Vũ Văn An
Đầu năm 2011, nhân tiếp đón các thẩm phán, viên chức và cộng tác viên của Tòa Án Hôn Phối Tối Cao Rôma (Roman Rota), tức tòa xử các vụ khiếu kiện về quyết định vô hiệu hóa hôn nhân, Đức Bênêđíctô XVI đã đọc một bài diễn văn quan trọng với chủ đề: quyền kết hôn giả thiết khả năng kết hôn.
Mở đầu, Đức Thánh Cha ca ngợi việc làm của Tòa Án và khích lệ họ dấn thân hơn nữa “trong bộ phận tế nhị và quan trọng này của thừa tác vụ chăm sóc mục vụ và ‘salus animarum’ (phần rỗi các linh hồn’”
Sau đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới mối liên hệ giữa luật pháp và việc chăm sóc mục vụ, coi nó là tâm điểm của cuộc tranh luận hậu công đồng về giáo luật. Ở đây, ngài nhắc lại câu nói bất hủ của Đức Gioan Phaolô II: “Điều không đúng là cho rằng để có tính mục vụ nhiều hơn, luật pháp phải tự làm cho mình ít pháp chế hơn… Chiều kích pháp chế và chiều kích mục vụ hợp nhất với nhau một cách không thể tách biệt trong Giáo Hội lữ hành trên trần gian. Trước nhất, chúng có sự hoà hợp do được phát sinh từ cùng một cứu cánh chung: là sự cứu rỗi các linh hồn” (Diễn văn ngỏ với Tòa Tối Cao Rôma, 18 /1/1990, Số 4: AAS 82 [1990], tr. 874).
Năm 2006, Đức Bênêđíctô XVI từng trình bày với Tòa Án này về ý nghĩa mục vụ chân chính của diễn trình vô hiệu hóa hôn nhân, dựa trên lòng yêu mến sự thật (xem lại Diễn Văn với Tòa Hôn Phối Tối Cao Rôma, ngày 28 tháng 1 năm 2006: AAS 98 [2006], các tr. 135-138). Hôm nay, ngài muốn nói tới chiều kích pháp chế vốn cố hữu trong sinh hoạt mục vụ nhằm chuẩn bị hôn nhân và chấp nhận cho người ta kết hôn.
Chiều kích giáo luật của việc chuẩn bị hôn nhân có lẽ là yếu tố không hiển nhiên ngay lập tức. Thực vậy, một đàng, người ta thấy trong các khóa chuẩn bị hôn nhân, các vấn đề giáo luật chiếm một chỗ rất khiêm nhường, nếu không muốn là vô nghĩa, vì ta vẫn có khuynh hướng cho rằng các vợ chồng tương lai rất ít quan tâm tới các vấn đề chỉ dành cho các nhà chuyên môn. Đàng khác, dù không lãng quên bất cứ sự cần thiết nào của sinh hoạt pháp chế trước khi cử hành hôn nhân, để đoan chắc là không có gì đi ngược lại việc cử hành đó cách hữu hiệu và hợp pháp (Giáo Luật, Đ.1066), nhưng đại đa số vẫn cho rằng việc khảo hạch các cặp hôn nhân, việc rao hôn phối và các biện pháp thích đáng khác cần thiết trong giai đoạn điều tra tiền hôn nhân (xem Đ.1067) kể cả các khóa chuẩn bị hôn nhân, đều chỉ là những bắt buộc cho có hình thức. Thực vậy, người ta thường nghĩ rằng khi chấp thuận cho các cặp vợ chồng tương lai kết hôn, các mục tử nên tiến hành một cách độ lượng bởi vì kết hôn là một quyền tự nhiên của họ.
Thành thử, theo Đức Thánh Cha, ta cần phải suy nghĩ về chiều kích pháp chế trong chính hôn nhân. Đây là một vấn đề ngài từng đề cập tới trong bối cảnh suy tư về chân lý hôn nhân, trong đó ngài từng phát biểu: “Về vấn đề tương đối hóa kinh nghiệm tính dục có tính chủ quan và theo khuynh hướng buông thả, truyền thống Giáo Hội đã khẳng định một cách rõ ràng đặc tính pháp chế tự nhiên của hôn nhân, tức là sự kiện: từ bản chất, nó vốn thuộc ngữ cảnh công lý trong các liên hệ liên bản ngã. Theo viễn tượng này, luật pháp đã thực sự được đan kết vào đời sống và tình yêu thành một trong các bổn phận nội tại của chính sự hiện hữu của nó” (Diễn Văn với Tòa Tối Cao Rôma, ngày 27 tháng 1 năm 2007, AAS 99 [2007], tr. 90).
Như thế, không phải có hai loại hôn nhân khác nhau: một hôn nhân thực tế ("matrimonio della vita") và một hôn nhân theo luật. Nhưng chỉ có một hôn nhân mà thôi. Cuộc hôn nhân này, theo hiến định, chính là sợi dây pháp chế hiện thực giữa người đàn ông và người đàn bà, một sợi dây nối kết cuộc sống và tình yêu chân chính đầy sinh động của vợ chồng. Cuộc hôn nhân mà vợ chồng cử hành, cuộc hôn nhân mà chăm sóc mục vụ quan tâm tới và học lý giáo luật tập chú vào, là một thực tại duy nhất vừa có tính tự nhiên vừa có tính cứu rỗi. Sự phong phú của thực tại này chắc chắn cho phép ta có nhiều cách tiếp cận nó mà không đánh mất bản sắc chủ yếu của nó. Khía cạnh pháp chế là khía cạnh có tính yếu tính đối với chính yếu tính của hôn nhân. Điều này phải được hiểu theo ý niệm không duy nghiệm về luật pháp, trái lại cần được xem sét dưới cái nhìn có đặc tính tương quan về công lý.
Theo Đức Thánh Cha, quyền kết hôn hay “jus connubii” phải được hiểu theo cái nhìn trên. Bởi thế, không phải chủ đích chủ quan (subjective pretense) mới là điều các mục tử cần phải hài lòng qua một sự nhìn nhận chỉ có tính hình thức, không cần đếm xỉa gì tới nội dung thực sự của cuộc kết hợp. Quyền bước vào khế ước hôn nhân giả thiết rằng người ta phải có khả năng kết hôn, và họ phải có ý định cử hành hôn nhân một cách chân chính, nghĩa là cử hành trong sự thật của yếu tính hôn nhân như đã được Giáo Hội dạy bảo. Không ai có quyền đòi hỏi một nghi lễ kết hôn. Thực vậy, “jus connubii” có ý nói tới quyền cử hành một hôn nhân có thực. Do đó, quyền này không áp dụng vào trường hợp trong đó có chứng cớ là các tiền đề để thi hành việc cử hành này không hiện hữu, nghĩa là, nếu khả năng đòi phải có để kết hôn rõ ràng không có, hay khi mục tiêu tìm kiếm đi ngược hẳn lại thực tại tự nhiên của hôn nhân.
Về phương diện này, Đức Thánh Cha muốn tái khẳng định điều ngài từng viết sau Thượng Hội Đồng về Thánh Thể: “Xét vì ngữ cảnh văn hóa phức tạp mà Giáo Hội ngày nay đang gặp phải ở nhiều quốc gia, Thượng Hội Đồng khuyến cáo phải dành tối đa chú tâm mục vụ vào việc huấn luyện cho các cặp vợ chồng tương lai để họ chuẩn bị cuộc hôn nhân của họ và đảm bảo trước các xác tín của họ liên quan tới các điều buộc phải có để bí tích hôn phối của họ thành hiệu. Sự biện phân nghiêm túc trong vấn đề này sẽ giúp tránh được nhiều hoàn cảnh trong đó các quyết định hấp tấp hay các lý do hời hợt khiến cho cặp vợ chồng tương lai lãnh nhận những trách nhiệm mà họ không có khả năng tôn trọng (xem Đề Nghị 40). Sự thiện mà Giáo Hội và xã hội chờ mong ở cuộc hôn nhân và ở loại gia đình vốn đặt căn bản trên hôn nhân lớn lao đến nỗi đòi nền mục vụ của ta phải dấn thân trọn vẹn vào lãnh vực đặc thù này. Hôn nhân và gia đình là các định chế cần được cổ vũ và bảo vệ khỏi mọi giải thích sai lầm có thể có về bản chất đích thực của nó, bởi bất cứ tai hại nào gây cho chúng cũng đều là tai hại gây cho chính xã hội” (Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng ‘Sacranentum caritatis’, 22 tháng 2 năm 2007, số 29: AAS 99 [2007], tr. 130).
Việc chuẩn bị hôn nhân, trong các giai đoạn khác nhau của nó như đã được Đức Gioan Phaolô II mô tả trong tông huấn "Familiaris consortio" của ngài, chắc chắn có những mục đích vượt quá chiều kích pháp chế, vì chân trời của nó được tạo lập bởi trọn bộ sự thiện, cả nhân bản lẫn Kitô Giáo, của cả cặp vợ chồng lẫn con cái trong tương lai của họ (xem số 66: AAS 73 [1981], tr. 159-162). Sự thiện này dứt khoát nhằm sự thánh thiện cho cuộc sống của họ (xem GL điều 1062, tiết 2). Tuy thế, ta không bao giờ được quên rằng mục tiêu tức khắc của việc chuẩn bị này là để cổ vũ việc cử hành hôn nhân chân chính một cách tự do nghĩa là, thiết lập ra sợi dây liên kết đầy công lý và yêu thương giữa cặp vợ chồng với các đặc điểm hợp nhất và bất khả tiêu, nhằm sự thiện của hai người phối ngẫu và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Mối dây liên kết giữa hai người đã rửa tội này còn tạo nên một trong các bí tích của Giao Ước Mới nữa. Với mục tiêu ấy, ta không thể đem tới cho cặp vợ chồng một sứ điệp ngoại tại có tính ý thức hệ, càng không được áp đặt lên họ một khuôn mẫu văn hóa; đúng hơn, phải giúp hai người đính hôn có khả năng khám phá ra sự thật trong khuynh hướng tự nhiên và khả năng cam kết vốn ghi sẵn trong yếu tính mối tương quan đàn ông đàn bà của họ.
Luật lệ như một yếu tố cấu thành mối tương quan hôn nhân phát sinh từ đó; nó bắt nguồn từ khả năng tự nhiên của cặp vợ chồng, được thể hiện qua việc đồng thuận tự hiến cho nhau. Lý trí và đức tin cùng hội tụ để cùng soi sáng cho chân lý về cuộc đời đó. Tuy nhiên, bất cứ lúc nào, ta cũng phải hiểu rõ điều đã được Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II giảng dạy: “Giáo Hội không từ khước việc cử hành hôn phối cho những ai có thiên hướng tốt, ngay cả nếu họ không được chuẩn bị đầy đủ về phương diện siêu nhiên, miễn là họ có ý hướng tốt muốn kết hôn theo thực tại tự nhiên của hôn nhân” (Diễn văn với Tòa Tối Cao Rôma, ngày 30 tháng 1 năm 2003, Số 8: AAS 95 [2003], tr. 397). Về quan điểm này, một quan tâm đặc biệt cần đi đôi với việc chuẩn bị hôn nhân bất kể là chuẩn bị xa, chuẩn bị gần hay chuẩn bị tức khắc (xem Giaon Phaolô II, tông huấn "Familiaris consortio," ngày 22 tháng 11 năm 1981, số 66: AAS 73 [1981], tr. 159-162)
Trong số các phương tiện dùng để phán đoán xem kế hoạch của những người đính hôn có thực sự có tính hôn nhân hay không, ta thấy có việc khảo sát tiền hôn nhân. Việc khảo sát này có một mục đích chủ yếu có tính pháp chế: để chắc chắn rằng không có điều gì đi ngược lại việc cử hành hôn nhân cách thành hiệu và hợp pháp. Nói rằng nó có tính pháp chế không có nghĩa nó chỉ có tính duy hình thức, như thể đây là một trách vụ hành chánh hay bàn giấy gồm việc điền các mẫu đơn dựa vào các câu trả lời cho một loạt câu hỏi có sẵn. Đúng hơn, đây là một biến cố mục vụ độc đáo, mà ta cần đánh giá cao tính nghiêm chỉnh và đáng quan tâm của nó. Trong biến cố này, nhờ một cuộc đối thoại đầy tôn trọng và thân ái, vị mục tử sẽ cố gắng giúp các cá nhân biết đặt mình trước sự thật về chính họ và về ơn gọi của họ bước vào cuộc hôn nhân nhân bản và Kitô Giáo. Cuộc đối thoại, luôn được tổ chức riêng cho hai phía nam và nữ này, đòi một bầu khí hoàn toàn thành thực, trong đó ta phải nhấn mạnh tới sự kiện này: những người bước vào khế ước là những người có quan tâm hàng đầu và là người chủ yếu có bổn phận trong lương tâm phải cử hành một hôn phối thành hiệu.
Nhờ cách trên và cùng với các phương tiện khác nhằm có được một cuộc chuẩn bị và chứng nghiệm hôn nhân đầy đủ, ta có thể khai triển được một chiến thuật mục vụ hữu hiệu để ngăn chặn các cuộc tuyên bố hôn nhân vô hiệu sau này. Ta phải làm hết những gì ta có thể làm, để bẻ gẫy cái vòng luẩn quẩn vẫn thường hiện hữu giữa việc bất cẩn chấp nhận cho cử hành hôn phối dù chưa có chuẩn bị thích đáng và việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu mà đôi khi người ta tiến hành cũng hết sứ bất cẩn không kém.
Đã đành không phải mọi nguyên nhân của các vụ tuyên bố hôn nhân vô hiệu trong tương lai đều có thể nhận diện hay phát hiện được ngay trong lúc chuẩn bị hôn nhân, nhưng đồng thời cũng sẽ không đúng nếu ta ngăn không cho người ta kết hôn chỉ vì những suy đoán không có cơ sở, như cho rằng trong thế giới ngày nay đa số người ta không có khả năng kết hôn hay chỉ muốn kết hôn ở bề ngoài. Bởi thế, điều quan trọng hiển nhiên là những người có trách nhiệm chăm sóc các linh hồn phải có một ý thức trách nhiệm sắc bén trong các vấn đề này. Giáo luật nói chung và các qui định liên quan tới hôn nhân và phán xử nói riêng chắc chắn đòi phải có sự chuẩn bị đặc biệt, nhưng một nhận thức về các khía cạnh căn bản và thực tiễn tức khắc của Giáo Luật, liên quan tới các chức năng của ta, là một đòi hỏi căn bản đối với mọi nhân viên mục vụ, nhất là những ai dấn thân vào việc chăm sóc mục vụ gia đình.
Song song với những điều trên, việc điều hành các toà án giáo hội cũng phải đưa ra một sứ điệp thống nhất với huấn quyền và Giáo Luật về yếu tính của hôn nhân. Tất cả phải cùng một tiếng nói trong lãnh vực này. Thấy được nhu cầu cần có sự thống nhất về tái phán của Tòa Tối Cao này, các tòa án khác của Giáo Hội cũng phải tuân theo quyền tài phán của nó (Xem Gioan Phaolô II, diễn văn với Tòa Tối Cao Rôma, ngày 17 tháng 1 năm 1998, Số 4: AAS 90 [1998], tr. 783).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét