Giáo Hoàng thoái vị - Một động lực sâu xa mãnh liệt ... còn hơn làm giáo hoàng?
Thế giới nói chung và Kitô hữu nói riêng, đặc biệt là tín hữu Công giáo Việt Nam, không ai có thể ngờ được rằng ngay vào Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2/2013, ngày mùng 2 Tết Âm Lịch, vị giáo hoàng thứ 265 của Giáo Hội Công Giáo công khai tuyên bố rằng ngài chính thức từ nhiệm vào cuối tháng 2/2013, ngày 28, vào lúc 8 giờ tối.
Thật là một tin như sét đánh. Phải chăng chính vì thế mà chỉ mấy tiếng đồng hồ sau lời tuyên bố này của ngài, tức vào lúc 6 giờ chiều địa phương Rôma, cùng ngày Thứ Hai 11/2/2013, đã xuất hiện một tia chớp lóe lên trên đỉnh Đền Thờ Thánh Phêrô? Hay là một điềm trời báo hiệu gì đây... liên quan đến chung Giáo Hội và thế giới, trong đó có vị giáo hoàng từ nhiệm lẫn vị giáo hoàng thừa nhiệm??
Thật vậy, Thứ Hai, ngày 11/2/2013, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, VIS (Vatican Information Service) của Tòa Thánh đã thông tin cho biết rằng vào lúc kết thúc đặc nghị về các án phong thánh, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chính thức thông báo về việc thoái vị giáo hoàng của ngài, nguyên văn như sau:
"Tôi đã triệu tập quí huynh đến Đặc Nghị này chẳng những cho 3 án phong thánh mà còn để thông đạt cùng quí huynh một quyết định rất quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội. Sau nhiều lần kiểm điểm lương tâm trước nhan Thiên Chúa, tôi đã tiến đến chỗ tin tưởng rằng sức khỏe của tôi, vì tuổi già, không còn thích hợp với việc thi hành đầy đủ thừa tác vụ Thánh Phêrô nữa. Tôi biết rõ là thừa tác vụ này, theo bản chất thiêng liêng thiết yếu của nó, cần phải được thi hành chẳng những bằng lời nói và việc làm mà còn bằng không ít nguyện cầu và đau khổ. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, một thế giới đang bị chi phối bởi quá nhiều thay đổi nhanh chóng và bị giao động bởi những vấn đề liên quan sâu xa đến đời sống đức tin, để lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô cũng như để loan truyền Phúc Âm, đều cần đến cả sức khỏe về tâm trí lẫn thể xác, những gì mà trong ít tháng gần đây đối với tôi đã suy yếu nơi tôi. Vì lý do này và với ý thức rõ ràng về tính cách hệ trọng của tác động đây, tôi hoàn toàn tự do để tuyên bố rằng tôi xin từ nhiệm thừa tác vụ Giám Mục Rôma, từ nhiệm sứ vụ Thừa Kế Thánh Phêrô, được ủy thác cho tôi bởi các vị Hồng Y vào ngày 19/4/2005, như thế, kể từ ngày 28/2/2013, vào lúc 8 giờ tối, Tòa Thánh Rôma, Tòa Thánh Phêrô, sẽ trở thành trống ngôi, và một Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập để các vị có thẩm quyền tuyển chọn vị tân Giáo Hoàng.
"Quí Huynh thân mến, tôi rất chân thành cám ơn tất cả lòng yêu thương và hoạt động mà quí huynh đã trợ giúp tôi thi hành thừa tác vụ của tôi và xin tha thứ cho tất cả những khiếm khuyết thiếu sót của tôi. Giờ đây chúng ta hãy ký thác Hội Thánh cho sự chăm sóc của Vị Mục Tử Tối Cao của chúng ta là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cùng nài xin cùng Người Mẹ thánh của Người, để Mẹ hỗ trợ các vị Nghị Phụ Hồng Y bằng mối quan tâm từ mẫu của Mẹ, trong việc chọn một vị tân Giáo Hoàng. Riêng về bản thân của mình, tôi cũng muốn thiết tha phục vụ Hội Thánh Chúa trong tương lai bằng một đời sống chuyên tâm nguyện cầu".
Vị linh mục Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh đồng thời cũng cho biết thêm như sau Đức Thánh Cha “sẽ chuyển đến Castel Gandolfo vào ngày 28/2, và một khi ngài hoàn tất các công việc ngài đã làm dở dang thì ngài sẽ đến ở trong một đan viện kín trước đây tại Vatican. Tiến trình cho việc tuyển bầu một vị tân Giáo Hoàng sẽ được bắt đầu vào ngày 1/3. Chúng tôi chưa biết chính xác ngày mật nghị hồng y, thế nhưng hiển nhiên là không cần phải đợi 8 ngày chính thức thương khóc sau cái chết của một vị Giáo Hoàng… Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ không đóng một vai trò gì trong mật nghị hồng y Tháng 3 tới đây, cũng không quản trị Giáo Hội trong thời gian giữa các vị giáo hoàng, thời gian trống ngôi – Sede Vacante. Tông Hiến ‘Universi domicici gregis’ không trao vai trò cho vị giáo hoàng đang cai quản trong trường hợp chuyển tiếp. Cá nhân tôi, tôi đã nhận được thông báo về việc từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng bằng tấm lòng khâm phục sâu xa, về sự dũng cảm cả thể của việc từ nhiệm này, đối với sự tự do trong tinh thần của Đức Thánh Cha cũng như đối với mối quan tâm lớn lao về trách nhiệm thừa tác vụ của ngài. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cống hiến cho chúng ta một chứng từ cao cả về sự tự do thiêng liêng, về đức khôn ngoan cao cả liên quan đến việc quản trị của Giáo Hội trong thế giới ngày nay”.
Lịch sử Giáo Hội cho thấy, ngoại trừ một số trường hợp không được rõ ràng, chẳng hạn về Đức Marcellinus (296-304), Đức Silverius (536-537), Đức Gioan XVIII (1003-1009), và Đức Benedict IX (1032-1044, 1045, 1047-1048), thì Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là vị giáo hoàng tự ý thoái vị thứ 4. Vị đầu tiên là Đức Pontian (230-235) tự ý thoái vị vào ngày 28/9/235, vì lý do trong thời kỳ bách hại đạo kinh khiếp của Hoàng Đế Maximinus Thrax ngài bị đày ải đến những hầm mỏ ở Sardina và biết chắc mình không thể sống sót trở về, trong khi đó Giáo Hội không thể vắng bóng chủ chăn trong một thời gian dài vô hạn định. Vị thứ hai là Đức Celestine V (1294), vị cảm thấy bị chính quyền Charles II ở Sicily điều khiển nên đã tự ý chính thức thoái vị vào ngày ngày 13/12, với một giáo triều dài 5 tháng. Vị thứ ba là Đức Gregorio XII (1406-1417) tự ý thoái vị vì lợi ích chung của Giáo Hội thời bấy giờ, để Công Đồng Constance có thể chọn một vị khác chính thức thay thế ngài là Đức Martin V, hầu chấm dứt tình trạng Ly Giáo Tây Phương với hai vị giáo hoàng giả.
Tuy nhiên, việc Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đột nhiên tự ý tuyên bố từ nhiệm, một tuyên bố làm sững sờ cả quốc tế lẫn thế giới Kitô giáo, khiến cho truyền thông và một số bộ óc tò mò không khỏi thắc mắc và có những suy đoán khác với những gì được chính ngài công khai bày tỏ. Những gì ngài nói vào lúc kết thúc buổi mật nghị cho 3 án phong thánh hôm Thứ Hai ngày 11/2/2013 thì lý do chính yếu khiến ngài cảm thấy lương tâm không thể cho phép ngài tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội nữa và cần phải thoái vị cho một vị khác xứng đáng hơn đó là vì ngài thấy một tình trạng có thể gọi là một cái "gap - khoảng cách" bất khả lấp giữa nhu cầu khẩn trương quan thiết của Giáo Hội trong một thế giới tân tiến đầy biến động mau chóng ngày nay so với sức khỏe trong ngoài của ngài cần phải có để đáp ứng nhưng lại càng trở nên suy yếu trong mấy tháng vừa qua.
Việc ngài tự ý từ nhiệm với một giáo triều mới gần 8 năm trời và hầu như chẳng ai nghe thấy ngài bị bệnh bao giờ từ ngày lên ngôi giáo hoàng, nếu so sánh với vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II bệnh hoạn nhưng tiếp tục phục vụ cho một giáo triều dài 26 năm rưỡi của ngài thì quả thực quyết định của ngài là một quyết định phải nói là hết sức lạ lùng. Bởi vì vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của ngài cương quyết theo đuổi ơn gọi làm vị thừa kế Thánh Phêrô đại diện Chúa Kitô trên trần gian cho tới hơi thở cuối cùng, cho dù được khuyên là từ nhiệm, thậm chí bị chỉ trích là tham quyền cố vị, bị bệnh hoạn triền miên sau khi bị ám sát chết hụt ngày 13/5/1981, nhất là những ngày tháng cuối đời đầu năm 2005. Chính Hồng Y Joseph Ratzinger, vị kế nhiệm tương lai của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, sau lần viếng thăm ngài ở bệnh viện hôm 1/3/2005, đã bày tỏ trên Đài Phát Thanh Vatican lòng cảm phục của mình trước tấm gương chịu đựng khổ đau của vị tiền nhiệm như sau:
v “Mẫu gương của một vị Giáo Hoàng khổ đau là những gì rất quan trọng và chúng ta đã chứng kiến thấy nó trong những năm qua: Chịu đựng khổ đau là một đường lối đặc biệt của việc rao giảng. Vì có nhiều bức thư đã gửi đến cho tôi, cũng như có nhiều chứng từ trực tiếp mà tôi đã hiểu được rằng nhiều người đang chịu khổ hiện nay cảm thấy cuối cùng họ đã được chấp nhận. Hiệp hội thành phần bị bệnh lẩy bẩy đã viết cho tôi để cám ơn ĐGH, vì nó giúp các bệnh nhân phục hồi thực sự hình ảnh của họ, khi ĐTC công khai can đảm tỏ ra là một con người chịu đựng khổ đau mà vẫn tiếp tục làm việc. Đức Gioan Phaolô II đã thông đạt cho chúng ta nhiều điều qua việc chịu đựng khổ đau của Người, một thứ đau khổ như là một đoạn đường hành trình của cuộc sống và là một thứ khổ đau ngài thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô. Khi chúng ta chia sẻ khổ đau với Chúa và sống khổ đau với tất cả những ai đau khổ trên thế giới, khổ đau có một giá trị cao cả và có thể là một cái gì tích cực. Nếu chúng ta chú ý tới hoạt động và đời sống của vị Giáo Hoàng này, chúng ta hiểu rằng đó là một sứ điệp quan trọng, nhất là trong một thế giới đang có khuynh hướng phủ lấp hay tẩy chay khổ đau là những gì không thể loại trừ nổi"
Trước tấm gương hiển nhiên và đáng noi theo như thế của vị tiền nhiệm được chính ngài công nhận, thế mà tại sao Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vẫn cương quyết thoái vị? Đâu là động lực chính yếu cho tác động khác biệt này của ngài với vị tiền nhiệm. Căn cứ vào lời của ngài thì động lực chình yếu đó là vì lợi ích chung của Giáo Hội trong giai đoạn này. Trước nhan Chúa, cả hai vị giáo hoàng đều sống theo lương tâm của mình, đều nghĩ đến Giáo Hội và hoàn toàn vì Giáo Hội, nhưng một vị tiếp tục cho tới cùng còn vị kia thì không. Kinh nghiệm và tâm lý cho thấy đời sống con người (bao gồm suy tư, phán đoán, quyết định, tác hành và phản ứng) của con người bị chi phối bởi bản chất tự nhiên của mỗi người nữa. Căn cứ vào những gì liên quan đến Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nhất là trong thời gian ngài làm giáo hoàng, người ta thấy ngài dường như thiên về nội tâm hơn hoạt động.
Trước hết, ngài lấy danh hiệu giáo hoàng là Biển Đức tên của vị tổ phụ đan tu ở Tây Phương, hoàn toàn khác với danh xưng giáo hoàng của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II: “Gioan” - vừa có tính chất nội tâm lẫn Giáo Hội: “Ánh sáng muôn dân – Lumen gentium”, “Phaolô” - vừa bao gồm tính chất hoạt động lẫn truyền giáo: “Vui mừng và hy vọng – Gaudium et spes”. Các giáo huấn của ngài, như 3 bức thông điệp, Deus caritas est (2005), Spe salvi (2007) và Caritas in veritate (2009), đều liên quan đến tu đức (nhân đức sống đạo) hơn là thuần tín lý hay luân lý. Hai văn kiện chính thức khác của ngài cũng mang tính chất nội tâm như thế, đó là Tông Huấn về Thánh Thể Sacramentum Caritatis (2007) và Tông Huấn về Lời Chúa Verbum Domini (2010). Trong khi vị tiền nhiệm là một triết gia về nhân bản liên quan đến thế giới loài người (hướng ngoại) thì ngài là một thần học gia về chân lý liên quan đến Thánh Kinh (hướng nội).
Ngài thích sống âm thầm để nghiên cứu thần học hơn là hoạt động, nên ngài đã từng xin Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II từ nhiệm vai trò làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin mà không được; thậm chí ngài không muốn làm giám mục, không muốn làm giáo hoàng mà chỉ muốn sống theo đặc sủng làm giáo sư thần học của mình (xem Ánh Sáng Thế Gian, Ignatius Press, 2010, ấn bản Anh ngữ, trang 3-5).
Tác phẩm Ánh Sáng Thế Gian này, ở trang 69 còn bao gồm những chi tiết cho thấy trong mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng, Hồng Y Joseph Ratzinger (có lẽ sau khi thấy chiều hướng bản thân ngài sắp trúng tuyển) đã cầu xin Chúa rằng: "Lạy Chúa, xin đừng làm điều ấy cho con! Chúa còn nhiều con người trẻ trung và khá hơn con". Có lẽ trong lời từ nhiệm của ngài liên quan tới vị tân giáo hoàng kế vị được ngài cho rằng sẽ sung sức hơn ngài đã hoàn toàn phản ảnh tâm trạng sắp được bầu làm giáo hoàng của ngài 8 năm trước. Bấy giờ ngài tuy cảm thấy bàng hoàng “tại sao lại là con”, nhưng sau đó ngài đã hoàn toàn phó thác cho Đấng đã chọn ngài.
Chính trong mật nghị bầu giáo hoàng sau khi vị tiền nhiệm của ngài qua đời, như ngài đã tiết lộ vào ngày 25/4/2005 cho 100 ngàn người thuộc phái đoàn đồng hương Đức quốc của ngài trong 500 ngàn người về Roma tham dự Lễ Đăng Quang Giáo Hoàng của ngài rằng, trong mật nghị hồng y bầu giáo hoàng ngài đã nhận được mấy chữ của một vị hồng y khác nhắc ngài về bài ngài giảng khai mạc mật nghị, liên quan đến việc Chúa Kitô kêu gọi Thánh Phêrô theo Người cho dù thánh nhân đã tỏ ra lưỡng lự, thì ngài đã phản ứng như sau:
v “Có lúc tôi đã cầu cùng Chúa rằng ‘xin đừng làm điều này cho con nghe’. Rõ ràng là lần này Chúa đã không nhận lời tôi”.
Bản chất hướng về nội tâm của ngài được thể hiện qua việc ngài sẽ về hưu tại một đan viện kín ở Vatican, và khuynh hướng thích âm thầm nghiên cứu thần học của ngài có thể được tỏ hiện nơi thời gian ngài ở Dinh Castel Gandolfo trước khi vĩnh viễn về hưu ở đan viện kín ấy chăng?
Chắc chắn không thể nào xẩy ra chuyện sau khi từ nhiệm, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chỉ nghỉ ngơi dưỡng bệnh trong khi không có bệnh, hay chỉ suốt ngày tĩnh tâm suy tư cầu nguyện chẳng làm gì khác, hoặc chỉ liên miên tiếp khách để thực hiện các cuộc phỏng vấn như đã xẩy ra với vị ký giả của các tác phẩm “The Ratzinger Report” (1985), “Muối Đất” (1996) và “Ánh Sáng Thế Gian” (2010), hay chỉ tiếp các đấng bậc chức sắc trong tân giáo triều như là một vị cố vấn tối cao cho Tòa Thánh v.v.!
Là một tư tưởng gia kiêm tác giả rất dồi dào phong phú như ngài, vị đã viết trên 50 tác phẩm trước khi làm giáo hoàng, và ngay cả khi làm giáo hoàng còn viết được thêm 3 cuốn nữa, thì làm sao ngài có thể ngồi yên không lợi dụng những giây phút cuối đời vô cùng hiếm quí của mình để chia sẻ tất cả những gì còn chất chứa đầy trong tâm trí của ngài chưa được dịp bày tỏ và lại cũng chính là những gì rất quan thiết đến nền thần học Kitô giáo cả trong tương lai lẫn trong thời đại văn minh tương đối chủ nghĩa duy nhân bản và phá sản đức tin hiện nay chứ?
Vả lại, không còn đóng vai trò làm giáo hoàng nữa thì những gì ngài viết được bao rộng hơn, tự do hơn và dễ dàng diễn đạt hơn, cho dù không có thẩm quyền giáo huấn bằng văn kiện chính thức của một vị giáo hoàng.
Biết đâu ngài đang có một "ơn gọi trong ơn gọi - call within a call ", (như Mẹ Têrêsa Calcutta mãnh liệt cảm nhận thấy nơi bản thân của mẹ vào ngày 10/9/1946 trên chuyến xe lửa từ Calcutta đến Darjeeling, nên đã xin Tòa Thánh cho phép ra khỏi Dòng Loreto đang tu để ra lập một dòng mới là Dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái), đang có một dự án nào đó mà theo ngài rất quan trọng cho tương lai của Giáo Hội về phương diện thần học, (nhờkinh nghiệm làm giáo hoàng mà ngài đã thấy được), hơn là việc ngài chỉ cai trị Giáo Hội bề ngoài, trong khi đó nếu ngài tiếp tục chèo lái Giáo Hội càng ngày càng gay go thì ngài sẽ không còn đủ sức để kiêm cả hai việc một lúc, trái lại, có thể ngài sẽ chết trước khi hoàn thành dự án âm thầm nhưng rất hệ trọng ấy.
Ba tác phẩm về 3 đoạn đời của "Chúa Giêsu Nazarét" (xuất bản năm 2007, 2011, 2012), để chứng minh một sự thật là “nhân vật Giêsu lịch sử“ và “Đức Kitô của đức tin” chỉ là một, nhưng muốn hoàn thành chúng, như chính ngài tự thú (trong lời mở đầu của tập đầu tiên xuất bản năm 2007, trang xxiv, ấn bản Anh ngữ), ngài đã phải giành dụm từng phút (“since my election to the episcopal see of Rome I have used every free moment to make progress on the book”) trong thời gian phục vụ giáo triều của ngài để viết, và viết làm sao cho kịp phổ biến kẻo chết bất ngờ ở tuổi càng già càng yếu của ngài (“I do not know how much more time or strength I am still to be given”), đủ cho thấy cái ưu tiên về thần học nơi ngài cũng không phải là tầm thường và không quan trọng bằng việc quản trị Giáo Hội của Chúa Kitô.
Giáo Hoàng thoái vị - Một Giáo Triều như kiềng 3 chân
Nhìn lại gần 8 năm làm giáo hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy giáo triều của ngài không hẹn mà họ lại có một liên hệ đặc biệt với con số 3 như thế này: 3 ưu tiên, 3 thông điệp, 3 tác phẩm, 3 thượng nghị, 3 biệt niên, 3 vị thánh và 3 biến cố.
Trước hết là 3 ưu tiên được ngài lưu tâm nhất trong giáo triều của ngài đã được ngài minh nhiên xác nhận ngay từ khi mở màn cho giáo triều của ngài, như ngài đã nói với Hồng Y Đoàn ngày 20/4/2005, đó là Truyền Thống Giáo Hội, Đại Kết Kitô Giáo và Đối Thoại Văn Hóa.
1- Truyền Thống Giáo Hội: "Để bắt đầu việc phục vụ xứng hợp với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, tôi cũng muốn mạnh mẽ xác định ý muốn cương quyết của tôi trong việc theo đuổi cuộc dấn thân thực hiện Công Đồng Chung Vaticanô II, theo các vị tiền nhiệm của tôi và trung thành tiếp nối truyền thống hai ngàn năm của Giáo Hội". (đoạn 3)
Thực tế ngài quả thực đã thực hiện các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần, từ ngày 13/5/2006 đến ngày 13/4/2011, trong gần 5 năm, một loạt 138 bài giáo lý có tính cách tông truyền, liên quan đến từng vị thánh đã góp phần vào việc xây dựng niềm tin của Giáo Hội, nhất là bằng văn tự, từ thời các tông đồ cho tới vị tiến sĩ cuối cùng của Giáo Hội là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Về Công Đồng Chung Vaticanô II, vị giáo hoàng cuối cùng của biến cố quan trọng nhất của lịch sử Giáo Hội trong thế kỷ 20 này, vị giáo hoàng khi còn là thần học gia ở độ tuổi trung tuần tam thập nhi lập đã có công trong việc soạn thảo hai Hiến Chế về Mạc Khải và Phụng Vụ của Công Đồng Chung Vaticanô II, (như vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của ngài với Hiến Chế về Giáo Hội và Mục Vụ của công đồng này), luôn nhấn mạnh đến, nhất là trong bài giảng của ngài ngày 11/10/2012 khai mạc cho Năm Đức Tin kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng thứ 21 này của Giáo Hội, tính chất liên tục của truyền thống Giáo Hội chứ truyền thống ấy không bị ngắt quãng hay đứt đoạn giữa hai thời điểm trước và sau công đồng này, như nhiều người chủ trương sai lầm và áp dụng Công Đồng một cách lệch lạc.
2- Đại Kết Kitô Giáo: "Bằng tất cả ý thức và vào lúc mở đầu cho thừa tác vụ của mình ở Giáo Hội Rôma là nơi Thánh Phêrô đã tắm máu, vị Thừa Kế này lãnh nhận, như là quyết tâm chính yếu của mình, quyết tâm không ngừng hoạt động hướng đến việc tái thiết mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của tất cả mọi thành phần môn đệ của Chúa Kitô".
Nơi sứ điệp ngỏ cùng Hồng Y đoàn ngày 20/4/2005 này, ngài đã sử dụng 2 trong 7 đoạn để nói về Thánh Thể (đoạn 4) và từ đó tiến sang vấn đề hiệp nhất Kitô giáo (đoạn 5), bao gồm tâm nguyện thiết tha của ngài như được bày tỏ trên đây. Trong nhiều nỗ lực đại kết, có thể kể đến một số hành động tiêu biểu sau đây: thứ nhất, khi cử hành Lễ Thánh Anrê là quan thày của Giáo Hội Chính Thống Đông phương, trong chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ của mình (28/11-1/12/2006), vào ngày 30/11/2006, ngài đã ký vào một bản tuyên ngôn chung với Đức Thượng Phụ Toàn Cầu Bartholomew I về vấn đề tái liên hệ giao hữu và hòa giải giữa hai Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính Thống Đông Phương. Thứ hai, vào ngày 21/9/2009, ngài đã ban sắc lệnh tha vạ tuyệt thông cho 4 vị giám mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X của Tổng Giám Mục Lefebre đã được vị tổng giám mục này tấn phong vào năm 1988 mà không có phép của Tòa Thánh. Thứ ba, vào ngày 4/11/2009, ngài đã ban hành Tông Huấn "Anglicanorum coetibus - Cộng Đồng Anh Giáo" để thiết lập các giáo phận thể nhân hay riêng tư (personal ordinariates) cho những tín hữu Anh giáo muốn trở lại Công giáo ở khắp nơi trên thế giới, sau khi có trào lưu trở lại của họ vì những thay đổi quá trớn của Giáo Hội Anh giáo (như cho phụ nữ làm linh mục và giám mục, hay tấn phong giám mục đồng tính v.v.)
3- Đối Thoại Văn Hóa: "Tôi sẽ làm hết sức mình và dấn thân theo đuổi việc đối thoại đầy hứa hẹn được những vị tiền nhiệm của tôi khởi sự với những nền văn minh khác nhau, vì nếu có hiểu biết nhau mới tạo điều kiện cho một tương lai tốt đẹp hơn cho hết mọi người”. (đoạn 6)
Thực tế ngài đã đối thoại liên tôn với các tôn giáo, nhất là Do Thái giáo và Hồi giáo. Về Do Thái giáo, vào ngày 5/2/2008, ngài đã thay đổi cách sử dụng từ ngữ "cầu cho Người Do Thái" trong Thứ Sáu Tuần Thánh để tránh đụng chạm và hợp với thần học hơn. Về Hồi giáo, ngài là vị giáo hoàng đầu tiên vào ngày 12/5/2009 tiến vào thăm Cái Vòm Đá Hồi Giáo trên Núi Đền Thờ (Muslim Dome of the Rock on the Temple Mount) trong chuyến tông du Thánh Địa (8-15/5/2009). Ngoài ra, riêng về Hồi giáo, qua biến cố ngày 12/9/2006 ở Đại Học Regensburg Đức quốc, liên quan đến tính chất bạo động của tôn giáo này trong bài nói của ngài, ngài còn phải tiếp tục đối thoại với họ cả hai năm sau, đặc biệt qua hai văn thư chính thức của thành phần trí thức và thẩm quyền của tôn giáo này, lần nhất vào ngày 12/10/2006, 100 học giả và giáo sĩ Hồi giáo đã gửi một Bức Thư Ngỏ cùng Giáo Hoàng, và lần hai vào ngày 11/10/2007, 138 học giả Hồi giáo đã gửi ngài một Bức Thư Ngỏ khác, nhan đề "Một Lời Chung giữa Chúng Tôi và Quí Vị - A Common Word Between Us and You".
Thứ hai là 3 Thông Điệp có tính chất đặc biệt về tu đức, liên quan đến mối liên hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và loài người (Thông Điệp 1) cũng như giữa loài người với Thiên Chúa (Thông Điệp 2) và tha nhân (Thông Điệp 3):
1- Thông Điệp "Thiên Chúa là tình yêu - Deus caritas est" được ban hành vào chính Lễ Giáng Sinh ngày 25/12/2005;
2- Thông Điệp "Niềm hy vọng cứu độ - Spe salvi" được ban hành ngày 30/11/2007, Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng, có ý nghĩa liên quan đến đức tin và đồng nghĩa với đức tin cứu độ;
3- Thông Điệp "Yêu thương trong Chân lý - Caritas in veritate" được ban hành ngày 29/6/2009, Lễ Trọng Kính Hai Thánh Tông Đồ Cả Phêrô và Phaolô, liên quan đức bác ái là yếu tố bất khả thiếu trong tất cả mọi sinh hoạt trần thế nhưng đã bị thiếu hụt nên đã gây ra tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa từng thấy trong lịch sử loài người từ cuối năm 2007 và đầu năm 2008.
Thứ ba là 3 Tác Phẩm, đúng hơn là một tác phẩm duy nhất, tựa đề "Giêsu Nazarét", nhưng được chia làm 3 tập khác nhau:
Tập nhất về một "Giêsu Nazarét" trong giai đoạn từ khi lãnh nhận Phép Rửa ở Sông Dược Đăng (Jordan) đến Biến Hình trên núi Tabor, ấn bản Anh ngữ xuất bản năm 2007;
Tập hai về một "Giêsu Nazarét" trong giai đoạn từ lúc vào Thành Giêrusalem đến Phục Sinh, xuất bản năm 2011; và
Tập ba về một "Giêsu Nazarét" trong thời thơ ấu của ngài, xuất bản vào tháng 11 năm 2012.
Thứ bốn là 3 Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ lần thứ XI, XII và XIII:
1- Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ lần thứ XI, từ ngày mùng 2 tới 23/10/2005, về chủ đề "Thánh Thể là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội", một chủ đề đã trở thành Tông Huấn được ban hành ngày 22/7/2007;
2- Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ lần thứ XII, từ ngày mùng 5 đến 26/10/2008, về chủ đề "Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội", một chủ đề đã trở thành Tông Huấn được ban hành ngày 30/9/2010;
3- Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới lần thứ XIII, từ ngày 7 đến 28/10/2012, mở màn cho Năm Đức Tin (11/10/2012-24/11/2013), về chủ đề "Tân Truyền Bá Phúc Âm hóa để Truyền Đạt Đức Tin Kitô giáo".
Thứ Năm là 3 Biệt Niên, tức 3 năm đặc biệt được mở ra cho Giáo Hội hoàn vũ, (không kể Năm Thánh Thể được Đức Gioan Phaolô II mở kéo dài sang giáo triều của vị thừa kế): Năm Thánh Phaolô, Năm Linh Mục và Năm Đức Tin:
1- Năm Thánh Phaolô, từ ngày 29/6/2008 đến 29/6/2009, kỷ niệm 2000 năm sinh nhật của Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, một năm đặc biệt chú trọng tới chiều kích Đại Kết Kitô Giáo, do đó ngày khai mạc đã có cả Đức Thượng Phụ Toàn Cầu Bartolomew I của Chính Thống giáo;
2- Năm Linh Mục, từ Lễ Thánh Tâm Chúa 19/6/2009 đến Lễ Thánh Tâm 2010, một ngày theo truyền thống giành để đặc biệt cầu cho việc thánh hóa các linh mục, nhân dịp kỷ niệm 150 năm qua đời của Thánh Gioan Vianney, quan thày của các linh mục chính xứ, vị thường nói: "Chức linh mục là mối tình yêu thương của Thánh Tâm Chúa Giêsu", một năm nhằm nhấn mạnh đến việc dấn thân của tất cả mọi linh mục cho vấn đề canh tân nội tâm để trở thành chứng từ cho Phúc Âm trong thế giới ngày nay, nhất là trong giai đoạn xẩy ra hiện tượng linh mục lạm dụng tình dục trẻ em ở Tây phương được công khai hóa từ đầu năm 2002 ở TGP Boston Massachussetts Hoa Kỳ; và
3- Năm Đức Tin, từ ngày 11/10/2012, kỷ niệm đúng 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962) và 20 năm ban hành cuốn Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (11/10/1992), đến ngày 24/11/2013, Lễ Chúa Kitô Vua cũng là lễ kính Các Thánh Tử Đạo vì Đức Tin trên Đất Việt, "để tái nhận thức nội dung của đức tin được tuyên xưng, cử hành, thực hành và cầu nguyện cũng như để phản ảnh nơi tác động của đức tin" (Tông Thư Cửa Đức Tin, đoạn 9).
Thứ Sáu là 3 Vị Thánh ảnh hưởng đến đời sống và tâm tưởng của ngài, đó là Thánh Biển Đức, Thánh Âu Quốc Tinh và Thánh Bonaventura.
Thứ nhất là Thánh Biển Đức, vị thánh được ngài chọn làm danh xưng giáo hoàng của ngài. Tại sao? Trước hết, tự bản chất, là vì ngài thích sống đời nội tâm, đời sống theo tinh thần của các vị đan sĩ mà Thánh Biển Đức là tổ phụ đan tu Tây phương. Sau nữa, vì ngài cảm thấy Âu Châu đang xuống dốc, như được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II cảm nhận và kêu gọi, trong tác phẩm cuối đời "Hồi Niệm và Căn Tính" xuất bản vào đầu năm 2005, Châu Lục này hãy "hồi niệm" mà trở về với "căn tính" của mình, nên cần phải được can thiệp bởi vị Thánh Đệ Nhất Quan Thày của Âu Châu là Thánh Biển Đức, vị thánh đã gây một tác dụng mạnh mẽ đến văn hóa Âu Châu, một văn hóa giờ đây đã trở thành, như vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của ngài nhận định, một thứ "văn hóa chết chóc", và đối với ngài là một thứ văn hóa bị đàn áp bởi tương đối chủ nghĩa độc đoán (dictatorship of relativism). Đúng thế, danh hiệu Giáo Hoàng Biển Đức XVI của vị tân giáo hoàng 265 của Giáo Hội đã cho thấy ngài hướng về vị thánh tổ phụ của đan viện khổ tu, và kêu gọi sống nội tâm, như chính ngài đã kêu gọi cũng trong bài huấn dụ cho buổi triều kiến chung hôm Thứ Tư 27/4/2005. Sau khi nói về Dòng Biển Đức ảnh hưởng đến việc truyền bá Kitô giáo khắp Âu Châu và riêng Thánh Biển Đức hết sức được tôn kính ở Đức quốc, nhất là ở Bavaria là quê hương của mình, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói:
v “Chúng ta biết lời huấn dụ được Vị Tổ Phụ của đan viện tu Tây Phương này để lại cho thành phần đan sĩ của mình đó là ‘Tuyêt đối không coi gì hơn Chúa Kitô’ (Luật Dòng 72:11; xem 4:21). Vào lúc mở đầu cho việc tôi phục vụ như vị Thừa Kế Thánh Phêrô, tôi xin Thánh Biển Đức hãy giúp chúng ta biết cương quyết lấy Chúa Kitô làm tâm điểm của đời sống chúng ta. Chớ gì Người bao giờ cũng là những gì trên hết trong tâm tưởng cũng như trong tất cả mọi hoạt động của chúng ta!”
Thứ hai là Thánh Âu Quốc Tinh, vị thánh được ngài trích dẫn rất nhiều trong các bài nói hay văn kiện của ngài và là vị thánh được ngài nói tới 5 bài trong tổng số 138 bài giáo lý về đức tin tông truyền của giáo hội, hơn cả Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại chỉ có 4 bài. Trong buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần ngày 26/2/2008, bài cuối cùng trong 5 bài nói về Thánh Âu Quốc Tinh, ngài đã xác nhận tầm ảnh hưởng của thánh nhân nơi ngài như sau:
v "Hôm nay tôi muốn trở lại với tiến trình hoán cải nội tâm của ngài, một trong những cuộc hoán cải trọng đại nhất trong lịch sử Kitô giáo. Chính vì cuộc hành trình đặc biệt này mà tôi đã cống hiến những chia sẻ của tôi trong cuộc viếng thăm Pavia năm ngoái, để kính viếng hài cốt của vị Giáo Phụ Giáo Hội này. Làm như vậy là tôi muốn biểu lộ việc ca ngợi và lòng trọng kính của toàn thể Giáo Hội Công Giáo đối với Thánh Âu Quốc Tinh, cũng như lòng mộ mến và việc biết ơn của riêng tôi đối với một nhân vật tôi cảm thấy rất gần gũi vì ngài đã đóng một vai trò trong đời sống thần học của tôi, trong đời sống làm linh mục và mục tử của tôi... Thánh Âu Quốc Tinh đã có một ảnh hưởng sâu xa nơi cuộc đời và thừa tác vụ của tôi. Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể học được từ con người hoán cải cao cả và khiêm tốn này, vị đã thấy được rõ ràng Chúa Kitô là chân lý và là tình yêu!"
Thứ ba là Thánh Bonaventura, vị thánh ảnh hưởng đến khoa cử của ngài, một thứ khoa cử dầu sao cũng gián tiếp liên quan đến và sửa soạn cho vai trò làm giáo hoàng tương lai của ngài. Ngài đã xong luận án tiến sĩ thần học vào năm 1953, tựa đề là "Dân Chúa và Nhà Chúa theo Giáo Huấn của Thánh Âu Quốc Tinh về Giáo Hội". Thế nhưng, để có thể trở thành một giáo sư dạy trong đại học, ngài còn phải trình một luận án nữa. Tuy nhiên lần này ngài lại bị gặp trục trặc. Trong luận án của mình, theo chủ trương của Thánh Bonaventura, một thần học gia nổi tiếng Thời Trung Cổ của Dòng Thánh Phanxicô, ngài lập luận rằng mạc khải là chính "tác động Thiên Chúa tỏ chính mình ra", chứ không phải chỉ là thành quả của việc Thiên Chúa tỏ mình ra. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng chính trị giữa hai vị giáo sư chính duyệt xét luận án của ngài, (Gottlieb Sohngen chấp nhận nhưng Michael Schmaus phủ nhận), ngài đã phải khéo léo điều chỉnh luận án của mình trong 2 vòng tuần lễ để được chấp nhận vào tháng 2/1957, nhờ đó ngài được bổ nhiệm làm giáo sư thần học vào đầu tháng 1/1958 (xem God's Choice, by George Weigel, Harper Perennial, 2005, trang 167).
Thứ Bảy là 3 Biến Cố tiêu cực đặc biệt bất thường xẩy ra trong và cho giáo triều của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và liên quan trực tiếp đến cá nhân bản thân của ngài: Ngài bị phản kháng, bị lầm lẫn và bị phản bội.
1- Ngài bị phản kháng mãnh liệt bởi thế giới Hồi giáo về những lời ngài phát biểu tại Đại Học Đường Regensburg Đức quốc ngày 12/9/2006 trong chuyến tông du quê hương đất nước của ngài, khi ngài đã trích lại trong bài diễn từ của mình lời nói về Hồi giáo là tôn giáo có tính chất võ lực bạo động của Manuel II Palaiologos, một trong những vị hoàng đế Kitô hữu cuối cùng của Đế Quốc Byzantine ở vào cuối thế kỷ 14, trước khi thành Constantinople rơi vào tay Đế Quốc Ottoman Hồi giáo; và hậu quả đáng tiếc của vụ việc này là 2 án mạng: 1 xẩy ra cho nữ tu 65 tuổi Leonella Scogbati, bị 2 tên sát thủ Samali giết chết ngày 17/9/2006, và 1 xẩy ra cho vị linh mục Ameer Iskander ở Iraq đã bị bắt cóc vào ngày 9/10/2006 và sát hại sau đó. Thậm chí chính bản thân ngài cũng đã bị tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda đe dọa sát hại trước chuyến tông du sang Thổ Nhĩ Kỳ của ngài (28/11-1/12/2006).
2- Ngài bị lầm lẫn về một trong 4 vị giám mục của Hội Thánh Piô X (SSPX – Society of Saint Pius X) là tổ chứcđược Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre người Pháp khởi xướng để phản đối canh tân hóa phụng vụ của Công Đồng Chung Vaticanô II, và đã trở thành một ly giáo từ năm 1991 gây ra bởi biến cố vị Tổng Giám Mục này tấn phong 4 tân giám mục bất chấp can thiệp của Tòa Thánh, thế nhưng 4 vị giám mục này được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tha vạ tuyệt thông cho ngày 25/1/2009, trong đó có giám mục Richard Williamson là vị giám mục, vào thời gian mới trước đó một chút, khoảng 1 tuần lễ, đã công khai chối bỏ vụ diệt chủng Do Thái của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến II, một chối bỏ đã xúc phạm trầm trọng đến Dân Do Thái, thế mà Đức Thánh Cha lại tha vạ tuyệt thông, cho dù ngài hoàn toàn sơ ý không hề biết đến việc chối bỏ này của vị giám mục ấy vừa mới xẩy ra trước tác động tha vạ của ngài;
3- Ngài bị phản bội bởi Paolo Gabriele là quản gia thân tín của ngài từ năm 2006, nhân vật đã bị tố cáo và điều tra thấy quả thực đã lấy trộm một số tài liệu mật của Tòa Thánh để chuyển cho giới truyền thông Ý quốc, khiến cho thế giới bên ngoài biết được những khiếm khuyết bí mật của một số thành phần làm việc trong Tòa Thánh.
Vụ việc bất hạnh bắt đầu bùng ra vào cuối Tháng Giêng 2012 khi chương trình Truyền Hình mang tên “Gli intoccabili / The untouchable / Cái bất khả đụng tới” (ám chỉ các thứ trong mật hàm của Tòa Thánh Vatican)trình chiếu ở Ý quốc. Rồi sau đó một ký giả người Ý là Gianluigi Nuzzi lại tung ra lá thư của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, vị nguyên giữ vai trò quản trị đứng hàng thứ hai của Tòa Thánh và hiện đang là Sứ Thần của Tòa Thánh ở Hoa Kỳ, một bức thư mà đức tổng này xin đừng để lộ ra một chi tiết liên quan đến tiền bạc của Tòa Thánh.
Cũng vào đầu năm 2012, một bức thư nặc danh dọa lấy mạng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Thậm chí vào Tháng 5/2012, tác phẩm tựa đề “Ngài Giáo Hoàng: Những Giấy Tờ Bí Mật của Biển Đức XVI” của tác giả Gianluigi Nuzzi còn tung ra những bức thư (letters) và ghi chú dặn dò (memos) của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với vị bí thư riêng của ngài, để rồi căn cứ vào đó tác giả này đã bôi nhọ chung Tòa Thánh Vatican và riêng Đức Giáo Hoàng.
Có thể so sánh thế này là nếu Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bị ám sát mạng sống vào ngày 13/5/1981 ở Quảng Trường Thánh Phêrô thế nào, thì Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, ở một nghĩa nào đó, qua vụ bị phản bội này, cũng bị ám sát về thế giá cùng danh dự của ngài là Giáo Hoàng lãnh đạo thế giới Công giáo ngay trong nội cung của Vatican như vậy.
Tân Giáo Hoàng kế vị - theo chiều hướng Giáo Hội và Thế Giới
Mỗi lần có giáo hoàng qua đời là thế giới nói chung (bao gồm cả thế giới Kitô giáo) và giới truyền thông nói riêng, đều có những suy đoán về vị giáo hoang kế nhiệm. Nếu "gió muốn thổi đâu thì thổi" (Gioan 3:8) thì loài người khó mà biết được ý định quan phòng vô cùng khôn ngoan và bất ngờ của Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử và ở cùng Giáo Hội "cho đến tận thế" (Mathêu 28:20). Điển hình là hầu như không ai ngờ được rằng vị hồng y 78 tuổi, gần bất hợp lệ bầu giáo hoàng, và không ít người cả trong lẫn ngoài Giáo Hội cảm thấy hung tàn như Hitler, lại đã được Thiên Chúa tuyển chọn kế vị Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Chính vị hồng y 58 tuổi người Balan đến từ một thế giới cộng sản Đông Âu cũng đã lạ lùng xuất hiện trên ngai tòa Thánh Phêrô sau 455 năm vốn thuộc về các vị giáo hoàng người Ý.
Tuy nhiên, cho dù "gió muốn thổi đâu thì thổi", và cho dù "không biết nó từ đâu đến và sẽ đi đâu" (Gioan 3:8) nhưng dù sao "ngươi (vẫn có thể) nghe được tiếng của nó" (Gioan 3:8). Thật vậy, nếu theo dõi những dấu chỉ thời đại, liên quan đến Giáo Hội, chúng ta cũng có thể phần nào suy đoán được những gì sắp xẩy ra. Trong thời gian tuyển bầu vị thừa nhiệm Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, người viết, như buổi phát thanh Tin Mừng Sự Sống 240 - CN IV Phục Sinh vào ngày Thứ Sáu 17/4/2005 cho thấy, (xin nghe lại cả buổi phát thanh Tin Mừng Sự Sống 241 - CN V Phục Sinh ngày 24/4/2005 tuần sau đó, và đọc lại các bài viết liên quan từ thời gian đó ở ngay dưới bài viết này), đã mạo muội nghĩ đại khái rằng vị tân giáo hoàng chắc hẳn là một vị vẫn ở Âu Châu chứ chưa đến các vị ngoài Âu Châu. Bởi vì, theo người viết, như đã phát biểu trong buổi phát thanh này rằng: v
v "Nếu chiều hướng của vị giáo hoàng quá cố là 'thả lưới ở chỗ nước sâu - duc in altum', một chiều hướng ngài phác họa cho cả Giáo Hội vào thời điểm trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba Kitô giáo, như Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ ban hành vào Ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm Thánh 2000, thì vị giáo hoàng thay ngài phải là vị giáo hoàng nội tâm hơn hoạt động, đau khổ nhiều hơn thành đạt. Có thể nói, nếu giáo triều Gioan Phaolô II là giáo triều huy hoàng nhất lịch sử Giáo Hội Công giáo, chẳng khác nào như Chúa Kitô tiến vào thành thánh Giêrusalem, thì vị giáo hoàng sau ngài sẽ là vị giáo hoàng của Bữa Tiệc Ly (có thể đó là lý do Năm Thánh Thể chưa kết thúc, liên quan đến Hiệp Nhất Kitô giáo, theo lời nguyện kết thúc Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô), vị giáo hoàng của Vườn Nhiệt (với những nhức nhối nội bộ) và của Khổ Nạn (gây ra bởi cả dân Chúa lẫn thế giới)”.
Không ngờ, những gì được tôi mạo muội bày tỏ ấy, dù có một số điều hoàn toàn không đúng, lại có một số điều phù hợp với vị Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Chẳng hạn, ngài là người Âu Châu (có thể nói là ưu tiên hàng đầu của giáo triều ngài), vị thiên về nội tâm hơn hoạt động, về Phụng Vụ (như việc ngài cho phép được làm lễ bằng Tiếng Latinh), về đại kết Kitô giáo, về Âu Châu (như được thể hiện nơi danh hiệu giáo hoàng của ngài là Biển Đức, vị Thánh Quan Thày của Âu Châu, và vào ngày 21/9/2010 ngài còn ban hành Tông Thư Ubicumque et simper để thiết lập một tân phân bộ cho Tòa Thánh đó là Hội Đồng Tòa Thánh về Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa cho riêng Âu Châu), và là vị chịu đau khổ (như bởi 3 biến cố tiêu biểu bất thường tiêu cực trực tiếp liên quan đến cá nhân của ngài đã được đề cập đến trên đây, nhất là lúc ngài vừa được tuyển bầu và khai triều với đủ mọi thứ tấn công chê bai hạ bệ của cả truyền thông lẫn nội bộ Giáo Hội).
Bởi vậy, nếu căn cứ vào chiều hướng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nhất là vào những động thái trong thời điểm cuối cùng của giáo triều ngài, chúng ta cũng có thể suy đoán (MAY RA TRÚNG) những gì sắp sửa xẩy ra liên quan tới vị giáo hoàng kế vị ngài, dù chúng ta không thể nào biết đích xác danh tính của vị tân giáo hoàng ấy.
Trước hết, nếu Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là vì giáo hoàng liên quan đến biến cố Đông Âu sụp đổ nên cần đến một vị giáo hoàng kế vị hiệp nhất Âu Châu là thế giới Kitô giáo, bằng nỗ lực đại kết Kitô giáo, nên đã xuất hiện một Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một người Đức, nơi có bức tường Bá Linh là biểu hiệu phân rẽ Đông Tây ở Âu Châu thế nào, thì vị giáo hoàng kế nhiệm Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng cần phải có những đặc điểm hợp thời và sứ vụ bổ khuyết cho những gì cần phải hoàn thành từ giáo triều trước trong giáo triều của mình theo dự án thần linh của Thiên Chúa.
Sau nữa, trong giáo triều dài 26 năm rưỡi của mình (16/10/1978 - 2/4/2005), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã có những liên hệ mật thiết với Âu Châu, đặc biệt là qua hai lần ngài triệu tập đặc nghị Giám Mục Âu Châu (lần 1 vào năm 1991 sau biền cố Đông Âu tự động giải thể cộng sản và lần 2 vào năm 1998 để cùng với các Đặc Nghị của những châu lục sửa soạn cho Đại Năm Thánh 2000), và trước khi qua đời chưa đầy 2 tháng đầu năm 2005, ngài đã phát hành tác phẩm "Hồi Niệm và Căn Tính" liên quan trực tiếp đến Âu Châu, như thể nhắc nhở Âu Châu hãy Hồi Niệm và trở về với Căn Tính Kitô giáo của mình.
Cũng thế, trong giáo triều gần 8 năm của mình, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, ngoài 3 Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ XI (2005), XII (2008) và XIII (2013), còn có hai Đặc Nghị Giám Mục nữa, đó là Đặc Nghị Giám Mục Phi Châu (4-25/10/2009) và Đặc Nghị Giám Mục Trung Đông (10-24/10/2010). Riêng Đặc Nghị Giám Mục Phi Châu đã được triệu tập một lần trong giáo triều của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào thời điểm từ ngày 10/4 đến ngày 8/5/1994, để cùng với các Đặc Nghị Giám Mục Châu Lục khác sửa soạn mừng Đại Năm Thánh 2000.
Ngoài ra, cũng trong giáo triều của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIII từ ngày 7 đến 28/10/2012 là biến cố quan trọng cuối cùng của giáo triều ngài, vì nó hướng về và liên quan đến tương lai của Giáo Hội, vì chủ đề của Thượng Nghị này vừa có tính chất canh tân nội bộ (nhất là ở thế giới Tây phương Kitô giáo) vừa có tính cách truyền giáo “ad gentes - cho muôn dân”, hay nói đúng hơn có tính cách canh tân để truyền giáo: "Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa để truyền đạt Đức Tin Kitô giáo". Vậy, có thể nói Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ XIII năm 2012 có liên quan tới hai Đặc Nghị Giám Mục Phi Châu (2009) và Đặc Nghị Giám Mục Trung Đông (2010) trước đó.
Như thế, vị giáo hoàng kế nhiệm Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, vị giáo hoàng của nội tâm, theo chiều hướng "gió" thần linh đang "thổi" trong Giáo Hội như thế, qua những gì xẩy ra trong giáo triều của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, như vừa được đề cập, thì có thể sẽ là một vị giáo hoàng truyền giáo, và thậm chí là một vị giáo hoàng lần đầu tiên đến từ các xứ truyền giáo ngoài Âu Châu. Bởi vì, các xứ sở truyền giáo hiện nay đang mạnh mẽ đức tin, với dồi dào ơn gọi linh mục và tu sĩ, cũng như với một tâm thức đức tin tông truyền, xứng đáng được Thiên Chúa tuyển chọn, để vừa canh tân Giáo Hội của Ngài, nhất là ở Tây Phương, vừa để truyền giáo ở địa phương của mình.
Vậy, theo người viết thì vị tân giáo hoàng kế nhiệm Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có thể là một vị xuất thân từÁ Châu, trong đó có Trung Đông, nguồn gốc của Kitô giáo, hay từ Phi Châu (quê hương của Thánh Âu Quốc Tinh là thánh được vị Giáo Hoàng từ nhiệm Biển Đức XVI rất sùng mộ như được thể hiện rõ ràng trong giáo triều của ngài, như Thánh Long Mộng Phố - Louis Montfort đối với Đức Gioan Phaolô II vậy). Vì cả hai nơi, Trung Đông (thuộc chung Á Châu) và Phi Châu, đều còn ít Kitô hữu và lại hết sức liên hệ tới đều liên hệ tới Hồi giáo là Thiên Chúa giáo như Do Thái giáo và Kitô giáo, nhưng lại là một tôn giáo có không ít tín đồ cực đoan quá khích muốn tiêu diệt Kitô giáo và coi Tây phương đồng hóa với Kitô giáo, một thế giới Tây phương Kitô giáo đang trụy lạc cần phải cải cách bằng việc nhân danh Thiên Chúa để khủng bố.
Thế nhưng, theo Phúc Âm về hai trong những dấu báo cho ngày cùng tháng tận được gọi là tận thế, đó là tình trạng băng hoại của chung con người cũng như của riêng thế giới Kitô giáo và việc truyền bá phúc âm hóa. Cũng chính vì tình trạng băng hoại nơi nhân loại ấy, một tình trạng, “vì sự dữ gia tăng nên cõi lòng yêu thương của hầu hết con người ta sẽ trở nên nguội lạnh” (Mathêu 24:12), như hiện nay. Ở chỗ ly dị, phá thai, hận thù, khủng bố, triệt sinh an tử, triệt sinh trợ tử, toàn là văn hóa chết chóc nhân danh Thiên Chúa (quá khích cực đoan Hồi giáo) và nhân danh quyền làm người (duy nhân bản Tây phương). Bao gồm cả những gì chưa từng xẩy ra (như linh mục lạm dụng tình dục, hôn nhân đồng tính, những gì tiêu biểu cho sự ô uế diễn ra trên nơi thánh – Mathêu 24:15), lẫn những gì cho dù đã xẩy ra (như động đất) cũng không đến độ quá quẩn (vừa nhiều lại vừa khủng khiếp chưa từng thấy) như bây giờ (chẳng hạn biển động sóng thần - tsunami, hay động đất cả những nơi chưa từng bị, như Hà Nội Việt Nam hay Nữu Ước Hoa Kỳ trong năm 2012), lại đồng thời cũng diễn ra một cuộc truyền giáo, một cuộc truyền giáo cuối cùng, một cuộc truyền giáo như dấu chỉ thời đại báo hiệu ngày tận thế: “Tin mừng về vương quốc này sẽ được loan báo khắp thế giới như là một chứng từ cho tất cả mọi dân nước. Chỉ sau đó mới tới tận cùng” (Mathêu 24:14).
Vậy một Kitô giáo Tây phương đang băng hoại và một Giáo Hội Công giáo đang hướng tới và quyết đẩy mạnh công cuộc truyền giáo hiện nay có ý nghĩa gì đây?
Tân Giáo Hoàng kế vị - theo Sấm Ngôn Malachy, Bí Mật Fatima, Sách Giáo Lý và Thánh Kinh
Theo sấm ngôn của vị thánh người Ái Nhĩ Lan là Thánh Malachy (1094-1148), một sấm ngôn được cho là không phải của ngài và là những gì giả tạo, (như Bí Mật Fatima phần thứ 3 được chính Tòa Thánh công bố ngày 26/6/2000 cũng bị cho là ngụy tạo), thế nhưng, chính một sấm ngôn bị cho là giả tạo không phải từ Thánh Malachy ấy, được viết và được truyền lại từ lâu, do đan sĩ Biển Đức Fra Arnold de Wyon phổ biến lần đầu tiên vào năm 1595, (và cho dù là ai viết đi nữa) tại sao lại đã xẩy ra ứng nghiệm khi suy diễn áp dụng, liên quan tới các vị giáo hoàng từ năm 1143 đến nay thì chỉ còn 1 vị nữa là hết. Đặc biệt là 4 vị giáo hoàng cuối cùng được vị thánh này (hay ai đó viết ra) nói bóng gió ám chỉ đến đều đã ứng nghiệm như được suy diễn sau đây:
Đức Gioan Phaolô I qua hình ảnh "về nửa vầng trăng - de medietate lunae" vì ngài chỉ tươi cười xuất hiện trên ngai Tòa Thánh Phêrô chỉ có 33 ngày vắn vỏi (26/8-28/9/1978);
Đức Gioan Phaolô II qua hình ảnh "mặt trời khổ ải - de labore solis", vị giáo hoàng tổ chức trọng thể mừng Đại Năm Thánh 2000, vị giáo hoàng rạng ngời vinh quang qua 104 chuyến tông du khắp thế giới, nhất là qua ảnh hưởng của ngài trong biến cố cộng sản Đông Âu sụp đổ cuối năm 1989, đặc biệt là lễ an táng chưa từng thấy của ngài trong lịch sử Giáo Hội và thế giới vào đầu tháng 4/2005, nhưng ngài cũng phải chịu đầy khổ đau nhất là về thể xác từ khi bị ám sát hụt vào ngày 13/8/1981;
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI qua hình ảnh "vinh quang của cây Oliu - gloria olivae", vì “cây Oliu” có liên quan đến ngành đan sĩ áo trắng của Dòng Biển Đức được gọi là Olivetans, do Thánh Bernard Ptolomei thành lập vào năm 1319 ở Ý quốc, và “vinh quang” của cây Oliu này là ở chỗ vị giáo hoàng này được bầu chọn (nhanh chóng chưa đầy 24 tiếng, từ sau 8:00 giờ tối hôm trước mấy phút tới trước 6 giờ chiều hôm sau ít phút) và đăng quang vào Mùa Phục Sinh 2005, Chúa Nhật 24/4/2005.
Vậy nếu các vị giáo hoàng từ năm 1143 nói chung và 3 trong 4 vị giáo hoàng cuối cùng nói riêng đã khách quan ứng nghiệm với các lời sấm của Thánh Malachy thì vị giáo hoàng cuối cùng sẽ là "Phêrô thành Rôma - Petrus Romanus".
Riêng về vị giáo hoàng cuối cùng này Thánh Malachy viết như sau:
v "Trong cuộc bách hại cuối cùng của Hội Thánh Rôma sẽ có triều đại của Phêrô thành Rôma, vị sẽ chăn dắt đoàn chiên của mình giữa nhiều khổ ải; sau đó thành phố 7 ngọn đồi sẽ bị hủy hoại và vị Thẩm Phán đáng kinh sợ sẽ phán xét con người ta" (The Prophecies of St. Malachy, Tan Books and Publishers, Inc, 1973, trang 96).
Trong tập sách The Prophecies of St. Malachy vừa được trích dẫn trên đây, (xuất bản vào năm 1973, trước khi xuất hiện 3 vị giáo hoàng lạ lùng liên tiếp sau Đức Thánh Cha Phaolô VI là Giáo Hoàng Gioan Phaolô I chỉ có 33 ngày, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từ nước cộng sản Balan và Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ Đức quốc là nơi xuất phát hai Thế Chiến I và II), ở trang 3, người ta đọc thấy vị viết lời mở đầu - foreword lại là một vị chức sắc trong Giáo Hội, đó là Đức Tổng Giám Mục H. E. Cardinale, Khâm Sứ Tòa Thánh ở Bỉ và Luxembourg bấy giờ và sau đó là Sứ Thần Tòa Thánh ở Hiệp Vương Đại Anh Quốc, trong đó, ngài viết "những thị kiến - visions được cho là của Thánh Malachy đã cho thấy cách thức lạ lùng được dùng để áp dụng vào từng vị giáo hoàng nối tiếp nhau rất ư là kỳ thú. Đây không phải là trường hợp để lập lại hay sao câu nói: 'Se non è vero, è ben trovato - Cho dù không đúng chăng nữa thì cũng là những nhận thức hay ho'? Bất kể người ta nghĩ sao về tính chất đích thực của những lời tiên tri được gán cho là của Thánh Malachy này thì đây cũng là một nghiên cứu hấp dẫn mang lại cho thành phần độc giả tò mò nhiều lợi ích và thích thú").
"Thành phố 7 ngọn đồi" đây ám chỉ Thành Vatican. Theo lời tiên tri này thì vị giáo hoàng có ý nghĩa "Phêrô thành Rôma", (tức không thực sự lấy danh hiệu Phêrô II nhưng thân phận và sứ vụ có thể sẽ tương đương hay tương hợp với vị giáo hoàng tiên khởi Phêrô), sẽ là vị giáo hoàng cuối cùng của Giáo Hội và là vị giáo hoàng khổ đau, trước khi Chúa Kitô tái giáng "để phán xét kẻ sống và kẻ chết", một biến cố cánh chung đã từng được Chúa Giêsu cảnh báo qua Chị Thánh Faustina một số lần từ tiền bán thế kỷ 20, thời điểm giữa hai Thế Chiến I và II, lời cảnh báo như thể sắp sửa xẩy ra đến nơi rồi hay không còn bao lâu nữa:
v "Hãy nói cho thế giới biết về tình thương của Cha; tất cả loài người hãy nhân biết tình thương khôn dò của Cha. Đó là dấu hiệu cho ngày cùng tháng tận; sau đó sẽ là ngày của công lý” (Nhật Ký số 848);
"Từ Balan sẽ phát ra một tia sáng để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha” (Nhật Ký số 1732) – (“tia sáng từ Balan” đây phải chăng là chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II từ một nước cộng sản Balan đột nhiên xuất hiện trên Ngài Tòa Thánh Phêrô vào ngày 16/10/1978?).
Thị kiến của Bí Mật Fatima phần thứ ba cho thấy vị giám mục mặc áo trắng cùng với đoàn người theo ngài, bao gồm đủ mọi thành phần Kitô hữu từ giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, tiến lên một ngọn núi dốc đứng, và đang khi tất cả đều quì cầu nguyện dưới chân cây thập tự giá lớn trên đỉnh núi thì bị một đám lính xuất hiện bắn chết hết. Nếu tay ám sát vị giám mục áo trắng là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (cũng là Giám Mục Rôma khi bị ám sát bấy giờ cũng đang mặc áo trắng) vào ngày 13/5/1981 là một tay Hồi giáo Ali Agca người Thổ Nhĩ Kỳ, mà vị giám mục mặc áo trắng là Đức Gioan Phaolô II bị ám sát bấy giờ không chết như thị kiến cho thấy, thì đám lính ám chỉ thành phần tín đồ Hồi giáo quá khích (như Ali Agca hiện thân) này có thể sẽ sát hại vị giáo hoàng Phêrô thành Rôma và đoàn chiên của ngài vào một ngày nào đó khi họ tấn công (bằng phi đạn?) hay chiếm được Âu Châu của thế giới Tây phương Kitô giáo chẳng hạn?
Nếu vị giáo hoàng Phêrô thành Rôma bị thành phần Hồi giáo cực đoan quá khích sát hại thì có thể ngài là người Do Thái, hay có gốc Do Thái hoặc ít là có giòng máu Do Thái hay tinh thần Do Thái, (dù ngài ở trong số hồng y vẫn thuộc thế giới Tây phương). Thánh Phêrô xưa là người Do Thái thì vị giáo hoàng Phêrô thành Rôma cũng phải có một liên hệ nào đó, trực tiếp hay gián tiếp, tới Dân Do Thái.
Ngoài ra, nếu Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xuất thân từ Balan là quốc gia bị Đức quốc xâm chiếm ngày 1/9/1939 khi bắt đầu Thế Chiến Thứ II, và ngay sau ngài là vị giáo hoàng xuất thân từ Đức quốc, thì vị giáo hoàng thừa nhiệm vị giáo hoàng Đức quốc này có thể là vị liên quan đến Do Thái, một dân tộc hầu như bị diệt chủng bởi Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ II.
Vị giáo hoàng liên quan đến Dân Do Thái này cũng có thể được Chúa sai đến để hoàn tất lời tiên tri của Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại về số phận cuối cùng của Dân Do Thái như sau:
v "Phần Dân Do Thái sẽ ở trong tình trạng mù quáng cho đến khi đủ số Dân Ngoại, thì bấy giờ tất cả Dân Do Thái sẽ được cứu" (Rôma 11:25-26).
Nếu Đức Gioan Phaolô II, qua giáo triều đầy sinh động của ngài, được người viết, (như đã đề cập ở trên đây), ví như Chúa Giêsu vinh quang vào Thành Giêrusalem, và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, qua giáo triều của ngài, cũng được người viết ví như vị giáo hoàng của Bữa Tiệc Ly liên quan đến hiệp nhất Kitô giáo và trong Vườn Cây Dầu liên quan đến sầu thương, thì có thể nói vị giáo hoàng kế thừa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là vị giáo hoàng của con đường lên Núi Sọ và của cuộc tử giá trên Đồi Canvê. Thánh Phêrô, vị giáo hoàng tiên khởi, đã bị đóng đanh chết thế nào trên ngọn Đồi Vatican thì vị giáo hoàng Phêrô thành Rôma cũng sẽ bị tử nạn ở Vatican như vậy, đúng như số phận “theo Thày” và “chết cách nào” (Gioan 21:18-19) được Chúa Kitô Phục Sinh tiên báo trên bờ biển Tibêria cho vị tông đồ mà Chúa Kitô đã trao cho cả chìa khóa nước trời (xem Mathêu 16:19) lẫn đoàn chiên của Người (xem Gioan 21:15-17).
Có thể vì vậy mà vị tân giáo hoàng sẽ được bầu chọn vào Mùa Chay 2013 và đăng quang vào Lễ Lá cũng là Chúa Nhật Thương Khó 24/3/2013, biểu hiệu cho một giáo triều của Con Đường Núi Sọ và Đồi Tử Giá Canvê! Không biết điềm báo gì đây chỉ vài giờ sau khi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức, thì vào lúc trước 6 giờ chiều, giờ địa phương, một tia chớp đã lóe lên trên đỉnh mái vòm thánh đường St Peter, nơi có mộ Thánh Phêrô ở dưới lòng Đền Thờ Thánh Phêrô?
Trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo được soạn dọn chính yếu bởi Hồng Y Joseph Ratzinger là Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin bấy giờ và là vị giáo hoàng Biển Đức XVI sau đó, một bộ giáo huấn chính thức của Giáo Hội về đức tin Công giáo, được ban hành ngày 11/10/1992, trong đó, bao gồm hai khoản (675 và 677) tiên đoán về tương lai của Giáo Hội trước khi Chúa Kitô tái giáng, như sau:
v “Trước ngày giáng lâm của Chúa Kitô, Giáo Hội sẽ trải qua một cơn thử thách cuối cùng, làm lung lay niềm tin của nhiều tín hữu (xem Lc 18,8; Mt 24,12). Cuộc bách hại đi theo một cuộc lữ hành của Giáo Hội trên trái đất (xem Lc 21,12; Ga 15,19-20) sẽ vạch trần cho thấy ‘mầu nhiệm của sự gian ác’, dưới hình thức một sự bịp bợm tôn giáo, cao rao là mang đến cho người ta một thứ giải đáp cho những vấn đề của họ với cái giá là phải chối bỏ chân lý. Sự bịp bợm lớn lao nhất sẽ là sự bịp bợm của Phản Kitô, nghĩa là một thuyết Messia ngụy tạo, trong đó con người tự tôn vinh mình thay vào chỗ của Thiên Chúa và của Đấng Messia mà Ngài đã sai đến trong xác phàm (xem 2Tx 2,4-12; 1Tx 5,23; 2Ga 7; 1Ga 2,18-22)” (số 675).
“Giáo Hội sẽ chỉ bước vào vinh quang của Nước Trời qua lễ Phục sinh tối hậu, khi Giáo Hội theo Chúa mình vào sự chết và sự Sống lại của Ngài (xem Kh 19,19). Vậy Nước Trời sẽ không được thực hiện qua một cuộc khải hoàn lịch sử của Giáo Hội (xem Kh 13,8) như kiểu một sự tiến bộ lên cao mãi, nhưng qua một chiến thắng của Thiên Chúa chống lại sự tung hoành tối hậu của sự ác (xem Kh 20,7-10), khiến cho Hiền thê của Ngài phải từ Trời xuống đất (xem Kh 21,24). Cuộc khải hoàn của Thiên Chúa đối với sự phản loạn của sự ác sẽ mặc lấy hình thức của cuộc Phán xét sau cùng (xem Kh 20,12) diễn ra sau sự rung chuyển vũ trụ tối hậu của cái thế giới qua đi này (xem 2Pr 3,12-13)” (số 677).
Sau hết, còn một sự kiện nữa không thể bỏ qua, đó là vị giáo hoàng thoái vị chính thức tuyên bố việc từ nhiệm của mình vào ngay ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2/2013. So với vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của ngài, bề ngoài, ngài không nổi bật về lòng sùng kính Mẹ Maria như vị tiền nhiệm mang khẩu hiệu giáo hoàng Thánh Mẫu“Totus Tuus - Tất cả của con là của Mẹ”, một câu tâm niệm được Đức Gioan Phaolô II cho biết ngài đã lấy ở đoạn 233 trong tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria của Thánh Long Mộng Phố - Louis Montfort. Thế nhưng, cả hai vị đều hình như tiến đến chỗ kết thúc giáo triều của mình nơi Mẹ Maria. Ở chỗ, nếu vị tiền nhiệm của ngài kết thúc 104 chuyến tông du trong giáo triều 26 năm rưỡi của mình dài thứ ba trong lịch sử của Giáo Hội (sau Thánh Phêrô và Thánh Giáo Hoàng Piô IX), là chuyến tông du 104 ở tại Linh Địa Lộ Đức (14-15/8/2004) thì ngài cũng tuyên bố từ nhiệm thừa tác vụ giáo hoàng của mình vào Lễ Đức Mẹ Lộ Đức (11/2/2013).
Cả hai vị đều đến kính viếng Linh Địa Fatima: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II 2 lần (12-15/5/1982 và 12-13/5/2000) và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI 1 lần (11-14/5/2010). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho tiết lộ Bí Mật Fatima phần thứ ba ngày 26/6/2000, và vị thừa nhiệm giáo hoàng của ngài khi còn là Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger đã là vị giải thích ý nghĩa của phần bí mật này. Chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong bài giảng ở Fatima ngày 13/5/2010, đã như thể nói tiên tri về một tương lai của chung nhân loại và của riêng Giáo Hội như thế này:
v “Chúng ta sẽ lầm lạc khi nghĩ rằng vai trò ngôn sứ của Fatima đã hoàn tất… Chớ gì 7 năm hướng chúng ta tới biến cố mừng trăm năm của những cuộc hiện ra này mau chóng hoàn tất lời tiên tri về cuộc vinh thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, cho vinh quang của Ba Ngôi Chí Thánh".
Về cách thức sẽ xẩy ra cuộc chiến thắng này của Mẹ Maria liên quan tới thời khoảng 7 năm trước mặt, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã trả lời ký giả Peter Seewald, người đã từng phỏng vấn cả Hồng Y Joseph Ratzinger trước kia lẫn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, người đã hỏi Đức Thánh Cha về ý nghĩa về cách thức sẽ xẩy ra cuộc chiến thắng này của Mẹ Maria liên quan tới thời khoảng 7 năm trước mặt, Đức Thánh Cha đã trả lời ông như sau:
v "Tôi cho rằng 'cuộc chiến thắng' này sẽ tới gần hơn nữa. Điều ấy cũng có nghĩa là việc chúng ta nguyện cầu cho Nước Chúa trị đến đó thôi. Lời phát biểu này của tôi không có nghĩa là tôi mong rằng sẽ xẩy ra một cuộc biến đổi cả thể nào đó và lịch sử đùng một cái sẽ hoàn toàn đổi thay. Vấn đề thật ra ở đây là quyền lực của sự dữ cứ bị chế ngự, và quyền năng của Thiên Chúa sẽ được tỏ hiện nơi quyền phép của Mẹ Maria qua tình trạng sự dữ cứ bị chế ngự ấy. Giáo Hội luôn cũng được kêu gọi thực hiện những gì Thiên Chúa yêu cầu nơi Abraham, tức là làm sao cho có đủ số người công chính để trấn áp sự dữ cùng tình trạng hủy hoại. Những lời phát biểu của tôi được coi như là một lời nguyện xin cho năng lực của thành phần kẻ lành được phục hồi sức mạnh của nó. Bởi vậy anh có thể nói những chiến thắng của Thiên Chúa, những chiến thắng của Mẹ Maria, là những gì thầm lặng nhưng chúng quả là những gì thực hữu". (Ánh Sáng Thế Gian, ấn bản Anh ngữ của Ignatius, trang 166)
Như thế, vị giáo hoàng kế vị Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có thể sẽ liên quan đến Thánh Mẫu Fatima, đến cuộc chiến thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria: "những chiến thắng của Thiên Chúa, những chiến thắng của Mẹ Maria, là những gì thầm lặng nhưng chúng quả là những gì thực hữu". Phải chăng như Chúa Kitô "đã chiến thắng thế gian" (Gioan 16:33) không phải bằng quyền toàn năng của Người mà là bằng thập tự giá thế nào, thì vị đại diện của Người trên trần gian kế nhiệm Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, vị giáo hoàng có thể sẽ tuyên bố tín điều Mẹ Đồng Công, cũng sẽ chiến thắng thế gian bằng đức tin (xem 1Gioan 5:4-5), qua cuộc tử nạn như Vị Giáo Hoàng Phêrô tiên khởi của mình.
Nếu chiếc Tầu đã cứu gia đình 8 ngưòi của ông Noe trong đại hồng thủy, được hoàn thành khoảng 100 năm, từ khi Ông Noe 500 tuổi (xem Sách Khởi Nguyên 5:32) cho tới khi ông 600 tuổi thì xẩy ra đại hồng thủy (xem Sách Khởi Nguyên 7:6), và nếu Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima năm 1917 liên quan đến phần rỗi loài người trong giai đoạn thế giới càng ngày càng tân tiến lại càng tội lỗi, như Mẹ Maria cho chung 3 Thiếu Nhi Fatima và riêng Lucia biết vào lần hiện ra thứ hai ngày 13/6/1917, "là nơi cho con nương náu", và cũng được Mẹ tiết lộ ở đầu phần hai của Bí Mật Fatima rằng: "Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu điều Mẹ nói được thực hiện thì thế giới sẽ có hòa bình và nhiều linh hồn được cứu độ", thì phải chăng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là Tầu Noe cứu độ những ai tôn sùng Trái Tim Mẹ trong "mùa biển động diệt vong" của nền văn hóa chết chóc hiện nay?!?
Đúng hơn Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria sẽ cứu riêng họ (như trường hợp của bản thân Ông Noe thời đại hồng thủy hay Ông Lót thành Sodoma) và nhờ họ cũng như với họ, (như trường hợp gia đình của Ông Noe hay của Ông Lot), những ai thành tâm thiện chí tìm Chúa, thoát khỏi trận lửa ghen ghét hận thù giết hại nhau, (như phá thai, khủng bố, triệt sinh an tử và triệt sinh trợ tử, đầu độc thực phẩm v.v.), của nhân loại đang ở vào một thời điểm lịch sử thế giới càng văn minh con người càng trở nên bạo loạn và càng lo sợ bị diệt vong hơn bao giờ hết, bởi chính những gì họ chế tạo ra, liên quan đến các loại vũ khí sát hại hàng loạt, (đang đe dọa thế giới như ở Bắc Hàn thuộc thế giới hậu cộng sản, và ở Iran thuộc thế giới Hồi giáo vẫn bị mang tiếng là có những thành phần khủng bố cực đoan quá khích), cũng như liên quan đến những thứ luật lệ phi nhân bản (như hôn nhân đồng tính) và vô luân lý (như phá thai) chưa từng thấy, (ở thế giới Tây phương và do một thế giới vẫn được gọi là Kitô giáo này suốt từ hậu bán thế kỷ 20 (sau Thế Chiến Thứ II), cho tới đầu thiên niên kỷ thứ ba này?!?
Không biết thời khoảng 100 năm được dùng để đóng chiếc Tầu Noe xưa có liên hệ hay ám chỉ gì tới thời khoảng 100 năm Biến Cố Thánh Mẫu Fatima (1917-2017) hay chăng, nhưng tình hình lịch sử loài người càng ngày càng cho thấy một thực tại phũ phàng đó là họ đã và đang trở nên băng hoại đến độ không còn tự cứu vãn được nữa. Thậm chí, như thị kiến của Bí Mật Fatima phần ba cho thấy, đáng lẽ loài người đã bị hủy diệt bởi lưỡi gươm lửa của vị thiên thần xuất hiện từ trời, nhưng nhờ Mẹ Maria can thiệp nên đã còn tồn tại đến nay, một can thiệp không phải để bao che tội lỗi của loài người mà là để bù đắp lại bằng máu tử đạo của thành phần Đạo Binh Dàn Trận của Mẹ, một đạo binh, cũng được phần thứ ba của Bí Mật Fatima cho thấy, bao gồm đủ mọi thành phần trong Giáo Hội, từ giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ tới giáo dân, bao gồm cả giáo hoàng, đều bị sát hại dưới chân cây thập tự giá trên một ngọn núi cao dốc đứng, nhờ đó máu của họ được hai vị thiên thần đứng hai bên cánh Thánh Giá thu tích lại mà vẩy trên những ai thành tâm thiện chí tìm kiếm Thiên Chúa bằng cáchtiến đến cùng Thiên Chúa.
Phải chăng thị kiến phần thứ ba của Bí Mật Fatima liên quan đến cuộc tử đạo cứu độ của đủ mọi thành phần Kitô hữu đây, bao gồm cả chính giáo hoàng, rất phù hợp với lời Sấm Ngôn được cho là của Thánh Malachy, lời Sấm Ngôn cuối cùng về vị giáo hoàng "Phêrô thành Rôma" cùng với đàn chiên của ngài:
v "Trong cuộc bách hại cuối cùng của Hội Thánh Rôma sẽ có triều đại của Phêrô thành Rôma, vị sẽ chăn dắt đoàn chiên của mình giữa nhiều khổ ải; sau đó thành phố 7 ngọn đồi sẽ bị hủy hoại và vị Thẩm Phán đáng kinh sợ sẽ phán xét con người ta" (The Prophecies of St. Malachy, Tan Books and Publishers, Inc, 1973, trang 96).
Tất cả những suy đoán trong bài viết, liên quan tới vị Tân Giáo Hoàng kế vị Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thoái vị, chỉ là những suy diễn cá nhân của người viết, theo chiều hướng đúng như nhan đề của bài viết: "Từ Đức Giáo Hoàng thoái vị đến Tân Giáo Hoàng kế vị", căn cứ vào 1- chiều hướng đang diễn tiến trong Giáo Hội và thế giới, cũng như vào 2- Sấm Ngôn được cho là của Thánh Malachy, vào 3- Bí Mật Fatima nhất là phần thứ ba, đặc biệt là vào 4- Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, cũng như vào 5- Thánh Kinh.
Nếu sự thật không xẩy ra như được suy đoán thì bởi người viết đã suy diễn sai mà thôi, còn những gì chưa thực sự xẩy ra song một khi đã được Giáo Hội công khai và chính thức phổ biến, nhất là trong Thánh Kinh, trong Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, và trong Bí Mật Fatima phần ba (là phần đã được chính Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin công nhận, dẫn giải và tuyền bố ngày 26/6/2000), chắc chắn sẽ được ứng nghiệm, không sớm thì muộn, không ở trường hợp này thì ở trường hợp khác, theo đúng dự án thần linh của Đấng vô cùng khôn ngoan và toàn năng: “để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (1Cor 15:28).
Tóm lại, cho dù những gì chúng ta suy đoán, một cách đúng đắn, với những căn cứ vững chắc hòa hợp nhau được cho là đáng tin, kết quả thế nào đi nữa, thật sự chính xác hay hoàn toàn sai trật, hoặc nửa trúng nửa sai hay gần trúng v.v., tự chúng, nếu đúng, cũng không mang tính cách tiên tri, hay tính cách “ăn may” hoặc “chó ngáp phải ruồi”, ngược lại, nếu sai thì cần nhẫn nại đợi chờ, như Dân Do Thái cho tới nay vẫn trông đợi Đấng Thiên Sai của họ, dù họ đã hụt trong lần Người đến thứ nhất nhưng không thể nào hụt vào lần đến thứ hai (xem Roma 11:25-26).
Và nếu sai cũng có thể hiểu là “vì chàng rể đến muộn / hoãn lại - delayed” (Mathêu 25:5), cần chúng ta gia tăng lòng đợi chờ Người hơn nữa, cho dù “tất cả có thiếp ngủ” (Mathêu 25:5), trong đó bao gồm cả 5 cô phù dâu khôn ngoan, miễn là chúng ta vẫn còn dự trữ đủ dầu đức cậy cho ngọn đèn đức tin có thể thắp sáng đức mến, để khi bừng tỉnh trước tiếng hô nửa đêm: “Kìa chàng rể đến!” chúng ta nhờ đó mau mắn đáp ứng lời mời gọi tối hậu của cuộc đời mỗi người chúng ta cũng như của chung Giáo Hội Chúa Kitô: “Hãy ra nghênh đón chàng!” (Mathêu 25:6), và được hoan hưởng tất cả những gì đã giành cho chúng ta từ muôn đời, đó là được “vào dự tiệc cưới với Người” (Mathêu 25:10).
Thật vậy, tự bản chất của những gì chúng ta trân trọng và cẩn trọng suy đoán, thì chẳng qua chúng ta chỉ thực hiện lòng trông đợi của chúng ta thôi, bằng cách “tỉnh thức” (Mathêu 24:42) như Chúa Giêsu hằng kêu gọi, một thái độ mô phạm “lưu giữ tất cả những sự ấy trong lòng mà ngẫm nghĩ” (Luca 2:19, 51) của Đấng Đầy Ân Phúc, một thái độ khẩn thiết bất khả châm chước cần phải noi theo nơi Kitô hữu. Ở chỗ luôn “nhận định về các dấu chỉ thời đại” (Mathêu 16:3) để tỏ ra tích cực và mau mắn đáp ứng tác động thần linh huyền diệu trong giòng lịch sử nhân loại của Đấng đã phán: “Đây Ta đang đứng gõ cửa. Ai nghe tiếng Ta gọi mà mở cửa ra, Ta sẽ vào nhà của họ và dùng bữa với họ và họ với Ta” (Khải Huyền 3:20).
Lời Chúa Kitô kêu gọi “mở cửa ra” trong Sách Khải Huyền không ngờ đã hoàn toàn ứng nghiệm khi được âm vang ngay trong bài giảng đăng quang của cả Đức Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI như sau: “Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”! Chúng ta cảm nhận ra sao về sự trùng hợp không hẹn mà hò và dường như có vẻ “vô tình” này giữa lời mạc khải Thánh Kinh Tân Ước “mở cửa ra” ở cuốn sách cuối cùng của toàn bộ Thánh Kinh và lời kêu gọi “hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô“ của hai vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian ở vào cuối thế kỷ 20 (22/10/1978) và đầu thế kỷ 21 này (24/4/2005)?
Ở phần kết bài giảng cho Thánh Lễ Đăng Quang Chúa Nhật 24/4/2005 của mình, vi Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI gần 8 năm trước đã vừa lập lại lời kêu gọi của vị tiền nhiệm trong lễ đăng quang của ngài vừa giải thích và vừa đồng thanh kêu gọi với vị tiền nhiệm của mình như sau: (những chỗ in đậm do người viết cũng là người dịch tự ý nhấn mạnh):
v “Tới đây, tôi nghĩ về ngày 22/10/1978, ngày mà Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu thừa tác vụ của mình tại Quảng Trường Thánh Phêrô đây. Những lời của ngài vào dịp ấy vẫn liên tục vang vọng trong tai tôi: ‘Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!’ Vị Giáo Hoàng này đã ngỏ cùng thành phần thế lực, thành phần quyền lực của thế giới này, những thành phần sợ rằng Chúa Kitô có thể lấy đi một cái gì đó khỏi quyền lực của họ nếu họ để cho Người vào, nếu họ để cho đức tin được tự do. Phải, Người chắc chắn sẽ lấy đi một cái gì đó khỏi họ: đó là cái thế lực hư hoại, cái mạo dụng luật lệ và tự do để làm những gì họ thích. Thế nhưng, Người sẽ không lấy đi bất cứ điều gì liên quan đến tự do và phẩm vị của con người, hay liên quan đến việc dựng xây một xã hội chân chính. Vị Giáo Hoàng này cũng nói điều đó với hết mọi người, nhất là giới trẻ. Không phải tất cả chúng ta đều hãi sợ một cách nào đó hay chăng? Nếu chúng ta để cho Chúa Kitô hoàn toàn đi vào cuộc đời của mình, nếu chúng ta trọn vẹn cởi mở bản thân mình cho Người, chúng ta có sợ rằng Người có thể sẽ lấy đi khỏi chúng ta một cái gì đó hay chăng? Chẳng lẽ chúng ta không sợ phải từ bỏ một cái gì đó quan trọng, một cái gì đó chuyên biệt, một cái gì đó làm cho đời sống hết sức tuyệt vời hay sao? Như thế chẳng lẽ chúng ta lại không liều mình đi đến chỗ làm suy giảm đi hay làm hụt hẫng mất cái tự do của chúng ta hay sao? Một lần nữa, vị Giáo Hoàng này đã nói: Không đâu! Nếu chúng ta để cho Chúa Kitô đi vào cuộc sống của chúng ta thì chúng ta chẳng những không bị mất đi một sự gì cả, không một sự gì, tuyệt đối là không có một sự gì, trái lại, nhờ đó còn làm cho cuộc sống của chúng ta được thanh thoát, tuyệt vời và cao cả. Không đâu! Chỉ có ở nơi mối thân tình này các cửa sự sống mới có thể rộng mở mà thôi. Chỉ có ở nơi tình nghĩa ấy khả năng cao cả của sự sống con người mới thực sự thể hiện mà thôi. Chỉ có ở trong tình nghĩa này chúng ta mới cảm thấy được vẻ đẹp và tự do mà thôi. Bởi thế, hôm nay đây, bằng quyền năng mãnh liệt và bằng niềm xác tín vững chắc, căn cứ vào kinh nghiệm bản thân lâu đời của mình, hỡi giới trẻ thân mến, tôi muốn nói cùng quí bạn rằng: Xin đừng sợ Chúa Kitô! Ngài không lấy đi một điều gì đâu, mà Người lại ban cho các bạn hết mọi sự. Khi chúng ta hiến mình cho Người, chúng ta nhận lại được gấp trăm. Phải, hãy mở cửa, mở rộng cửa cho Chúa Kitô – và các bạn sẽ tìm thấy sự sống đích thực. Amen”. (Dịch theo điện thư của Vatican Information Service ngày 24/4/2005).
Trong khi chờ đợi để thấy được ý nhiệm của Thiên Chúa qua tất cả mọi sự nơi giòng lịch sử nhân loại nói chung và Giáo Hội nói riêng, đặc biệt là qua biến cố Hồng Y Đoàn tuyển bầu vị Tân Giáo Hoàng tới đây kếnhiệm Đức Giáo Hoàng thoái vị Biển Đức XVI cho Giáo Hội trong thế giới tân tiến hết sức cam go và đầy nguy hiểm hiện nay chắc chắn sẽ dài thời gian, đầy sôi nổi và rất bất ngờ vào Tháng 3/2013 tới đây, thời điểm của Mùa Chay Thánh, chúng ta chẳng những “đừng sợ Chúa Kitô!” mà “hãy mở cửa, mở rộng cửa cho Chúa Kitô”, Đấng, qua Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người nói chung và qua vị giáo hoàng đại diện trên trần gian của Người nói riêng, chắc chắn sẽ đến để hoàn tất dự án của Thiên Chúa “vào lúc thời điểm viên trọn, đó là làm cho tất cả mọi sự trên trời dưới đất nên một dưới quyền lãnh đạo của Chúa Kitô” (Ephêsô 1:10).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
Giáo Phận San Bernadino Thứ Tư Lễ Tro 13/2/2013,
ngày thứ 2 sau khi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chính thức tuyên bố từ nhiệm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét