HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

SUY NIỆM CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ TẠI COLOSSEO


ROMA. Giống như năm ngoái và theo vết các vị tiền nhiệm, lúc quá 9 giờ tối thứ sáu Tuần Thánh 18-4-2014, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hý trường Colosseo ở Roma, nơi đã có nhiều tín hữu Kitô chịu khổ hình vì đức tin.

Tham dự buổi Buổi đi đàng thánh giá này sẽ có hàng chục ngàn tín hữu hiện diện không kể hàng trăm triệu khán thính giả trên thế giới tham dự qua truyền hình.

Bài suy niệm cho buổi đi đàng thánh giá năm nay do Đức Cha Giancarlo Bregantini, TGM giáo phận Campobasso ở miền nam Italia biên soạn. Năm nay ngài 66 tuổi (1948), thuộc dòng các dấu thánh Chúa Giêsu (CSS) và nổi tiếng về lập trường quyết liệt chống các tổ chức bất lương mafia. Qua 14 chặng đàng thánh giá, Đức TGM Brigantini đề nghị một suy tư về những đề tài khác nhau liên quan đến thực tại ngày nay, đặc biệt là ở miền nam Italia, với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo những hậu quả trầm trọng về mặt xã hội, như nạn thất nghiệp, cho vay ăn lời ”cắt cổ”. Đức TGM cũng nhắc đến thảm trạng những người tị nạn, ma túy, rượu chè, và bao nhiêu người bị ung thư bì các chất độc phế thải chôn trong lòng đất; tình trạng các nhà tù đông nghẹt, nạn bàn giấy và nền tư pháp chậm như rùa, nạn tra tấn ở nhiều nơi trên thế giới, nạn bạo hành chống phụ nữ.Sau đây là bản dịch bài suy niệm của Đức TGM Brigantin do Đức Anh OP (1-6), Mai Anh (7-10) và Hoàng Nam SJ (11-14)

Chặng thứ I: Chỉ tay lên kết án

”Philatô lại nói với họ, vì ông muốn tha Chúa Giêsu. Nhưng họ lại gào to lên: ”Đóng đinh nó vào thập giá!”. Và lần thứ ba ông nói với họ: ”Nhưng người này có làm gì gian ác đâu? Tôi không thấy nơi ông ta có điều gì làm cho ông đáng chết. Vậy tôi sẽ trừng phạt rồi tha cho ông ta”. Nhưng đám ông lại gào lớn tiếng hơn, đòi đóng đanh Chúa; và tiếng gào của họ ngày càng mạnh. Bấy giờ Philatô quyết định làm theo lời họ yêu cầu. Ông tha cho người đã bị tống ngục vì nổi loạn và giết người, như dân chúng đòi hỏi, và ông giao nộp Chúa Giêsu theo ý muốn của họ” (Lc 23,20-25)

Một quan Philato sợ hãi không tìm kiếm sự thật, chỉ tay lên án và tiếng kêu gào ngày càng lớn của đám đông dữ tợn, đó là những bước đầu tiên trong cái chết của Chúa Giêsu. Ngài vô tội như con chiên, máu Ngài cứu chuộc dân. Đức Giêsu ấy đã đi qua giữa chúng ta, chữa lành và chúc phúc, giờ đây Ngài bị kết án tử hình. Chẳng có lời biết ơn nào từ phía đám đông, trái lại họ chọn Baraba. Đối với quan Philatô, sự kiện này làm ông lúng túng. Ông đổ lỗi cho đám đông và rửa tay, nhưng đồng thời ông tiếp tục bám chặt vào quyền hành. Ông giao nạp Chúa Giêsu để họ đóng đanh Ngài! Ông không muốn biết gì về Ngài. Đối với ông, vụ này như vậy là xong rồi!

Sự vội vã kết án Chúa Giêsu như thế dựa trên những lời cáo buộc dễ dàng, những phán đoán hời hợt nơi dân chúng, những điều ám chỉ và những thành kiến khép kín con tim và trở thành một thứ văn hóa kỳ thị chủng tộc, loại trừ và ”gạt bỏ”, với những lá thư nặc danh và những lời vu khống kinh khủng. Những người vừa bị tố cáo, thì tức khắc bị đăng trên những trang nhất; nhưng khi họ được trả tự do, thì tin đó đăng ở phần cuối cùng!

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có biết đạt tới một lương tâm ngay thẳng và trách nhiệm, trong sáng, không bao giờ quay lưng lại với với người vô tội, nhưng can đảm liên kết để bênh vực người yếu thế, chống lại bất công và bảo vệ ở mọi người sự thật bị chà đạp hay không?

Chặng thứ II: Thập giá nặng nề của cuộc khủng hoảng 

”Chúa Giêsu đã mang tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài, trên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội lỗi, chúng ta sống cuộc đời công chính; chúng ta được chữa lành nhờ những vết thương của Ngài. Trước kia anh em lang thang như những chiên lạc, nhưng nay anh em được quay trở về với vị Mục Tử và là Đấng canh giữ linh hồn anh em” (1 Pr 2,24-25).

Cây thập giá ấy đè nặng, vì trên đó Chúa Giêsu vác cả tội lỗi của tất cả chúng ta, Ngài lảo đảo bước đi dưới gánh nặng ấy, gánh nặng quá lớn đối với một người đơn độc (Ga 19,17). Đó cũng là gánh nặng của tất cả những bất công tạo nên cuộc khủng hoảng kinh tế, với những hậu quả nặng nề về mặt xã hội: công ăn việc làm bấp bênh, thất nghiệp, sa thải, tiền bạc cai trị thay vì phục vụ, nạn đầu cơ tài chánh, những vụ tự tử của các chủ xí nghiệp, nạn tham nhũng và cho vay ăn lãi cao, nhiều xí nghiệp di chuyển sang nước khác.

Đó là thập giá nặng nề của giới lao động, bất công đè trên vai công nhân. Chúa Giêsu vác lấy thánh giá trên vai và dạy chúng ta đừng sống trong bất công nữa, nhưng với ơn Chúa, chúng ta có khả năng kiến tạo những nhịp cầu liên đới và hy vọng, để không là những con chiên lang thang hay lưu lạc trong cuộc khủng hoảng này.
Vì thế, chúng ta hãy trở về cùng Chúa Kitô, vị Mục Tử và là Đấng canh giữ linh hồn chúng ta. Chúng ta cùng nhau tranh đấu cho công ăn việc làm của nhau, chiến thắng sợ hãi và lẻ loi, phục hồi sự tín nhiệm đối với chính trị và cùng nhau tìm cách khắc phục các vấn đề.

Như thế thập giá sẽ nhẹ nhàng hơn, nếu ta cùng vác với Chúa Giêsu và tất cả cùng nâng thập giá lên, vì từ những vết thương của Chúa - chúng ta được chữa lành (Xc 1 Pr 2,24)

Chặng thứ III: Sự mong manh làm cho chúng ta cởi mở đón tiếp

”Người đã mang lấy những đau khổ của chúng ta, đã gánh chịu những đớn đau của chúng ta; mà chúng ta lại nghĩ Người bị phạt, bị Thiên Chúa đánh đập và hạ nhục. Người đã bị đâm thấu qua vì tội lỗi chúng ta, bị đè bẹp vì những bất chính của chúng ta. Hình phạt mang lại ơn cứu độ cho chúng ta đã giáng xuống trên Người” (Is 53,4-5).
Đó là một Đức Giêsu yếu đuối, mong manh, rất con người, vị mà chúng ta kinh ngạc chiêm ngắm trong chặng rất đau thương này. Nhưng chính cái ngã của Chúa, trên đất bụi, càng tỏ lộ tình thương vô biên của Ngài. Ngài bị đám đông chen lấn, bị điếc tai vì những tiếng la của binh sĩ, bị sưng phồng vì những vết thương đánh đòn, đầy cay đắng trong nội tâm vì sự vô ơn vô biên của loài người. Ngài ngã xuống đất! Nhưng trong lần ngã này, trong sự chiều theo sức mạnh và vất vả, Chúa Giêsu một lần nữa trở thành Thầy dạy Sự Sống. Ngài dạy chúng ta chấp nhận sự dòn mỏng yếu đuối của mình, đừng nản chí vì những thất bại của chúng ta, hãy chân thành nhìn nhận những giới hạn của mình. Thánh Phaolô đã nói: ”Trong tôi có ước muốn làm điều thiện nhưng tôi lại không có khả năng thực hiện ước muốn ấy” (Rm 7,18). Với sức mạnh nội tâm đến từ Chúa Cha, Chúa Giêsu giúp chúng ta đón nhận sự mong manh của người khác; không vùi dập người bị ngã, không dửng dưng đối với sa ngã. Và Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để không khép kín đối với người gõ cửa nhà chúng ta, xin tị nạn, xin phẩm giá và tổ quốc. Ý thức về sự mong manh của chúng ta, chúng ta sẽ đón nhận nơi mình sự mong manh của những người di dân, để họ tìm được an ninh và hy vọng.

Thực vậy, chính trong nước dơ nơi chậu nước của nhà Tiệc Ly, nghĩa là trong sự dòn mỏng yếu đuối của chúng ta, có phản ánh khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa chúng ta! Vì thế, ”thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa” (1 Ga 4,2)

Chặng thứ IV: Những giọt lệ liên đới 

”Ông Simeon chúc phúc cho hai ông bà và nói với Maria, Mẹ Ngài: 'Này đây, Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cơ cho nhiều người ở Israel vấp ngã hay được chỗi dậy và về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Bà' (Lc 2,34-35). ”Anh chị em hãy khóc với người khóc. Hãy có cùng những tâm tình như vậy đối với nhau' (Rm 12,15-16)

Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Mẹ Ngài đầy xúc động và nước mắt, qua đó có biểu lộ sức mạnh vô địch của tình mẫu tử vượt lên trên mọi chướng ngại và biết mở mọi con đường. Nhưng cái nhìn liên đới của Mẹ Maria càng sinh động hơn nữa, cái nhìn chia sẻ và mang lại sức mạnh cho Chúa Con. Và như thế, tâm hồn chúng ta đầy kinh ngạc khi chiêm ngắm sự cao cả của Mẹ Maria, khi Mẹ là thụ tạo, trở nên gần gũi với Thiên Chúa của Mẹ và là Chúa của Mẹ.

Mẹ gồm tóm tất cả mọi nước mắt của các bà mẹ đối với những người con xa xăm, đối với những người trẻ bị kết án tử hình, bị giết hại hoặc ra chiến trường, nhất là những binh sĩ trẻ em. Chúng ta nghe thấy tiếng than xé lòng của những bà mẹ đối với con, đang sinh thì vì những thứ bệnh ung thư do việc đốt những đồ phế thải độc hại gây ra.
Những dòng lệ cay đắng dường nào! Chia sẻ liên đới với những người con đang hấp hối! Những bà mẹ canh thức đêm khuya dưới ngọn đèn sáng, hồi hộp vì những người trẻ đang bị tình trạng bấp bênh đè bẹp hoặc bị ma túy và rượu nuốt chửng, nhất là những đêm thứ bẩy!

Quanh Mẹ Maria, chúng ta sẽ không bao giờ là một dân tộc mồ côi! Không bao giờ bị lãng quên. Như thánh Juan Diego, Mẹ Maria cũng mơn trớn và an ủi chúng ta như những người con và nói với chúng ta: ”Tâm hồn các con đừng xao xuyến.. Mẹ là mẹ con, chẳng ở đây sao?” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm. 286).

Chặng thứ V: Bàn tay thân hữu nâng đỡ 

”Họ bắt một người đi qua đường vác đỡ thập giá cho Người. Ông tên là Simon người xứ Xirênê, thân phụ của Alessandro và Rufo” (Mc 15,21)

Tình cờ, ông Simon Xirênê đi qua đó. Nhưng sự kiện này trở thành một cuộc gặp gỡ quyết định trong cuộc đời của ông. Ông từ ngoài đồng trở về. Một người lam lũ và khỏe mạnh. Vì thế, ông bị buộc bác thập giá của Chúa Giêsu, người bị kết án tử hình ô nhục (Xc Pl 2,,8). Nhưng từ sự tình cờ, cuộc gặp gỡ ấy sẽ biến thành một cuộc đi theo Chúa Giêsu một cách quyết liệt và sinh tử, mang thập giá mỗi ngày, từ bỏ chính mình (Xc Mt 16,24-25). Thực vậy, ông Simon được thánh Marcô nhắc đến như thân phụ của hai tín hữu Kitô được biết đến trong cộng đoàn Roma là Alessandro và Rufo. Một người cha chắc chắn đã in dấu trong tâm hồn các con sức mạnh của thập giá Chúa Giêsu. Vì nếu bạn giữ sự sống chặt quá, thì nó sẽ mốc meo và khô lại. Nhưng nếu bạn trao tặng, thì sự sống sẽ tươi nở và sinh đầy bông hạt cho bạn và cho toàn thể cộng đoàn!

Đây chính là bí quyết thực sự chữa trị tính ích kỷ vẫn luôn rình mò chúng ta. Tương quan với người khác chữa lành chúng ta và sinh ra tình huynh đệ huyền nhiệm, chiêm niệm, biết nhìn đến sự cao cả thánh thiêng của tha nhân, biết khám phá Thiên Chúa trong mọi người, biết chịu đựng những phiền toái trong cuộc sống, bám chặt vào tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ khi nào mở rộng con tim cho tình yêu Chúa, ta mới được thúc đẩy tìm kiếm hạnh phúc cho tha nhân qua bao nhiêu cử chỉ thiện nguyện: một đêm ở nhà thương, cho mượn mà không đòi lãi cao, một dòng nước mắt được lau khô trong gia đình, sự nhưng không chân thành, sử dụng công ích một cách sáng suốt, chia sẻ cơm bánh và công ăn việc làm, vượt thắng mọi hình thức ghen tương.

Chặng thứ VI: Bà Vêrônica lau mặt Chúa Giêsu 

”Tim con lập lại lời mời của Chúa: Hãy tìm kiếm nhan thánh Ta!”. Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài. Xin Ngài đừng ẩn mặt, đừng giận mà ruồng rẫy tôi tớ Ngài. Chúa là Đấng phù trợ con, xin đừng bỏ con, đừng xua đuổi con, lạy Thiên Chúa Đấng cứu độ con” (Tv 27,8-9).

Chúa Giêsu lê lết bước đi, thở hổn hển. Nhưng ánh sáng trên khuôn mặt Ngài vẫn nguyên vẹn. Những vết khạc nhổ không làm lu mờ ánh sáng. Những cái tát không làm cho ánh sáng trên mặt Ngài bị tắt lịm. Khuôn mặt Ngài như bụi gai cháy đỏ, khi càng bị xúc phạm,. thì càng chiếu tỏ ánh sáng cứu độ. Những dòng lệ âm thần chảy xuống từ đôi mắt của Thầy. Ngài mang gánh nặng của sự bị bỏ rơi. Nhưng Chúa Giêsu vẫn tiến bước, không dừng lại, không ngoái lại đàng sau. Ngài chịu đựng sự đè nén. Ngài bị giao động vì sự tàn ác, nhưng Ngài biết rằng cái chết của Ngài không phải là uổng công vô ích.

Bấy giờ Chúa Giêsu dừng lại trước một phụ nữ đến gặp Ngài không chút do dự. Đó là bà Veronia, hình ảnh đích thực sự dịu hiền của phụ nữ!

Ở đây Chúa là hiện thân nhu cầu của chúng ta mong được sự yêu thương nhưng không, cảm thấy được yêu mến và được bảo vệ nhờ những cử chỉ ân cần săn sóc. Những săn sóc an ủi của phụ nữ ấy thật quí giá đối với Chúa Giêsu và dường như cất đi những hành vi xúc phạm mà Ngài đã chịu trong những giờ tra tấn ấy. Bà Veronica đã đánh động được Chúa Giêsu dịu dàng, chạm đến được sự tinh trắng của Ngài, không những để thoa dịu nhưng còn để tham gia vào sự đau khổ của Ngài. Trong Chúa Giêsu, bà nhìn thấy mỗi người cần an ủi dịu dàng, để đi tới tiếng rên xiết đau thương của những người ngày nay không nhận được sự giúp đỡ và hơi ấm của sự tình người. Họ chết trong cô đơn.

Chặng thứ VII: Sự kinh hoàng của tù ngục và tra tấn 

Chúng bủa vây tôi (..) Chúng bủa vây tôi như thể bầy ong, chúng như lửa bụi gai cháy bừng bừng, nhờ Danh Chúa tôi đã trừ diệt chúng. Chúng đã xô đẩy tôi, xô thật mạnh cho ngã, nhưng Chúa đã phù trợ thân này. Sửa phạt tôi, vâng Chúa sửa phạt tôi, nhưng không nỡ để tôi phải chết. (Tv 118, 11.12 - 13.18) Quả thật, trong Chúa Giêsu đã hiện thực những lời tiên tri cổ xưa về Người Đầy Tớ khiêm hạ và vâng phục, đã mang trên vai toàn bộ lịch sử thương đau của loài người chúng ta. Và như thế, Chúa Giêsu, bị xô đẩy thô bạo, té ngã vì mệt nhọc và hành hạ, bị bạo lực vây bủa tứ bề, không còn sức chịu đựng nữa. Ngày càng cô đơn hơn, càng chìm sâu trong đen tối hơn! Tan da nát thịt, xương cốt mỏi mòn!

Chúng ta nhận ra trong Người kinh nghiệm đắng cay của những tù nhân trong mọi ngục tù, với tất cả những trái ngược vô nhân của nó. Bị vây bủa, bị xô đẩy tàn bạo cho té ngã. Nhà tù ngày nay vẫn còn bị tránh xa, bị quên lãng, bị xã hội dân sự bỏ rơi. Có bao nhiêu điều phi lý của bộ máy hành chánh, có bao nhiêu chậm trễ của hệ thống tư pháp. Rồi thêm bản án đôi là sự quá tải: đây là một đau khổ trầm trọng hơn, một đàn áp bất công, làm hao mòn thịt xương. Một vài người, quá nhiều người, không thể chịu đựng nổi.. Và ngay cả khi một người anh chị em của chúng ta ra khỏi ngục tù, chúng ta vẫn xem họ là ”cựu tù nhân, và như thế, khép kín cánh cửa giúp họ tìm lại phẩm giá trước mặt xã hội và hội nhập thế giới lao động.. Nhưng trầm trọng hơn cả là hiện tượng tra tấn vẫn còn quá thịnh hành tại nhiều nơi trên trái đất, bằng mọi kiểu. Cũng như trong trường hợp Chúa Giêsu: Chính Người cũng đã bị đánh đập, bị bọn lính chế nhạo khinh dễ, tra tấn hành hạ với chiếc mão gai, roi đòn tàn nhẫn.

Ngày nay, chúng ta thấy đúng làm sao câu nói của Chúa Giê Su khi bị té ngã lần đó: Ta bị tù và các ngươi đã đến thăm Ta. (Mt 25,26) Trong mọi nhà tù, bên cạnh những người bị tra tấn, đều có Người, Đức Ki Tô đau khổ, bị giam tù và tra tấn. Chúng ta chỉ có thể cùng nhau đứng dậy, với sự đồng hành của các chuyên viên, được bàn tay huynh đệ của các nhân viên thiện nguyện hỗ trợ và được nâng đỡ bởi một xã hội dân sự biết ôm lấy cả mọi bất công bên trong những bức tường nhà giam.

Chặng thứ VIII: Chia sẻ chứ không thương hại. 

Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. (Lc 23, 28) Như những ngọn đuốc cháy sáng, có bao nhiêu khuôn mặt phụ nữ xuất hiện hai bên con đường khổ nạn. Những người nữ trung thành và can đảm, không sợ hãi vì bọn lính hay kích động vì những vết thương của Thầy nhân lành. Họ sẵn sàng gặp gỡ và ủi an Người. Chúa Giêsu đứng đó, trước mặt họ. Có những người chà đạp Chúa khi Người ngã gục mỏi mòn trên mặt đất. Nhưng các phụ nữ đứng đó, sẵn sàng dâng tặng Chúa nhịp đập nồng ấm của một con tim không thể kềm hãm được. Các bà đã đứng nhìn Người từ xa, nhưng rồi cố tiến đến gần, như mỗi người bạn, mỗi người anh chị em đều làm khi thấy người mình yêu đang gặp khó khăn.

Chúa Giêsu khích động vì tiếng khóc đắng cay của họ, nhưng mời gọi họ đừng tan nát con tim khi thấy Chúa bị hành hạ đọa đày, đừng khóc lóc thở than nhưng hãy trở thành những người có lòng Tin. Người kêu mời một niềm đau được chia sẻ chứ không muốn một lòng thương hại cằn cỗi và đẫm nước mắt. Không còn những than van khóc lóc, nhưng là khao khát tái sinh, nhìn thẳng về đàng trước, tiến bước với tràn đầy lòng Tin và hy vọng hướng về rạng đông chan hòa ánh sáng trên đầu những ai đang trên đường hướng về Chúa. Chúng ta hãy khóc cho chính mình nếu chúng ta còn chưa tin vào Đức Giêsu, Người đã loan báo với chúng ta Nước Trơi Cứu chuộc. Chúng ta hãy khóc cho những tội lỗi chưa xưng thú của chính chúng ta.

Và còn nữa, chúng ta hãy khóc cho những người nam chỉ biết trút mọi bạo lực chứa đựng trong lòng trên những phụ nữ. Chúng ta hãy khóc cho những phụ nữ nô lệ của sự sợ hãi và lạm dụng. Nhưng đấm ngực than van và thương hại thôi thì không đủ. Chúa Giêsu đòi hỏi nhiều hơn nữa. Người đòi hỏi phải trấn an các phụ nữ như Chúa đã làm, phải yêu thương họ như một món quà không thể xúc phạm đến của toàn thể nhân loại. (Một món quà) Để nuôi dạy con cái chúng ta, trong phẩm giá và trong hy vọng.

Chặng thứ IX: Chiến thắng sự luyến tiếc não nùng không tốt 

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? (...) Nhưng trong tất cả mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta (Rm 24, 35-37) Thánh Phaolô liệt kê những thử thách của mình, nhưng biết rõ là trước thánh nhân, Chúa Giêsu đã trải qua những thử thách ấy; trên đường lên Núi Sọ, Chúa đã té ngã một, rồi hai rồi ba lần. Tan nát bởi những hành hạ, bách hại, bởi gươm đao, bị gỗ thánh giá đè bẹp. Kiệt quệ! Dường như Chúa thốt lên, như chúng ta trong những lúc tối tăm u ám: Tôi không còn chịu nổi nữa! Đó là tiếng kêu của những kẻ bị đàn áp bách hại, của người hấp hối, của các bệnh nhân cuối đời, của những ai đang bị gánh nặng đè bẹp.

Nhưng trong Chúa Giêsu, cũng thể hiện rõ sức mạnh của Người: ”Có làm khổ, Người cũng xót thương. Chúa cho chúng ta thấy rằng trong đau khổ, luôn luôn có lòng Chúa xót thương, vượt lên trên mọi đau khổ và thấy trước được trong hy vọng. Cũng như là Chúa Cha khôn ngoan tỉa bớt những nhánh để cây sinh trái lành (Gv 15,8). Không bao giờ Người tỉa để chặt bỏ cây, nhưng để cây đơm hoa kết trái tốt lành hơn. Hay như một sản phụ sắp đến giờ sinh con: bà đau đớn, rên rỉ, quằn quại khi sinh. Nhưng bà biết rằng đó là những cơn đau của sự sống mới, của một mùa xuân nở đầy hoa chính nhờ việc tỉa cành ấy. Chiêm ngắm hình ảnh Chúa ngã gục, nhưng rồi lại chỗi dậy được, giúp chúng ta biết chiến thắng những khép kín mà sự sợ hãi tương lai đóng ấn trong con tim chúng ta, đặc biệt trong thời đại khủng hoảng ngày nay. Chúng ta sẽ chiến thắng được sự luyến tiếc quá khứ không tốt, sự thuận tiện của chủ nghĩa bất động, của ”trước giờ vẫn như vậy!Ể. Hình ảnh Chúa Giêsu loạng choạng và té ngã, nhưng rồi lại đứng dậy, đã trở thành sự chắc chắn của niềm hy vọng một khi được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện liên lỉ, sẽ nảy sinh từ chính trong thử thách chứ không sau thử thách hoặc không có thử thách. Chúng ta toàn thắng, nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta

Chặng thứ X: Hiệp nhất và phẩm giá 

Đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm 4 phần, mỗi người một phần, họ lấy cả áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: ”Áo xống tôi, họ đem chia chác, cả áo dài cũng bắt thăm luôn. Đó là điều lính tráng đã làm. (Ga 19, 23.24)

Không một miếng vải nào được bọn lính để lại để che thân thể Chúa Giêsu. Họ lột trần Người. Chúa không còn áo xống hay áo dài, không còn quần áo gì cả. Họ lột trần Người như là hành vi hạ nhục cuối cùng. Thân xác Người chỉ còn được che đậy bằng dòng máu tuôn trào ra từ những vết thương sâu rộng. Chiếc áo dài được giữ nguyên vẹn là hình ảnh của sự hiệp nhất của Giáo Hội, sự hiệp nhất đang được cố gắng tìm lại trên con đường kiên nhẫn, trong một nền hòa bình dày công xây dựng từng ngày, trên một khung cửi dệt tấm vải bằng sợi vàng của tình huynh đệ trong niềm hòa giải và trong sự tha thứ lẫn nhau.. Trong Chúa Giêsu, Đấng vô tội, bị lột trần và bị tra tấn, chúng ta nhìn nhận phẩm giá bị xúc phạm của tất cả mọi người vô tội, đặc biệt là của những kẻ bé mọn. Thiên Chúa không hề can thiệp, ngăn cản không để cho thân thể trần trụi của Người bị phơi bày trên thập giá. Người đã làm như thế để chuộc lại mọi lạm dụng, được che đậy cách bất công, và chứng tỏ rằng Người, Thiên Chúa, chắc chắn đứng về phía những nạn nhân cách không thể quay lui được.

Chặng thứ XI: Tại giường các bệnh nhân 

”Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba. Bản án xử tội Người viết rằng: ”Vua người Dothái”. Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp” (Mc 15,24-28)

Và họ đã đóng đinh Người! Hình phạt dành cho những người bị tước quyền công dân, những tên phản bội, những nô lệ nổi loạn. Đây là một bản án dành cho Chúa Giêsu của chúng ta: những đinh nhọn xù xì, nỗi đau khổ tê buốt, nỗi sầu buồn của Mẹ, sự nhục nhã vì bị xếp ngang hàng với hai tên trộm cướp, bị quân lính tước hết áo để chia nhau, bị những người đi ngang qua chế giễu: ”Nó cứu được người khác nhưng không thể tự cứu mình! Xuống khỏi thập giá đi thì chúng tôi sẽ tin vào ông” (Mt 27,42)

Họ đã đóng đinh Người! Giêsu đã không đi xuống khỏi thập giá, đã không từ bỏ thập giá. Ngài ghi nhớ và vâng phục ý Cha cho đến cùng. Ngài yêu và Ngài tha thứ.

Giống như Giêsu, ngày nay, rất nhiều anh chị em của chính ta đang bị đóng đinh vào giường bệnh, trong bệnh viện, nhà thương, trong gia đình. Đó là thời gian thử thách, những ngày cay đắng của cô đơn và thậm chí là thất vọng: ”Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài lại bỏ con?” (Mt 27,46) Bàn tay của chúng ta chưa bao giờ bị đâm qua, nhưng luôn luôn ở kề bên, an ủi và nâng đỡ những bệnh nhân, nâng họ dậy từ giường bệnh. Căn bệnh xảy đến chẳng bao giờ xin phép ai, nó đến bất thình lình. Đôi khi nó gây khó chịu, nó giới hạn phạm vi của chúng ta, thử thách niềm hy vọng của chúng ta. Nó rất cay đắng. Chỉ khi nào chúng ta thấy bên cạnh mình có ai đó lắng nghe chúng ta, gần gũi chúng ta, ngồi bên giường chúng ta... căn bệnh mới có thể trở thành trường dạy khôn ngoan vĩ đại, trở thành nơi gặp gỡ Thiên Chúa Nhẫn Nại. Khi nào có ai đó mang trên mình những nỗi đau vì tình yêu thì ngay nơi đêm tối của khổ đau vẫn bừng lên ánh sáng vượt qua của Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Điều đối với con người là một bản án cũng có thể biến thành một hy lễ cứu chuộc vì lợi ích cho cộng đoàn và gia đình chúng ta. Các thánh đã cho chúng ta thấy điều đó.

Chặng thứ XII: Bẩy lời than van 

”Sau đó, Giêsu Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: ”Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: ”Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga 19,28-30).

Bẩy lời cuối cùng của Giêsu trên thập giá là một kiệt tác của niềm hy vọng. Một cách từ từ từng bước một, Đức Giêsu đã đi qua tất cả sự tăm tối của đêm đen, để làm hài lòng Cha, tin tưởng trong vòng tay Cha. Đó là tiếng than van của người đang hấp hối, tiếng kêu của người tuyệt vọng, lời cầu cứu của người lạc mất. Là chính Đức Giêsu đó!

”Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Đây là tiếng kêu của Giob, của những ai đang bị vận rủi bủa vây. Thiên Chúa im lặng. Im lặng vì lời đáp trả của Ngài đã ở đó, trên cây thập giá: chính Ngài, Đức Giêsu, là lời đáp trả của Thiên Chúa, Lời vĩnh cửu đã nhập thể vì tình yêu. ”Xin hãy nhớ đến tôi...” (Lc 23,42). Lời kêu cứu của người phạm pháp cũng đang bị tử hình bên kia đã đi vào con tim của Giêsu, nghe vọng vang từ chính nỗi đau của Người. Và Giêsu đã lắng nghe lời kêu xin đó: ”Hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi”. Những nỗi đau của người khác thường giải thoát chúng ta vì nó khiến chúng ta ra khỏi chính mình. ”Này bà, đây là con bà!...” (Ga 19,26). Chính mẹ của Ngài, Mẹ Maria, đang cùng với Gioan đứng dưới chân thập giá, đã phá tan nỗi sợ. Một sự dịu dàng và hy vọng đổ đầy lòng mẹ. Giêsu không hề cảm thấy đơn độc chút nào. Cũng giống như chúng ta, nếu bên cạnh giường bệnh có ai đó mà chúng ta thương mến! Một cách trung tín. Cho đến cùng.

”Tôi khát” (Ga 19,28). Giống như đứa trẻ xin mẹ mình cái gì đó để uống; giống như bệnh nhân bị cơn sốt làm nóng người... Cơn khát này của Giêsu là cơn khát của tất cả những ai đang khát khao sự sống, tự do, công bình. Và cơn khát lớn nhất là khát Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối lớn hơn chúng ta, đang khát ơn cứu độ của chúng ta.
”Mọi sự đã hoàn tất!” (Ga 19,30). Tất cả: mọi lời nói, mọi cử chỉ, mọi lời tiên báo, mọi khoảnh khắc của đời sống Giêsu. Tấm thảm hoa đã hoàn thành. Hàng ngàn sắc màu của tình yêu giờ đây tỏa ra nét đẹp lấp lánh. Chẳng có gì vô ích. Chẳng có gì bị vứt bỏ. Tất cả đều trở thành tình yêu. Tất cả đều được dành cho tôi, cho bạn! Ngay cả cái chết của Ngài cũng có một ý nghĩa! ”Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,24). Giờ đây, một cách anh hùng, Đức Giêsu thoát ra khỏi nỗi sợ chết. Vì nếu chúng ta sống trong tình yêu nhưng không, tất cả sẽ là sự sống. Sự tha thứ sẽ đổi mới, chữa lành, biến đổi và an ủi! Làm nên một dân mới. Chấm dứt chiến tranh.

”Lạy Cha, trong tay Cha, con xin phó thác hồn con” (Lc 23,46). Nỗi thất vọng không còn nữa, nhưng chỉ còn niềm tin tưởng tràn đầy trong tay Cha, tựa mình vào tim Cha. Bởi vì trong Thiên Chúa, từng mảnh phần cuối cùng sẽ được gắn lại với nhau trong sự hiệp nhất!

Chặng thứ XIII: Tình yêu mạnh hơn sự chết 

”Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giôxép, và cũng là môn đệ Đức Giêsu. Ông đến gặp ông Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Bấy giờ tổng trấn Philatô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. (Mt 27,57- 58).

Trước khi được mai táng trong mồ, Đức Giêsu rốt cuộc cũng được trao cho mẹ Ngài. Đó là hình ảnh con tim bị đâm thâu, nói với chúng ta rằng cái chết không ngăn cản được nụ hôn cuối cùng của người mẹ dành cho con mình. Bên xác Giêsu, Mẹ Maria tiến sát bên Ngài bằng một cái ôm trọn vẹn dành cho Ngài. Hình ảnh này thường được gọi là ”Lòng Thương Xót”. Thật đau buồn nhưng nó cho thấy cái chết không phá vỡ được tình yêu, vì tình yêu thì mạnh hơn sự chết! Tình yêu thuần khiết thì luôn còn mãi. Đêm đã đến. Trận chiến đã phân định thắng thua rạch ròi. Tình yêu vẫn còn nguyên trọn vẹn. Những ai sẵn sàng hiến mạng sống vì Đức Kitô, sẽ lại tìm thấy được nó, một sự sống được biến đổi sau cái chết.

Máu và nước mắt đã hòa lẫn trong tấn thảm kịch này. Cũng như cuộc sống của gia đình chúng ta, đôi khi cũng bị vây hãm bởi những mất mát bất ngờ và đau xót, với khoảng trống không thể khỏa lấp được, đặc biệt khi con cái của chúng ta qua đời.

Lòng thương xót có nghĩa là biến anh chị em thành người thân cận, những người đang trong cơn đau buồn và cảm thấy bất an. Thật là một lòng bác ái cao cả khi ta biết chăm sóc cho những ai đang chịu đau khổ nơi thân xác tổn thương, nơi tinh thần sa sút, nơi linh hồn tuyệt vọng. Tình yêu bao giờ cũng là một bài học cao cả mà Đức Giêsu và Mẹ Maria để lại cho chúng ta. Đó là sứ mạng an ủi anh chị em trong cuộc sống hàng ngày, một sứ mạng được trao ban trong chúng ta trong cái ôm thành tín giữa Đức Giêsu chịu chết và Đức Mẹ sầu bi của Ngài.

Chặng thứ XIV: Ngôi mộ mới 

”Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Dothái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó.” (Ga 19,41-42)
Khu vườn, nơi có ngôi mộ mai táng Đức Giêsu, nhắc nhớ chúng ta về một khu vườn khác: Vườn Êđen. Một khu vườn đã bị mất đi nét đẹp và trở thành nỗi sầu khổ, nơi chết chóc và không còn sự sống nữa bởi sự bất tuân của con người. Những nhành cây hoang dại vốn ngăn cản chúng ta hít thở thánh ý Thiên Chúa, cũng như sự gắn bó với tiền tài, danh vọng, lối sống phóng đãng, giờ đây đã bị cắt bỏ và đính chặt vào gỗ cây Thập Giá. Đây là khu vườn mới: cây thánh giá được cắm vào thế gian!

Trên cao ấy, Đức Giêsu đã mang lại tất cả cho cuộc sống. Một lần nữa, từ nơi hố thẳm địa ngục, nơi Satan đã giam giữ rất nhiều linh hồn, tất cả mọi sự đã bắt đầu được phục hồi. Ngôi mộ tượng trưng cho cái kết của con người xưa cũ. Cũng giống như Giêsu và tất cả chúng ta, Thiên Chúa đã không để cho con cái mình phải chịu hình phạt là cái chết đời đời. Trong cái chết của Đức Kitô, vương quyền của sự dữ, thứ vương quyền đặt nền trên tham vọng và con tim cứng cỏi, bị bẻ gãy.

Cái chết sẽ tước đoạt hết mọi thứ của chúng ta, làm cho chúng ta hiểu rằng đấy là lúc chúng ta phơi bày ra điểm dừng của sự hiện hữu của chúng ta trên thế gian này. Nhưng trước thân xác Đức Giêsu, một thân xác chịu mai táng trong mồ, chúng ta ý thức được chúng ta là ai. Chúng ta là những thụ tạo cần đến Đấng Tạo Hóa của chúng ta để không phải chết. Sự thinh lặng đang phủ kín khu vườn cho phép chúng ta lắng nghe được thanh âm của làn gió nhẹ: ”Ta là Đấng hằng sống và ta luôn ở với các con” (Xh 3,14) Tấm màn trướng trong đền thờ đã bị xé toạt ra. Cuối cùng, chúng ta cũng được thấy dung nhan của Thiên Chúa chúng ta. Chúng ta biết được tên đầy đủ của Người: lòng thương xót và sự trung tín, để ta không còn phải bối rối sợ hãi dù khi phải đối diện với cái chết vì Con Thiên Chúa đã được giải thoát giữa những người chết (X. Tv 88,6)

(RadioVaticana 17.04.2014)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons