HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ


ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ
“Tôi biết tôi tin vào ai” (2Tm 1, 12)
              Nhiều người nghĩ rằng nhân loại càng văn minh hiểu biết, khoa học càng phát triển, thì những huyền thoại và mọi niềm tin cũng chấm dứt, con người sẽ tự động vượt thoát khỏi những lệ thuộc tôn giáo để chỉ tin vào sức mạnh vạn năng của lý trí. Bởi vậy, lý tính khoa học được tôn làm thẩm phán tối cao và là nguồn gốc của mọi chân lý. Nhà khoa học Berthelot đã ngang nhiên xác quyết như sau: “Thế giới này không còn huyền bí nữa… Khái niệm phép lạ và siêu nhiên tan biến như một ảo ảnh vô ích, một thiên kiến lỗi thời”. Thế nhưng nhà bác học Albert Einstein khẳng quyết ngược lại: “Điều đẹp nhất mà chúng ta có thể cảm nhận được chính là khía cạnh huyền bí của cuộc đời. Đó là tình cảm sâu xa ở trong nôi của khoa học và nghệ thuật đích thực”.
       Không chỉ những người vô thần, mà còn ngay trong nội bộ Kitô giáo, cũng có những người mang tham vọng muốn “giải huyền” để chỉ còn lại những gì là thuần túy nhân loại. Nhưng khi người ta chối bỏ niềm tin này thì lại tạo nên niềm tin khác, phủ bỏ Thần Thánh nọ thì lại dựng nên thần thánh kia. Thay vì tin vào một Thực tại Siêu việt hay vào Thiên Chúa, thì họ lại tin vào những thực tại trần thế được con người tuyệt đối hóa. Bởi vậy, Thượng đế của nhiều người hôm nay là tiền bạc, danh vọng, khách hàng, tiến bộ khoa học kỹ thuật, hay những nhân vật được đánh bóng và thần thánh hóa. Những ai đã từng đặt hết hy vọng vào cuộc sống này thì cuối cùng kết quả thực tế là gì? Những tang thương, vỡ mộng của những hy vọng trong thế kỷ qua chưa làm thức tỉnh những ai chỉ tin vào quyền lực của lý trí sao? Khoa học có thể giải đáp nổi cái huyền bí đen tối nhất của đời người là cái chết sao? Paul Valéry nói lên tâm trạng của con người hôm nay rằng: “Chúng tôi văn minh? Nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi phải chết!”. Như vậy, niềm tin vào Thiên Chúa là huyền thoại hay niềm tin vào cuộc sống này là huyền thoại?
 1. Huyền thoại hay huyền nhiệm?
       Điều quan trọng đối với chúng ta không phải là khai trừ mọi huyền thoại, hay chối bỏ mọi niềm tin để rồi làm cuộc đời trở nên nghèo nàn và trống rỗng. Nếu biết đề cao lý trí, thì hãy dùng lý trí để chọn lựa, gạn lọc những gì có thể làm triển nở và nâng cao tầm nhìn của con người. Lý trí phải sáng suốt phân biệt huyền thoại với huyền nhiệm, thần thoại với niềm tin chân chính. Phải vượt qua huyền thoại để tiến sâu vào huyền nhiệm. Huyền thoại chỉ là sản phẩm của con người, có tác dụng kích thích trí tưởng tượng và làm nên những cảm hứng rất thi vị cho đời, nhưng nó không có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn. Huyền thoại tích cực có thể gợi ra phương hướng sống nhưng không làm nên lý tưởng sống. Nó có thể làm nên những ước mơ, nhưng không thể biến ước mơ thành hiện thực.
       Trái lại, huyền nhiệm là tác phẩm của Thiên Chúa, là sinh khí làm nên sự sống mới cho tâm hồn, là chân trời mới bộc lộ cho ta những gì ẩn giấu trong Thiên Chúa mà Ngài muốn mặc khải cho nhân loại. Huyền nhiệm đưa ta vào thế giới của Thiên Chúa, mang lại cho ta tâm tình an vui và hy vọng, dạy ta biết sống yêu thương và hiến dâng. Đành rằng con người không thể sống thiếu cơm bánh, nhưng cũng không thể sống viên mãn chỉ bằng cơm bánh. Đành rằng chúng ta phải sống thực tế, sống hết mình và hết tình để thăng tiến bản thân và góp phần xây dựng cuộc đời này, nhưng cũng phải sống có lý tưởng, có niềm tin và sự trông cậy để được nâng đỡ và ấp ủ trong huyền nhiệm. Trên nền tảng thiêng liêng đó con người mới vững vàng vượt qua gian nan và thách đố của cuộc đời để thành toàn chính mình trong một định hướng siêu việt, đã được ghi khắc trong chính thâm tâm của mỗi người.
       Quả thật, “Cái thế giới tinh thần của con người là vô cùng phức tạp, vì sự vận động của nó luôn luôn nhắm tới cái thật cao và thật xa. Càng có tuổi thì cái nhu cầu hướng tới cái tận thiện tận mỹ, thậm chí tới cái vô cùng càng mãnh liệt.” (Nhà Văn Nguyễn Khải). Không phải chúng ta muốn khoác cái áo huyền nhiệm vào cuộc sống này, nhưng tự cuộc sống đã là điều thiêng liêng, huyền nhiệm. Bởi vì con người đã được sáng tạo nên như thế. Huyền nhiệm chính là bản chất của đời sống con người: “Linh ư vạn vật”. 
2. Ý nghĩa sâu xa của đức tin
Trong tâm trí mỗi người có một khoảng trống dành cho sự vô tín hoặc sự nghi ngờ hiện diện. Có nhiều vấn đề người ta suy nghĩ mà không tin, cũng có những điều người ta tin mà không suy nghĩ. Có nhiều vấn đề con người tin mà không thực hữu, nhưng cũng có những điều thực hữu mà con người chưa tin.
Đức Tin là một điều tối quan trọng mà con người không ý thức hết. Đó là vì sự hiểu biết của con người còn quá ít so với chân lý mênh mông. Nếu phủ nhận đức tin, con người chỉ còn lại phần lý trí hẹp hòi mà thôi. Nhưng khi con người đã có lòng tin mà lại tin một cách thuần lý trí để rồi lòng tin ấy tiếp tục bị đặt vào sự sai lầm nữa thì còn khốn đốn hơn. Chúa biết điều nầy nên Ngài ban cho chúng ta Đức Tin vào Ngài. Chúng ta tin rằng có vô số vấn đề đã được dựng nên, đã hiện hữu từ trước mà con người chưa biết, chưa nghĩ ra và chưa tin. Hay nói một cách khác, có những sự thực hữu mà tâm trí con người chưa hề với tới. Ngoài tâm trí, con người còn vô số thực hữu mà “Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.” (1Cr 13, 12).
     Tin không những là tin có Thiên Chúa (credere Deum), mà còn tin nơi giáo huấn của Ngài (credere Deo) và tin vào tình thương của Ngài (credere in Deum). “Tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng. Chúa không phải là Đấng bắt con người phải kính mến, nhưng là Đấng mà con người phải để cho Ngài yêu thương mình vô hạn”. (ĐHV, 113). Thiên Chúa cao cả, siêu việt, không phải vì Ngài “toàn năng”, nhưng vì Ngài “toàn ái”.
Đã gọi là đức tin tất nhiên vượt trên lý trí và trong những trường hợp nào đó ta phải từ bỏ một phần nào đòi hỏi chính đáng của lý trí. Vì tin không thể đồng nghĩa với tôi thấy hay tôi biết. Đã biết, đã thấy thì đâu còn gọi là tin. Chính vì vậy mà thư gởi tín hữu Do Thái mới xác định: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Dt 11, 1). Đức Bênêđictô XVI cũng cho biết: “Ngay bây giờ, đức tin đã cho chúng ta điều gì đó của thực tại được mong chờ, và thực tại hiện tại cho chúng ta một “bằng chứng” về những điều chúng ta chưa thấy”. (Spe salvi, 7).
Thật sự, đức tin tạo cho cuộc sống một cơ sở mới, một nền tảng mới mà con người có thể dựa vào. Nền tảng mới này làm cho cơ sở thông thường như lợi nhuận hay tài sản vật chất trở nên tương đối hóa. Và cũng từ đó, một tự do mới được phát sinh, biểu lộ bằng những hành động từ bỏ lớn lao vì tình yêu Đức Kitô, đến độ dám hy sinh chính bản thân mình để đem lại sự nâng đỡ, ánh sáng và niềm vui cho những ai đang sống trong tối tăm, sầu khổ. Đã có biết bao tấm gương như thế của các Kitô hữu trong mọi thời đại, chứng tỏ đức tin đã làm nên đời sống mới của họ, và là “bằng chứng” cho những gì sẽ đến. Lời hứa của Đức Kitô cũng thế, không chỉ là một thực tại được mong đợi, nhưng là một hiện diện thực sự: Ngài mới thực sự là “triết gia” đúng nghĩa và là “mục tử” nhân lành, Đấng chỉ cho chúng ta biết thế nào là sự sống đích thực và nơi đâu có sự sống ấy. Sự sống ấy cũng chính là Đức Kitô, trong Ngài, Thiên Chúa đã biểu lộ chính mình (x. Spe salvi, số 8).
       Đối với Kitô giáo, đức tin mang một tính chất lịch sử đặc biệt, vì Lời của Thiên Chúa đã thực sự trở thành Ngôi Lời, sống giữa nhân loại (x. Ga 1, 9-10). Vì thế, tin có nghĩa là tin ở, tin vào Đức Kitô. “Những ai đón nhận và tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga, 1, 12), nghĩa là ngay từ đời này người tín hữu đã được tham dự vào nguồn sống vô biên của Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô. (x. Ga 3, 16.36). Do đó mà thánh Phaolô đã xác quyết một cách mạnh mẽ: “Tôi biết tôi tin vào ai”(2Tm 1, 12). Đó là một đức tin hoàn toàn sáng suốt và chắc chắn đối với chính mình. Hơn nữa, trong Đức Kitô, những kẻ tin Ngài “được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13, 11). Thực sự họ “đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Ngài” (1Cr 1, 5). Đó mới là sự hiểu biết vượt trên mọi hiểu biết, đưa con người đến ơn cứu độ muôn đời.
       Tin không phải chỉ là liên kết với chân lý mà còn là một cách thế sống và là một hành trình tiến về chân lý. Tin như thế luôn bao hàm một dấn thân trọn vẹn, một nỗ lực vươn lên không ngừng, để tin làm sao thì sống làm vậy. Tuy nhiên, ân sủng của Thiên Chúa mới là yếu tố quyết định, là bản chất của đức tin. Đó là công trình của Thiên Chúa nơi đời sống của một con người, là một sự công chính hóa do lòng thương xót Chúa, chứ không phải do con người muốn làm nên dựa vào tài đức hay sự tốt lành của mình.
3. Giá trị của lý trí
     Trong Thông điệp “Về niềm hy vọng Kitô giáo” (Spe salvi) số 23, Đức Benêđictô đã nói thật hay về bản chất, giá trị và vai trò của lý trí như sau:
“Quả thật, lý trí là hồng ân cao quí Thiên Chúa ban cho con người, và sự chiến thắng của lý trí trên sự phi lý cũng là một mục tiêu của đức tin Kitô Giáo. Nhưng khi nào thì lý trí thực sự làm chủ? Phải chăng khi lý trí được tách ra khỏi Thiên Chúa? Phải chăng khi nó trở nên mù lòa trước Thiên Chúa? Phải chăng lý trí của quyền lực và của hành động đã là toàn bộ lý trí? Nếu tiến bộ, để thực sự là tiến bộ, phải cần đến sự tăng trưởng luân lý của nhân loại, thì lý trí của quyền lực và hành động còn cần hòa nhập vào việc phân định thiện ác cách khẩn thiết hơn nữa, nhờ lý trí mở ra với những sức mạnh cứu độ của đức tin. Chỉ có như thế lý trí mới trở nên thực sự nhân bản, và có khả năng chỉ đường cho ý chí, và lý trí chỉ làm được điều này khi nó biết vượt lên chính mình. Ngược lại, khi mất quân bình giữa khả năng vật chất và sự thiếu phán đoán của con tim, thì tình trạng đó sẽ trở nên một đe dọa cho con người và toàn thể tạo thành…
Không còn nghi ngờ chút nào rằng Thiên Chúa thực sự bước vào cuộc sống của con người, không chỉ đơn thuần vì chúng ta tưởng nghĩ đến Ngài, nhưng chính Ngài đích thân đến gặp gỡ và ngỏ lời với chúng ta. Chính vì thế mà lý trí cần đến đức tin để hoàn toàn là chính mình: lý trí và đức tin cần đến nhau để hoàn thành bản chất và sứ mạng đích thực của mình”.
4. Sự liên kết chặt chẽ giữa đức tin và lý trí
       Giữa niềm tin và lý trí, giữa huyền nhiệm và khoa học đành rằng có những khác biệt, là hai lãnh vực khác nhau, nhưng không vì thế mà đối nghịch nhau. Cả hai đều lớn lên với nhau và tồn tại trong nhau nơi đời sống của một con người. Chúng bổ túc và phong phú hóa cho nhau để giúp con người hình thành quan niệm đúng đắn và quân bình về cuộc sống, đồng thời làm triển nở sâu rộng mọi chiều kích nhân-linh.
       Trước tiên chúng ta cần xác định rằng: “Không hề có sự xung đột giữa một nhà khoa học thực thụ với một người đặt niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng chăm sóc tới từng cá nhân chúng ta”. Đó là lập trường của Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Dự án Giải mã Gen người, là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới. Trong bài viễn văn công bố bản đồ Gen chứa toàn bộ các ADN, Tổng thống Bill Clinton đã vui mừng tuyên bố: “Ngày hôm nay, chúng ta được hiểu về loại ngôn ngữ mà Chúa đã sử dụng để sáng tạo nên sự sống. Hơn bao giờ hết, chúng ta nghiêng mình trước sự phức tạp, trước vẻ đẹp và sự kỳ diệu của món quà thần thánh nhất, thiêng liêng nhất của Ngài”.
   Lạ thay, một chính khách hàng đầu trên thế giới mà lại đề cập đến vẻ huyền nhiệm thiêng liêng trong một công trình  khoa học như thế. Nhưng lạ hơn nữa là phản ứng của Tiến sĩ Collins khi phát biểu: “Riêng với tôi, thật tuyệt vời và đáng kinh ngạc khi biết rằng lần đầu tiên chúng ta đọc được cuốn sách chỉ dẫn về chính bản thân mình, cuốn sách mà trước đó duy chỉ có Chúa mới biết đến”. Collins còn cho biết: “Với tôi, trải nghiệm của việc sắp xếp trình tự Gen người và khám phá ra bí mật đáng lưu tâm nhất trong tất cả này, vừa là một thành tựu đáng kinh ngạc của khoa học, vừa là dịp thể hiện tình yêu với Chúa”. Ông còn xác tín mạnh mẽ: “Tin vào Chúa là một sự lựa chọn hoàn toàn lý trí, và rằng, trong thực tế, các nguyên lý của đức tin lại bổ sung cho các nguyên lý của khoa học”[1].
Vấn đề nêu trên quan trọng đến nỗi có cả một Thông Điệp về Đức Tin và Lý Trí (Fides et ratio), của Đức Gioan Phaolô II. Ngài mở đầu Thông điệp như sau: “Đức tin và Lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã in đặt nơi tâm khảm con người ước vọng tìm biết chân lý để cuối cùng con người được nhận biết Thiên Chúa, ngõ hầu nhờ nhận biết và yêu mến Người, con người sẽ đạt thấu được sự thật về mình cách đầy đủ”.
Thánh Augustinô tuyên bố đức tin soi sáng tâm trí và giúp cho lý trí nắm bắt được những chân lý nền tảng về toàn bộ thực tại: “Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin”[2]. Nói cách khác, “đức tin luôn đòi hỏi kiếm tìm hiểu biết những gì đã tin”[3]. Chính ân sủng đức tin mở “mắt tâm hồn” (Ep 1, 18). Theo Augustinô, đức tin không ngược lại lý trí, nhưng có trước lý trí và vượt trên lý trí. Đức tin kích hoạt trí tuệ tiếp tục đi sâu vào mầu nhiệm: “Tôi sẽ không tin nếu tôi không nhận thấy rằng tôi phải tin”.
Tương tự, thánh Tôma Aquinô cũng chủ trương rằng: “Tin là hành vi của trí tuệ gắn bó với chân lý của Thiên Chúa, dưới sự điều động của ý chí được ân sủng của Thiên Chúa lay động”[4]. Tự lý trí bẩm sinh đòi hỏi sự hướng đạo và hỗ trợ của đức tin tôn giáo để đạt được chân lý một cách trọn vẹn. Trong lúc tin, trí tuệ rõ ràng đã đồng ý bằng hành động của ý chí. Tin là “suy tư với sự đồng ý.” Trong tri thức khoa học, trí tuệ cũng đồng ý với những tuyên bố xác định. Nhưng trong đức tin, sự quyết định đồng ý đến từ ý chí. Do đó, đức tin đích thực không bao giờ chỉ là một tri thức suông, vì người ta có thể biết mà không tin. Thật vậy, “Không bao giờ có ai tin theo Đạo chỉ vì lý luận hay chứng cứ, cho dù chúng hợp lý đến đâu chăng nữa” (Gabriel Marcel).
Nhưng rồi không thể tin nếu không cảm nghiệm hay chẳng có một dấu hiệu khả tín nào. Thánh Tôma cho rằng lý trí có thể đạt tới những chân lý cơ bản nào đó về sự hiện hữu và bản tính của Thiên Chúa, nhưng đức tin thì làm cho việc nắm bắt những chân lý này trở nên vừa chắc chắn vừa khả hữu hơn. Hơn nữa thánh Tôma còn nghĩ rằng, để hiểu biết đầy đủ về Thiên Chúa và con đường đi tới sự cứu rỗi sau cùng của loài người thì cần phải có đức tin trong trạng thái mặc khải thiêng liêng. Một đức tin như thế, là quà tặng từ ân sủng của Chúa. Điều đó giải thích vì sao đức tin, cùng với hy vọng và lòng bác ái, được coi là một đức hạnh siêu nhiên hoặc thuộc về thần học.
Như vậy: "Nếu con người với trí thông minh không nhận ra Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo mọi sự, không phải vì họ thiếu phương tiện tìm hiểu, nhưng vì ý muốn tự do và tình trạng u tối  do tội lỗi của họ cản đường" (Fides et ratio, 19).
5. Hai nguồn nhận thức nơi con người
Tựu chung, chúng ta có hai cách để biết: đức tin và lý trí. Ðức tin là biết qua sự tin tưởng. Lý trí là biết qua suy nghĩ, quan sát,  thực nghiệm hay kinh nghiệm cá nhân. Sự hiểu biết nhờ lý trí mà thôi thì quá giới hạn. Cả hai cần phải cùng nhau phát triển. Các khoa học gia phải lệ thuộc vào niềm tin tự nhiên. Họ phải tin tưởng nhau. Mỗi khoa học gia không có thì giờ và tài nguyên để tự mình kiểm chứng tất cả mọi thí nghiệm và đo lường. Họ phải tin vào những bài viết về khoa học. Vậy niềm tin là kiến thức được nuôi dưỡng bằng sự liên hệ cá nhân, và chúng ta cần có niềm tin. Trong khoa học niềm tin này được nuôi dưỡng bằng “cộng đồng khoa học”. Niềm tin này không phải là một “bước mù quáng” nhưng được hỗ trợ bằng lý trí. Những bài viết trên các sách báo khoa học được duyệt xét cẩn thận bởi các khoa học gia khác. Nếu một khoa học gia nào có bằng chứng là thiếu lương thiện, thì niềm tin này bị tan vỡ, và công việc của người đó bị mất tín nhiệm.
Đức tin cũng thúc đẩy chúng ta theo đuổi lý trí: "Chính đức tin sẽ thúc giục lý trí vượt thoát tình trạng cô lập và tù túng để thong dong theo đuổi những gì là chân, thiện, mỹ. Ðức tin đúng là trạng sư đại tài, và là nhà biện hộ giúp cho lý trí thắng cuộc" (Fides et ratio, 56). Không có điều căn bản là niềm tin, chẳng ai muốn bỏ giờ ra nghiên cứu vũ trụ và những điều cơ bản của vật chất. "Cũng chính một Thiên Chúa duy nhất, Ðấng thiết lập và đảm bảo tính khả tri cũng như tính hữu lý vẫn tàng chứa trong các sự vật thuộc trật tự tự nhiên, dựa vào đó mà các nhà khoa học có thể yên tâm truy cứu các nghĩa lý” (Feides et ratio, 34).
Chú thích số 29 của Thông điệp cho biết: "Thánh Kinh và thế giới tự nhiên đều tiến hành cách bình đẳng từ Lời Thiên Chúa, Thánh Kinh được Chúa Thánh Thần viết, thế giới tự nhiên thừa hành cách trung tín lề luật của Thiên Chúa". Thiên Chúa đó chính là Cha Đức Giêsu Kitô. Và như thánh Phaolô đã xác quyết: “Sự thật ở nơi Đức Giêsu” (x. Ep 4, 21): Ngài là Lời hằng hữu, Lời tạo thành mọi vật, cũng là Lời nhập thể, Đấng mặc khải Chúa Cha trong trọn cả ngôi vị của mình (x. Ga 1, 14. 18), là Đấng mà lý trí con người vẫn tìm kiếm nhưng không biết (x. Cv 17, 23).
"Mặc dầu đức tin, một món quà Thiên Chúa ban, không đặt nền tảng trên lý trí, nhưng chắc chắn không thể không cần đến lý trí. Trái lại cũng phải thấy rõ rằng, lý trí cần phải được đức tin củng cố năng lực cho thì mới có thể khám phá ra những chân trời xa rộng mà tự sức riêng nó không sao đạt thấu được." (Fides et ratio, 67). Lý trí có thể mở trí khôn cụ thể của chúng ta ra để rồi ý chí chúng ta dễ đón nhận ân sủng của đức tin siêu nhiên. Lý trí cũng giúp đức tin không sa vào mê tín dị đoan, và có thể phê phán đức tin của chúng ta: "Thật là hão huyền khi nghĩ rằng đức tin đi đôi với một lý trí yếu ớt, mà lại có thể trở nên thâm hậu hơn; ngược lại là đàng khác, đức tin ấy sẽ tàn rụi dần để chỉ còn là hoang tưởng hoặc mê tín mà thôi”. (Fides et ratio, 48).
Một lạc giáo liên quan đến đức tin là thuyết "Duy Tín", cho rằng đức tin siêu nhiên thì quá trổi vượt trên lý lẽ tự nhiên đến nỗi lý trí không có ích gì cho đức tin. Tiếc thay Thuyết Duy Tín làm cho đức tin trở nên một sự tin tưởng mù quáng. Thánh Phêrô cho thấy lý trí có thể giúp chúng ta giải thích đức tin một cách hay hơn cho những người không có cùng một niềm tin như chúng ta: "Anh em hãy luôn sẵn sàng giải thích cho bất cứ ai hỏi anh em về lý do của niềm hy vọng của anh em, nhưng hãy làm điều đó với sự khoan dung và kính cẩn" (1 Pr 3:15-16). Cũng thế, đức tin siêu nhiên có thể cung cấp cho lý trí một sức sinh động và mới mẻ (x. Fides et ratio, 48). Ðức tin có thể giải thoát lý trí khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào cảm quan. Như trong khoa học, đức tin có thể thúc đẩy chúng ta theo đuổi các lý lẽ xa hơn nữa để thu lượm được nhiều kiến thức.
Tóm lại: "Giáo hội vẫn luôn thâm tín rằng đức tin và lý trí hỗ trợ lẫn cho nhau; chúng ảnh hưởng lẫn nhau khi trao đổi những phê phán làm cho nhau thêm tinh tuyền, và khuyến khích nhau trong việc theo đuổi tìm kiếm để hiểu biết sâu xa hơn” (Fides et ratio, 100).
6. Tương quan giữa triết học và thần học
Sự quan hệ giữa đức tin và lý trí cũng là sự quan hệ giữa triết học và thần học. Triết học là một khối kiến thức được xắp xếp có thứ tự để giải thích một điều gì. Tương tự như lý trí, nó bắt đầu từ cảm quan. Còn thần học cũng là một khối kiến thức nhằm mục đích giải thích một điều gì, nhưng nó bắt đầu từ Lời Chúa mặc khải. Nó liên quan đến cả đức tin lẫn lý trí. Vì hai môn học đó bắt nguồn từ hai khởi điểm khác nhau, nên chúng cũng khác nhau. Nhưng chúng ta có thể dùng cả hai để hiểu thêm về Thiên Chúa. Dựa vào thế giới tự nhiên dễ hiểu, triết học có thể dùng lý luận để chứng minh rằng có Thiên Chúa như là một Nguyên Lý Tuyệt Ðối. Nhưng triết học không thể biết gì về mầu nhiệm Thiên Chúa. Chỉ nhờ mặc khải và thần học mà chúng ta mới hiểu biết hơn về Thiên Chúa là Chúa Ba Ngôi. Cuối Thông điệp Fides et ratio, Đức Gioan Phaolô II đã vạch ra một số dòng tư tưởng triết học hiện đại mà trên căn bản có tính cách sai lạc:
Trước hết là “Thuyết Chiết Trung”: một phương thức vay mượn tư tưởng từ nhiều triết lý khác nhau, cố dung hòa một cách máy móc các quan điểm khác hẳn nhau, mà không quan tâm đến sự thích hợp hay mạch lạc nội tại của chúng. Nó là “một mớ tư tưởng hỗn tạp”.
Thứ nhì, “Thuyết Duy Sử” cho rằng không có chân lý nào vượt thời gian cả. Một điều đúng ở giai đoạn lịch sử này có thể sai ở giai đoạn lịch sử khác. Đó cũng là não trạng duy tương đối, một thứ độc tài về cảm thức luân lý. Cuối cùng sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng chỉ là tương đối: có thể có, có thể không, tùy vào sự đoán định chủ quan của cá nhân hay tập thể trong một bối cảnh hay giai đoạn nào đó thôi.
Thứ ba là thuyết “Duy Khoa Học”, tương tự như thuyết Duy Lý và thuyết Duy Nghiệm. Những chủ trương này coi khoa học, lý trí và thực nghiệm như nền tảng để quyết đoán mọi sự trong cuộc sống. Hai trận thế chiến là kết quả hiển nhiên bởi sự thống trị của lý trí duy khoa học thực nghiệm, là một thứ lý trí không có tiêu chuẩn đạo đức hay tôn giáo, cắt xén phần tâm linh, nên đã làm cuộc sống con người trở nên què quặt, bạc nhược, càng ngày càng hỗn loạn và đau thương, vì cảm thấy chính mình cũng trở thành một công cụ sản xuất.  Đó là chưa nói tới vấn đề môi trường, vấn đề ADN, là những mặt tối của khoa học kỹ thuật. Khi bài xích tôn giáo và nói riêng Kitô giáo, người ta đã tôn vinh Khoa học kỹ thuật như một thứ tôn giáo mới, từ đó phát sinh hiện tượng vô thần dưới nhiều hình thức.
Thứ tư là “Thuyết Duy Thực”, rất phổ thông ở Anh Quốc và Hoa Kỳ, chỉ dựa trên kết quả và sự thực dụng. Tất cả những cân nhắc có tính cách lý thuyết đều bị bác bỏ. Bất cứ hành động nào đem lại kết quả mong muốn đều là hành động tốt. Đây là một quan niệm chỉ nhằm vào thế giới này, không muốn biết tới gì khác, vì cho rằng con người chỉ nhận thức và lý giải được thế giới trước mắt, còn tự tính của nó thế nào thì con người không thể vươn tới.
Sau hết tất cả những triết thuyết trên đưa đến “Thuyết Hư Vô”. Ðó là việc chối bỏ nhân phẩm và số phận đời đời của con người. Hư vô là một kết luận hợp lý cuối cùng và chân thật rằng không có Thiên Chúa chúng ta không là gì cả. Ðó là sự tuyệt vọng của thuyết vô thần. Những triết thuyết này có khuynh hướng chối từ sự cần thiết Thiên Chúa và tuyên xưng một sự tự lập giả tạo. Đức Gioan Phaolo II đã khẳng định: “Vì thế giới được tạo dựng không thể tự đủ cho mình, mọi ảo ảnh về tự lập trong đó chối từ sự lệ thuộc cần thiết vào Thiên Chúa của mọi tạo vật - kể cả loài người - đều đưa đến những hoàn cảnh bi đát làm tan vỡ việc tìm kiếm hợp lý sự hòa hợp và ý nghĩa của đời sống con người” (Fides et ratio, 80).
Kết luận
Tóm lại, tin không phải là biết, dù nó cần đến sự hiểu biết trong đức tin. Đức tin không thuộc lãnh vực tri thức khoa học, nhưng tin cũng bao hàm một cách thế nhận thức ở bình diện khác, vì “sự chắc chắn do ánh sáng của Thiên Chúa ban thì lớn lao hơn sự chắc chắn do ánh sáng tự nhiên của lý trí”[5].
Tin là đáp lại một tiếng gọi để vươn xa hơn, cao hơn chính bản thân; là bước đi rộng hơn lãnh vực khả giác, khả tri và khả nghiệm.
Tin là một thái độ của con người toàn diện quyết định vượt xa hơn mọi thực tại hữu hình, mọi lý luận phàm trần, để dấn thân trọn vẹn cho một lẽ sống mới, trong tương quan huyền nhiệm với Đấng Tuyệt Đối.
Lý trí và đức tin đều nằm trong tiến trình vươn lên của đời sống làm người về mọi phương diện, một đời sống rất thực tế nhưng cũng rất huyền nhiệm, bởi vì con người được dựng nên cho chính Chúa. Trong chiều sâu của đời sống nhân-linh, không chỉ có cái biết của lý trí, nhưng còn là cái biết của con tim, cái biết của một tình yêu khao khát tìm về với Đấng Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ. Đó mới là khát vọng thâm sâu của mỗi người, mà mọi hiểu biết trong cuộc sống này cuối cùng phải dừng lại, để nhường bước cho đức tin mở ra một dự phóng siêu vượt. Lý trí có thể đưa chúng ta đến bên bờ của đức tin, rồi để mặc chúng ta ở đấy. Không phải lý trí bỏ rơi chúng ta nhưng lý trí không thể giúp chúng ta vượt qua được mép bờ huyền nhiệm của đức tin. Ðứng trên mép bờ huyền nhiệm ấy, tác động thích hợp duy nhất là tâm tình yêu mến và phó thác.
Với tâm tình phó thác và yêu mến, đức tin cho ta thấy những điều mà người khác không thấy, hiểu những điều mà người khác không hiểu, biết những điều mà người khác không biết, kinh nghiệm những điều mà người khác không hề kinh nghiệm, cảm nếm những điều mà người khác không hề cảm nếm, làm những điều mà người khác không thể làm, sống những điều mà người khác không thể sống. Vì đức tin là huyền nhiệm của ân sủng, là tác động và sự sống của Chúa trong tâm hồn những kẻ tin.
Lạy Chúa, mọi sự bởi Chúa mà ra, mọi loài do Chúa mà có, mọi việc nhờ Chúa mà thành.
Tất cả cuộc sống con đều là ân ban của Chúa. Nhưng rồi nhiều khi con phát triển cuộc sống như thể chỉ dựa vào chính mình.
Con quên rằng chính Chúa không ngừng tiếp tục sáng tạo và làm nên cuộc sống con trong từng giây phút.
Với lý trí, con hay sống đức tin chỉ bằng sự hiểu biết của mình, nhưng đã không hiểu biết như mình phải hiểu biết. Con vẫn tin, nhưng đã không tin như mình phải tin. Hóa ra hiểu biết con vẫn còn non dại và đức tin con vẫn còn non kém.
Con muốn khẳng định về cuộc sống mình như thánh Phaolô: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô”. Đó là sự hiểu biết trong đức tin, với hết lòng yêu mến và phó thác.
Xin Chúa nâng đỡ và gia tăng đức tin cho con, để con có thể thấy Chúa mọi nơi, nhận ra Chúa trong mọi người, sống với Chúa trong mọi lúc, đón nhận Chúa trong mọi sự. Để trong Chúa con được no thỏa sự sống muôn đời. Amen.
Lm. Thái Nguyên

[1] Francis Collins, Ngôn ngữ của Chúa. Những bằng chứng khoa học về đức tin, NXB Lao Động, Hà Nội, 2007, tr. 12-17.
[2] Auugustinô, Serm. 43, 7, 9.
[3] Anselmô, Prologion 1.
[4] Tôma Aquinô, Tổng luận thần học, II-II. q.2,a.2.
[5] Tôma Aquinô, Tổng luận thần học, II-II, q.171, a.5, ad 3.
nguồn:simonhoadalat.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons