“Chúng ta nghi ngờ sau một thời gian dài bắt bớ mà vẫn còn khoảng 10.000 người nhớ đến đức tin Công giáo trong lòng. Nhưng tôi thấy khó tin có một Giáo hội bí mật có tổ chức ở Bắc Hàn”, linh mục Lee Eun-hyung, tổng thư ký “Ủy ban Hòa giải người Triều Tiên” của Công giáo, nói trong một cuộc phỏng vấn với Aid to the Church in Need (quỹ hỗ trợ công tác mục vụ ở những nơi người Công giáo bị ngược đãi).
Trong cuộc phỏng vấn, cha Eun-hyung miêu tả cảnh sống bi thảm của người dân Bắc Hàn và nói về các chuyến đi của ngài, chuyến cuối cùng là chuyến thăm thủ đô Bắc Hàn vào năm 2011. “Trong mỗi chuyến đi, tôi dâng lễ tại nhà thờ Công giáo “Jangchung”, lấy tên theo tên quận trong thành phố này, và có tín hữu Bắc Hàn tham dự. Thế nhưng, các nhà chức trách Bắc Hàn nói với tôi rằng nghiêm cấm tôi và những người làm việc với tôi tiếp xúc riêng với công dân nước này”. Cha Eun-hyung giải thích nhà thờ Jangchung có một không hai vì giáo dân của nhà thờ do một giáo dân cử hành phụng vụ Lời Chúa hướng dẫn vào mỗi Chủ nhật”. Điều này hẳn là đúng vì “theo tôi biết, hiện nay không có linh mục nào sống ở Bắc Hàn”, ngài nói.
Khi được hỏi còn bao nhiêu người Công giáo ở Bắc Hàn, cha Eun-hyung trả lời: “Khó nói lắm. Chính quyền Bắc Hàn nói với chúng tôi rằng có 3.000 người Công giáo trong nước này. Nhưng chúng tôi không biết con số này có đúng không, hay làm sao họ có được con số đó”. Lần cuối cùng có được con số thống kê chính xác là vào năm 1945, khi Triều Tiên bị chia thành hai miền Nam, Bắc. “Theo tài liệu trước đây cho thấy có khoảng 50.000 người Công giáo sống ở miền bắc trước khi đất nước bị phân chia. Công tác thừa sai hoạt động rất mạnh xuất phát từ đây. Chẳng hạn, mẹ của nhà độc tài Kim Il-sung (1948-1994) xuất thân từ một gia đình Tin lành rất sùng đạo”, vị linh mục kể. Vào lúc đó cũng có nhiều nhà thờ Kitô giáo, nhưng hầu như tất cả - ngoại trừ nhà thờ Jangchung – đã bị phá hủy trong cuộc chiến 1950-1953 hay được dùng vào các mục đích khác dưới chế độ này.
Ngày nay, Bắc Hàn là một trong những nước đứng đầu về tước đoạt quyền tự do tôn giáo, nhưng mặc dù xảy ra bách hại tôn giáo trong nhiều năm qua, cha Eun-hyung tin rằng “vẫn còn khoảng 10.000 người còn nhớ đức tin Công giáo trong lòng”. Điều này có thể được xác nhận qua các lời chứng của một số người tị nạn Bắc Hàn, họ kể những phụ nữ lớn tuổi ngồi thành vòng tròn đếm hạt đậu và thì thầm như thể là họ đang lần hạt vậy. Nhưng vị linh mục khẳng định không chắc có một Giáo hội bí mật tồn tại ở Bắc Hàn, mặc dù một số người nói có một Giáo hội gần biên giới với Trung Quốc.
“Khi bước qua đường biên giới bằng xe tải, tôi thấy như mình đang đi trong một cỗ máy thời gian. Tôi cảm thấy như trở lại từ 40- 50 năm về trước ... ngoài vấn đề lớn về lương thực, Bắc Hàn còn rất thiếu nhiên liệu”, cha Eun-hyung nhận xét. “Vì thế nhiều người Bắc Hàn lên núi chặt cây làm củi đốt. Do đó núi ở Bắc Hàn đang ngày càng trở thành đồi trọc, dẫn tới gia tăng các trận thiên tai như lũ lụt và lở đất, gây tổn hại về nông nghiệp và càng làm cho vấn đề lương thực trầm trọng hơn. Để người dân không phải ngồi trong trời lạnh, chúng tôi mở các hoạt động mùa đông vào năm 2007 và cho đến nay chúng tôi đã dùng xe tải đưa được 300.000 bánh than đá đến gần vùng Kaesong, cách đường ranh giới quân sự một vài cây số”, ngài cho biết. Ngài kể thêm mặc dù “tiếp xúc riêng với cư dân Bắc Hàn bị nghiêm cấm”, nhân viên tình nguyện cuối cùng cũng nói chuyện được với người dân địa phương và lắng nghe những vấn đề của họ.
Nhưng hồi tháng 5-2010, “chính quyền tại Seoul đình chỉ công tác cứu trợ Bắc Hàn. Vào lúc này, những nỗ lực cứu trợ Bắc Hàn của chúng tôi phải tạm hoãn. Ngay khi hết vụ khủng hoảng này, chúng tôi sẽ đợi cho đến khi chính sách về Bắc Hàn ở Hàn Quốc thay đổi so với chính sách của chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak (năm 2008 đến tháng 2-2013)”, vị linh mục nói. Ủy ban Hòa giải người Triều Tiên liên tục nhận được yêu cầu trợ giúp thông qua Hội Công giáo Joseon, tổ chức duy nhất được chế độ Kim Jong-uk công nhận. Và nhà thờ Jangchung cần nâng cấp gấp.
Sau nhiều tháng căng thẳng, gần đây Bắc Triều Tiên tỏ ý muốn nối lại đàn phán với Seoul. Cha Eun-hyung tin rằng đối thoại giữa hai miền Triều Tiên là giải pháp duy nhất. Các vụ căng thẳng này khiến cho cuộc sống của người dân Bắc Hàn khổ hơn, và kinh tế của Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng. “Để thoát khỏi cảnh ác mộng này, Hàn Quốc và Bắc Hàn cần đối thoại và thỏa thuận, cộng tác và giao lưu”, cha Eun-hyung kết luận.
Nguồn: Vatican Insider/La Stampa
Nhân viên Vatican Insider, Hàn Quốc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét