HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

THƯ ĐỨC HỒNG Y BỘ TRƯỞNG GIÁO SỸ GỬI CÁC CHỦNG SINH NHÂN NGÀY THÁNH HOÁ CÁC LINH MỤC



Thứ Sáu 7-6-2013, Lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là ngày Thánh Hóa các Linh Mục, do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thiết lập ngày 25-3 năm 1995. Trong thư gửi các Linh mục nhân ngày Thứ năm Tuần Thánh năm đó, ngài viết: “Dường như là điều thích hợp hơn bao giờ hết, đề nghị do Bộ giáo sĩ đưa ra về việc cử hành trong mỗi giáo phận một Ngày Thánh Hóa các linh mục, nhân dịp lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu”.
Lễ này do Đức Giáo Hoàng Piô 9 ấn định cho Giáo Hội hoàn vũ hồi năm 1856.
Nhân dịp Ngày Thánh Hóa các Linh mục năm nay, Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, đã công bố một thư gửi các chủng sinh trên thế giới, với nội dung như sau:

Các chủng sinh rất thân mến,

Với lễ trọng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, ngày Thánh Hóa các linh mục cũng được cử hành với đầy ý nghĩa, và vì các thầy ở trong chủng viện là để đáp lại ơn gọi một cách thích hợp tối đa, tôi thân ái gửi đến các thầy lá thư này để các thầy cảm thấy được can dự và được nhớ đến trong dịp ý nghĩa này.

Chúng ta cùng nhau suy niệm về thực tại nguyên thủy của ơn Chúa gọi. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh về tính chất cụ thể của tình yêu mà tất cả các linh mục của Chúa Kitô và của Giáo Hội phải thực hành. Trong bài giảng nhân dịp thánh lễ dầu đầu tiên ngài cử hành (28-3-2013), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Đây là điều tôi xin anh em: anh em hãy trở thành những mục tử “với mùi của đoàn chiên”. Qua hình ảnh súc tích này, Người Kế Nhiệm thánh Phêrô mời gọi chúng ta hãy có một tình yêu nồng nhiệt và cụ thể đối với Dân Chúa, tình yêu này, như chính ĐGH đã nhận xét, không được nuôi dưỡng bằng những động lực hoàn toàn phàm nhân, cũng chẳng được củng cố nhờ những kỹ năng tự kỷ ám thị. Chính cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa, sự luôn ý thức sinh động chúng ta được Ngài kêu gọi, mang lại sức mạnh thực sự trổi vượt, siêu nhiên, để trở thành Linh Mục theo hình ảnh Vị Mục Tử nhân lành của mọi người, là Chúa Giêsu Kitô. Nhưng để được như thế trong tương lai, ngay từ bây giờ các thầy phải chuẩn bị. Với những lời rất rõ ràng, ĐGH Phanxicô nhắc nhở về chỗ đứng tối thượng của ơn thánh trong đời sống linh mục: “Không phải nhờ tự cảm nghiệm, hoặc nhờ liên tục nhìn vào nội tâm mà chúng ta gặp gỡ Chúa: các khóa học về cách tự giúp đỡ mình trong cuộc sống có thể là hữu ích, nhưng sống đời sống linh mục của chúng ta bằng cách đi từ khóa học này đến khóa học khác, từ phương pháp này sang phương pháp khác, sẽ thúc đẩy linh mục trở thành những người chỉ cậy trông vào sức riêng và coi nhẹ sức mạnh của ơn thánh” (Ibidem).

Đối với người môn đệ, đồng hành với Chúa Kitô, bước đi trong ơn thánh, có nghĩa là mang trên vai gánh nặng của thánh giá Linh Mục với một niềm vui thiêng liêng. Chúng ta hãy nghe tiếp giáo huấn của Đức Thánh Cha về vấn đề này. Ngài viết: “Khi chúng ta tiến bước mà không có thánh giá, khi chúng ta xây dựng mà không có thánh giá, và khi chúng ta tuyên xưng một Đức Kitô không có thánh giá, thì chúng ta không phải là môn đệ của Chúa, chúng ta là người của thế gian” (Bài giảng Thánh lễ với các Hồng Y ngày 14-3-2013). Trái lại, sống sứ vụ của chúng ta như một sự phục vụ Chúa Kitô của thập giá, làm cho chúng ta không coi Giáo Hội như một tổ chức phàm nhân, “một tổ chức phi chính phủ (ONG) có màu sắc tôn giáo, chứ không phải là Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa” (Ibidem).

“Dưới ánh sáng những giáo huấn đầu tiên của ĐGH Phanxicô, tôi mời gọi các thầy hãy coi cuộc sống của mình như một hồng ân của Thiên Chúa, và đồng thời, như một nghĩa vụ được ủy thác cho các thầy, không phải như do con người mà thôi, nhưng xét cho cùng -qua sự trung gian cần thiết của Giáo Hội,- sự ủy nhiệm ấy là do chính Chúa, Đấng đã có một chương trình cho đời sống của các thầy và đời sống của những anh chị em mà các thầy sẽ được kêu gọi phục vụ”.

“Cần đọc lại toàn thể cuộc sống chúng ta như một ơn gọi của Chúa, chứ không phải chỉ là một sự quảng đại đáp trả của con người. Vấn đề ở đây là vun trồng nơi chúng ta sự “nhạy cảm về ơn gọi”, giải thích cuộc sống như một cuộc đối thoại liên tục với Chúa Giêsu, Đấng phục sinh và hằng sống. Trong mọi thời đại, Chúa Kitô đã và đang kêu gọi một số người theo sát Ngài, cho họ tham gia vào chức Linh Mục của Ngài – điều này ngụ ý rằng, trong mỗi thời đại của lịch sử Giáo Hội, Chúa đã dệt lên một cuộc đối thoại ơn gọi với các tín hữu mà Chúa chọn, để họ trở thành những đại diện của Ngài giữa lòng Dân Chúa, và là những người trung gian giữa Trời và đất, đặc biệt là qua việc cử hành phụng vụ và bí tích. Thực vậy, chúng ta có thể nói, phụng vụ mở rộng cho chúng ta Trời trên trái đất này”.

“Trong viễn tượng đó, các thầy được kêu gọi, qua việc truyền chức, mà không có công trạng gì từ phía ta,- để trở thành những người trung gian giữa Thiên Chúa và dân, và làm cho cuộc gặp gỡ cứu độ có thể diễn ra nhờ việc cử hành các mầu nhiệm của Chúa. Mặc dù có những giới hạn, các thầy đã quảng đại và vui mừng đáp lại tiếng gọi ấy. Điều cần là các thày luôn giữ cho tâm hồn trẻ trung của các thầy được luôn sinh động: một con tim trẻ trung, dù 70, 80 tuổi! Trái tim trẻ trung! Với Chúa Kitô, trái tim không bao giờ già nua” (ĐGH Phanxicô, bài giảng Chúa nhật lễ lá, 24-3-2013, n.3).

“Sự trẻ trung của tinh thần linh mục, kiên trì trong ơn gọi, được bảo đảm nhờ kinh nguyện, nghĩa là nhờ thái độ liên tục giữ thinh lặng nội tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắng nghe lời Chúa hằng ngày. Sự cởi mở liên tục của tâm hồn như thế, dĩ nhiên diễn ra trong một sự ổn định, – sau khi đã đi tới những quyết định nền tảng của cuộc sống – có khả năng trung thành cho đến chết, với những lời cam kết long trọng, nhờ ơn Chúa. Tuy nhiên, sự vững chắc cần thiết như thế không có nghĩa là khép kín con tim đối với những tiếng gọi của Chúa, vì mặc dù luôn củng cố chúng ta mỗi ngày trong ơn gọi cơ bản, Chúa luôn đứng ở cửa tâm hồn chúng ta và gõ (Xc Kh 3,20), chờ đợi chúng ta mở cửa cho Ngài với cùng một lòng quảng đại như khi chúng ta thưa “xin vâng” lần đầu tiên với Ngài, noi gương thái độ luôn sẵn sàng của Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa (Xc Lc 1,38). Vì thế, không bao giờ chúng ta có thể đặt ra những giới hạn cho kế hoạch mà Thiên Chúa đề xướng và được thông báo cho chúng ta, ngày qua ngày, suốt trong cuộc đời chúng ta.

“Sự cởi mở đối với ơn gọi như thế cũng là con đường chắc chắn nhất để sống niềm vui Tin Mừng. Thực vậy, chính Chúa làm cho chúng ta được hạnh phúc thực sự. Niềm vui của chúng ta không phát xuất từ sự thỏa mãn phàm tục, làm cho ta hân hoan một lúc ngắn ngủi và tan biến mất, như thánh Ignatio Loyola đã nhận xét trong sự phân định đầu tiên của Ngài (Xc Phụng vụ các Giờ Kinh, Giờ độc vụ ngày 31-7, Bài đọc 2). Niềm vui của chúng ta là Chúa Kitô! Trong cuộc đối thoại hằng ngày với Chúa, tinh thần được sảng khoái và đà tiến cũng như lòng nhiệt thành đối với các linh hồn liên được đổi mới.

“Chiều kích cầu nguyện này của ơn gọi linh mục nhắc nhở chúng ta những khía cạnh khác có tầm quan trọng đặc biệt. Trước kiên là sự kiện chúng ta có được những ơn gọi, cốt yếu không phải nhờ một chiến lược mục vụ, nhưng nhất là bằng việc cầu nguyện. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Các con hãy xin chủ mùa gặt sai nhiều thợ đến làm việc trong mùa gặt của Ngài” (Lc 10,2). Khi bình luận những lời này, ĐGH Biển Đức 16 nhận xét rằng: “Chúng ta không thể ‘sản xuất’ ơn gọi, ơn gọi phải đến từ Thiên Chúa. Chúng ta không thể làm như trong các nghề nghiệp khác, nhờ sự tuyên truyền quảng cáo nhắm đúng đích, nhờ các chiến lược thích hợp, tuyển mộ được nhiều người. Ơn gọi, xuất phát từ con tim của Thiên Chúa, phải luôn tìm được con đường dẫn đến tâm hồn con người” (Cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ miền Baviera, 14-9-2006).

Hỡi các chủng sinh quí mến,

Các thầy được Chúa kêu gọi, nhưng có nhiều người rải rác trên thế giới đã và đang cộng tác vào câu trả lời của các thầy qua lời cầu nguyện và hy sinh của họ. Các thầy hãy có tâm hồn biết ơn và hiệp với những người ấy để tạo điều kiện dễ dàng cho việc đáp lại ơn gọi. Tiếp đến, cùng với vị thế tối thượng của việc cầu nguyện, cũng có hoạt động lành mạnh và hăng say do công việc mục vụ ơn gọi từ phía Giáo Hội, trong tư cách là máng chuyển ơn thánh Chúa. Về sự cộng tác này của Giáo Hội với việc Chúa ban các vị mục tử cho Dân Chúa và Nhiệm Thể Chúa Kitô, cũng nên nhắc lại vắn tắt ở đây vài khía cạnh phải làm nổi bật sự cộng tác ấy, nghĩa là lòng quí chuộng đối với ơn gọi linh mục, cuộc sống chứng tá của các linh mục, hoạt động chuyên biệt của các nhà đào tạo trong các chủng viện.

Điều cần thiết trước tiên là trong Giáo Hội phải có sự quí chuộng ơn gọi Linh Mục, xét vì sự kiện Cộng đồng các môn đệ của Chúa Kitô không thể hiện hữu nếu không có công tác phục vụ của các thừa tác viên thánh chức. Vì thế, cần phải chăm sóc, lưu tâm và tôn trọng chức linh mục. Thứ đến, các ơn gọi được nâng đỡ rất nhiều nhờ tấm gương và sự chăm sóc mà các LM dành cho ơn gọi. Một linh mục gương mẫu không thể không gợi lên nơi tâm trí các bạn trẻ câu hỏi: phải chăng tôi cũng được kêu gọi sống một cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc như thế? Chính qua cách thức đó các linh mục là những máng qua đó Thiên Chúa, làm cho tiếng gọi của Chúa tái vang dội trong tâm hồn của những người mà Ngài đã chọn! Rồi các Linh mục hãy chăm sóc những mầm mống ơn gọi qua bí tích giải tội, linh hướng, giảng thuyết và linh hoạt mục vụ. Tôi nghĩ rằng nhiều người trong các thầy đã chứng kiến và được hưởng những điều ấy.

“Ngoài ra tôi muốn nói một lời về vai trò quan trọng của các linh mục mà các GM ủy thác việc huấn luyện các thầy. Các nhà đào tạo trong chủng viện được kêu gọi tiếp tục và đào sâu việc chăm sóc các ơn gọi linh mục, trong khi cung cấp tất cả những trợ giúp thích hợp cho sự phân định bản thân cần thiết của mỗi ứng sinh. Về điểm này, cần nhắc lại hai nguyên tắc phải hướng dẫn việc thẩm định ơn gọi: đó là sự đón tiếp nồng nhiệt và sự nghiêm khắc đúng đắn. Trong khi cần phải tránh mọi thành kiến, cũng như mọi thái độ ngặt nghèo khi đón nhận các chủng sinh, một điều rất quan trọng là cẩn thận tránh thái độ cẩu thả và lơ là trong phán đoán. Chắc chắn Giáo Hội cần các linh mục, nhưng không phải bất kỳ loại linh mục nào! Vì thế tình thương đón nhận phải đi kèm sự thật phán đoán một cách rõ ràng để xem nơi ứng sinh có những dấu hiệu ơn gọi và những yếu tố nhân bản cần thiết để có câu trả lời đáng tin cậy hay không. Nhu cầu mục vụ cấp thiết của các Giáo Hội địa phương không thể đưa tới sự vội vã trong việc truyền chức thánh. Khi có hồ nghi, thì tốt hơn nên dành thời giờ cần thiết và lượng định thích hợp, và loại trừ những ứng sinh không có những bảo đảm đầy đủ.

“Các chủng sinh rất thân mến, với những chỉ dẫn vắn tắt trên đây, tôi muốn tái lưu ý về hồng ân vô biên và mầu nhiệm, hoàn toàn nhưng không của ơn gọi đặc biệt của chúng ta. Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của Mẹ Maria chí thánh và thánh Giuse hồng ân trung thành và bền đỗ trong ơn gọi của Chúa, mà Ngài rộng ban cho chúng ta và tìm cách đáp lại lòng quảng đại của Chúa, Đấng luôn gửi các mục tử đến chăm sóc đoàn chiên của Ngài, với đà tiến tông đồ được đổi mới. Các thầy hãy kiên trì, luôn nhớ rằng danh xưng của tình yêu trong thời gian là “lòng trung thành”.

Tôi nhớ đến các thày mỗi ngày trong kinh nguyện với lòng quan tâm và quí mến, và tôi thành tâm khẩn cầu phúc lành của Chúa trên các thầy.

Hồng Y Mauro Piacenza
Tổng trưởng Bộ giáo sĩ

G. Trần Đức Anh O.P chuyển ý (R.Vatiacan)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons