ mình ra với các môn đệ tuyển chọn;
nhưng trong tương lai, Người sẽ xuất hiện trước mắt tất cả mọi người trong phẩm
tước đích thực của Người. Cuộc tỏ mình của Người cũng như quyền chúa tể hữu
hình của Người, duy nhất và vô biên, là cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại.
* Thời gian (28-32)
Với câu hỏi về “khi nào?”, Đức
Giêsu trả lời trước tiên bằng một dụ ngôn rõ ràng. Cần phải học bài học từ việc quan sát cây vả.
“Khi nó trổ lá, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những
điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Người đã đến gần” (cc. 28-29). Tác giả muốn
nói đến các biến cố ở cc. 6-13, cc. 6-23 hay cc. 14-23? Bởi vì công thức “khi
anh em thấy” (hotan idête) nhắc lại c. 14, chúng ta nên coi các biến cố thuộc
phân đoạn cc. 14-23.
Cuối cùng, có ba câu nói về thời gian
(cc. 30-32): “thế hệ này”; “những lời Thầy nói”; “chỉ có Chúa Cha biết”. Tất cả
được mở đầu bằng giọng long trọng: “Thầy bảo thật (amên) anh em”. Sự hiểu biết
về lịch sử loài người và mọi câu hỏi liên quan đến tương lai dường như dễ đưa tới
sự lừa dối và sai lầm: đây là vùng hoạt động của các ngôn sứ giả. Lời khuyến
cáo của Đức Giêsu vẫn còn có giá trị cho mọi thời đại: “Anh em hãy coi chừng đừng
để người ta lừa gạt!” (c. 5; x. cc. 21-23). Các lời Người nói sẽ có giá trị mãi
mãi (c. 31). Và với giọng rõ ràng chắc chắn, Người khẳng định rằng chỉ có Thiên
Chúa biết ngày hoàn tất những điều đã được loan báo (c. 32).
+ Kết luận
Câu hỏi đầu tiên của các môn đệ: khi nào xảy
ra những điều ấy? Câu trả lời của Đức Giêsu vượt quá câu hỏi đó nhiều lắm. Người
ta sẽ không còn coi Đền Thờ là nơi quy tụ nữa. Đền Thờ sẽ bị sụp đổ cùng với thế
giới. Mọi người phải hướng về Đấng cao trọng hơn Đền Thờ, Người sẽ quy tụ nhân
loại đã được cứu thoát khỏi tà thần: Người là Đức Chúa phục sinh quang vinh.
Toàn bài Diễn từ cánh chung muốn
thổi một làn gió lạc quan trên thế giới. Đồng ý là có những thời trong đó sự dữ
thắng thế, nhưng nó không thể khai sinh một thế giới mới. Chỉ nhờ sự sống lại của
Đức Kitô và nhờ Thánh Thần, một mầm sống mãnh liệt mới khai sinh một vũ trụ mới.
Với lại, kiểu hành văn “cánh chung” bao giờ cũng chất chồng các hình ảnh tai hoạ
u ám để làm nổi bật lên ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa. Ước mong người tín hữu
không bối rối khi đọc thấy sự dữ lan tràn, nhưng nhớ rằng một sứ điệp tràn đầy
hạnh phúc đang được triển khai.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Tương lai của nhân loại có đen
tối đến đâu và nhìn bề ngoài thì dường như đang đi đến chỗ hoàn toàn diệt vong,
nhưng cuối cùng, vẫn còn có Con Người, Đấng đã chia sẻ tất cả định mệnh con người,
nay đang ở trong sự hiệp thông xán lạn và vinh hiển với Chúa Cha toàn năng. Các
môn đệ của Đức Giêsu có bị bách hại, bị ghét bỏ và bị giết tàn bạo đến mức nào
đi nữa, Đấng mà họ bước theo sau và cũng là Đấng mà họ đã chia sẻ cùng một số
phận, đang chờ họ và sẽ bênh vực họ (x. 8,34-38). Đức Giêsu là Đấng trung thành
và quyền năng. Người sẽ tìm được họ dù họ lang bạt đến tận đâu và sẽ quy tụ họ
lại.
2. Các môn đệ của Đức Giêsu phải
tránh những ý tưởng sai lạc về tương lai. Họ không được trông mong vào một
thiên đàng hạ giới chan hòa bình an. Trái đất vẫn là một thung lũng đầy nước mắt,
nên họ phải sẵn sàng chấp nhận gian lao vất vả, bị từ khước và bị bách hại. Họ
không được chạy theo ảo tưởng và cũng không được buông theo thất vọng. Họ phải
tin cạy vững vàng vào lời nói của Đức Giêsu và tương lai mà Người phác họa ra.
3. Điều nói trên không có nghĩa
là các môn đệ không được bận tâm đến tương lai và không được để cho tương lai ảnh
hưởng trên lối sống hiện tại của mình. Như khi thấy các lá non của cây vả,
chúng ta biết mùa hè đã đến gần, chúng ta cũng không được bám cứng vào những gì
đang xảy ra, nhưng phải quay hướng về biến cố kết thúc đang đến (13,28t).
4. “Anh em hãy coi chừng đừng để
người ta lừa gạt!” (c. 5; x. cc. 21-23). Đức Giêsu như đang nói: Anh em đừng để
cho mình bị lạc đường vì tò mò và sợ hãi! Thầy đã chỉ cho anh em thấy rõ ràng
thực tại chung kết. Hãy bám vững vào đó và hãy bằng lòng với điều đó! Điều đó
hoàn toàn đủ cho anh em rồi! Vì về ngày đó, chỉ Chúa Cha biết; tất cả mọi tính
toán về ngày cuối cùng đó chỉ là chuyện tưởng tượng bừa bãi, đi ngược lại với lời
nói rõ ràng của Đức Giêsu.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm-
dunglac.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét