1.Chúa Giêsu luôn luôn đi trước chúng ta. Ngài đi trước và dẫn đường cho chúng ta.
Trong Công Nghị Tấn Phong Hồng Y đầu tiên trong triều giáo hoàng của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng lên hàng Hồng Y 19 giám chức của Giáo Hội lúc 11 giờ sáng ngày thứ Bẩy 22 tháng Hai nhân lễ Tông Tòa Thánh Phêrô.
Vào lúc bắt đầu buổi lễ diễn ra trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nồng nhiệt chào đón Đức Thánh Cha danh dự Bênêđíctô thứ 16. Vị tiền nhiệm của ngài đã ngồi ngay bên cạnh các Hồng Y sắp được tấn phong.
Cộng đoàn đã nghe tuyên đọc bài Tin Mừng theo thánh Máccô đoạn 10 từ câu 32 đến câu 45 thuật lại hành trình của Chúa Giêsu cùng với 12 Tông đồ lên Giêrusalem, qua đó Chúa loan báo cho các ông: Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng Tế và luật sĩ, bị kết án tử hình và giao cho dân ngoại, để chịu cực hình và hành quyết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Nhưng Tông Đồ Giacôbê và Gioan xin Chúa cho được ngồi bên tả và bên hữu; và trước sự phẫn nộ của các Tông Đồ khác, Chúa dạy các môn đệ “Ai muốn trở thành người cao trong trong các con, thì hãy thành người phục vụ, ai muốn trở thành người thứ nhất trong các con, thì hãy trở thành tôi tớ cho mọi người”.
Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:
Tại thời điểm này cũng vậy, Chúa Giêsu đang đi trước chúng ta. Ngài luôn luôn đi trước chúng ta. Ngài đi trước và dẫn đường cho chúng ta. Đây là nguồn mạch của niềm tự tin và niềm vui của chúng ta để trở thành môn đệ của Ngài, ở lại với Ngài, đi phía sau Ngài và dõi theo bước chân Ngài.
Khi chúng ta hiệp nhau để đồng tế Thánh Lễ đầu tiên tại nhà nguyện Sistina, từ ngữ đầu tiên Chúa đề xuất với chúng ta là "bước theo", là hành trình cùng với Ngài, và sau đó là xây dựng và tuyên xưng.
Hôm nay từ ngữ này cũng được lặp lại, nhưng giờ đây là một hành động, một hành động Chúa Giêsu đang thực hiện: "Ngài đang tiến bước... " . Đây là một điểm nổi bật trong các sách Phúc Âm: Chúa Giêsu thường xuyên vừa tiến bước vừa dạy dỗ các môn đệ trên đường đi. Điều này là rất quan trọng. Chúa Giêsu không đến để dạy một triết lý, một ý thức hệ ... mà là "một con đường", một cuộc hành trình được thực hiện với Ngài, và chúng ta học con đường này trong khi chúng ta tiến bước. Vâng, anh em thân mến, thật là niềm vui khi được cùng đi với Chúa Giêsu.
Nhưng điều này không dễ dàng, hay thoải mái, vì đường lối Chúa Giêsu chọn con là đường Thánh Giá. Khi đi đường cùng nhau, Ngài nói với các môn đệ những gì sẽ xảy ra tại Giêrusalem: Ngài báo trước cuộc thương khó, cái chết và sự Phục sinh của Ngài. Và họ “kinh hoàng” và “đầy sợ hãi”. Họ bị kinh hoàng, chắc chắn rồi, vì đối với họ lên Giêrusalem có nghĩa là chia sẻ vinh quang chiến thắng của Đấng Cứu Thế, trong cuộc khải hoàn của Ngài - chúng ta thấy rõ điều này trong yêu cầu của Thánh Giacôbê và Thánh Gioan. Nhưng họ cũng đầy sợ hãi vì những gì sắp xảy ra với Chúa Giêsu, và vì những gì bản thân họ có thể phải gánh chịu.
Không giống như các môn đệ những ngày đó, chúng ta biết Chúa Giêsu đã chiến thắng, và chúng ta không cần phải lo sợ Thánh Giá. Thật vậy, Thánh Giá là hy vọng của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta tất cả cũng đều là con người, những người tội lỗi, bị cám dỗ để nghĩ như loài người, không phải như Chúa.
Và một khi chúng ta chạy theo lối nghĩ của thế gian, những gì sẽ xảy ra? " Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan" (Mc 10:41 ). Họ phẫn nộ. Bất cứ khi nào một não trạng thế tục chiếm ưu thế, kết quả là sự cạnh tranh , ganh tị, và phe phái ...
Và vì thế, những lời Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay là bổ ích nhất. Nó thanh tẩy chúng ta tự thâm tâm, nó soi sáng lương tâm chúng ta và giúp chúng ta hiệp nhất hoàn toàn với Chúa Giêsu, và làm như thế cùng với nhau, tại thời điểm này khi Hồng Y Đoàn được mở rộng với sự gia nhập của các thành viên mới .
"Ðức Giêsu gọi các ông lại ... " (Mc 10:42) . Đây là hành động khác của Chúa Giêsu. Trên đường đi, Ngài nhận thức rằng cần phải nói chuyện với Nhóm Mười Hai, Ngài dừng họ lại và gọi họ đến với mình. Anh em, chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu gọi cho chúng ta đến với Ngài! Chúng ta hãy để Ngài "triệu tập". Và chúng ta hãy lắng nghe Ngài, với niềm vui xuất phát từ việc đón nhận Lời Ngài với nhau, để Lời Ngài và Thánh Thần giáo huấn chúng ta, và để trở nên một trái tim và linh hồn hơn bao giờ, khi quy tụ xung quanh Ngài.
Và khi chúng ta được "triệu tập", được gọi đến với Ngài bởi cùng một Thầy, tôi cũng sẽ nói với anh em về những điều Giáo Hội cần: Giáo Hội cần anh em, cần sự hợp tác của anh em, và hơn thế nữa là sự hiệp thông, hiệp thông với tôi và với chính anh em. Giáo Hội cần sự can đảm của anh em, để rao giảng Tin Mừng tại mọi thời điểm, cả lúc thuận lợi cũng như trong gian truân, để làm chứng cho sự thật. Giáo Hội cần lời cầu nguyện của anh em cho sự tiến bộ của đàn chiên Chúa Kitô, lời cầu nguyện đó, cùng với việc công bố Lời Chúa, là nhiệm vụ chính của các Giám mục Giáo Hội cần lòng từ bi của anh em, đặc biệt là vào thời điểm nhiều đau khổ và chịu đựng này của rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Chúng ta muốn bày tỏ sự gần gũi tinh thần với các cộng đồng Giáo Hội và với tất cả các Kitô hữu bị bách hại và phân biệt đối xử. Giáo Hội cần lời cầu nguyện của chúng ta cho họ, để họ được kiên vững trong đức tin và có thể đáp trả lại sự dữ bằng sự tốt lành. Và lời cầu nguyện của chúng ta cũng hướng đến mỗi người nam nữ đang phải đau khổ một cách bất công chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ
Giáo Hội cũng cần đến chúng ta như những nhà kiến tạo hòa bình, xây dựng hòa bình bằng lời nói, bằng hy vọng và bằng lời cầu nguyện: do đó, chúng ta hãy cầu khẩn hòa bình và hoà giải cho những dân tộc đang phải gánh chịu bạo lực và chiến tranh.
Cảm ơn anh em thân yêu. Chúng ta hãy cùng nhau bước theo Chúa, và chúng ta hãy luôn luôn để mình được gọi lại với Ngài, cùng với nhau, trong lòng dân tộc trung tín của Ngài, là Mẹ Hội Thánh của chúng ta.
2.Đức tin không đem lại hành động cụ thể thì không phải là đức tin
"Một đức tin không sinh hoa kết quả nơi các hành động thì không phải là đức tin." Đây là lời khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Sáu 21 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta trong thánh lễ đồng tế với các vị Hồng Y đang tham dự Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường. Ý chỉ trong thánh lễ này là mừng sinh nhật thứ 90 của Đức Hồng Y Silvano Piovanelli, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Florence. Đức Thánh Cha đã cảm ơn Đức Hồng Y Piovanelli vì "công việc của ngài, chứng tá và lòng nhân hậu của ngài."
Thế giới này đầy dẫy các Kitô hữu đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính, nhưng rất ít khi đưa những lời kinh này vào thực hành - và cũng có các học giả uyên bác giản lược thần học vào một loạt những lý thuyết gọn gàng ngăn nắp, trong khi loại bỏ triệt để bất kỳ ảnh hưởng nào của thần học trên cuộc sống thực. Đó là mối nguy hiểm mà Thánh Giacôbê lo sợ từ cả hai ngàn năm trước, và đó cũng là chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đưa ra với các tín hữu sau đọc bài đọc trích từ thư Thánh Giacôbê trong đó có những đoạn như: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? ...Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết...Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi.”
Đức Thánh Cha nói:
"Chúng ta cũng phạm sai lầm khi nói: ‘Nhưng tôi có rất nhiều niềm tin, và tôi tin tất cả mọi thứ, tất cả mọi thứ - nhưng người nói như thế lại có một cuộc sống thờ ơ, yếu ớt. Đức tin của người ấy là một thứ lý thuyết, không sống động trong cuộc đời. Thánh Tông Đồ Giacôbê khi nói về đức tin, đã nói chính xác về đạo lý, về những gì hình thành nội dung của đức tin. Một người dù có thể thuộc tất cả các điều răn, tất cả những lời tiên tri, tất cả các chân lý đức tin, nhưng nếu không đưa vào thực hành, thể hiện nơi hành động cụ thể thì chỉ là vô ích. Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể đọc Kinh Tin Kính, thậm chí ngay cả khi không có đức tin, và có rất nhiều người làm như vậy - ngay cả ma quỷ. Ma quỷ biết rất rõ những gì được đề cập trong Kinh Tin Kính và chúng biết đó là sự thật."
Những lời của Đức Thánh Cha vang vọng khẳng định của Thánh Giacôbê: "Anh chị em tin có một Thiên Chúa duy nhất phải không? Đúng lắm. Ma quỷ cũng tin, và run sợ".
Đức Thánh Cha nói thêm rằng sự khác biệt là ma quỷ không có “đức tin đích thực”, chúng chỉ có “kiến thức”. Đức tin chân thực có nghĩa là đón nhận thông điệp của Thiên Chúa từ Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha nói tiếp là Tin Mừng đã đề cập đến hai dấu chỉ rõ rệt của những người “biết điều gì đáng tin, nhưng lại không có đức tin” Dấu hiệu đầu tiên là xu hướng “luật sĩ” đại diện bởi những người hỏi Chúa Giêsu có nên nộp thuế cho Cêsarê hay không, và những kẻ thắc mắc về câu chuyện người phụ nữ góa chồng đã lần lượt kết hôn với bảy anh em. Dấu chỉ thứ hai là xem đức tin như một thứ “ý thức hệ”. Đó là những Kitô hữu xem đức tin như một hệ thống các ý tưởng có tính lý thuyết. Ngay vào thời của Chúa Giêsu cũng có những kẻ như thế. Thánh Tông Đồ Gioan nói họ là những phản Kitô, những kẻ uốn nắn đức tin theo những dấu ấn ý thức hệ mà họ đã từng theo đuổi. Vào thời điểm đó, có những kẻ theo phái Ngộ Đạo, nhưng sẽ luôn có và có rất nhiều những Kitô hữu rơi vào nhóm “luật sĩ” hay nhóm ý thức hệ, là những kẻ biết đến đạo lý Kitô, nhưng không có đức tin, y hệt như ma quỷ. Cái khác biệt là ma quỷ còn biết run sợ chứ các Kitô hữu này thì không, họ cứ tỉnh bơ sống an nhiên tự tại.
Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ đến những ví dụ trong các sách Tin Mừng về "những người không biết đạo lý, nhưng có rất nhiều niềm tin." Ngài đề cập đến câu chuyện của người phụ nữ xứ Canaan, đã làm Chúa xúc động trước đức tin của bà và Ngài đã chữa lành cho đứa con gái bị quỷ ám của bà; và người phụ nữ Samaria là người mở lòng ra bởi vì, "cô ấy đã không gặp gỡ với những chân lý trừu tượng", nhưng chính là gặp gỡ "Chúa Giêsu Kitô. " Sau đó, là người mù được Chúa Giêsu chữa lành đã phải đối diện với sự thẩm vấn dai dẳng của những người Biệt Phái và các luật sĩ cho đến khi ông quỳ xuống với sự khiêm nhường và tôn vinh người đã chữa lành cho ông. Ba người này cho thấy đức tin và chứng tá là không thể tách rời.
Đức tin là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, với Thiên Chúa, từ đó đức tin được sinh ra, và từ đó đưa ta đến với chứng tá. Đó chính là những gì thánh Tông Đồ Giacôbê muốn nói Đức tin không có hành động, một đức tin không lôi cuốn toàn con người ta, thì không phải là đức tin. Đó là những từ ngữ - và chỉ là những từ ngữ.
3.Chúa Giêsu là ai đối với chúng ta?
Trong thánh lễ sáng thứ Năm 20 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta với các Hồng Y đang tham dự Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường và đặc biệt với sự tham dự của nữ tu Candida Bellotti, người nữ tu già nhất thế giới được mời tham dự thánh lễ nhân ngày sinh nhật thứ 107 của bà, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài về bài Tin Mừng thuật lại tình cảnh bẽ bàng của thánh Phêrô.
Ðức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?" Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó". Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phêrô trả lời: "Thầy là Ðấng Kitô". Ðức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Ðức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: "Xatan ! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người". (Mc 8: 27-33).
Đức Thánh Cha nói:
"Trước câu hỏi vang lên từ con tim chúng ta: ‘Chúa Giêsu là ai đối với chúng ta?’, những điều chúng ta đã biết, những điều chúng ta đã học xem ra là chưa đủ. Học hỏi và hiểu biết là điều quan trọng, nhưng nó chưa đủ. Để biết Chúa Giêsu điều cần thiết là phải trải qua cuộc hành trình của Thánh Phêrô: sau chuyện bẽ bàng đó, Thánh Phêrô đã trưởng thành hơn với Chúa Giêsu, đã nhìn thấy những phép lạ Ngài làm, đã thấy quyền năng của Ngài. Rồi thánh nhân cũng nộp thuế như Chúa Giêsu đã truyền cho ngài là bắt một con cá, lấy ra một đồng xu để nộp thuế. Thánh nhân đã thấy nhiều phép lạ như thế. Tuy nhiên, tại một thời điểm nhất định, chính Phêrô lại đã chối Chúa, đã phản bội Thầy mình, và ngài học được bài học gay go nhất ấy - vượt xa mọi thông hiểu – bằng nước mắt, và than khóc."
"Câu hỏi đầu tiên dành cho Thánh Phêrô - ' Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?' chỉ có thể hiểu được sau một hành trình, một hành trình rất dài, hành trình của ân sủng và tội lỗi, hành trình của một môn đệ. Chúa Giêsu đã không nói với Phêrô và các Thánh Tông Đồ ‘Hãy biết Ta!’; nhưng Ngài nói: ‘Hãy theo Ta!’ Và việc theo Chúa Giêsu này làm cho chúng ta biết Ngài. Chúng ta theo Chúa Giêsu với sức mạnh của chúng ta, và cả với tội lỗi chúng ta, nhưng luôn luôn theo Chúa. Điều cần thiết không phải chỉ là học biết điều này điều nọ, nhưng là sống cuộc sống của một môn đệ Người. "
"Biết Chúa Giêsu là một ân sủng của Chúa Cha, chính Ngài là Đấng làm cho chúng ta biết Chúa Giêsu. Đó là một tác động của Chúa Thánh Thần, là một người thợ vĩ đại, không phải là một ‘đoàn viên công đoàn’ - Ngài là một người thợ tuyệt vời luôn làm việc trong chúng ta. Ngài giải thích những mầu nhiệm về Chúa Giêsu, và đem đến cho chúng ta nhận thức về Chúa Giêsu. Chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu, Thánh Phêrô, và các Thánh Tông Đồ, và chúng ta nghe vang vọng trong lòng mình câu hỏi ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Cũng như các Thánh Tông Đồ, chúng ta hãy xin cùng Chúa Cha ban cho chúng ta được biết Chúa Kitô từ Thánh Thần, Đấng sẽ giải thích cho ta mầu nhiệm này”
4.Kinh Truyền Tin
Thánh lễ kéo dài 1 tiếng rưỡi đồng hồ và kết thúc lúc 11 giờ rưỡi. Nửa tiếng sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Đức Giáo Hoàng ở lầu 3 trong dinh Tông tòa để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với 60 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, dưới bầu trời nắng đẹp.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhắc đến bài đọc thứ hai của Chúa Nhật 23 tháng Hai, trong đó thánh Phaolô nói đến tình trạng chia rẽ trong giáo đoàn Corinto (1 Cr 1,12..): họ họp thành những nhóm theo những nhà giảng thuyết khác nhau mà họ coi là thủ lãnh, Phaolo, Apollo, Cepha. Thánh Phaolô giải thích rằng cách suy tư như thế là sai lầm, vì cộng đoàn không thuộc về các tông đồ, nhưng các vị thuộc về cộng đoàn, nhưng toàn thể cộng đoàn thuộc về Chúa Kitô. Từ sự thuộc về ấy phát sinh điều này là trong các cộng đoàn Kitô - giáo phận, giáo xứ, hội đoàn, phong trào - các khác biệt không thể đi ngược sự kiện tất cả chúng ta có cùng phẩm giá nhờ bí tích rửa tội: tất cả đều là con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Những người đã nhận sứ vụ hướng dẫn, rao giảng, cử hành các bí tích, không được coi mình là những người sở hữu các quyền bính đặc biệt, nhưng phải đặt mình phục vụ cộng đoàn, giúp cộng đoàn tiến bước trên con đường nên thánh trong vui tươi. Hôm nay Giáo Hội ủy thác việc làm chứng tá về lối sống mục vụ ấy cho các Hồng Y mới mà tôi đã cử hành thánh lễ với các vị sáng nay. Ước gì công nghị Hồng Y hôm qua mang lại cho chúng ta cơ hội quí giá để cảm nghiệm đặc tính Công Giáo, hoàn vũ của Giáo Hội, được biểu lộ qua nguyên quán khác nhau của các thành viên Hồng Y đoàn, liên kết trong niềm hiệp thông chặt chẽ quanh người Kế Vị Thánh Phêrô. Và xin chúa ban cho chúng ta ơn được hoạt động cho sự hiệp nhất của Giáo Hội.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Ước gì những lúc cử hành phụng vụ và mừng lễ mà chúng ta đã được cơ hội trải qua trong hai ngày qua, củng cố nơi tất cả chúng ta niềm tin, tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của Chúa! Tôi cũng mời gọi anh chị em hãy nâng đỡ các vị mục tử ấy và trợ giúp các vị bằng lời cầu nguyện để các vị luôn nhiệt thành hướng dẫn dân được ủy thác cho các vị, tỏ cho tất cả mọi người thấy sự dịu dàng và tình thương của Chúa. Một Giám Mục, một Hồng Y, một Giáo Hoàng, cần lời cầu nguyện dường nào, để có thể giúp dân Chúa tiến bước. Tôi nói “giúp đỡ” có nghĩa là phục vụ Dân Chúa, vì ơn gọi của Giám Mục, của Hồng Y và của Giáo Hoàng chính là người phục vụ, phục vụ nhân dân Chúa Kitô. Anh chị em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi là những người đầy tớ tốt, chứ không phải là những ông chủ tốt! Tất cả các Giám Mục, linh mục, những người thánh hiến và giáo dân chúng ta phải cùng nhau làm chứng về một Giáo Hội trung thành với Chúa Kitô, được linh hoạt bằng ước muốn phục vụ anh em và với lòng can đảm như các ngôn sứ, sẵn sàng đáp ứng những mong đợi và đòi hỏi tinh thần của con người thời nay. Xin Mẹ Maria tháp tùng và bảo vệ chúng ta trong hành trình này.
5. Buổi triều chung sáng thứ Tư 26 tháng Hai
Trong buổi triều chung sáng thứ Tư 26 tháng Hai với hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã giảng giải về bí tích Xức dầu bệnh nhân.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến:
Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về các phép bí tích, giờ đây chúng ta hướng đến Bí tích Xức dầu bệnh nhân, là bí tích thể hiện sự hiện diện đầy lòng thương xót của Thiên Chúa với người bệnh, người đau khổ và người cao tuổi.
Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu nói lên mối quan tâm dịu dàng của Chúa chúng ta với những người đau khổ. Như người Samaritanô nhân hậu, và noi gương Chúa Kitô cũng như tuân theo giáo huấn của Ngài, Giáo Hội mang sự hiện diện chữa lành của Thiên Chúa đến cho những người đau khổ thông qua bí tích xức dầu bệnh nhân.
Như chúng ta đọc thấy từ Thư của Thánh Giacôbê Tông Đồ ( 5:14-15 ), Giáo Hội tiên khởi đã tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô đối với các bệnh nhân qua lời cầu nguyện và việc xức dầu được thực hiện bởi linh mục của mình.
Thông qua việc cử hành Bí tích Xức Dầu, Giáo Hội đồng hành với chúng ta khi chúng ta phải đối mặt với mầu nhiệm sâu xa của sự đau khổ và cái chết.
Trong nền văn hóa mà quá thường khi người ta tránh né đề cập đến những thực tại này, tất cả chúng ta cần nhận biết vẻ đẹp của Bí tích Xức Dầu và đánh giá cao, trong tình hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng củng cố chúng ta trong đức tin và hy vọng, và nhắc nhở chúng ta rằng không có gì - thậm chí sự dữ và cái chết - có thể tách chúng ta khỏi quyền năng cứu độ của tình yêu Ngài.
vietcatholic.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét