1. Tình hình xã hội hiện nay đang xảy ra nhiều hiện tượng đáng buồn. Một trong những hiện tượng đáng buồn và cũng đáng sợ, đó là cảnh những trái tim phá sản.
Tôi muốn nói tới những trái tim người cha tàn nhẫn, lao mình vào những lối sống ích kỷ, tìm thoả mãn cho riêng mình, bỏ mặc gia đình trong cảnh điêu đứng.
Tôi muốn nói tới những trái tim người mẹ nông nổi, để mình trôi dạt vào cảnh cờ bạc, nợ nần chồng chất, gây tan nát cho gia đình và cho chính bản thân.
Những trái tim hư hỏng đó đang phá sản nghiệp cao quý của con người, đó là đạo đức, danh dự, hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời. Hậu quả sẽ rất tai hại cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho xã hội mình.
2.Nhìn vào tình hình Hội Thánh, tôi thấy hiện tượng đáng buồn và đáng sợ tương tự cũng đang xuất hiện đó đây.
Một số trái tim những người được Chúa trao phó trách nhiệm hãy là người cha người mẹ, để hết tình yêu thương lo cho đoàn chiên, xem ra cũng đang rơi vào cảnh phá sản. Biết đâu cảnh phá sản đó cũng đang xảy ra nơi chính bản thân tôi, ít là phần nào. Tôi thực sự lo sợ.
3.Để điều chỉnh lại chính mình, tôi đi tìm những lời khuyên. Với tâm tình cầu nguyện, tôi chợt nhớ lại lời khuyên của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” của Ngài.
Trong số 17 của thông điệp này, Đức Thánh Cha khuyên chúng ta hãy gặp gỡ Đức Kitô và hãy bước theo Đức Kitô suốt chặng đường Đức Kitô đi, tới bữa Tiệc Ly và trên thánh giá.
Vâng lời khuyên của Đức Thánh Cha, tôi nhìn Đức Kitô. Tôi thấy suốt đời Đức Kitô là ban tặng chính mình bằng yêu thương chấp nhận mọi hy sinh quên mình.
4.Khi nhìn Đức Kitô bị treo trên thánh giá, tôi thấy tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện trong sự Người hạ mình xuống một cách nhục nhã và đớn đau cùng độ.
Nhìn cảnh thảm thương đó, trước hết tôi nhớ lại những lời Kinh Thánh dạy tôi là Đức Kitô chịu thương khó đến cùng cực như thế, là để đền tội, và để cứu chuộc nhân loại.
5.Đúng là như vậy. Tôi nhìn đầu của Đức Kitô chịu mão gai nhọn đâm sâu, máu chảy lênh láng. Tôi hiểu Người chịu như thế là để đền bao tội lỗi do cái đầu của chúng ta đã gây nên.
Tôi nhìn tay chân Đức Kitô chịu đóng đinh vào thánh giá, máu chảy ròng ròng. Tôi hiểu Người chịu như vậy, là để đền bao tội chúng ta đã phạm do tay chân chúng ta.
Tôi nhìn trái tim Đức Kitô bị đâm thủng, máu và nước trào ra. Tôi hiểu Người chịu đau như thế, là để đền những tội chúng ta đã phạm do trái tim chúng ta.
Tôi nhìn vào thân thể Đức Kitô bị lột trần và bị đánh đập. Tôi hiểu Người chịu như thế, là để đền những tội chúng ta đã phạm do thân xác chúng ta.
6.Rồi tôi tự hỏi: Tôi có theo gương Đức Kitô, mà yêu thương đoàn chiên của tôi như thế không? Tôi không dám chắc. Tôi cầu xin ơn tha thứ về quá khứ của tôi và xin ơn nâng đỡ quyết tâm về tương lai của tôi.
7.Thêm vào việc đền tội cho nhân loại, cuộc thương khó của Đức Kitô cũng còn một ý nghĩa nữa, đó là để chia sẻ với những người khổ đau.
Thực vậy, bao người đang bị đau đớn, như bị đội mão gai, như bị đóng đinh vào thánh giá, như bị gươm giáo đâm thủng trái tim, như bị lột trần và bị đánh đập. Đức Kitô đã tình nguyện chịu cảnh khổ đau trên thánh giá, để chia sẻ cảnh khổ đau của bao người trên trái đất này.
Tôi tự hỏi: Tôi có theo gương Đức Kitô, mà chia sẻ thân phận khổ đau của bao người xung quanh tôi một cách khiêm nhường tự hạ như thế không? Tôi không dám chắc. Nên tôi ăn năn, kèm theo việc dốc lòng sẽ thực hiện nhiều hơn những việc hy sinh nhỏ thường ngày.
8.
Càng nhìn lâu Đức Kitô trên thánh giá, tôi càng thấy tôi chỉ hiểu được tình yêu Thiên Chúa một cách đúng đắn nhờ đức tin. Đức tin lúc đó chính là sự gặp gỡ sống động với Đức Kitô. Đức Kitô ở trong tôi. Chính Người chia sẻ cho tôi những tâm tình của Người. Chính Người làm cho trái tim chúng ta được bén nhạy.
Cũng nhờ gặp gỡ sống động và thân mật với Đức Kitô, tôi mới nhận thêm được điều quan trọng này là: Tôi sẽ chỉ có thể yêu thương theo gương Đức Kitô, khi tôi thực sự dựa vào Người. Chứ với sức riêng mình, tôi sẽ thất bại. Nhận thức đó đòi tôi phải tăng cường việc cầu nguyện và suy gẫm nội tâm. Nhờ vậy, mà tôi sẽ được Chúa cho biết những sự thực cần thiết cho ơn gọi yêu thương.
Tới đây, tôi nghĩ tới việc từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Tôi biết Ngài là con người chọn hướng yêu thương, nhưng cũng là con người rất trọng sự thực. Tôi chắc là Ngài biết ba sự thực này trước khi quyết định từ nhiệm.
Một là sự thực về Ngài lúc này. Sức khoẻ đang suy giảm rõ rệt.
Hai là sự thực về trách nhiệm lúc này. Tình hình đang chuyển biến phức tạp. Trách nhiệm Ngài phải gánh sẽ rất nặng nề, rất có thể sẽ vượt quá sức của Ngài.
Ba là sự thực về thánh ý Chúa lúc này. Chúa cho phép Ngài coi sự từ nhiệm của Ngài như một cơ hội có lợi cho ích chung Hội Thánh.
Vì thế việc từ nhiệm của Ngài là một quyết định sáng suốt, khiêm nhường và can đảm dựa trên những sự thực, để phục vụ cho yêu thương. Bởi vì Ngài yêu thương Hội Thánh trong Chúa và với Chúa.
10.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã rất rõ ràng khi Ngài viết:
“Tình yêu đối với tha nhân hệ tại ở việc tôi yêu thương trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa, ngay cả người tôi không ưa và tôi không biết.
Yêu thương như thế chỉ có thể thực hiện được từ việc chúng ta gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông giữa các lòng muốn cho đến tình cảm. Lúc đó tôi sẽ nhìn người khác không những bằng đôi mắt và tình cảm của tôi, mà còn nhìn họ trong đường lối của chính Đức Kitô” (Thiên Chúa là Tình Yêu, số 18).
Đường lối đó chính là cuộc tử nạn đau đớn và nhục nhã của Đức Kitô, nhờ đó Đức Kitô ban tặng chính mình để chia sẻ và để cứu chuộc.
11.
Để kết, tôi xin tóm gọn mấy điểm sau đây:
Tình hình sắp tới sẽ có nhiều khủng hoảng có thể gây nên những cảnh phá sản đau đớn trong xã hội và cả trong Hội Thánh.
Để cứu chính mình và cứu người khác, chúng ta phải mau hoán cải. Hoán cải quan trọng nhất là hoán cải trái tim.
Trái tim cần trở nên nhạy bén hơn, tỉnh thức hơn với trách nhiệm yêu thương, nhờ sống trong Chúa và với Chúa. Lúc đó, trái tim cần can đảm từ bỏ tất cả những ảo tưởng do ý riêng nhưng lại cho là hợp ý Chúa, để tăng cường đời sống nội tâm, tập trung làm những gì cần thiết nhất cho việc bảo vệ và phát triển Nước Thiên Chúa là Nước tình yêu, bình an và ân sủng.
Những trái tim cần phải nên gương hoán cải một cách sâu xa và khẩn cấp nhất, chính là những trái tim người cha người mẹ và các mục tử.
Hoán cải trái tim những người đó và những người có chức có quyền là điều không dễ. Nếu Chúa dùng đến những liều thuốc đớn đau, thì chúng ta không nên ngạc nhiên. Rất có thể là sẽ có nhiều người phải chịu khổ thay cho người khác, để cứu họ và đền tội thay cho họ. Con đường thánh giá sẽ dài. Nhưng sau thánh giá sẽ là Phục Sinh.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.
Long Xuyên, ngày 19 tháng 2 năm 2013.
Tác giả bài viết: ĐGM. GB Bùi Tuần
0 nhận xét:
Đăng nhận xét