HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

TÌM HIỂU VỀ MÙA CHAY

 MÙA CHAY
Pháp-ngữ gọi "Mùa Chay" là "Carême", từ carême này do la-ngữ mà ra, là tiếng tắt của từ "quadragesima", nghĩa là "bốn mươi", tức bốn chục ngày. Bốn chục ngày là thời gian của Mùa Chay, mà ngày thứ bốn mươi là Lễ Phục-Sinh.
Con số "40" (bốn mươi ngày) là con số biểu tượng, chỉ nhiều biến cố có tính lịch sử của Thiên Chúa Giáo.
Trước tiên, để dâng nước làm cơn đại hồng-thủy, trời đã mưa liên tục đúng 40 ngày đêm.
Ông Maisen đã ở trên núi Sinai cùng Chúa suốt 40 ngày đêm để lãnh nhận Mười điều răn của Người.
Dân Do-Thái được giải phóng khỏi Ai-Cập, trên đường về Đất Hứa, đã phải di chuyển liên tục 40 năm trường trong sa mạc rồi mới tới nơi.
Tiên-tri Êlia cũng đã ở trên núi Sinai 40 ngày.
Chúa đã chấp thuận cho dân Ninive 40 ngày để thống hối.
Và chính Chúa Giêsu cũng đã được Thần-Khí Thiên Chúa đưa vào ở trong sa-mạc 40 ngày đêm, để chịu thử thách và cám dỗ.
v...v....
* * 
Mùa Chay được thiết lập từ Công-đồng Nicée, năm 325. Lúc khởi thủy, Mùa Chay chỉ có mục đích chuẩn bị cho những người sẽ lãnh Phép Rửa và để mọi người ăn năn xám hối.
Tại Rôma, từ thế kỷ thứ III, hàng năm cứ vào đêm Lễ Phục-Sinh, có tổ chức cho những người lớn chưa vào đạo được lãnh nhận Phép Rửa; họ được gọi là "Tân Tòng". Những tân-tòng này từng được học hỏi giáo lí từ trước, nhưng đặc biệt trong thời gian 40 ngày trước Lễ Phục-Sinh, họ được dậy dỗ ráo riết hơn. Thời gian 40 ngày này cũng để mọi tín hữu cùng nhau xám hối, hầu được nhận sự hòa-giải, và có thể rước Mình Máu Thánh Chúa trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh.
Trong những thế kỷ đầu của Giáo-Hội, việc giữ đạo của các tín hữu rất khó khăn, nghiêm ngặt. Tỉ như việc xám hối và đền tội không phải thi hành mỗi người thầm lặng như ngày nay, mà diễn ra công khai trước cộng đoàn. Nhiều trường hợp người phạm lỗi còn bị trục xuất khỏi cộng-đoàn trong một thời gian, dài vắn tùy trường hợp tội phạm.
Vào Thứ Tư áp tuần lễ đầu của Mùa Chay, trước mặt đông đủ cộng-đoàn, đức giám-mục sở tại rắc lên đầu những kẻ phạm tội mỗi người một chút tro; rồi ngài định rõ hình phạt cho từng kẻ phạm tội, sau đó dẫn họ tới cửa nhà thờ, trong khi các tín hữu khác cùng một lòng cầu nguyện cho họ được chịu hình phạt và xám hối cho nên.
Ở Roma và tại nước Pháp cổ đại, việc hòa giải và đền tội lại thi hành vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, trong khi đó vùng Milan (Bắc Ý) và toàn nước Tây-Ban-Nha lại thi hành vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngày Lễ Phục Sinh, các tín hữu được rước Chúa dưới hai hình thức.
Mùa Chay những thế kỷ đầu của Giáo-Hội là mùa mang tính cộng-đoàn. Mỗi ngày các tín hữu đều tề tựu, dắt theo những người đương trong thời kỳ học đạo chuẩn bị nhận Phép Rửa (chuẩn tân tòng), để cùng nhau tham dự các nghi lễ phụng-vụ. Tại La-Mã, mãi tới thế kỷ VI, chính Đức Giáo-Hoàng còn chủ tọa các nghi lễ của Mùa Chay trước mặt cộng-đoàn.
Cũng trong những thế kỷ đầu, thời gian của Mùa Chay áp dụng tại mỗi địa phương một khác. Cho mãi tới thế kỷ V và VI thì sự thống nhất mới có, nghĩa là khắp nơi trong Giáo-Hội cử hành Mùa Chay từ Chủ Nhật thứ sáu trước Lễ Phục-Sinh cho tới ngày Thứ Năm Tuần Thánh thì Mùa Chay chấm dứt.
Ở thời Trung-Cổ, Mùa Chay được coi là thời gian "hưu chiến" của Thiên Chúa. Trong suốt Mùa Chay, các tòa án và cả những rạp hát đều đóng cửa. Tục giữ chay từ sáng tinh mơ tới tối được áp dụng rộng rãi. Thì giờ cả ngày dành để mọi người tham dự các lễ nghi phụng vụ.
* * *

Nhưng, thế nào là giữ chay ?

Thưa là giảm bớt về lượng và về phẩm trong việc ăn uống. Luật giữ chay áp dụng đối với những người từ 14 tuổi tròn trở lên.
Giữ chay cũng còn hiểu là phải kiêng thịt, trứng, sữa và những phó sản của sữa, v...v...Việc kiêng khem này áp dụng cho những tín hữu từ 21 tuổi tới 60 tuổi tròn
Giữ chay trong Mùa Chay cho ta có cơ hội thấy sự khát và đói Thiên Chúa, đói khát Lời Người. Đây không phải chỉ là một hành vi đền tội, mà còn là việc nói lên ý nghĩa chia sẻ sự thiếu thốn với những người khó nghèo, vì Mùa Chay cũng còn có ý nghĩa là "Mùa Gặp Gỡ".
Thánh Aucơtinh nói :" Ăn chay và bố thí là đôi cánh giúp ta bay lên tới Thiên Chúa là Cha của Mùa Chay".
Từ thế kỷ thứ IV, nghi lễ Mùa Chay được thi hành ngày một rộng rãi và đi dần tới thống nhất trong Giáo-Hội, lệ giữ chay cũng kèm theo và được các tín hữu tích cực tuân giữ. Ngày ăn chay ai nấy chỉ dùng một bữa duy nhất vào buổi tối, bữa ăn ấy hết sức thanh đạm : không thịt, không trứng, không sữa và cả những thứ do sữa làm ra, cũng không uống rượu hoặc thứ uống làm bằng trái cây có pha men.
Trong Tuần Thánh, giữ chay còn nghiêm ngặt hơn nữa : suốt tuần ngày nào cũng ăn chay, cho tới khi gà gáy sáng Chủ Nhật Phục-Sinh thì lệ giữ chay mới chấm dứt.
Vào thế kỷ thứ VII, dường như để nhắc nhủ thêm, lệ giữ chay cho tới tối được giáo-quyền nhắc lại rõ ràng hơn.
Tới thế kỷ thứ IX, việc giữ chay có phần giảm chút ít nghiêm ngặt. Sang thế kỷ XIII thì ăn chay càng ngày càng dễ dãi hơn. Tới lúc này, một số thực phẩm, như trứng, phó sản của sữa, v..v... không buộc phải kiêng giữ trong những bữa chay nữa; ai nấy cũng được phép dùng rượu trong bữa ăn, nhưng không được lạm dụng.
Sau cùng, theo thời gian và cho phù hợp với sự biến đổi của xã hội, việc giữ chay cũng đổi thay dần.
Thoạt kỳ thủy, trong suốt Mùa Chay, ngày nào người ta cũng dùng bữa vào hồi ba giờ sau trưa, rồi đổi lên vào giữa trưa.
Nhưng rồi lệ ăn chay lại thay đổi nữa : người giữ chay phải nhịn suốt trong hai mươi bốn giờ liền, từ trưa hôm trước tới trưa hôm sau, nhưng vào lúc tối được phép dùng chút ít thực phẩm nhẹ để đỡ lòng, nhưng tuyệt đối không phải là một bữa ăn để khỏi bị phá chay.
Lệ ăn chay áp dụng cho hết thảy những ai đã chịu Phép Rửa.
Bắt đầu từ thế kỷ XVI trở đi, việc giữ chay càng trở nên dễ dàng hơn. Những khó khăn ngày càng được bớt dần đi, rồi dùng việc hãm mình, đọc kinh cầu nguyện thêm để thay thế vào. Tới đây, ngày ăn chay thì ban sáng được ăn một bữa nhẹ, bữa chính ăn vào buổi tối. Sau cùng, việc giữ chay chỉ còn phải kiêng không được ăn thịt và cá cùng trong một bữa ăn mà thôi.
Ngày nay luật ăn chay và kiêng thịt vẫn còn áp dụng, nhưng đơn giản nhẹ nhàng khoảng từ nửa thế kỷ trở lại đây.
Hết thảy các ngày Thứ Sáu quanh năm, tùy quyết định của Đấng Bản Quyền, giáo hữu có thể phải kiêng thịt hoặc được ăn thịt.
Trong năm phụng-vụ, chỉ có Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh là hai ngày buộc phải ăn chay và kiêng thịt mà thôi.
* * *
Mở đầu Mùa Chay là Lễ Tro, lễ này bao giờ cũng nhằm ngày Thứ Tư
Lễ Tro nhắc cho ta nhớ không có sự tử nạn của Chúa Giêsu, không nhờ lòng Chúa vô cùng thương yêu loài người, thì thân phận chúng ta chỉ là cát bụi mà thôi.
Cho nên, trong suốt Mùa Chay, hết thảy tín hữu đều được mời gọi, qua những hành vi cụ thể, tĩnh trí lại và từ bỏ những gì dẫn ta tới sự chết, đồng thời ta phải quay về với suối nguồn Sự Sống, căn cơ của Tình Yêu, và với Sự Sáng. Chúa Giêsu phục sinh, mà lồng ngực và Trái Tim Người đã rách toang ra vì nhân loại, chính là Nguồn Sống, là Sự Sống thật, là Tình Yêu hải hà chứng minh qua cái chết cho kẻ Mình yêu (Ga.15;15).
Mùa Chay là thời gian dành giúp cho những ai may mắn đương dọn mình để vào đạo thánh Chúa, trở nên người tân-tòng khi lãnh Phép Rửa trong đêm Lễ Phục-Sinh. Thời gian này và Phép Bí Tích do các tân-tòng lãnh nhận, cũng nhắc nhở cho hết thảy tín hữu hồi tưởng những lời thề quyết khi nhận Phép Rửa, để hằng ngày tái xác tín những thề quyết ấy, xuyên qua đời sống của mình.
Dân Chúa chọn, khi tìm đường về Đất Hứa, đã phải trải qua 40 năm trường lầm lũi trong sa-mạc. Chúa Giêsu sau khi chịu Phép Rửa, cũng đã một mình đi vào sa-mạc và ở đó 40 đêm ngày. Vậy Mùa Chay còn được gọi là "Thời gian sa-mạc", để ta suy niệm về tình trạng dân Do-thái xưa đi trong sa-mạc. Trong hành trình 40 năm tìm về Đất Hứa, dân Do-thái đã trải qua những giờ phút mà tâm dạ họ khôn an, vì những tiếng rì rầm liên lỉ, những bão tố cát bụi, những thiếu thốn thức ăn nước uống..., hết thảy như giục họ nổi loạn chống nghịch cùng Thiên Chúa, vì họ tưởng như Chúa bỏ họ lạc loài trong sa mạc hoang vắng. Họ đã mất niềm tin và cậy trông đến độ đã quên mất lòng lân tuất Chúa, vẫn chăm lo cho họ mọi bề, nhưng họ đã bỏ Chúa mà sinh ra mê tín dị đoan; dù vậy Thiên Chúa là Cha nhân từ vẫn không bỏ họ, mà còn đưa họ về tới chốn yên hàn.
Cũng trong sa-mạc, Chúa Giêsu đã trải qua những cơn hành hạ của thân xác vì đói khát, nóng lạnh, nguy hiểm vì muông thú và rắn rết độc; tâm trí Người phải chịu những phiền não của cô đơn, của lo lắng cho sứ mạng Người phải hoàn thành, sứ mạng trọng đại Chúa Cha giao phó, là cứu rỗi cả và nhân loại.
Đối với ta, sa-mạc là biểu tượng cuộc sống của loài người. Từ khi rời khỏi địa đàng, loài người đã đánh mất cái nhìn linh thánh do Chúa ban cho khi loài người được tạo thành. Có cái nhìn ấy, con người trong ngoài đều được tươi nhuận, mậu thịnh, an lạc, hỷ hoan. Nhưng vì đánh mất nó, con người đã trở nên héo hon, khô cằn như sa-mạc, nóng lạnh bất thường, tình trạng đổi thay, không giây phút nào còn thấy được bình an ổn định nữa. Con người trở thành sa-mạc vì đã đánh mất Chúa, đánh mất Sự Sống, đã lạc Chúa tức xa hẳn Con Đường Chân Thật (Ga.8;12) mà thất thểu hấp hối dần trong nơi không có Nước Hằng Sống (Ga.4;14), không có Bánh Trường Sinh (Ga.6;33,51,58).
Vì vậy thời gian sa-mạc là để ta suy niệm và xám hối mọi lỗi phạm đã vấp phải; không xám hối ta sẽ phải chết, như Chúa Giêsu đã phán :"Tôi nói cho các ông biết :...nếu các ông không xám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy" (Lc.13;3-5). Ta hãy tin vào Chúa thì sẽ đạt tới Sự Sống, vì Chúa lúc nào cũng ở cùng ta, đừng hoài nghi như dân Do-thái trong sa-mạc nữa (Xh.17;7).
Trong thời Chúa Giêsu, nhiều người từng sống trong sa-mạc, như phái Essénien sống gần khu Qumrân, thánh Gioan Tiền hô sống trong sa-mac ven sông Giodanô, v..v... Nhưng những người ấy không đói khát, không chết chóc, vì họ có Thiên Chúa, họ thi hành sứ mệnh Thiên Chúa giao cho họ. Cộng-đoàn Essénien sống như những đan viện ngày nay, ngày ngày hát ca thánh vịnh, học hỏi sứ ngôn, và cầu xin cho Đấng Cứu Thế mau tới. Thánh Gioan Tẩy giả thì hô hào quần chúng dọn sẵn đường để đón Đấng thiên hạ đợi trông.
Mùa Chay còn là "Mùa thinh lặng". Chúa Giêsu hằng kêu gọi ta, gõ cửa lòng ta, nhưng ta quá náo loạn, ta sống trong "ầm ĩ" của cuộc đời, nên những ồn ào ấy đã làm cho ta không còn nghe được tiếng gõ cửa của Chúa qua những tiếng thì thầm của Người. Hãy im lặng, im lặng đến cả tiếng đập cánh của con muỗi cũng không còn, thì ta sẽ nghe thấy rõ ràng tiếng vô thanh Chúa nói với ta.
Mùa Chay là mùa để hấng lấy ơn Chúa. Như cái ly đựng nước, nếu muốn có được nước ngon lành, ly phải trống trơn không đựng một giọt gì, vì ly càng trống thì lượng nước đổ vào càng nhiều. Để hấng lấy ơn Chúa, lòng ta cũng phải trở nên trống không, sạch không, thì ơn Chúa sẽ đổ tràn. Và với ơn Chúa, ta sẽ có thể xám hối và đền tội cho nên, hầu chuẩn bị đón Chúa và phục sinh với Chúa trong ngày Người vinh quang chiến thắng tử thần.
Trên kia đã nói Mùa Chay là "Mùa chia sẻ". Trong suốt Mùa Chay, ta phải nhớ lúc nào trong đời ta cũng có những anh chị em bất hạnh sống ngay cạnh ta. Họ bất hạnh không phải vì những vất vả thiếu thốn họ chịu, mà còn vì họ chịu những điều đó đơn côi một mình, không người đồng cảm, không người chia sẻ, chia sẻ tinh thần, và chia sẻ cả vật chất. "Lá lành đùm lá rách" là bổn phận của ta đối với hết thảy anh em sống quanh ta, trong cùng xóm làng, cùng khu phố. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" là châm ngôn ta phải giữ với họ. "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" là thái độ ta phải cư xử với họ, với mọi người. Đó là những khía cạnh tiêu biểu của "chia sẻ", chia sẻ trong Mùa Chay, để nhờ "chia sẻ" ta được phục-sinh, như Chúa phục-sinh.
Sau cùng, Mùa Chay là mùa thi đua. Như những lực sĩ trên thao trường, chúng ta là những chiến sĩ thi đua đời sống chạy đến cùng Chúa. Cuộc chạy đua này là cuộc đua việt dã, diễn ra trong 40 ngày đêm liên tục không ngừng, như những lực sĩ chạy bộ từ Sydney về Melbourne. Trong cuộc đua, có những lực sĩ vừa chạy vừa ngủ, nhiều người khác "cứ chạy mà quên rằng mình đương chạy", y như thánh Phaolô từng nói. Vì vậy, trong cuộc đua của ta, ta cần phải thường xuyên ý thức sâu sắc rằng ta là lực sĩ đương băng đồng vượt sông để tiến sát bên Chúa, tiến vào lòng Chúa. Hơi sức ta sẽ không đủ nếu không có Chúa tiếp cho ta sức mạnh của Người. Ơn Chúa sẽ như những thùng nước lạnh dội trên mình người lực sĩ, làm cho ta tỉnh hẳn người và bột phát sinh lực linh hồn và thể xác, làm cho bước chạy ta dẻo dai, tốc độ thêm mau lẹ; ta sẽ tới đích và đạt được mọi tiêu chuẩn của cuộc đua về với Chúa, để cùng phục-sinh với Người.
* * *
Như ta đã biết Mùa Chay khởi đầu bằng Thứ Tư Lễ Tro.
Vào thời khai nguyên Giáo-Hội, những giáo-hữu nào phạm tội nặng phải nhận một cái bao bố và mớ tro; bao bố mặc vào người, còn tro rắc trên đầu, như thế trong suốt thời gian chuẩn bị để đương sự được tái nhận vào cộng-đoàn tín-hữu.
Từ thế kỷ thứ X trở đi, việc xức tro được thi hành chung cho mọi tín hữu, không còn làm riêng như trước nữa. Sự thay đổi này là dấu chỉ sự vận động hành vi xám hối mà mọi người cần làm. Xám hối có nghĩa là gắng sức mình quay lại cùng Thiên Chúa.
Khi linh-mục bôi trên trán ta một chút tro (thường là tro tàn đốt các thứ ảnh tượng khăn màn thánh cũ nát không dùng nữa, và lá cũ của Lễ Lá năm trước), ngài đọc "con hãy xám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc.1;15); lời đọc này xuất xứ từ truyền thống Do-thái, có mục đích vận động thiết lập một cộng đoàn biết lắng nghe lời Thiên Chúa, vì hai tiếng "xám hối" chính là hãy quay mặt lại với Chúa, lắng nghe lời Người, và tích cực phát triển trong liên hệ với Người.

Nghi thức "xức tro" mang hai ý nghĩa :

Trước hết nhắc ta nhớ rằng, được tạo ra với những điều kiện như loài người hiện là, đời sống ở đây và bây giờ chỉ là một cuộc "kinh qua tạm bợ", không bằng một cái chớp mắt so với đời đời.
Hai là, nhờ nghi thức chịu tro, ta sẽ được tăng cường niềm cậy trông vào một cuộc sống mai hậu, ở bên kia cái chết, nghĩa là theo chân Chúa Giêsu, ta sẽ phục-sinh. Chịu tro xức trên đầu là ta công khai nhận mình là kẻ tội lỗi, và ta cần phải tái định hướng theo ánh sáng Chúa Giêsu chiếu dọi cho. Ngay từ đầu Mùa Chay, Giáo-Hội đã mời gọi ta, để dọn mình mừng Chúa Phục-Sinh, hãy mau mắn lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, sớm bác lại nhịp cầu yêu thương, để Cha con được làm hòa cùng nhau, anh em được xum vầy trong cùng một niềm tin-cậy-kính mến. Bước vào Mùa chay, ta chịu ngay tro lên đầu là chứng minh tâm ta quyết sống với Chúa Giêsu và lòng ta quyết yêu thương mọi anh em khác như Chúa hằng dậy ta.
Để sống Mùa Chay cho xứng đáng, ta cần dành nhiều thời gian cho việc suy niệm và thống hối, có như thế ta mới dọn được lòng mình hầu phục sinh với Chúa Kitô./.
Sưu tầm- Ân-Giang



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons