K
|
ể từ khi thành lập, tháng ba năm 1866, Hội Thiện Auteuil (Fondation d’Auteuil) vẫn tiếp tục đón nhận và đồng hành với các bạn trẻ sống bên lìa xã hội. Cách tổ chức thích ứng theo thời đại, nhưng tinh thần ‘phục vụ trẻ em nghèo vẫn là một’ : Đem tình Chúa, tình người đến cho các em.
1. Bước đầu của Hội Thiện Auteuil.
Vào cuối thế kỷ XIX, nhiều trẻ em cùng khổ sống lê lết trên đường phố thủ đô Paris. Những trẻ em lêu lổng như vậy bị áp chế nghiêm khắc, chúng thường bị cảnh sát bắt nhốt vào tù như những con chó hoang. Linh mục Roussel động lòng trắc ẩn cho số phận của các em. Điều ngài lo âu nhất là chúng không biết gì về Thiên Chúa. Cha muốn thiết lập một hội thiện để giúp các em học giáo lý và xưng tội rước lễ. Nhờ sự nâng đỡ của Đức Tổng Giám Mục Paris, cha đã thuê được một ngôi nhà cũ tại làng Auteuil. Cha đón các em về, cho ngủ chung, năm sáu em trong một phòng nhỏ. Nhờ các gia đình đạo đức chuyền miệng nhau, nên ngày 19.3.1866 Hội Thiện đã thành hình : Cả khu xóm được vận động : người cho đồ ăn, người cho nệm, người cho chăn gối. Bà Marie-Noelle Dumnt, cựu thủ văn khố của Hội Thiện Auteiul kể lại như vậy. Chẳng bao lâu, cả ¨Paris biết tên tuổi của cha Roussel, ‘người tập trung các trẻ em vìa phố’. Hầu như mỗi tuần, ông trưởng cảnh sát đều dẫn đến cho cha vài trẻ em vỉa hè và sém vào tù. Nhiều bà góa đến xin cha nhận nuôi một hai đứa con mà các bà không thể nuôi và dạy dỗ. Sau những tháng học giáo lý, cha Roussel không nỡ lòng trả lại các em cho vỉa phố ! Vì thế, năm 1871, cha bắt đầu mở các cơ xưởng học nghề : sửa giày, sửa chìa khóa, sửa đồng hồ, làm nhà in, làm nghề mộc, phục vụ khách sản và phụ bếp tại nhà hàng …Từ đó, Hội Thiện trở thành ‘Cơ Sở Học Nghề Auteuil’ (Apprentis d’Auteuil).
2. Như nước chảy dưới gầm cầu.
Cho đến ngày nay ‘Cơ sở học nghề Auteuil’ vẫn tồn tại. Không những tại vùng Paris, mà rải rác trên khắp nước Pháp, cho chừng 30.000 người trẻ nam, nữ và cả các gia đình. Cơ sở Học Nghề Auteuil vẫn tiếp tục đón nhận các ‘trẻ em lang thang’. Các em đến, không nguyên từ các vùng quê sâu xa nghèo khổ của nước Pháp, nhưng còn cả các trẻ em đến từ xa, như từ Haiti, Albanie và Afghanistan. Đó là những trẻ em vị thành niên ngoại quốc do các Tổ Chúc Từ Thiện Xã Hội chuyển tới. Cũng có những trẻ em thất bại trong việc học, suy yếu về hoàn cảnh gia đình, những trẻ em ‘vào tuổi chướng’ mà bố mẹ không dạy dỗ nổi … Cơ sở Học Nghề Auteuil không ép buộc các em theo đạo Công Giáo, nhưng cố gắng giúp các em hội nhập vào xã hội bằng cách học lấy một nghề sống thực tế.
Hội vẫn luôn xác tín : «Tôi không bao giờ thất vọng về một đứa trẻ, và thường những đứa trẻ khó dạy nhất lại thu lượm được thành quả thỏa đáng nhất’. Cha Roussel đã nói như vậy với một mục sư đến thăm cơ xưởng. Trong 150 năm qua, như nước chảy dưới gầm cầu, lịch sử của Hội Thiện Auteuil không bao giờ là một con sông dài phẳng lặng. Các bạn trẻ vìa phố mà Tổ chức đón về, cũng thay đổi theo dòng thời gian. Ngay cách đối xử với người trẻ cũng vậy, phải thích ứng vào sự tiến triển của xã hội. Cốt yếu và mãi mãi, vẫn là tinh thẩn ‘xả thân phục vụ người’. Đó là nội dung của cuốn sách ‘Lịch sử của một tuổi trẻ vỉa hè’ (L’Histoire d’une jeunesse en marge) do sử gia Mathias Gardet, giáo sư khoa học giáo dục ở Paris đã viết.
3. Đường hướng giáo dục của cha Roussel
Một sử gia đã viết : ‘Vào cuối thế kỷ XIX, những trẻ em vìa phố từ 8 đến 12 tuổi thật đáng chú ý : những nhóm ‘trẻ nít sống lang thang’ (vagabondage juvévile), đôi khi tụ tập thành ‘băng đảng’ và bị dân chúng coi là một mối đe dọa. Vì thế, chúng bị xua đuổi và đàn áp nghiệt ngã, đôi khi đem về đồng quê giam trong những trại lao tù (colonies pénitentiaires), một hình thức đem đi xa để vừa bảo vệ, vừa giáo dục chúng ». Sử gia này viết thêm : «Cha Roussel đã chọn một hình thức giáo dục hoàn toàn khác. Thời bấy giờ rất hiếm có những cơ sở giáo dục đón nhận trẻ nam vào lưu xá tại thành phố và đề nghị cho chúng một chương trình học nhề ». Cha Roussel lo cho chúng một lúc được học giáo lý, chơi thể thao, đọc sách và nghe nhạc.Tuy nhiên, cũng như trong các trường học và lưu xáx khác, cha Roussel chủ trương một kỷ luật sắt (discipline de fer). Dậy 5g30 và ngủ đúng 10g00.
4. Những sáng kiến thành công của cha Daniel Brottier.
Sau đại chiến thứ nhất, đã có hơn một triệu trẻ em không cha, và những trẻ mồi côi không còn bị coi là những đứa con của cha mẹ hư hỏng ... Mặc dầu chính phủ thiết lập một cơ quan quốc gia để lo cho các trẻ em mồ côi vì chiến tranh, nhưng trong thực tế có rất nhiều trẻ em mồ côi trao về cho các cô nhi viện tư nhân, như cơ sở từ thiện của cha Roussel. Cha Daniel Brottier kế vị cha Roussel đã đưa ra một sáng kiến rất thành công, đó là thiết lập ‘giây xích liên đới giữa những cựu học viên xuất thân từ Cơ Sở Học Nghề Auteuil’. Vì thế năm 1929, Cơ Sở Học Nghề Auteuil được nhìn nhận là một tổ chức ‘có ích lợi chung’ (Utilité publique) nên có phép quyên tiền và nhận những gia tài dâng cúng (legs), lại có quyền mở thêm nhiều cơ sở ở đồng quê. Bộ Vệ Sinh và bộ Xã Hộ tận tâm giúp đỡ việc tân trang các cơ sở đã có từ trước nhưng nay xuống cấp thậm tệ. Cha Daniel Brottier còn vận động ‘không đưa ra tòa những ‘trẻ em phạm pháp, còn vị thành niên và sống lang thang’.
5. Sau Đại Chiến thứ hai.
Đến đại chiến thứ hai, số trẻ em mồ côi lại ồ ạt gia tăng. Cơ Sở Học Nghề Auteuil bất lực, không thể đón nhận hàng ngàn đơn xin. Cha Duval bấy giờ là giám đốc phải xoay xở mở thêm nhiều cơ sở mới, là những ngôi nhà do các ân nhân dâng cúng. Cửa lại mở rộng đón các trẻ em mồ côi. Sắc lệnh 1945 của chính phủ nhằm giải quyết các trường hợp ‘trẻ vị thành niên phạm pháp’. Người ta thảo luận sôi nổi và sau cùng phải chọn ‘phương pháp giáo dục các trẻ em bất hạnh ấy’. Nước Pháp không có đông trẻ em, nên không thể coi thường việc giáo dục trẻ em thành những công dân lương thiện. Vì thế công trình giáo dục được mở ra và phát triển khắp nơi. Dĩ nhiên Cơ Sở Học Nghề Auteuil đã đóng góp vừa nhiều, vừa hữu hiệu và đa dạng.
6. Những thay đổi mau lẹ.
Kể từ 1950, số các em mồ côi giảm bớt, nhưng lại xuất hiện nhiều băng đảng giới trẻ, xuất thân từ các gia đình nghèo. Chúng tụ tập trước cửa ra vào của các chung cư, chúng vận đồ đen. Dân chúng cảm thấy sợ hãi và bị de dọa. Từ đây, các viện giáo hoá trẻ em, không đón nhận các em mồ côi, mà đón nhận những trẻ em ‘có vấn đề xã hội’ hay ‘rơi vào cơ nguy’ (cas sociaux ou danger). Qua năm 1968, giới trẻ lại bị đầu độc bởi ‘phong trào đòi tự do’, ‘cách mạng văn hóa’. Thêm vào đó, từ 1970, tại các vùng ngoại ô nghèo, nhiều thất nghiệp, bùng nổ các vụ bạo động của giới trẻ, thường được khích lệ bởi các nhà chính trị và xã hội khuynh tả.
7. Trung thành với chủ đích và thích ứng theo thời đại
Cơ Sở Học Nghề Auteuil không thoát khỏi những vụ chống đối và bạo động. Năm 1972, các học sinh trường dạy nghề Meudon ký một thỉnh nguyện thư chống lại những cách xử đối không tốt (mauvais traitements) trong nội trú …
Do đó tổ chức Auteuil được cải tổ sâu rộng : Mở cửa đón vào nội trú các trẻ em thuộc mọi tôn giáo, kể cả các em nữ, mở các cơ xưởng ở ngoại quốc, và liên lạc nhiều hơn với ba mẹ các em, đặc biệt với các gia đình ân nhân. Cho đến nay tinh thần cơ bản ‘phục vụ giới trẻ trong hoàn cảnh gia đình và xã hội khó khăn’ vẫn tựa trên Tin Mừng, nhưng không quên hội nhập và thích ứng với xã hội hiện đại cả về sư phạm lẫn kỹ thuật.
Du Sinh
(Viết theo báo LA CROIX 12-13.03.2016).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét