CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Is 35,4-7a ; Tv 145 ; Gc 2,1-5 ; Mc 7,31-37
Ngôn sứ Isaia rao giảng những lời an ủi và nhẫn nại cho dân Israel. Ngay cả khi họ đang lưu đày, ông bảo họ về các kỳ công của tình yêu Chúa Cha và các vinh quang mà họ sẽ thấy khi lời hứa của Người ứng nghiệm. Isaia cũng cho họ biết rằng việc ứng nghiệm đó không ở đâu “xa xôi”. Đúng hơn, ông tuyên bố: “Thiên Chúa của anh em đây rồi, Người đến báo phục”.
Trong Thư của mình, Thánh Giacôbê đề cập đến sứ điệp được tìm thấy ở cuối Chương 7 Phúc âm của Thánh Máccô. Sứ điệp được chôn sâu “ở vùng ngoại biên” nhưng có đó. Đức Giêsu đi qua lãnh thổ Tia, vùng của người Xamari. Mặc dù những người này là dân ngoại, nhưng Đức Giêsu vẫn ngỏ lời với họ. Người cho thấy vương quốc mở ra cho tất cả mọi người.
Thánh Giacôbê viết cho cộng đoàn về cách đối xử thiên tư trong và ở giữa các thành viên. Đoạn văn kết thúc bằng cách nhắc nhở cộng đoàn rằng “Thiên Chúa đã chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời… để thừa hưởng vương quốc”.
“Chỉ có sự nhìn nhận phẩm giá con người mới có thể giúp phát triển tất cả mọi người với tư cách tập thể và cá nhân (x. Gc 2,1-9). Để thúc đẩy sự phát triển này, cách riêng cần giúp đỡ những người yếu kém nhất, đoan chắc mọi người nam nữ đều có những điều kiện bình đẳng về cơ hội và bảo đảm một sự bình đẳng khách quan giữa các giai cấp xã hội khác nhau trước pháp luật.
Trong các quan hệ giữa các dân tộc và các Nhà nước, các điều kiện về bình đẳng và đối xử ngang nhau là đòi hỏi tiên quyết cho sự tiến bộ đích thực của cộng đồng quốc tế. Mặc dù đã có được những bước đi theo chiều hướng này, không được quên rằng hiện nay vẫn còn nhiều cảnh bất bình đẳng và nhiều loại hình lệ thuộc.
Cùng với sự bình đẳng trong việc nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và mỗi dân tộc, phải nhận thức rằng chỉ có thể bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người nếu cả cộng đồng và toàn thể nhân loại đều thực hiện. Chỉ qua hành động hỗ tương giữa các cá nhân và giữa các dân tộc, thật sự nhắm tới thiện ích của tất cả mọi người, thì mới đạt đến tình huynh đệ đại đồng đích thực; bằng không, tất cả chúng ta sẽ nghèo nàn hơn do bởi các điều kiện về tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng vẫn còn tồn tại” (Sách Tóm lược HTXHGHCG, 145)
Cuối cùng có vẻ như có ai đó đáp lại phép lạ Đức Giêsu thực hiện bằng cách nhớ lại lời hứa từ Ngôn sứ Isaia: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”. Những điều này, theo Isaia, là bằng chứng rằng điều Thiên Chúa Cha đã hứa nay thành hiện thực.
Ở đây ta thấy một mặc khải quan trọng. Nước Thiên Chúa sẽ là thời gian và nơi chốn khi mà những sự chăm sóc và quan tâm đến những người cùng khổ thiếu thốn được thực hiện. Isaia rao giảng những lời an ủi. Lời hứa của Thiên Chúa là Người sẽ cất đi nỗi khổ và thiếu thốn của những người bị chà đạp, áp bức, nghèo khó, kém may mắn, bị bỏ rơi hoặc bị lạc. Đức Giêsu nói lên cũng một thông điệp. Người đã đến để chữa lành, tha thứ, làm mạnh sức và chia sẻ tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa. Cùng với điều đó, Đức Giêsu kêu gọi ta hãy nhận thức rằng mỗi người và mọi người là người thân cận của ta và ta được kêu gọi, không những quan tâm đến những người gần bên nhưng còn yêu thương họ nếu ta muốn thông phần vào Vương quốc của Thiên Chúa.
Thánh Máccô nối kết giữa phép lạ này, tức việc chữa lành con gái người đàn bà Phênixi xứ Xyri và người mù ở Bếtxaiđa (Mc 8,22). Ta thấy đức tin, trước hết của người đàn bà, rồi của những người đem người điếc đến với Đức Giêsu và cuối cùng các nhóm những người đem người mù đến với Người. Họ có đức tin (đây là điều đặc biệt quan trọng khi ta xét rằng người Phênixi xứ Xyri và có lẽ người điếc được xem là “những người không tin”) trong khi những người khác quanh họ, nhất là các người lãnh đạo tôn giáo, thì không tin. Cũng có sự liên kết giữa ba phép lạ chữa bệnh mà Đức Giêsu thực hiện và những phép lạ do các Tông đồ làm trong cuộc hành trình truyền giáo của các ông.
Các bài đọc ngày hôm nay giúp ta hiểu tại sao ta phải kiên nhẫn đợi chờ. Chúng giúp ta có thể nhận ra vị Mêsia được hứa ban này là ai và việc Người đến sẽ có ý nghĩa gì trong đời của ta khi Người đến làm mới tâm hồn ta.
Đức ông James M. Reinert
Đan Quang Tâm dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét