HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

GIÁO HỘI CẦN KHIÊM NHƯỜNG, TÔN TRỌNG VÀ THINH LẶNG


Tôi đang ở Mỹ, quốc gia có một trong những đặc điểm tôn giáo phát triển nhanh nhất là "Công giáo đã thuộc về quá khứ" và trong vài năm qua số người tự nhận là không theo tôn giáo nào cả đứng đầu trong tốp 5. Tất nhiên trong đó có nhiều người từng theo Công giáo.

Do tình trạng "rời bỏ" Giáo hội hàng loạt như vậy, trước đó và song song là trong các Giáo hội châu Âu và Úc, các giáo xứ và giáo phận ở Mỹ đang xây dựng các chương trình mời gọi giáo dân trở về với Giáo hội.

Tôi đi ngang qua một nhà thờ ở San Francisco thấy có treo một băng rôn tả tơi trên hàng rào sắt màu đen có nội dung như thế. Thượng Hội đồng giám mục vừa bế mạc mới đây tại Rôma bàn về "Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo", chú ý nhiều đến những nỗ lực này.

Trong khi các Giáo hội tại châu Á chưa gặp cảnh bỏ đạo hàng loạt, nhưng ngày càng có nhiều cộng đoàn trông buồn thảm vì người trẻ có thái độ thụ động không muốn tham gia. Cho dù dần dần hay nhanh chóng, thì cảnh u ám mà chúng ta chứng kiến ở Tây phương cũng có thể sẽ xảy ra tại châu Á.

Do đó, những nỗ lực thu hút giáo dân trở về với Giáo hội ở châu Mỹ và các nơi khác có cho chúng ta một mô hình có thể áp dụng ở châu Á trước khi tình hình đến mức khủng hoảng không?

Trái lại, các Giáo hội Á châu có thể đóng vai trò cung cấp một mô hình khác cho phương Tây, một mô hình tiêu biểu qua lời Tân Hồng y Luis Antonio Tagle của Manila kêu gọi tại thượng hội đồng xây dựng một Giáo hội khiêm nhường, tôn trọng tha nhân và thinh lặng.

Ba đức tính này có thể mang lại hiệu quả cho các Giáo hội Á châu của chúng ta và các Giáo hội ở những nơi khác như thế nào?

Nếu một công ty sản xuất kem đánh răng nhận thấy mặc dù đã quảng cáo đủ mọi cách mà khách hàng vẫn vứt bỏ bàn chải đánh răng, công ty đó sẽ nỗ lực hết mình để tìm hiểu khách hàng cần và muốn thứ gì, đặt câu hỏi tại sao họ không còn quan tâm đến sản phẩm của mình nữa và thậm chí còn từ chối toàn bộ ý tưởng đằng sau đó.

Tất nhiên, "sản phẩm" của Giáo hội là Đức Giêsu Kitô nhưng quảng cáo là cách làm riêng của chúng ta và rõ ràng là không có hiệu quả vào lúc này. Thật ra nó đang xua đuổi "khách hàng".

Các biểu ngữ mời gọi người ta trở về với Giáo hội lại thể hiện sự kiêu ngạo. Nó ám chỉ những người đi ngang qua là những người lầm đường lạc lối cần phải trở về với cộng đoàn là nẻo chính đường ngay.

Thay vì thế, Giáo hội phải bắt đầu bằng cách mời gọi những người này giúp đỡ mình. "Tại sao anh bỏ đi?" "Anh bỏ đi do chúng tôi có lỗi ở chỗ nào?" "Chúng tôi có thể đã làm sai điều gì chăng?" "Chúng tôi có thể đã diễn đạt thông điệp của mình không tốt, lừa dối hay chuyển tải kém cỏi chăng?" "Chúng tôi có cần xin lỗi về điều gì không?" "Anh đang tìm kiếm điều gì?" "Chúng tôi có thể cùng anh tìm kiếm điều đó không?" "Có thể anh đang tìm cách trở lại nhưng sợ không được đón nhận phải không?"

Đó là đức tính khiêm nhường và mặc dù phụng vụ các ngày lễ Giáng sinh và Thứ Sáu Tuần Thánh nhấn mạnh đến đức tính này, nhưng Giáo hội Công giáo chưa hề nổi tiếng về đức tính này dù có những cá nhân Công giáo nổi tiếng khiêm tốn.

Đức Tổng giám mục Tagle rồi sẽ sớm trở thành "hồng y". Nhưng nếu không có đức khiêm nhường, sự phục hưng của Giáo hội ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng đều bất khả. Chúng ta phải thừa nhận sự thất bại hay ít ra là không thỏa đáng này, và không chỉ bằng lời nói suông mà phải thành thật hối lỗi và ăn năn.

Sau khi đặt ra những câu hỏi khiêm tốn, chúng ta phải thật sự lắng nghe câu trả lời. Có thể chúng ta không thích. Có thể chúng ta không nghĩ nó giải quyết được các vấn đề cơ bản hay thậm chí nó “nhàm chán”. Có thể chúng ta không đồng ý là họ đúng, nhưng chúng ta phải tôn trọng những người đã rời bỏ chúng ta và nhận ra rằng họ có điều gì đó dạy chúng ta không chỉ qua lý do họ bỏ đi, mà còn qua những kinh nghiệm họ có được "ở bên ngoài".

Cái cám dỗ khi chúng ta nghe những lời chỉ trích là phản ứng lại ngay cho dù chỉ trích đó nói về bản thân chúng ta hay về một ý tưởng hay tổ chức mà chúng ta ủng hộ. Điều này cũng đúng khi chúng ta gặp phải nỗi đau hay bối rối của người khác.

Tuy nhiên, phản ứng tốt nhất trước những chuyện đau lòng mà chúng ta nghe được trong khi tôn trọng lắng nghe người khác là thinh lặng. Thinh lặng là thừa nhận chúng ta không có câu trả lời hời hợt nhanh chóng cho những vấn đề khó khăn, và hoàn cảnh phải thinh lặng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không cần những câu trả lời đó.

Điều đó còn nói lên chúng ta để tâm đến những điều chúng ta biết, đưa nó vào trong suy niệm và lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta đoàn kết với những người tìm kiếm giải pháp. Thinh lặng giúp chúng ta trở về với đức khiêm nhường. Như Đức cha Tagle nói: "Giáo hội phải khám phá sức mạnh của sự thinh lặng".

Nếu tất cả chúng ta trong các Giáo hội Á châu, đặc biệt là những người có vai trò lãnh đạo, có thể học được giá trị của đức khiêm nhường, tôn trọng và thinh lặng và thực hành các đức tính này, chúng ta có thể có cái quý báu để tặng các Giáo hội phương Tây vốn dường như đang theo đuổi một hy vọng hão huyền rằng biểu ngữ và các chương trình mời gọi, cổ vũ và thuyết giảng sẽ đưa người lầm đường lạc lối trở về.

Linh mục William Grimm là thừa sai dòng Maryknoll và phụ trách xuất bản chương trình của ucanews.com
http://vietnam.ucanews.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons