Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất
màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu
xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn lên
những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến… Tôi muốn cảm nhận
hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những
cánh hoa”. Và nó đã mọc lên xanh tốt.
Hạt giống thứ hai tự nhủ: “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất,
mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua
lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn…
Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái
đọt lá xanh non? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không,
tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ… Một sáng
đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi. Cô chẳng
đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.
Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này
đúng với đời sống cây cỏ. Muốn có thóc lúa trong mùa gặt, ta phải ném hết lúa
giống xuống ruộng trong mùa gieo. Muốn có rau xanh trong bữa ăn, ta phải đổ hết
hạt giống xuống vườn. Cứ khư khư hạt giống trong kho, ta sẽ chẳng có rau, cũng
chẳng có thóc. Hạt giống gieo xuống cứ nằm trơ trơ trên mặt đất sẽ chẳng ích lợi
gì. Nó phải chịu vùi sâu trong lòng đất, hút lấy nước, tắm trong phân bón, mục
nát đi thì mới mọc lên thành cây mới, sinh nhiều hoa quả.
Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này
đúng đối với đời sống tự nhiên của con người. Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu
vất vả khó nhọc. Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy
sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang,
phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.
Mục nát ở đây cũng có nghĩa là phải chịu đau đớn với những từ
bỏ. Bào thai muốn phát triển thành một con người, phải từ bỏ lòng mẹ nơi nó được
cưu mang an toàn. Em bé muốn nên người phải từ bỏ cha mẹ và những người thân để
vào trường học tập. Học sinh muốn phát triển cao phải từ bỏ trường làng đầy kỷ
niệm đẹp tuổi thơ để ra tỉnh, lên đại học. Thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng
thành cũng phải từ bỏ cha mẹ, từ bỏ mái ấm gia đình để sống tự lập trong đời sống
tu trì hoặc trong đời sống hôn nhân. Đời sống con người là một chuỗi dài những
từ bỏ. Từ bỏ nào cũng gây đớn đau. Nhưng chính nhờ những từ bỏ đau đớn ấy mà
người ta lớn lên thành người. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà gia đình và xã hội
luôn phát triển. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà cuộc sống trở nên tươi đẹp, phong
phú và ý nghĩa hơn.
Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này
tuyệt đối đúng với đời sống thiêng liêng. Mục nát đi trong đời sống thiêng
liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.
Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật
Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người. Những đồ vật, những
nơi chốn lôi kéo ta phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn
ấy như gắn chặt vào ta, như là một phần đời sống của ta. Dứt bỏ những con người
ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến ta đau đớn như chết đi một phần đời
mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu ta chấp nhận những “cái mất” hiện tại,
ta sẽ có những “cái được” trong tương lại. Nếu ta dám chấp nhận những “cái mất”
chóng qua, ta sẽ có những “cái được” vĩnh cửu.
Đời sống thiêng liêng hệ tại việc kết hợp với Chúa. Ta chỉ kết
hợp trọn vẹn với Chúa khi ta từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa. từ bỏ ý
riêng nhiều khi là một cuộc chiến đấu khốc liệt với chính bản thân mình. Hãy
nhìn Đức Giêsu trong vườn Giệt-si-ma-ni. Cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để làm
theo ý Chúa Cha khiến Người đau đớn đến đổ mồ hôi máu ra. Nhưng chính nhờ từ bỏ
ý riêng mà ta trở nên con yêu dấu của Chúa. Chính nhờ làm theo ý Chúa mà ta trổ
sinh hoa trái. Từ bỏ bản thân, ta đi đến đích điểm đời mình là được kết hiệp với
Chúa. Bấy giờ ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi
sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”. Ta chịu mất bản thân mình để được chính
Chúa. Ta chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả. Ta chịu mất trần gian để
được thiên đàng.
“Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng, chúng con
ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan, để trao cho đời cây
lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay, là do sự hy
sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, của các người rao giảng,
của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc.
Đã có những người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho
tha nhân. Nhờ công lao của bao người, chúng con được làm hạt lúa. Xin cho chúng
con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình,
nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải
chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải
chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm Vượt Qua đi từ cõi chết
đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt đối
và tha nhân. Amen. (Manna 85).
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Con người chỉ lớn lên khi từ bỏ. Đứa bé rời khỏi bụng mẹ
để chào đời. Đôi bạn trẻ rời nhà để lập một tổ ấm mới. Con người rời bỏ cuộc sống
này để vào nơi vĩnh cửu. Đối với bạn, sự từ bỏ nào khó hơn cả.
2- Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều
này thế nào trong đời sống cây có?
3- Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều
này thế nào trong đời sống thiêng liêng?
4- Chúa Giêsu đã là hạt giống chịu mục nát đi. Bạn hiểu điều
này thế nào?
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét