1. Đức Thánh Cha cử hành lễ các Thánh Nam Nữ
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin thứ
Năm mùng 1 tháng 11, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lễ trọng kính Các Thánh là cơ
hội để chúng ta hướng cái nhìn xa hơn những thực tại trần thế hạn chế bởi thời
gian, để hướng đến chiều kích của Thiên Chúa, đến chiều kích của vĩnh cửu và sự
thánh thiện. Phụng vụ hôm nay nhắc chúng ta rằng sự thánh thiện là ơn gọi
nguyên thủy của những ai đã được rửa tội. Nên thánh có nghĩa phụng sự Chúa
Giêsu, lắng nghe và theo Chúa, không thất đảm trước những khó khăn. Sự thánh
thiện đòi hỏi một cố gắng trường kỳ, nhưng đó cũng là điều mà mọi người có thể
thực hiện được. Sự thánh thiện trước tiên là một hồng ân của Thiên Chúa, hơn là
công trình của con người. Trong hành trình nên thánh, không bao giờ chúng ta lẻ
loi, nhưng được các thánh trong mọi thời đại tháp tùng.
2. Buổi triều yết chung hôm thứ Tư
Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ
Tư 31 tháng 10, Đức Giáo Hoàng giải thích rằng đức tin vào Thiên Chúa không phải
chỉ là một vấn đề cá nhân, nhưng đó là vấn đề liên quan đến cộng đồng Giáo Hội.
Chính là trong và thông qua cộng đồng này mà đức tin cá nhân được thăng tiến và
được truyền lại cho các thế hệ trẻ.
Đức Thánh Cha nói:
"Anh chị em thân mến, trong
loạt bài giáo lý cho Năm Đức Tin, chúng ta đã thấy rằng đức tin là một điều gì
đó liên quan mạnh mẽ đến cá nhân: đó là một hồng ân của Thiên Chúa giúp biến đổi
và làm phong phú cuộc sống của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng thấy rằng hồng
ân đức tin được nhận lãnh trong và thông qua cộng đồng Giáo Hội.
Trong Bí Tích Rửa Tội, ta tiếp nhận
đức tin của Giáo Hội, đức tin cá vị của ta được thể hiện qua việc tuyên xưng đức
tin trong Kinh Tin Kính và trong việc cử hành các bí tích trong cộng đoàn.
Nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần,
chúng ta có cuộc sống mới trong Chúa Kitô, là một cuộc sống được nuôi dưỡng
trong tình hiệp thông với Giáo Hội. Theo ý nghĩa này, Giáo Hội là Mẹ chúng ta.
Như Thánh Cyprianô nói, "Những
ai không nhận Giáo Hội là Mẹ, thì không ai có thể có Thiên Chúa là Cha". Sống
trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội, chúng ta có thể trưởng thành trong đức
tin mà chúng ta đã được nhận lãnh, và khi thể hiện đức tin này trong thực tế,
chúng ta trở thành đèn hiệu của ánh sáng và bình an của Chúa Kitô trong thế giới.
3. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân cơn bão Sandy
Sau thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng
Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa, Đức Giáo Hoàng đã hướng dẫn kinh Truyền Tin ngày
Chúa Nhật từ cửa sổ phòng làm việc của ngài đối diện với Quảng trường Thánh
Phêrô. Ngài đã đề cập đến tình trạng bi đát của hàng triệu người đang bị ảnh hưởng
bởi cơn bão Sandy. Cơn bão kinh hoàng này đã diễn ra tại vùng biển Caribbean và
đã cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16
nói:
"Tôi muốn đảm bảo với anh chị
em về sự gần gũi của tôi và lòng trí của tôi hướng về những người đã bị ảnh hưởng
bởi thiên tai này, trong khi tôi mời mọi người cầu nguyện và thể hiện tình liên
đới, để giảm bớt nỗi đau của các gia đình các nạn nhân và cung cấp hỗ trợ cần
thiết cho hàng ngàn những người đang gánh chịu những đau thương"
Khi suy niệm về bài Tin Mừng Chúa
Nhật thứ Ba Mươi Mùa Quanh Năm, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến kết luận của Thượng
Hội Đồng Giám Mục thế giới. Cụ thể, ngài đã nói về vai trò đức tin trong việc
thực hiện Tân Phúc Âm Hóa.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhấn
mạnh rằng
"Trong Tin Mừng hôm nay,
Chúa Giêsu ban ánh sáng cho người mù với những lời như sau: ‘Đức tin của anh đã
cứu anh’. Chúng ta vừa kết thúc Thượng Hội Đồng về Tân Phúc Âm Hóa, xin Chúa
cho chúng ta đổi mới cả niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô lẫn cam kết của
chúng ta trong việc truyền bá Tin Mừng chữa lành và an vui của Người cho muôn
dân. "
Trước đông đảo anh chị em tại Quảng
trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng giải thích rằng Tân Phúc Âm Hóa, là không phải
là một sáng kiến, nhưng chủ yếu là sự canh tân, vì mục đích của Giáo Hội từ trước
đến nay vẫn luôn luôn là truyền bá Tin Mừng.
4. Gặp gỡ Đức Hồng Y tương lai của Giáo Hội tại Phi Luật Tân: Đức Tổng
Giám mục Luis Antonio Tagle
Ngày 24 tháng 11, Đức Tổng Giám mục
Luis Antonio Tagle của thủ đô Manila sẽ trở thành một vị Hồng Y của Giáo Hội
Công Giáo. Ngài là một trong sáu tân hồng y Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 vừa
tuyên bố nâng lên hàng Hồng Y hôm thứ Tư 24 tháng 10.
Đức Tổng Giám mục Luis Antonio
Tagle năm nay 55 tuổi sẽ là vị Hồng Y trẻ thứ hai trong Giáo Hội. Người trẻ nhất
là Đức Tân Hồng Y Baselios Cleemis Thottunkal, là Tổng Giám Mục trưởng của Giáo
Hội Syro Malankara. Ngài cũng sẽ được tấn phong Hồng Y trong tháng Mười Một.
Trước biến cố này, Đức Hồng Y tân
cử nhận định rằng điều này cho thấy Đức Giáo Hoàng muốn Phi-líp-pin có một vai
trò tích cực trong việc Tân Phúc Âm Hóa.
Ngài nói:
"Đó là một dấu hiệu của sự
tin tưởng và đánh giá cao của Đức Thánh Cha, không chỉ về phía tôi, nhưng đối với
Giáo Hội tại Phi Luật Tân.
Đây thực sự là một ân sủng, nhưng
mỗi ân sủng đến từ Thiên Chúa có một trách nhiệm tương ứng và vì vậy tôi nghĩ rằng
đây là một ơn gọi cho chúng tôi ở Manila và Phi Luật Tân phải nghiêm túc thực
hiện nghĩa vụ truyền giáo của mình, đặc biệt là ở châu Á.”
Công Nghị Hồng Y tới đây sẽ tăng
cường sự hiện diện của châu Á trong Hồng Y Đoàn, vì Giáo Hội tại châu Á đang
phát triển và vai trò của châu Á ngày càng trở nên quan trọng.
Đức Hồng Y tân cử nói tiếp:
"Chúng tôi cũng hạnh phúc vì
nhiều người Phi Luật Tân, đặc biệt là những người đang làm việc tại hải ngoại
đang truyền bá đức tin của họ. Ví dụ ở Ý đây, có rất nhiều những người Phi Luật
Tân làm việc trong các gia đình. Tôi biết và tôi thấy rằng họ đưa ra chứng tá
lòng sùng mộ của họ, đức tin của họ mà đôi khi họ không biết rằng họ thực sự là
những nhà truyền giáo. Điều này rất thực và rất vinh dự, nhưng cũng là nhiệm vụ
của tất cả chúng ta. "
Đức Cha Tagle được bổ nhiệm là Tổng
Giám Mục Manila một năm trước đây. Ngài rất nổi tiếng tại Phi Luật Tân nhờ hoạt
động rất tích cực trên các trang web mạng xã hội, bao gồm cả Facebook.
5. Gặp gỡ Đức Hồng Y tân cử Baselios Cleemis Thottunkal
Đức Cha Baselios Cleemis
Thottunkal đã là Tổng Giám mục trưởng của Giáo Hội Syro Malankara từ năm 2007,
và ở tuổi 53 tuổi, ngài sẽ trở thành hồng y trẻ nhất của Giáo Hội Công Giáo.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã
công bố Đức Tổng Giám Mục Thottunkal là một trong sáu tân hồng y mới sẽ được tấn
phong ngày 24 Tháng 11.
Trước biến cố này Đức Tổng Giám Mục
Thottunkal nói rằng đó là một ân sủng đặc biệt cho Giáo Hội tại Ấn Độ.
Ngài nói:
"Tôi rất hạnh phúc và chúng
tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Đức Thánh Cha trong công việc của ngài."
Giáo Hội Syro Malankara là một
Giáo Hội Đông Phương hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo.
Ngài nói tiếp:
"Tất nhiên đó là một vinh dự
cho Giáo Hội tại Ấn Độ, đặc biệt là cho người Công Giáo Syro Malankara".
Giáo Hội Syro Malankara có khoảng
450.000 anh chị em tín hữu, chủ yếu sống trong tại tiểu bang Kerala ở miền Nam Ấn
Độ.
6. Tình trạng tự do tôn giáo tại Ấn Độ và châu Phi đang xấu đi.
Mỗi năm, tổ chức Trợ Giúp cho các
Giáo Hội Đau Khổ xuất bản một báo cáo về tình trạng tự do tôn giáo các quốc gia
trên thế giới.
Đức Ông Sante Babolin, chủ tịch của
tổ chức Trợ Giúp cho các Giáo Hội Đau Khổ tại Ý cho biết:
"Báo cáo đưa ra một mô tả
chi tiết của tình trạng tại mỗi nước bao gồm tất cả số lượng các tín hữu và tỷ
lệ của họ trong toàn thể dân số. Ngoài ra nó cho thấy các liên kết liên quan đến
pháp luật của nước sở tại. Báo cáo không chỉ liên quan đến Kitô giáo nhưng bao
gồm tất cả các tôn giáo"
Ấn Độ và các quốc gia ở châu Phi
đang trên đà suy sút về tự do tôn giáo. Căng thẳng đã tăng gần đây ở một số khu
vực và thực sự việc tuyên xưng đức tin của các tín hữu ở nơi công cộng có thể
làm cho họ bị mất mạng.
Tại Ấn Độ đang có một sự leo
thang bạo lực tôn giáo gây ra bởi cả các nhóm cực đoan Hồi giáo lẫn các phần tử
Ấn Giáo cuồng tín.
Ông John Dayal, Tổng Thư ký, Hội
đồng Kitô giáo toàn Ấn Độ cho biết:
"Ở Ấn Độ có 26 triệu người
Kitô giáo và khoảng 150 triệu người Hồi giáo, là nạn nhân của một nhóm vũ trang
mới nổi lên từ trào lưu chính thống Ấn Giáo cực đoan. Các nhóm quá khích Ấn Độ giáo
và Hồi giáo tấn công lẫn nhau và các Kitô hữu bị kẹt ở giữa hai lằn đạn".
John Dayal biết tình hình rất tồi
tệ, đặc biệt là ở bang Orissa, Ấn Độ, nơi đã xảy ra bạo lực quy mô lớn trong những
tháng gần đây.
Ông John Dayal nói:
"Tại bang Orissa, 56,000 người
đã lâm vào tình cảnh vô gia cư, Kitô hữu bị biến mất khỏi 400 làng mạc. Nhiều
người Công giáo đã bị hãm hiếp, 100 người đã thiệt mạng, 500 hoặc 600 ngôi nhà
bị đốt cháy, 300 nhà thờ bị phá hủy. Và nhà nước đã không có bất cứ hành động
nào cần phải có. Cả thế giới cũng vờ luôn, không lưu tâm gì như lẽ ra cần phải
có. "
Với báo cáo này, tổ chức Trợ Giúp
cho các Giáo Hội Đau Khổ hy vọng sẽ thu hút sự chú ý đến việc thiếu tự do tôn
giáo trên thế giới, được phản ánh trong các cuộc xung đột không thể bị bỏ qua
trên các bản tin của truyền thông và nghị trình của các tổ chức quốc tế.
7. Lễ kính Chân Phước Tử Đạo Jerzy Popieluszko
Trong niên lịch Công Giáo, mỗi
năm ngày 19 tháng 10, Giáo Hội dành để kính nhớ Chân Phước Tử Đạo Jerzy
Popieluszko. Người dân Ba Lan, dành 24 tiếng đồng hồ trong ngày này để kính nhớ
vị linh mục anh hùng dân tộc đã bị mật vụ Ba Lan giết ngày 19 tháng 10 năm
1984.
Chân Phước tử đạo Jerzy
Popieluszko sinh ngày 14 tháng 9 năm 1947 trong một gia đình nông dân Công giáo
rất đạo hạnh tại miền Đông Ba Lan. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cậu
Jerzy được chọn vào học tại một chủng viện ở thủ đô Warszawa (Vacsava).
Ngày 28 tháng 5 năm 1972, thầy
Jerzy Popieluszko được Đức Hồng Y Stefan Wyszynsk, Tổng giám mục Warszawa, truyền
chức linh mục. Và sau đó vị linh mục trẻ này được giao đảm trách nhiều công việc
mục vụ khác nhau.
Tháng 8 năm 1980, dưới sự khởi xướng
và cổ võ của Công đoàn Đoàn kết (Solidarnosc), phong trào đình công đòi tăng
lương, phản đối các chính sách chính trị, kinh tế, xã hội bất công và biểu tình
chống độc tài và đòi dân chủ lan rộng tại Ba Lan.
Trong những ngày đình công đó,
công nhân tại một nhà máy thép ở Warszawa đã đến gặp Đức Hồng Y Wyszynsk xin
ngài gửi một linh mục đến dâng lễ cho họ và Đức Hồng Y đã chọn linh mục
Popieluszko.
Và sự bổ nhiệm này đã đánh dấu bước
ngoặt lớn trong cuộc đời của cha Popieluszko vì kể từ đó đến lúc bị giết cha
luôn là chỗ dựa tinh thần cho các công nhân và là nguồn động viên, khích lệ cho
Công đoàn Đoàn kết.
Ngày 13 tháng tháng 12 năm 1981,
chính quyền cộng sản tại Ba Lan ban hành thiết quân luật và bắt đầu chiến dịch
sách nhiễu, bắt bớ, xử án nhiều thành viên của Công đoàn Đoàn kết. Cha
Popieluszko là điểm tựa cho chính những nạn nhân đó và cả gia đình của họ. Ngài
thường tham gia các vụ xử án để an ủi, nâng đỡ và khích lệ những người bị xử
cũng như thân nhân của họ.
Và cũng chính nhờ những lần tham
dự các vụ xử án này, cha đã có sáng kiến dâng lễ cho các nạn nhân bị giam giữ,
bắt bớ và gia đình của họ và cho đất nước Ba Lan.
‘Những thánh lễ cho tổ quốc –
messes pour la patrie’ được tổ chức mỗi tháng tại nhà thờ
Saint-Stanislas-Kostka. Trong những bài giảng tại các thánh lễ đó, ngoài khía cạnh
thiêng liêng, cha còn lên tiếng phản đối và chống lại những chính sách bất công
của chính quyền cộng sản và khuyến khích mọi người can đảm đứng lên đấu tranh
cho công lý, lẽ phải.
Kể từ đó, Ngài trở thành ‘cái
gai’ trong mắt chính quyền cộng sản vì không chỉ có hàng chục ngàn người tới
tham dự những thánh lễ đó mà các bài giảng của ngài cũng được đài châu Âu Tự do
(Radio Free Europe) phát sóng trên toàn Ba Lan.
Và để loại trừ ‘cái gai’ ấy,
chính quyền cộng sản Ba Lan đã dùng những chiêu bài, thủ thuật khác nhau đối với
Ngài.
Vào mùa thu năm 1983, tướng
Jaruzelski, thủ tướng Ba Lan, gửi ĐHY Józef Glemp, TGM Warszawa, một danh sách
60 linh mục được cho là ‘những linh mục cực đoan’ và muốn ĐHY buộc những linh mục
đó phải im lặng. Cha Popieluszko là một trong những người đứng đầu danh sách
đó.
Không thành công, chính quyền cộng
sản dùng những hình thức khác như sách nhiễu, vu cáo, thóa mạ, tạo chứng giả,
khám xét, tra hỏi, bắt bớ, truy tố, án tù đối với cha nhưng cha vẫn không chịu
im lặng, không chịu khuất phục vì cha tin rằng là một ki tô hữu, là một linh mục
cha có bổn phận phải công bố và làm chứng cho sự thật.
Sau những thất bại đó, cách duy
nhất mà chính quyền cộng sản có thể buộc cha Popieluszko im lặng là thủ tiêu
ngài. Ngày 13 tháng 10 năm 1984 họ tạo dựng một tai nạn xe hơi nhằm giết cha
nhưng ngài đã thoát nạn.
Không chịu bỏ cuộc, sáu ngày sau
đó, ngày 19 tháng 10, mật vụ Ba Lan đã cho ba nhân viên của mình chặn xe và bắt
cóc cha khi cha trở về nhà sau khi dâng thánh lễ tại một nhà thờ ngoại ô
Warszawa. Họ đã đánh đập cha một cách dã man cho đến khi cha ngất xỉu rồi vứt
cha xuống con sông Vistula. Và mãi hơn 11 ngày sau đó người ta tìm thấy xác
cha.
Trong thánh lễ cuối cùng đó cha
đã mời gọi cộng đoàn “hãy cầu nguyện để vượt lên mọi nỗi sợ hãi, chiến thắng những
lời đe dọa, và trên hết, để ta thoát khỏi hận thù và bạo lực”.
Cái chết của cha Popieluszko đã gợi
nên một nỗi thương tiếc, xúc động vô ngàn trên toàn đất nước Ba Lan. Đã có khoảng
250000 người tham dự thánh lễ an táng của cha, trong đó có Lech Walesa, người đứng
đầu Công đoàn Đoàn kết.
Hơn nữa sự dấn thân và lòng can đảm
của cha đã khơi dậy lòng quả cảm nơi biết bao người Ba Lan, giúp họ dám mạnh dạn
đứng lên đấu tranh cho dân chủ, công lý. Và nhờ có những linh mục, những con
người can đảm đấu tranh cho công lý như ngài, Ba Lan không chỉ dẹp bỏ được chế
độ độc tài mà còn đóng một vai trò quan trọng việc giúp thống nhất châu Âu.
Trong cuộc sống của ngài, trong
những lời giáo huấn của ngài, đặc biệt là trong các Thánh lễ cho quê hương,
ngài tiêu biểu cho sự trung tín hoàn toàn với những đòi buộc trong Tin Mừng của
Chúa Kitô, và sự trung thành tuân theo giáo huấn của Giáo Hội.
Cha Popieluszko được người dân Ba
Lan âu yếm gọi là “vị Sứ Giả của Sự Thật” – The Messenger of Truth vì ngài mạnh
mẽ và can đảm kêu gọi tôn trọng nhân quyền, cho quyền lợi của người lao động và
nhân phẩm của người, tất cả trong ánh sáng của Tin Mừng.
Ngài đã nên chứng tá anh hùng,
cho Ba Lan và cho toàn thế giới, qua các nhân đức của một linh mục dũng cảm,
luôn trung thành với Thiên Chúa, với thập giá của Chúa Kitô và Tin Mừng của Người,
được thể hiện cụ thể nơi một tình yêu nồng nhiệt dành choThiên Chúa và quê
hương. Nói cách khác, ngài đại diện cho tinh thần yêu nước theo đúng nghĩa Kitô
giáo.
8. Một nhà thờ tại Nigeria bị nổ bom ngay trong thánh lễ
Trong một diễn biến bi đát gây
quan ngại sâu xa cho Giáo Hội tại Nigeria, một cuộc tấn công tự sát ở miền bắc
Nigeria đã giết chết ít nhất 10 tín hữu Công Giáo và làm bị thương hơn 140 anh
chị em khác.
Hôm Chúa Nhật 28 tháng 10, một
người đàn ông đã lái một chiếc xe hơi tông thẳng vào một nhà thờ Công giáo ở
Kaduna, trong khi Thánh Lễ đang được cử hành. Một quả bom trên xe đã phát nổ.
Trước khi tông thẳng vào nhà thờ,
kẻ tấn công đã cán chết các nhân viên công lực đang đứng gác trước nhà thờ.
Day là diễn biến mới nhất trong
hàng loạt các vụ tấn công vào các tín hữu Công Giáo do nhóm Hồi Giáo quá khích
Boko Haram thực hiện trong một cố gắng nhằm tận diệt các tín hữu Kitô tại quốc
gia này.
9. Ý Cầu Nguyện của Đức Thánh Cha
Mỗi tháng Đức Thánh Cha khích lệ
các tín hữu trên toàn thế giới cầu nguyện theo một số những ý chỉ chung. Ý cầu
nguyện chung trong tháng Mười Một hướng đến các thừa tác viên Tin Mừng. Xin cho
các giám mục, linh mục, và tất cả các thừa tác viên của Tin Mừng có thể can đảm
làm chứng cho sự trung tín với Chúa Kitô là Đấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại.
Ý truyền giáo xin cho Giáo Hội lữ
hành trên trần thế có thể tỏa sáng như ánh sáng cho các dân tộc.
10. Lễ Các Đẳng Linh Hồn
Ngày 1 tháng 11, Giáo Hội mừng lễ
kính các thánh nam nữ, là những người tôi trung của Thiên Chúa đã được vinh hiển
trên Thiên Quốc. Ngày 2 tháng 11, chúng ta dâng lễ cầu cho các linh hồn trong
luyện ngục, là những người chưa được hưởng kiến thánh nhan Thiên Chúa, và phải
đền tội trong luyện ngục theo như phép công thẳng Chúa.
Giáo lý Công Giáo dạy chúng ta rằng:
có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục
để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết.
Các linh hồn trong luyện ngục tự
mình không thể làm gì được để được Chúa tha tội, ở đó họ chỉ trông mong có một
điều là hình phạt mau qua đi để chóng được hưởng nhan thánh Chúa, do đó họ rất
cần đến lời cầu nguyện của chúng ta, cần đến những việc lành phúc đức và những
hi sinh của chúng ta là những người đang còn sống ở thế gian.
Tin tưởng vào lòng thương xót của
Thiên Chúa, Giáo Hội đã dành hẳn tháng Mười Một trong năm để cầu nguyện cho các
linh hồn trong luyện ngục, một tháng với biết bao nhiêu là việc lành mà chúng
ta làm, với biết bao nhiêu là thánh lễ mà chúng ta tham dự cách sốt sắng, với
biết bao hi sinh mà chúng ta đã thực hiện, thì chắc chắn có rất nhiều linh hồn
trong luyện ngục được thoát khỏi hình phạt mà về thiên đàng hưởng hạnh phúc với
Thiên Chúa.
Tín điều các thánh thông công được
thấy rõ nhất trong tháng này, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được hiệp thông với
các thánh khải hoàn trên trời, chúng ta góp phần giải thoát các linh hồn trong
luyện ngục bằng các lời kinh nguyện và việc lành của chúng ta, và nhờ bí tích Rửa
Tội mà chúng ta –những tín hữu chiến đấu ở trần gian- được hiệp nhất với nhau
trong tình yêu của Chúa Giê-su.
Bạn thân mến,
Ai trong chúng ta cũng đều có người
thân qua đời, nếu họ đã được hưởng hạnh phúc thiên đàng, thì họ sẽ cầu bàu cho
chúng ta trước toà Thiên Chúa, nếu họ đang bị giam cầm trong luyện ngục thì họ
đang rất cần đến lời cầu nguyện và những hi sinh của chúng ta, mỗi lời nguyện,
mỗi việc lành của chúng ta làm thì như những giọt nước mát mẻ làm dịu mát ngọn
lửa luyện tội đang thiêu đốt họ.
Tháng Mười Một cũng là tháng báo
hiếu của con cái đối với ông bà cha mẹ đã qua đời. Xin lễ cầu nguyện, lần chuỗi
Mân Côi, làm việc lành phúc đức là những cách báo hiếu của chúng ta vậy.
11. Đức Thánh Cha là vị Giáo Hoàng cao niên thứ Năm trong các vị Giáo
Hoàng
Ngày 30 tháng 10, Đức Thánh Cha
Bênêđíctô thứ 16 được 85.54 tuổi và đã trở thành vị Giáo Hoàng cao niên thứ Năm
trong số các vị Giáo Hoàng .Việc xếp hạng dựa trên số liệu thống kê được liệt
kê bởi chuyên gia Anura Guruge là người chuyên nghiên cứu về các vị Giáo Hoàng
đã được bầu sau năm 1400.
Đến ngày 09 Tháng Giêng năm 2013,
Đức Giáo Hoàng sẽ xếp hạng thứ tư, khi ngài vượt qua Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9.
Vào thời điểm đó, có ba vị Giáo
Hoàng cao niên hơn là Đức Clêmentê thứ 10, người đã sống đến tuổi 86. Đức
Clêmentê thứ 12, qua đời ở tuổi 87. Đức Giáo Hoàng cao niên nhất trong lịch sử
là Đức Lêô thứ 13. Ngài đã ở ngôi Giáo Hoàng cho đến tuổi 93.
12. Kỷ niệm 500 năm bức bích họa vô giá của danh họa Michelangelo
Năm trăm năm trước đây, một ngày trước
ngày Lễ Các Thánh, Đức Giáo Hoàng Julius Đệ Nhị đã khánh thành kiệt tác của
Michelangelo là bức bích họa vẽ trên trần nhà nguyện Sistina. Người nghệ sĩ nổi
tiếng này đã trải qua bốn năm làm việc trên trần nhà cách mặt đất 20m. Để đánh
dấu dịp này, hôm thứ Năm 31 tháng 10, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã cử hành
buổi Kinh Chiều Tạ Ơn,
Bức bích họa trên trần nhà của
Michelangelo đã miêu tả những cảnh trong Kinh Thánh như Sáng Thế và Tội Nguyên
Tổ.
Đó thực sự là một tác phẩm vô giá
của nghệ thuật. Kiệt tác của Michelangelo trải dài trên một diện tích dài 40.5m
và rộng 14m.
Trong buổi kinh chiều, Đức Thánh
Cha cũng đã vinh danh tất cả các thánh của Giáo Hội, bao gồm cả những vị đã
không được chính thức phong thánh.
13. Đức Thánh Cha xem phim Nghệ thuật và Đức Tin
Tối thứ Sáu 26 Tháng Mười, tại đại
thính đường Phaolô Đệ Lục, Đức Thánh Cha đã xem một bộ phim tài liệu có tiêu đề
Nghệ thuật và Đức tin, Via Pulchtitudinis nghĩa là Con Đường Thiện Mỹ.
Bộ phim trình bày các liên kết mạnh
mẽ giữa nghệ thuật và đức tin. Sau khi xem phim, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến
những các khả năng truyền bá đức tin Kitô qua nghệ thuật và ngược lại. Bộ phim
tài liệu này cũng cho thấy các vị Giáo Hoàng đã đề cao và cổ vũ việc phát huy
các di sản nghệ thuật Kitô giáo.
Phim tài liệu này được sản xuất bởi
Viện Bảo tàng Vatican phối hợp với một đài truyền hình Ba Lan có tên là TBA.
Sáng kiến thực hiện bộ phim được đưa ra nhân kỷ niệm 500 năm hoàn thành trần
nhà nguyện Sistina.
14. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tiếp kiến Tổng Thống nước Cộng Hòa
Chypre
Sáng thứ Năm 25 tháng 10, Đức
Thánh Cha đã tiếp ông Demetris Christofias, Tổng Thống nước Cộng Hòa Chypre .
Sau buổi tiếp kiến với Đức Thánh
Cha, tổng thống Demetris Christofias, và phu nhân cùng đoàn tùy tùng, đã gặp Đức
Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục
Dominique Mamberti, Tổng Trưởng Bộ Quan Hệ Với Các Dân Nước.
Các cuộc thảo luận đã nhắc đến
"các mối quan hệ tốt đẹp" giữa Tòa Thánh và nước Cộng Hòa Chypre và
đã đề cập đến "những vấn đề ích lợi chung", đặc biệt là "tầm
quan trọng của việc đối thoại và tôn trọng các nhân quyền, trong đó có quyền tự
do tôn giáo."
Tòa Thánh đã bày ước vọng khởi xướng
các cuộc đối thoại hoà bình tại Trung Đông vì hiện nay Chypre đang đảm nhiệm chức
vụ chủ tịch của Uỷ Ban Liên Hiệp Âu Châu.
Theo thống kê của Cơ Quan Trợ
Giúp các Giáo Hội Đau Khổ tại Cộng Hòa Chypre các Kitô hữu chiếm 71.9 % – trong
đó có khoảng 3% người Công Giáo - và người Hồi giáo chiếm 21.9 %.
Giáo Hội Chính Thống Chypre là một
Giáo Hội cổ kính nhất trên thế giới. Di sản văn hóa của Giáo Hội đã bị phá hủy
hầu hết tại phía bắc hòn đảo, vì nằm trong vùng đất bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm
đóng kể từ năm 1974.
15. Huynh Đoàn Thánh Piô X trục xuất Giám mục Richard Williamson
Hôm 25 tháng 10, Huynh Đoàn Thánh
Piô X đã trục xuất Giám mục Richard Williamson. Theo tuyên bố của Huynh Đoàn
Thánh Piô X, Huynh Đoàn đã đi đến quyết định nói trên vì trong thời gian qua
Giám mục Richard Williamson Williamson đã biệt lập với Huynh Đoàn và biểu lộ một
thái độ thiếu tôn trọng và vâng lời bề trên hợp pháp của mình. Vì điều này mà
Huynh Đoàn nói rằng đã bị buộc phải đưa ra biện pháp này tuy đau đớn nhưng cần
thiết.
Tưởng cũng nên nhắc lại là Giám mục
Richard Williamson đã gây ra một làn sóng công phẫn trên thế giới sau khi ông
phủ nhận biến cố Holocaust tức là việc tàn sát người Do Thái trong thế chiến thứ
hai trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Tuyên bố của Huynh Đoàn Thánh Piô
X cho biết là Giám mục Richard Williamson đã được cho một thời gian để suy tư
và bày tỏ sự tùng phục bề trên nhưng ông đã trả lời với một bức thư ngỏ trong
đó ông đã yêu cầu bề trên tổng quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X nên từ chức.
Trong tuyên ngôn công bố hôm 27
tháng 10, Ủy ban Tòa Thánh Ecclesia Dei (Giáo Hội của Thiên Chúa) cho biết Tòa
Thánh tuyên bố vẫn kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời chính thức của Huynh Đoàn
thánh Piô 10 về các đề nghị Huynh đoàn cần chấp nhận để được tái hiệp thông với
Tòa Thánh.
Huynh đoàn này gồm những tín hữu
Công Giáo thủ cựu ly khai với Tòa Thánh từ năm 1988 và từ lâu đang theo đuổi tiến
trình đối thoại để hòa giải. Tuyên ngôn khẳng định rằng:
“Ủy ban nhân cơ hội này để loan
báo rằng trong lá thư gần đây nhất, ký ngày 6 tháng 9, Huynh đoàn thánh Piô 10
cho biết là cần một thêm một thời gian suy tư và nghiên cứu để chuẩn bị câu trả
lời đối với những sáng kiến sau cùng của Tòa Thánh.”
vietcatholic.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét