Từ “Thầy” có nguồn gốc Hán tự: Sư, có nghĩa là… thầy. “Thầy có nhiều nghĩa. Thầy thường là người đàn ông (vì cũng có khi trong dân gian có bà thầy), là người:
- Có trình độ (chuyên môn nào đó) hơn người: Bậc thầy, thầy lang, thầy thuốc, thầy ký, thầy bói, thầy cúng…
- Cha, người sinh ra mình (Ở một số làng xã miền Bắc): Thầy mẹ, thầy u, thầy bu…
- Đi tu: thầy tu, thầy chùa, thầy dòng, thầy bốn, thầy xứ…, thầy cả (linh mục), đức thầy (giám mục).
- Dạy học: thầy giáo: Trọng thầy mới được làm thầy.
2. GIÁO
Giáo có nghĩa là dạy dỗ, thường là người trên, dạy dỗ người dưới.
- “Giáo bất nghiêm, sư chi nọa” (dạy dỗ không nghiêm, thầy có lỗi).
- “Dưỡng nam bất giáo, bất như dưỡng trư, dưỡng nữ bất giáo, bất như dưỡng lư” (nuôi con trai mà không dạy dỗ, không bằng nuôi con lợn, nuôi con gái mà không dạy dỗ, không bằng nuôi con lừa).
- Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.
3. THẦY GIÁO
- Đúng ra, có thể và nên gọi thầy cô giáo là giáo sư. Rất tiếc, ngày nay người ta gọi thầy cô giáo là giáo viên. (Chữ viên rất xa lạ với chữ thầy. Theo Đào Duy Anh: “người giữ làm một việc gọi là viên”, như nhân viên, học viên, vận động viên, huấn luyện viên…). Còn giáo sư (có cả phó giáo sư nữa), ngày nay là một học hàm phải được nhà nước phong tặng, Trong khi ở những ngành nghề khác được gọi là sư một cách đại trà. Về kỹ thuật: kỹ sư; về kiến trúc: kiến trúc sư; về một công trình nào đó: công trình sư…, thậm chí người làm nghề coi bói được gọi là bốc sư, người dạy tại nhà người học được gọi là gia sư…, nhưng người dạy học thực sự, thầy giáo thì lại không được gọi là (giáo) sư, mà chỉ là (giáo) viên thôi.
- Ở một làng kia, lần đầu được nghe người ta gọi: giáo Xuân, giáo Hạ, giáo Thu, giáo Đông…, tôi thấy lạ tai. Nhưng sau này tôi hiểu đó là cách gọi thân mật những người dạy học có vai vế thấp hơn mình, ở hàng em, cháu thôi..
- Khi muốn gọi ai đó làm nghề dạy học, người ta thêm một danh từ nhân xưng trước từ giáo: ông giáo, bà giáo, cô giáo, thầy giáo…
- Có các cặp tương quan giữa từ thuần Việt và Hán Việt: nhà văn = văn gia, nhà thơ = thi gia, nhà Phật = Phật gia… nhưng có từ “nhà giáo” mà không hề có “giáo gia”.
- 53 năm trước đây, mới học lớp nhì (lớp bốn bay giờ) tôi bị bố tôi bắt nằm sấp, đánh 3 roi. Người bảo: “Đánh cho mà nhớ”. Tôi vẫn nhớ đến nay, và sẽ nhớ đến hết đời. Số là khi thầy dạy tôi đến thăm nhà, thầy bu tôi chào: “Chào thầy giáo ạ”. Tôi khoanh tay chào theo: “Chào thầy giáo ạ”. Sau đó thầy (cha) tôi mắng: “Học trò chỉ được chào người dạy mình là thầy thôi. Chào thầy giáo là hỗn”. Thật vậy, như đã nói ở trên, “thầy giáo” là một nghề, còn “thầy” là người dạy dỗ mình, là bề trên, người mà thời xưa, đứng thứ nhì trong tam cương, trên cha, dưới vua: quân, sư, phụ.
- Ngày nay, trong các buổi lễ khai giảng, sơ kết, tổng kết, ngày Nhà giáo Việt Nam… thường có phần phát biểu của học sinh, có khi được đưa lên truyền hình, truyền thanh và các phương tiện truyền thông khác, cả trung ương và địa phương. Những bài phát biểu ấy, có khi do học sinh soạn, nhưng thường do các thầy cô giáo viết, phần mở đầu luôn luôn có đủ thứ kính thưa, trong đó có một cái gạch đầu dòng: “- Kính thưa các thầy cô giáo”. Tôi cho rằng: Ai viết cho học sinh như thế đều đáng bị bắt nằm sấp, đánh 3 roi. “- Kính thưa quý (hay các) thầy cô”, thế thôi, là cần, đủ và đúng.
4. THAY LỜI KẾT
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi viết mấy dòng tản mạn này, xin được xem như lời chúc mừng tất cả các thầy cô giáo, đặc biệt các thầy cô của tôi.
ngulãonhân
lamhong.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét