HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

HÃY GIỚI THIỆU VỚI MỌI NGƯỜI VẺ ĐẸP CỦA HỘN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH


Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đại hội về Gia đình:
WHĐ (28.10.2013) – Trong khuôn khổ Năm Đức Tin 2012-2013, Hội đồng Toà Thánh về Gia đình đã tổ chức Đại hội toàn thể tại Rôma, trong hai ngày 24 và 25 tháng Mười 2013. Đại hội diễn ra với chủ đề: “Gia đình sống niềm vui đức Tin” nhằm nhìn lại và thúc đẩy những sáng kiến sống đức Tin trong các gia đình Công giáo, đồng thời cũng đánh dấu 30 năm ra đời Hiến chương về các Quyền của gia đình (1983-2013). Hiến chương được Toà Thánh công bố ngày 22-10-1983, khẳng định các quyền của gia đình phải được tôn trọng, bảo vệ và thực thi. Kỷ niệm 30 năm ngày Toà Thánh ban hành Hiến chương, Đức Tổng giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Gia đình khẳng định: “Hiến chương là một lời kêu gọi mang tính tiên tri trong việc ủng hộ cho định chế gia đình, vốn phải được tôn trọng và bảo vệ khỏi  bị tước đoạt dưới mọi hình thức”.
Sáng 25-10 tại Hội trường Clementine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các đại biểu tham dự Đại hội.
Sau đây xin lược dịch huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến.
* * *
Kính thưa quý Đức Hồng y,
Quý anh em trong hàng giám mục và linh mục,
Anh chị em thân mến,
Tôi chào mừng anh chị em nhân dịp Đại hội toàn thể lần thứ 21 Hội đồng Toà Thánh về Gia đình, và cảm ơn Đức Tổng giám mục Chủ tịch Vincenzo Paglia đã phát biểu giới thiệu cuộc gặp gỡ của chúng ta.
1. Điểm đầu tiên tôi muốn dừng lại là: gia đình là một cộng đồng sự sống có một nền tảng tự tại. Như Chân phước Gioan Phaolô II đã viết trong Tông huấn Familiaris consortio, gia đình không phải tổng số những con người gộp lại mà là một “cộng đồng các ngôi vị” (các số 17, 18).
Đó là nơi con người học biết yêu thương, trung tâm tự nhiên của đời sống con người. Gia đình được tạo nên từ những khuôn mặt, từ những con người đang yêu thương, trò chuyện, hy sinh cho nhau và bảo vệ sự sống, nhất là những người yếu đuối, mong manh nhất. Nói gia đình là động lực của thế giới và lịch sử thì chẳng có gì quá đáng. Nhân cách của mỗi người chúng ta được xây dựng từ trong gia đình, trưởng thành nhờ cha mẹ, anh chị em mình, hít thở bầu khí ấm áp của gia đình. Gia đình là nơi chúng ta được nhận một tên gọi, là nơi của mọi tình thương mến và là không gian thân mật, là nơi chúng ta học cách đối thoại và giao tiếp giữa con người với con người. Trong gia đình con người dần ý thức về phẩm giá của mình, và nhất là khi được hưởng nền giáo dục Kitô giáo sẽ biết nhìn nhận phẩm giá nơi mỗi con người, đặc biệt người ốm đau, yếu đuối, bị loại trừ.
Tất cả những điều nói trên đây làm nên cộng đồng gia đình cần phải được nhìn nhận, nhất là ngày nay vốn đề cao việc bảo vệ các quyền của cá nhân. Vì thế Đại hội của anh chị em đã thực hiện việc rất tốt đẹp là thúc đẩy sự lưu tâm đặc biệt đến Hiến chương về các quyền của gia đình được công bố cách nay đúng 30 năm, vào ngày 22 tháng Mười 1983.
2. Chúng ta sang điểm thứ hai: gia đình được xây dựng trên nền tảng hôn nhân. Qua hành vi yêu thương được thực hiện với sự tự do và lòng trung tín, các đôi vợ chồng Kitô hữu minh chứng hôn nhân, với tư cách là một bí tích, là nền tảng xây dựng gia đình, củng cố vững chắc sự phối hợp vợ chồng và tự hiến cho nhau. Hôn nhân như vậy đã là bí tích đầu tiên của của loài người, là nơi con người khám phá chính mình, hiểu bản thân mình trong tương quan với tha nhân và trong mối liên hệ với tình yêu, nghĩa là có khả năng nhận lãnh và trao ban. Tình yêu vợ chồng và gia đình cũng cho thấy một cách rõ ràng con người được kêu gọi sống yêu thương theo một con đường độc đáo và mãi mãi, đồng thời cũng cho thấy những thử thách, hy sinh, khủng hoảng của vợ chồng, cũng như gia đình, là cả một hành trình trưởng thành trong chân, thiện, mỹ. Trong hôn nhân, con người hoàn toàn tự hiến, không chút so đo tính toán, chia sẻ mọi sự cho nhau, những món quà và những hy sinh, đặt niềm tín thác vào Chúa Quan phòng. Đó chính là kinh nghiệm người trẻ cần học hỏi nơi cha mẹ, ông bà. Đó là kinh nghiệm tin vào Chúa và tín cậy lẫn nhau, kinh nghiệm về tự do sâu thẳm, về thánh thiện, bởi vì thánh thiện là biết tự hiến với niềm tín trung và hy sinh mạng sống mình mỗi ngày!
Trong đời sống hôn nhân cũng có những vấn đề. Luôn luôn có những cách nhìn khác nhau, những ghen tị, cãi cọ. Cũng phải nói với các đôi vợ chồng trẻ: đừng bao giờ để một ngày kết thúc mà chưa làm lành với nhau. Chính nhờ biết làm hoà với nhau sau mỗi lần cãi vã, hiểu lầm, ghen ngầm, và kể cả phạm tội nữa, mà làm mới lại bí tích hôn nhân. Biết làm hoà với nhau sẽ mang lại sự hiệp nhất trong gia đình. Phải nói điều đó cho các bạn trẻ, các đôi vợ chồng trẻ, dù biết không dễ thực hiện nhưng đó là một con đường đẹp, rất đẹp. Cần phải nói cho các bạn trẻ con đường tốt đẹp đó!
3. Bây giờ tôi muốn đề cập ít nhất hai giai đoạn của đời sống gia đình: tuổi thơ và tuổi già. Trẻ em và người già là hai cực của sự sống và đều dễ bị tổn thương và dễ bị lãng quên nhất. Một xã hội bỏ rơi trẻ nhỏ và gạt người già ra ngoài thì tự cắt đứt cội rễ của mình và khiến tương lai trở nên mù mịt. Mỗi lần có một đứa trẻ bị bỏ rơi và một cụ già bị gạt ra ngoài lề thì không chỉ gây ra điều bất công mà chắc chắn đã làm cho xã hội trở nên suy thoái. Chăm sóc các trẻ nhỏ và người già là đã chọn đứng về phía văn minh.
Tôi vui mừng được biết Hội đồng Toà Thánh về Gia đình đã chọn bức icôn Dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ làm biểu tượng mới về gia đình. Bức tranh thể hiện Đức Mẹ và Thánh Giuse bế Hài nhi lên Đền thờ để chu toàn bổn phận như Luật dạy, ngoài ra còn có hai cụ già Simêon và Anna, được Thánh Thần thúc đẩy, đã nhận Hài nhi làm Đấng Cứu thế. Tên của bức icôn mang ý nghĩa: “Lòng thương xót của Chúa từ đời nọ đến đời kia”. Một Giáo hội biết chăm sóc trẻ thơ và người già thì trở thành người Mẹ của mọi thế hệ tín hữu, đồng thời phục vụ xã hội nhân loại để tinh thần thương yêu, tinh thần của gia đình và sự liên đới giúp mọi người biết tái khám phá tình phụ tử và mẫu tử của Thiên Chúa.
“Tin Mừng” về gia đình là một phần quan trọng của công cuộc Phúc âm hoá mà các Kitô hữu có thể thông truyền cho mọi người qua việc làm chứng bằng đời sống. Rõ ràng các Kitô hữu đang thực thi điều đó trong một thế giới đã bị thế tục hoá: người ta nhận ra các gia đình Kitô hữu đích thực qua sự trung tín, nhẫn nại, biết quảng đại đón nhận sự sống, kính trọng người già… Bí quyết của mọi điều vừa nói là có Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình. Vậy với thái độ tôn trọng và lòng can đảm, chúng ta hãy đề nghị với mọi người vẻ đẹp của hôn nhân và vẻ đẹp của gia đình rạng ngời ánh sáng Tin Mừng! Vì vậy, chúng ta hãy lấy sự quan tâm và lòng thương mến đến với những gia đình đang gặp khó khăn, đến với những ai đang phải lìa xa quê hương, tâm hồn tan nát, không nhà cửa, không việc làm, hoặc những ai đang chịu đau khổ vì nhiều lẽ; đến với những đôi vợ chồng đang gặp khủng hoảng và những người hiện đã chia tay nhau. Chúng ta muốn đến bên tất cả những anh chị em đó.
Anh chị em thân mến, chúc công việc của anh chị em trong cuộc Đại hội này trở thành một đóng góp quý báu cho Thượng Hội đồng khoá ngoại lệ bàn về gia đình sắp tới. Cảm ơn anh chị em về sự đóng góp đó. Tôi trao phó anh chị em cho Thánh gia Nadarét và thân ái chúc lành cho anh chị em.
 
Thành Thi
hdgmvn.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons