Được bầu làm giáo hoàng khi đã bước vào tuổi 78, Đức Bênêđictô XVI đã tâm sự với những người thân cận rằng, do tuổi tác và sức khỏe, có lẽ ngài không thể theo gương Đức Gioan Phaolô II trong những chuyến thăm mục vụ khắp thế giới. Thế nhưng ngài mau chóng nhận ra rằng cách tốt nhất để vươn tới mọi người là đi đến với họ, vì thế ngài đã cố gắng thực hiện, trước hết là có mặt tại Đại hội Giới Trẻ thế giới được tổ chức tại Đức, chỉ vài tháng sau khi ngài làm giáo hoàng. Trong 5 năm đầu của triều đại giáo hoàng, ngài đã đi đến 5 châu lục, 14 quốc gia, qua quãng đường 60.000 kilômét. Ngài hiểu được sức mạnh của báo chí và truyền thông, và biết rằng nếu ngài đi đến với những người nghèo ở châu Phi thì giới truyền thông cũng đi theo. Qua họ, cả thế giới sẽ nhìn thấy tình trạng nghèo khổ ở đó và hố phân cách giàu nghèo trên trái đất này, để ý thức hơn và góp phần thay đổi.
Ngay từ khi lãnh nhận sứ vụ Thánh Phêrô, Đức Bênêđictô XVI đã bày tỏ mối quan tâm đặc biệt về vấn đề đại kết. Trong Thánh Lễ đầu tiên với tư cách Giáo hoàng, cử hành tại Nhà nguyện Sistine, ngày 20-4-2005, ngài đã khẳng định đại kết là mối quan tâm hàng đầu, và ngài sẵn lòng “làm việc không mệt mỏi nhằm tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình giữa các tín hữu Chúa Kitô”. Những tiến triển sau đó trong mối liên hệ của Tòa Thánh Rôma với Giáo hội Chính Thống, Luther, Anh giáo… cần được nhìn trong viễn tượng này.
Đức Bênêđictô XVI cũng là vị giáo hoàng của Công đồng Vaticanô II. Ngài đã có mặt tại Công đồng ngay từ đầu. Khi đó, Joseph Ratzinger còn là một linh mục trẻ 35 tuổi nhưng đã là một giáo sư thần học có tiếng tăm, được Đức hồng y Jospeh Frings của Köln chọn làm cố vấn thần học, sau đó được chọn làm chuyên viên của Công đồng. 50 năm sau, khi đã là giáo hoàng và đưa ra quyết định từ nhiệm, một trong những bài thuyết trình cuối cùng của ngài là bài nói chuyện với hàng giáo sĩ Rôma, và đề tài là về Công đồng Vaticanô II, khởi đi từ những kinh nghiệm và suy tư cá nhân của ngài. Nhắc lại những sự kiện trên để thấy Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng gắn bó với Công đồng, và điều ngài thường xuyên nhấn mạnh khi nói đến các văn kiện của Công đồng là là tính liên tục. Vaticanô II không phải là sự đoạn tuyệt với quá khứ nhưng là sự tiếp nối dòng chảy miên man của đức tin Kitô giáo trong đời sống Giáo hội. Những cải tổ phụng vụ, suy tư thần học, hoặc canh tân mục vụ cần được thực hiện trong tầm nhìn này; nếu không, không thể giải thích và áp dụng cách đúng đắn tinh thần của Công đồng.
Đức Bênêđictô XVI cũng làm nổi bật vai trò giáo huấn của Tòa Thánh Phêrô. Là một học giả và giáo sư lỗi lạc, ngài tiếp tục công việc này đặc biệt qua những bài dạy giáo lý hằng tuần và những bài giảng, những diễn văn sâu sắc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ngài còn dành thời giờ nghỉ ngơi thư giãn tại Castel Gandolfo để hoàn tất tác phẩm đồ sộ Đức Giêsu thành Nazareth. Cách riêng, ngài đã lưu lại cho Giáo hội 3 thông điệp quan trọng.
Thông điệp đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI là Deus caritas est, tóm kết giáo huấn của ngài về tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là nền tảng cho đời sống và dẫn đến những câu hỏi quan trọng của đức tin: Thiên Chúa là ai? Chúng ta là ai? Vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, nên yêu thương không chỉ đơn thuần là điều răn phải giữ, nhưng là sự đáp lại của chúng ta trước tình yêu của Chúa. Tình yêu ấy bao gồm toàn bộ đời sống con người. Trong tình yêu, phải biết cho đi và cũng biết đón nhận. Khi người Kitô hữu sống thân tình với Chúa, họ học nhìn người khác bằng cặp mắt của Chúa: “Nhìn bằng cặp mắt của Chúa Giêsu, tôi có thể trao tặng người khác những gì lớn lao hơn những nhu cầu bên ngoài, tôi có thể trao cho họ cái nhìn yêu thương mà họ khao khát”.
Thông điệp Spe salvi về niềm hi vọng Kitô giáo trình bày Chúa Giêsu như cội nguồn hi vọng mà nhân loại đang khao khát. Đức Thánh Cha nhận định rằng không có phương thế nhân loại nào có thể sửa lại những sai lầm khủng khiếp trong lịch sử nhân loại, như việc tàn sát người Do Thái, những tai họa trong thiên nhiên, chiến tranh và khủng bố. Không có phương thế nhân loại nào có thể mang lại sự công bằng trọn vẹn: “Không ai và không điều gì có thể trả lời cho những thế kỷ của khổ đau”. Chỉ nơi Chúa Giêsu mới có sự phục sinh thân xác, mới có công bằng trọn vẹn, và mọi giọt lệ mới được lau đi.
Caritas in veritate là thông điệp xã hội, cố gắng vượt lên trên sự tương phản người ta thường nêu lên giữa công bằng và bác ái, linh đạo và phát triển, đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội, mối quan tâm của những nước giàu và nhu cầu của những nước nghèo. Đức Thánh Cha nhắc nhớ chúng ta rằng những đòi hỏi của tình yêu mang cả hai chiều kích cá nhân và xã hội. Tình yêu phải được áp dụng cho những quan hệ ở tầm vi mô (với bạn bè, với gia đình, trong nhóm nhỏ), cũng như những quan hệ ở tầm vĩ mô (xã hội, kinh tế, chính trị). Ngài phê phán thứ kinh tế thị trường mà thiếu công bằng, hỗ trợ việc giúp đỡ các nước nghèo, kêu gọi thiết lập những cấu trúc quốc tế để giải quyết tình trạng đói nghèo trên thế giới. Ngài kêu gọi tôn trọng môi sinh vì chúng ta cư xử với thiên nhiên thế nào thì thiên nhiên cũng ứng xử với chúng ta như thế. Cũng vậy, không tôn trọng quyền sống của tha nhân sẽ làm suy yếu lương tâm của xã hội, dẫn đến những hậu quả khó lường.
Chắc chắn những thông điệp này là những di sản tinh thần quý giá mà các tín hữu công giáo cần đón nhận và tiếp tục đào sâu trong suy tưởng cũng như ứng dụng trong thực hành.
(còn tiếp)
WHĐ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét