BÀI
ĐỌC I: St 2, 7-9; 3, 1-7
"Nguyên tổ được tạo thành, và phạm
tội".
Bài Trích sách
Sáng Thế.
Thiên Chúa
lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở
thành một vật sống.
Thiên Chúa
lập một vườn tại Eđen
về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất
mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây
biết thiện ác.
Rắn là
loài xảo quyệt nhất trong mọi dã thú mà Thiên Chúa tạo thành. Nó nói với người
nữ rằng: "Có phải Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn mọi thứ cây
trong vườn?" Người nữ nói với con rắn: "Chúng tôi được ăn trái cây
trong vườn; nhưng trái cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa bảo: 'Các ngươi đừng ăn,
đừng động tới nó, nếu không sẽ phải chết'". Rắn bảo người nữ: "Không,
các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái
ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh".
Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái
trái cây ăn, rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ
nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân. Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 50, 3-4. 5-6a. 12-13. 14 và 17
Đáp: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa
(x. c. 3a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân
hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm,
và tẩy con sạch lâng tội ác. - Đáp.
2) Vì sự
lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn. Con phạm tội phản
nghịch cùng một Chúa. - Đáp.
3) Ôi lạy
Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị
trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần
Chúa ra khỏi con. - Đáp.
4) Xin ban
lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy
Chúa, xin mở môi con, để miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. - Đáp.
BÀI
ĐỌC II: Rm 5, 12-19
"ở đâu tội lỗi đầy tràn, thì ở đấy ân sủng
chứa chan gấp bội".
Bài Trích thư
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em
thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi
mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người
đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội ở trần gian. Nhưng nếu không có
luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Ađam đến thời Môsê, sự chết
đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Ađam
đã phạm. Ađam là hình ảnh Đấng sẽ tới.
Nhưng sự
sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy,
nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của
Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết
mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm
tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử
để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho
trở nên công chính.
Vì nếu bởi
tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh
được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa
trong sự sống do một người là Đức Giêsu Kitô.
Do đó, tội
của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công
chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống
cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở
thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người
trở thành kẻ công chính cũng như thế. Đó là lời Chúa.
CÂU
XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 4, 4b
Người ta
sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
PHÚC ÂM: Mt 4, 1-11
"Chúa Giêsu nhịn ăn bốn mươi ngày đêm, và
chịu cám dỗ".
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy,
Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi
Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói. Và tên cám dỗ đến gần,
nói với Người rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này
biến thành bánh". Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: 'Người
ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán
ra'".
Bấy giờ ma
quỷ đưa Người lên Thành thánh, và đặt Người trên góc tường Đền thờ, rồi nói với
Người rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời
chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng
đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá". Chúa Giêsu đáp: "Cũng
có lời chép rằng: 'Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi'".
Quỷ lại
đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh
quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả
những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi". Bấy giờ Chúa Giêsu bảo
nó rằng: "Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: 'Ngươi phải thờ lạy
Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài'". Bấy giờ ma quỷ
bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM
Cám dỗ không phải
là điều gì lạ lẫm. Những ngày khởi thủy của vũ trụ, cám dỗ đã xuất hiện. Ngay từ
những trang đầu, Thánh Kinh đã ghi lại cơn cám dỗ đầu tiên này của nhân loại.
Đó cũng là nội dung bài đọc I Chúa nhật đầu mùa Chay năm A: “Rắn nói với người đàn
bà: Có thật Thiên Chúa bảo, các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn
không? Người đàn bà nói với con rắn, trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được
ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo, các ngươi không được ăn,
không được động tới, kẻo phải chết. Rắn nói với người đàn bà, chẳng chết chóc
gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào, ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở
ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác…” (St 3, 1-5).
Thật đáng thương
cho Nguyên tổ, chỉ với cơn cám dỗ đầu tiên, Nguyên tổ loài người đã gục ngã thảm
bại, gục ngã đến ê chề không gượng nổi. Và cũng thật đáng thương cho cả loài
người, đã trót sinh từ dòng dõi Nguyên tổ. Từ đây, cả loài người cùng chung số
phận đớn đau, đày ải, yếu đuối, bất toàn, và bị tội lỗi tước mất tất cả hạnh
phúc dư đầy, thứ hạnh phúc không thể tìm thấy bất cứ nơi đâu ngoài địa đàng (chỉ
trong chiến thắng sau này của Chúa Kitô, chúng ta mới hy vọng tìm lại hạnh phúc
ban đầu mà thôi).
Đánh gục loài người,
kẻ cám dỗ mang hình thù của một con rắn xù xì năm xưa, như càng say trong chiến
thắng. Kẻ cám dỗ ra sức đi từ cám dỗ này đến cám dỗ khác. Loài người lại tiếp tục
đi từ sa ngã này đến sa ngã khác. Tội ngày càng dày thêm theo dòng lịch sử.
Ngay sau câu chuyện sa ngã của Nguyên tổ, sách Sáng thế tiếp tục ghi nhận nhiều
cuộc cám dỗ và sa ngã khác: Cain giết Abel, tội của “con trai Thiên Chúa” với
“con gái loài người” (St 6, 1-4), lụt hồng thủy cũng do tội mà có… Sau sách
Sáng thế, Thánh Kinh còn tốn rất nhiều trang sách để trách cứ loài người về rất
nhiều tội chống đối Thiên Chúa, chống đối anh em mình, phản bội Thiên Chúa khi
tôn thờ ngẫu tượng, ức hiếp người nghèo, người cô thế, người góa bụa, khách ngoại
kiều… Cám dỗ và sa ngã lại lan từ Cựu ước sang Tân Ước. Cứ tưởng rằng, những
người được chính Thiên Chúa làm người trực tiếp tuyển chọn, sẽ là những con người
chỉ có công chính và công chính ngự trị lòng mình mà thôi. Nào ngờ chính trong
hàng ngũ những người được đặc biệt ưu tuyển cũng phản bội, cũng sa ngã… Và tội
ác lớn nhất mà những trang Thánh Kinh Tân Ước nêu bậc, đó chính là cả loài người
cùng đứng lên loại trừ Thiên Chúa. Họ đã giết chính Thiên Chúa làm người của họ.
Nhưng cám dỗ và sa ngã vẫn không dừng. Lịch sử của dân tuyển chọn mới trong Máu
thánh thiện của Thiên Chúa làm người, lại tiếp tục phạm tội. Hai ngàn năm qua,
tội vẫn cứ được thực hiện bởi sự sa ngã của loài người. Nhân loại ngày càng văn
minh hơn, hiện đại hơn, thì tội cứ theo đà ấy mà chồng chất, tinh vi hơn, nham
hiểm hơn, thủ đoạn hơn, đáng kinh sợ hơn…
Lao đầu vào cám dỗ,
kẻ cám dỗ đã có quá nhiều thành công trên sự yếu đuối và sa ngã của nhân loại.
Nó không loại bất cứ ai ra khỏi tầm ngắm của nó. Ngay cả Đấng Chí Thánh, Chúa
Giêsu Kitô – Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, nó cũng không
buông. Chúa nhật thứ nhất mùa Chay hôm nay, Hội Thánh suy niệm câu chuyện Chúa
Giêsu chịu cám dỗ do thánh Marcô ghi lại: Chúa Thánh Thần, Đấng vừa lấy hình
chim bồ câu đậu trên Chúa Giêsu khi Chúa Giêsu chịu phép rửa trên sông Giođan,
giờ đây, chính Người đã “đẩy” Chúa Giêsu “vào hoang địa”. Chúa Giêsu “ở trong
hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú và có các
thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1, 12-13).
Cũng tên cám dỗ, giờ
đây được gọi đích danh “Satan”, đã từng lẻn vào địa đàng bằng hình thù con rắn
với những lời hoa mỹ cám dỗ, nay lại xuất hiện nơi hoang địa, nơi mà Thiên Chúa
làm người đang tĩnh tâm, chay tịnh và cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ. Lại
cũng chỉ bằng một đòn xưa đã đánh vào Nguyên tổ loài người, nay thật cả gan,
tìm cách đánh, không chỉ là “người”, mà lại là Thiên Chúa làm người, đánh vào Đấng
Cứu Chuộc cả loài người, cứu chuộc cả Nguyên tổ. Cũng từ đó, cho thấy một sự đối
nghịch giữa Ađam cũ – Nguyên tổ và Ađam mới – Chúa Giêsu trong cám dỗ:
- Ađam cũ đã ngã
nhào hết sức thảm bại, đã làm vuột mất vào tay Satan tất cả quyền thống trị và
bá chủ vũ trụ. Ađam mới đã trả lại hoàn toàn, không chỉ những gì đã đánh mất mà
còn xinh đẹp hơn, bền vững hơn, và luôn đưa vũ trụ hướng về vĩnh cửu có trọn
gia sản của Thiên Chúa là chính Đấng Cứu Chuộc mình.
- Ađam cũ đã làm
cho địa đàng đầy ánh sáng lâm vào bóng tối. Ađam mới đưa hoang địa, tượng trưng
cho thế giới và cuộc sống bị bóng tối tội lỗi làm hư hoại, bước ra ánh sáng.
- Với một đòn quyết
định của Satan, sự phong nhiêu của vạn vật và niềm hạnh phúc không gì bằng của
loài người nơi địa đàng, ngay lập tức bị thay thế bằng nhục nhã, cay đắng triền
miên. Nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng cạm bẫy của Satan. Người trao cho chúng
ta quyền hy vọng và hạnh phúc chiến thắng, để chúng ta đời đời giương cao ngọn
cờ cứu độ mà bước vào vinh quang phục sinh với Người.
Chiến thắng của
Chúa Giêsu mà chúng ta tham dự vào, chứng tỏ kẻ là đầu mối mọi sự dữ, gây nên
bao nhiêu cuộc sa ngã, gây nên quá nhiều đổ vỡ, nay đã bị tước quyền thống trị.
Chiến thắng của Chúa Giêsu mà chúng ta tham dự vào bảo đảm rằng, từ nay, chúng
ta đã được giải phóng, đã vượt thoát vòng cương tỏa của Satan. Từ nay, thay vì
địa đàng, chúng ta được Chúa của mình dẫn vào hạnh phúc vĩnh cửu đã chuẩn bị
cho chúng ta từ đời đời. Niềm hạnh phúc còn lớn hơn niềm hạnh phúc địa đàng, sẽ
trọn vẹn và mãi mãi thuộc về chúng ta.
Quay về với bản
thân mỗi người, chắc chắn ai cũng thừa kinh nghiệm về những lần bị cám dỗ. Cám
dỗ đến từ ma quỷ. Cám dỗ đến từ gương mù, gương xấu chung quanh. Cám dỗ đến từ
khuynh hướng xấu, từ sự dung túng cho điều xấu của bản thân. Cám dỗ nào cũng gợi
lên khoái trá, hấp dẫn. Nhưng thật nghiệt ngã, cám dỗ nào cũng tiềm ẩn những
nguy nan, bất trắc. Giống Nguyên tổ xưa, không ít lần, cám dỗ đã làm ta thất bại.
Sa ngã là điều có thật trong đời mỗi người. Sa ngã đẩy ta chìm vào nỗi bất an,
chìm vào khiếm khuyết lầm lỗi, gây nên không biết bao nhiêu đau thương, chán nản…
Nhưng chúng ta còn
có Đấng Cứu Chuộc mình. Chúa Giêsu luôn ở bên chúng ta. Người chia sẻ phận người
với chúng ta. Người hiểu chúng ta trong từng cơn cám dỗ, vì Người đã chấp nhận
chịu cám dỗ vì chúng ta. Chính trong cơn cám dỗ của mình, Chúa Giêsu trở nên vừa
gần gũi, vừa soi ánh sáng vào đời ta để ta nhìn lên Người, cậy dựa vào Người mà
chiến thắng cám dỗ xảy ra cho mình.
Chúng ta hãy tin
vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình mà vững vàng trong mọi cám dỗ, thử
thách. Hãy tin thật chắc chắn rằng, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Một
khi Thiên Chúa đã hiến dâng Con Một mình cho chúng ta, thì không còn lý do nào
để Thiên Chúa cách xa chúng ta, miễn là chúng ta chấp nhận đến gần Thiên Chúa.
Chính trong Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, mà chúng ta có tất cả. Thánh
Phaolô đã nhận ra điều đó và vui mừng reo lên: “Cũng như vì một người duy nhất
đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực
hiện lẽ công chính, mọi người được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là
được sống. Thật vậy, cũng như vì một gười duy nhất đã không vâng lời Thiên
Chúa, mà muôn người bị liệt vào hàng tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã
vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ được kể là công chính” (Rm 5, 18-19).
Lm. VŨ XUÂN HẠNH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét